Wednesday, 2 March 2022

Ông Pompeo thăm Đài Loan

 4 ý nghĩa lớn trong chuyến thăm Đài Loan của ông Pompeo
Vương Hữu Quần 


Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ thăm Đài Loan từ ngày 2/3 đến 5/3. Vào thời điểm lịch sử khi Ukraine đang bị quân đội Nga tấn công và người dân Ukraine đang ra sức chống lại sự xâm lược của quân đội Nga, với tư cách là một cựu chính trị gia người Mỹ luôn ủng hộ tự do và dân chủ của Đài Loan, chuyến đi của ông Pompeo tới Đài Loan có ý nghĩa đặc biệt.

"Sưởi ấm" cho Đài Loan
Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ bỏ cam kết 50 năm thực hiện "một quốc gia, hai hệ thống" ở Hồng Kông trong Tuyên bố chung Trung-Anh và biến "một quốc gia, hai chế độ" của Hồng Kông thành "chế độ độc tài một đảng", chế độ chủ nghĩa tư bản của Đài Loan cũng đã trở thành mục tiêu phá hủy tiếp theo của ĐCSTQ.

Kể từ ngày 12/6/2019, ĐCSTQ tiếp tục leo thang trấn áp bạo lực phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ ở Hồng Kông. Từ ngày 1/7/2020, ĐCSTQ đã cưỡng chế thực thi "Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông" tại Hương Cảng. Sự tác động bởi hai sự kiện này đã khiến cho "người Hồng Kông cai trị Hồng Kông và mức độ tự trị cao" trở nên vô ích, và Hồng Kông đã trở thành một thành phố mà "quyền lực của cảnh sát là cao nhất".

Hòn ngọc Phương Đông, nơi từng rực rỡ và thu hút khách từ khắp nơi trên thế giới, hiện nay trở nên ảm đạm; hàng loạt người Hồng Kông buộc phải sống tha hương ở nước ngoài.


Sau khi ĐCSTQ "chiếm" Hồng Kông, Đài Loan đã trở thành tiền tuyến để ĐCSTQ thể hiện sức mạnh của mình. Khi đại dịch năm 2020 lan rộng khắp Trung Quốc Đại Lục và trên toàn thế giới, các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan đã đạt quy mô chưa từng có. Việc máy bay quân sự và tàu chiến của ĐCSTQ quấy rối Đài Loan đã trở thành trạng thái bình thường. ĐCSTQ đang gây áp lực cực độ lên Đài Loan từ nhiều khía cạnh khác nhau như quân sự, kinh tế và ngoại giao.

Vào ngày 16/10 năm ngoái, ông Pompeo đã nói tại một sự kiện được tổ chức bởi tổ chức Hong Kong Beacon of Freedom (HKFB): "Tôi đã rơi rất nhiều nước mắt vì những gì đã xảy ra ở Hồng Kông, tại sao tôi phải nhìn những người đó chấp nhận rủi ro lớn để xuống đường biểu tình, bị quân cảnh của ĐCSTQ đánh không kịp trở tay?"

Nói về Đài Loan từ Hồng Kông, ông Pompeo nói rằng Đài Loan là một nền dân chủ năng động với sức sáng tạo kinh tế to lớn. Ông cầu nguyện rằng các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác nhau sẽ biết rằng việc hỗ trợ người dân Đài Loan "là một nghĩa vụ đạo đức và là một lời kêu gọi làm rõ cho thế giới, đây là kèn hiệu cho thế giới. Chúng tôi không thể để người dân Đài Loan đi theo con đường khổ nạn mà người dân Hồng Kông đang phải gánh chịu."

Bài phát biểu "Đừng để Đài Loan theo bước chân Hồng Kông" của ông Pompeo thể hiện nguyện vọng chung của tất cả những người có lương tri trong thế giới tự do, đứng đầu là Mỹ.

Đài Loan là ngọn hải đăng của tự do và dân chủ trong thế giới người Hoa. 23 triệu người Đài Loan đã được hưởng "tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do khỏi sợ hãi và tự do khỏi thiếu thốn."

"Bốn quyền tự do" này đã được Mao Trạch Đông hứa với cộng đồng quốc tế trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Reuters ngày 27/9/1945. Cho đến nay, ĐCSTQ đã nắm quyền 73 năm, không những không thực hiện lời hứa mà còn tước đoạt "4 tự do lớn này" của hơn 1 tỷ người dân Trung Quốc Đại Lục.

Trong năm đại dịch năm 2020, dưới áp lực toàn diện của ĐCSTQ, Đài Loan đã tạo ra một kỳ tích về dân chủ (tổ chức thành công 4 cuộc bỏ phiếu dân chủ – bầu cử tổng thống, bầu cử lập pháp, bỏ phiếu bãi nhiệm Thị trưởng Cao Hùng Hàn Quốc Du, và bỏ phiếu bầu cử Thị trưởng Cao Hùng Trần Kỳ Mại, kỳ tích tăng trưởng kinh tế (đứng đầu trong "4 con hổ châu Á"), và kỳ tích phòng chống dịch bệnh (trở thành hình mẫu phòng chống dịch bệnh trên thế giới).

Nếu không có việc ĐCSTQ quấy rối đảo Đài Loan, thì Đài Loan – hòn đảo quý, có thể là một "thế ngoại đào viên" (thiên đường) hiếm có trên thế giới ngày nay.

Trong bối cảnh các thế lực tà ác nhất trong ĐCSTQ tiếp tục xúi giục tấn công Đài Loan và Đài Loan đang phải đối mặt với sức ép chưa từng có, chuyến thăm Đài Loan của ông Pompeo quả thực giống như "sưởi ấm" cho Đài Loan.

Biểu thị sự cứng rắn đối với ĐCSTQ : Nếu bình chọn người Mỹ mà ĐCSTQ ghét nhất, thì ông Pompeo có lẽ sẽ là số một.

Vào ngày 25/8/2020, tờ "Nhân dân Nhật báo" của ĐCSTQ đã đăng một bài viết dài hơn 30.000 từ, công kích và chửi đổng Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là ông Pompeo. Bài viết sử dụng nhiều từ ngữ hằn học, chẳng hạn như "đầy dối trá" "tấn công ác ý", "lừa gạt dân chúng", "lừa dối thế giới" v.v.

Vào ngày 21/1/2021, sau khi ông Pompeo rời nhiệm sở và trở thành công dân bình thường, ĐCSTQ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với ông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV),... cũng dùng nhiều lời thô tục để mắng chửi Pompeo. Để không làm phật lòng người đọc, tôi sẽ không trích dẫn lại ở đây.

Tại sao ĐCSTQ lại ghét ông Pompeo đến vậy?

Lý do rất đơn giản: Ông Pompeo là một trong những người Mỹ hiểu rõ về Trung Quốc nhất. Nhiều nhận xét của ông Pompeo về ĐCSTQ đã trực tiếp đánh vào chỗ yếu của ĐCSTQ, chẳng hạn như:

Về lịch sử của ĐCSTQ, ông Pompeo nói rằng ĐCSTQ là đảng giết người nhiều nhất trên thế giới; về mối quan hệ giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc, ông Pompeo nói rằng ĐCSTQ không đại diện cho 1,4 tỷ người dân Trung Quốc; về mối quan hệ giữa ĐCSTQ và Mỹ, ông Pompeo nói rằng ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ; về mối quan hệ giữa ĐCSTQ và thế giới, ông Pompeo nói rằng ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất đối với tự do của nhân loại; về vấn đề làm thế nào để giao thiệp với ĐCSTQ, đối sách mà ông Pompeo đề xuất là "không tin và sau đó xác minh". (Đầu tiên hãy nghi ngờ những gì ĐCSTQ đã nói, sau đó xác minh từng cái một).

Chỉ vì ông Pompeo là một trong những người Mỹ hiểu rõ về ĐCSTQ nhất, nên ông cũng đã trở thành một trong những người Mỹ cứng rắn nhất với ĐCSTQ.

Trong nhiệm kỳ Ngoại trưởng của ông Pompeo, quan hệ Mỹ – Đài Loan đã được cải thiện toàn diện, liên tục và ổn định, đạt mức tốt nhất trong hơn 4 thập kỷ.

Năm 2022, Mỹ sẽ tổ chức bầu cử giữa nhiệm kỳ, và đến năm 2024, Mỹ sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống. Hiện tại, nước Mỹ đang sa lầy vào cuộc khủng hoảng lạm phát tồi tệ nhất trong 40 năm. Từ cách đối xử với chính quyền quân sự Myanmar, đến việc rút quân khỏi Afghanistan, đến phản ứng với cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine, Chính phủ Mỹ hiện tại đang hứng nhiều chỉ trích.

Nhiều người cho rằng có thể sẽ có những thay đổi lớn trong cuộc bầu cử giữa kỳ và bầu cử tổng thống Mỹ tới đây. Trong chính phủ tiếp theo của Mỹ, ông Pompeo có thể một lần nữa đảm nhận chức trách to lớn và phát huy tác dụng quan trọng của mình.

Trong bối cảnh trên, đối với ĐCSTQ mà nói thì chuyến thăm Đài Loan của ông Pompeo chắc chắn là một trong những vấn đề khiến ĐCSTQ đau đầu.

Chuyến thăm của ông Pompeo có thể có tác động đáng kể trong việc hạn chế việc sử dụng vũ lực của ĐCSTQ đối với Đài Loan.

Tạo kiểu mẫu ủng hộ Đài Loan cho thế giới tự do noi theo
Hiện tại, vào thời điểm bùng nổ hoàn toàn cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa ở Đông Ukraine và gửi quân đến "gìn giữ hòa bình" ở hai nơi đó, đã tiến hành cái gọi là "hành động quân sự đặc biệt" nhắm vào Ukraine.

Bên trong ĐCSTQ, một số người phấn khích một cách dị thường, nói rằng "Ukraine hôm nay, Đài Loan ngày mai"; Putin đang diễn thử để ĐCSTQ tấn công Đài Loan bằng vũ lực.
Tuy nhiên, Đài Loan không phải là Ukraine.

Đài Loan nằm ở vị trí chiến lược của chuỗi đảo đầu tiên trong thế giới tự do để đề phòng sự đe dọa của ĐCSTQ. Đài Loan cũng là một mắt xích chính trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.

Công ty công nghệ cao của Đài Loan – TSMC, có trụ sở chính tại Khu công nghiệp Khoa học Tân Trúc, là nhà máy sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, có khả năng sản xuất 90% chip vi mạch tiên tiến trên thế giới. Khách hàng của công ty này là những doanh nghiệp thiết kế chip nổi tiếng trên thế giới bao gồm Apple, Qualcomm, Broadcom. Theo dữ liệu tổng giá trị thị trường bán dẫn toàn cầu do CEO Score, một trang web đánh giá doanh nghiệp chuyên nghiệp công bố, tính đến ngày 10/7 năm ngoái, tổng giá trị thị trường của TSMC là 306,345 tỷ USD, đứng đầu thế giới.

Trước đây, dầu mỏ là nguồn năng lượng quan trọng nhất thì ngày nay, chip là "nguyên liệu thô" quan trọng nhất, thế giới không thể thiếu chip của TSMC.

Vấn đề Đài Loan không chỉ là vấn đề giữa ĐCSTQ và Đài Loan, mà liên quan đến ĐCSTQ và Mỹ, ĐCSTQ và Nhật Bản, ĐCSTQ và Hàn Quốc, giữa ĐCSTQ và các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông như Việt Nam, Philippines, ĐCSTQ và Úc, ĐCSTQ và Ấn Độ, v.v.

Khi ông Pompeo còn là Ngoại trưởng, ông đã nói rõ rằng thế giới tự do nên đoàn kết lại để thành lập một mặt trận dân chủ và tự do mới, cùng đối kháng lại ĐCSTQ.

Để đối phó với mối đe dọa từ ĐCSTQ, với những nỗ lực và sự thúc đẩy của ông Pompeo, những thay đổi lớn và sâu sắc đã diễn ra trong quan hệ Mỹ – Nhật, quan hệ giữa Mỹ – Nhật – Ấn – Úc, quan hệ giữa Mỹ và các bên tranh chấp Biển Đông, và quan hệ giữa Mỹ – Châu Âu.

Nhật Bản đã nói rõ rằng nếu Đài Loan có chuyện, bằng như Nhật Bản có chuyện; Úc cũng cho biết nếu Đài Loan có chuyện, thì Úc sẽ phối hợp với Mỹ để bảo vệ Đài Loan; "Bộ tứ" Mỹ – Nhật – Ấn – Úc có thể có các hành động dây chuyền nếu Đài Loan có chuyện; tàu chiến của các nước như Anh, Pháp, Úc, Canada đều đã từng đi qua eo biển Đài Loan.

Chuyến thăm của ông Pompeo tới Đài Loan vào thời điểm đặc biệt khi cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine nổ ra, cũng đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới ĐCSTQ rằng thế giới tự do đứng đầu là Mỹ sẽ kiên định đứng cùng Đài Loan.

Hành động thuận lòng những người quý trọng sinh mệnh
Trong những năm gần đây, thỉnh thoảng lại có người kêu gọi dùng vũ lực thống nhất Đài Loan. Ví dụ, "học giả" của ĐCSTQ Lý Nghị (Li Yi) tuyên bố: "Chúng ta phải sẵn sàng đánh sớm, đánh lớn, đánh bằng chiến tranh hạt nhân để thống nhất Đài Loan". Cho dù có "đánh nát Đài Loan" cũng chẳng sao, 23 triệu người Đài Loan đánh không sót một ai, sẽ di dân 46 triệu người Đại Lục vào Đài Loan, việc này là điều dễ dàng. Tuy nhiên, những "lời lẽ điên rồ" này cũng chỉ là rất hiếm gặp.

Vào ngày 22/1, ông Trịnh Dã Phu (Zheng Yefu), giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, đã đăng một bài viết ở bên ngoài Trung Quốc, bài viết có tiêu đề "Dân thường nói về eo biển Đài Loan" đã nói rõ rằng "thống nhất hòa bình là lựa chọn hàng đầu"; "phản đối thống nhất bằng vũ lực"; "phản đối răn đe bằng vũ lực".

Bài viết nói rằng: "Răn đe bằng vũ lực chắc chắn sẽ làm gia tăng hận thù và làm mất sạch tầm nhìn duy nhất còn lại về thống nhất hòa bình. Những người biện hộ sẽ nói rằng răn đe là để ngăn Đài Loan độc lập. Việc ngăn chặn thực ra chỉ Đài Loan độc lập trên danh nghĩa, và nó sẽ không ảnh hưởng đến sự độc lập trên thực tế của Đài Loan trong hơn 70 năm qua. Sự độc lập 45 năm trên danh nghĩa và thực tế đã không ngăn cản sự thống nhất trong tương lai của Đông và Tây Đức. So với người Đức, chúng ta vì thống nhất mà răn đe, vì răn đe mà trở thành kẻ thù, chẳng phải là chuyện cười cho thiên hạ ư."

Ông Trịnh Dã Phu nói: "Tôi là thành viên trong nhân dân, và tôi không đơn độc, vì vậy sự phản đối của tôi có thể phá vỡ tuyên bố đại diện cho nhân dân của phe kêu gọi dùng vũ lực thống nhất."

Giáo sư Trịnh đúng là "không đơn độc". Người gốc Hoa trong và ngoài nước, những người thực sự yêu mến Trung Quốc, Đài Loan, trân trọng cuộc sống đều và những người tin rằng "mạng sống con người đang bị đe dọa", đều có thể đứng về phía Giáo sư Trịnh.

Ông Pompeo, người đã "rơi quá nhiều nước mắt" cho người dân Hồng Kông, không bao giờ muốn nhìn thấy 23 triệu người Đài Loan bị thế lực đen tối và tà ác của ĐCSTQ trói vào chiến xa, càng không muốn nhìn thấy đổ máu, rơi nước mắt, và tan cửa nát nhà.

Chuyến thăm Đài Loan của ông Pompeo vào thời điểm này phản ánh triết lý của ông về việc phân biệt ĐCSTQ với người dân Trung Quốc. Động thái của ông là đứng về phía người Hoa (Viêm Hoàng tử tôn), chứ không phải con cháu của Mác Lê.

Lời kết
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Đài Loan vào tháng 3/2021, ông Pompeo nói: "Nếu tôi có cơ hội đến đó (Đài Loan) thì thực sự tuyệt vời, tôi sẽ tận hưởng nó, đó sẽ là một sự tận hưởng thực sự." Tin rằng chuyến đi của ông Pompeo đến Đài Loan sẽ là chuyến đi khó quên nhất trong cuộc đời của ông ấy.

Hòn đảo kho báu Đài Loan là địa điểm mà tâm trí của nhiều người hướng về. Tôi chân thành hy vọng rằng Chúa sẽ bảo vệ cho Đài Loan, và hòa bình, yên tĩnh và hòa hợp sẽ ở lại Đài Loan mãi mãi.

Tiến sĩ Vương Hữu Quần, nhà văn, cựu Giám sát viên Ủy ban Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ

No comments:

Post a Comment