Ngày xưa còn bé, tôi thấy bố mẹ tôi hay than rằng sao mà thời gian đi nhanh thế, chưa kịp làm gì đã tối mất rồi, chưa xong việc định làm thì đã hết năm mất rồi. Lúc đó tôi không hiểu gì, bây giờ thì tôi thấy các cụ có lý. Mới lễ Tạ Ơn đây thôi, mới lễ CácThánh đây thôi, thế mà bây giờ ngoài ngã tư gần nhà tôi người ta đã chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, đã bày đèn sao với hang đá máng cỏ, và mấy nhà hàng VN dưới phố bắt đầu bán bánh chưng tết. Ôi thời gian tên bay !
Tháng trước cả làng An Lạc chúng tôi cùng đi dự lễ Các Thánh tại nhà thờ Cha
Paolo vì là ngày kỷ niệm trọng đại, ngày gia đình Cụ Chánh tới Canada. Gốc
chuyện như thế này : Cách đây mấy chục năm, gia đình Cụ Chánh và ông Từ Hòe ở
trại tỵ nạn Thái Lan được giáo xứ Cha Paolo ở Toronto này bảo trợ. Anh John và
Chị Ba Biên Hòa là giáo dân của xứ đạo Cha Paolo. Tôi cứ nhớ mãi ngày gia đình
Cụ Chánh tới. Cha và ban bảo trợ của giáo xứ ra tận phi trường đón. Chị Ba Biên
Hòa làm thông dịch. Bắt tay và chào hỏi Cụ Chánh xong thì Cha nói ngay : Canada
là đất thiên đàng, cụ không phải lo sợ điều gì, chúng tôi sẽ lo chỗ ăn chỗ ở
cho mọi người. Tôi biết Cụ và gia đình cụ theo đạo Ông Bà, xin cụ cứ tiếp tục
sống theo đạo Ông Bà, không phải lo nghĩ gì về tôn giáo của nhà thờ bảo trợ
chúng tôi. Cụ Chánh nghe xong thì nước mắt trào ra vì cụ cảm động quá. Cụ bảo
cả gia đình nhà cụ hằng nhớ mãi lời này. Rồi chỉ ít lâu sau, cả gia đình cụ
Chánh an cư lạc nghiệp, rồi tự ý nhập đạo Công Giáo. Cụ coi Cha Paolo như người
ân nhân lớn nhất của gia đình. Các dịp lễ tết VN thì Cha Paolo đều đến thăm Cụ
và thăm luôn dân làng An Lạc chúng tôi.
Ngày lễ Tạ Ơn vừa qua làng An Lạc đã mời Cha Paolo đến ăn cơm. Cha gốc người Ý
nên Cha vẫn giữ tên Paolo gốc Ý chứ không đổi sang tiếng Anh là Paul. Và người
làm bếp bữa nay là Cụ Chánh và Chị Ba Biên Hòa, cả hai đã xắn tay nấu món Ý đãi
ngài. Kinh thế. Cụ Chánh bảo xưa nay chúng ta vẫn đãi ngài món VN, bữa nay ta
phải đãi món Ý cho ngài nể.
Bữa tiệc Ý được bắt đầu bằng món khai vị Cantaloupe : dưa hồng ăn với bacon,
món thứ hai là món spaghetti với sauce, phó mát, cà chua, món thứ ba là pizza
nấu với hương vị VN. Cha Paolo vừa ăn xong miếng pizza thứ nhất thì vội kêu lên
: Chúa ơi ! món pizza này mua ở đâu mà ngon thế này ! Cả làng thích quá về lời
khen. Người Ý ăn món Ý do người VN nấu mà khen ngon thì phải biết là nó ngon
lắm. Cụ Chánh chỉ ngay Chị Ba và nói đây là tác giả. Chị Ba được tuyên dương
thì e thẹn cúi đầu, má hồng lên, tôi biết là người đẹp thích lắm. Và chị thưa
ngay : Năm ngoái con có đi học một khóa nấu ăn món Ý. Nhờ học khóa này rồi thực
tập, con biết pha bột làm bánh pizza. Rồi con thử, con pha thêm gia vị VN vào
như bột khoai lang và bột gạo nếp VN, rồi một tí thịt gà, một tí thịt cua ướp
nước mắm. Rồi bỏ đồng bánh vào lò, chỉ mấy phút là đồng bánh phồng lên, hương
thơm ngào ngạt, là ăn được ngay. Miếng pizza Cha vừa ăn là do con đã làm như
vậy. Và Cha Paolo đã ăn một bữa món Ý tuyệt vời do đầu bếp VN nấu. Ngài ăn rất
nhiều. Lúc chào ra về Cha bắt tay cám ơn mọi người, và Cha đã bắt tay Chị Ba
Biên Hòa lâu nhất.
Cha Paolo ra về rồi làng tôi mới quay vào Chị Ba Biên Hòa hỏi thêm về cách nấu
món Ý. Xưa nay Cụ B.95 rất thích món spaghetti, nên cụ hỏi chị Ba phải luộc
spaghetti trong bao lâu, Chị Ba cười hì hì rồi trả lời ngay: cách tốt nhất là
phải thử khi luộc. Đây là cách thử rất bình dân và dễ nhất cháu làm từ bé do mẹ
cháu dạy, là gắp một hai sợi rồi vất nó vào tường, nếu sợi spaghetti rơi xuống
đất thì là nó chưa chín, còn nếu nó dính vào tường tức là nó đã chín. Còn bây
giờ không vất vào tường như vậy nữa, muốn biết phải luộc trong bao lâu thì ta
phải đọc lời chỉ dẫn trên bao gói.
Nghe Chị Ba trả lời xong thì Ông Từ Hòe nói nhỏ với anh John đang ngồi bên :
Anh thật có phước, anh có bà vợ vừa đẹp người đẹp nết lại vừa đẹp cả lời nói và
tiếng nói nữa. Tiếng Chị Ba giống hệt như tiếng Cô Dạ Lan ngày xưa mà bao nhiêu
người say đắm. Nghe tới tiếng Dạ Lan thì anh John ngơ ngác chả hiểu gì, ông Từ
Hòe nói ngay : Anh ngạc nhiên về tên Dạ Lan phải không. Dạ Lan là tên một thần
tượng của Đài Phát Thanh Quân Đội VNCH đầu thập niên 1960 tại Saigon, lúc đó
anh chưa có mặt ở VN. Chương trình này do Đại Tá Trần Ngọc Huyến sáng lập nhằm
nâng đỡ tinh thần và khích lệ các binh sĩ ngoài tiền tuyến, phát thanh hàng
ngày, mỗi tối từ 7 giờ đến 9 giờ. Ai cũng thích chương trình này. Người đứng
tên chương trình tên là Dạ Lan. Mở đầu chương trình ngày nào cô cũng nói : '
Đây là chương trình Dạ Lan, tiếng nói của người em gái hậu phương gửi cho các
anh trai ngoài tiền tuyến'.
Ông Từ Hòe kể đến đây rồi nhìn Chị Ba : ai cũng hỏi tôi về Chị và đòi xin gặp
mặt nhưng tôi chỉ cười và trả lời rằng Chị Ba Biên Hòa là em của Cô Dạ Lan ngày
xưa, không ai được hạnh phúc kiến diện.
Chuyện Cha Paolo, chuyện Cô Dạ Lan và chuyện Chị Ba Biên Hòa đưa quý vị đi xa
quá rồi làm tôi quên nói các chuyện thời sư. Mà thời sự cũng chả có gì mới
ngoài những chuyện đã cũ như Cô Vít, vua Putin và cuộc xâm lăng Ukraine. Hiện
nay ai cũng chỉ còn thắc mắc liệu chiến tranh thứ ba có xảy ra không, liệu môi
trường và khí hậu thế giới có nguy hiểm lắm không.
Ông ODP nãy giờ im lặng bèn lên tiếng : Tôi thấy trong mớ tin thời sự hàng ngày
có một mẩu tin làm tôi chú ý : Đó là anh con rơi ngày xưa của vua Charles đệ
Tam đang quẫy, hình như anh đang đòi được đứng đầu danh sách kế nghiệp vua cha.
Các cụ có biết và nhớ chuyện này không?
Thấy cả làng lắc đầu, ông bèn kể : Ngày xưa khi hoàng tử Charles mới lớn thì
hoàng tử yêu nàng Camilla, và hai người đã có một đứa con sinh năm 1965. Chuyện
này tuyệt mật được cả hoàng cung giấu kín. Khi được 8 tháng thì em bé được đem
cho một gia nhân trong hoàng cung tên là David Day, và chuyển gia đình anh này sang
sống ở Úc Đại Lợi cho khỏi lộ chuyện. Bé được đặt tên theo bố nuôi là Dorante
Day. Khi lớn lên, bé được ông bà nội hờ cho biết bé chính là con ruột của
Charles và Camilla. Dorante Day đã mang việc này ra tòa, và đòi thử DNA với
Charles và Camilla, vì anh mới là con đầu lòng của vua Charles, anh mới là
người có quyền kế vị chứ không phải hoàng tử William như hiện nay. Chuyện này
còn dài và có thể sẽ gay cấn đây, các cụ ạ.
Đó là chuyện ở hoàng cung, còn chuyện chính quyền thì thủ tướng Anh hiện nay là
Rishi Sunak, có gốc lai Ấn Độ. Các cụ nghĩ sao về việc lai giống này cơ? Xưa
nay chúng ta không coi trọng lắm người Ấn Độ, mà đâu có biết rằng dân này giỏi
ghê lắm, theo các báo chí uy tín thì họ hiện là giám đốc điều hành 17 cơ quan
kỹ thuật vĩ đại nhất thế giới hiện nay, như các cơ quan Google, Microsoft.
Adobe, Net App, Master Card. IBM, Micron...
Chưa hết, Phó Tổng Thống Hoa Ky Bà Harris hiện nay, thủ tướng, và bộ trưởng Nội
Vụ bên Anh hiện nay đều là người có gốc Ấn Độ.
Cả làng tôi nghe xong đều giật mình vì ai cũng nghĩ những vai trò này là của
dân gốc Do Thái.
Tôi thấy Cụ B.95 ngáp thì biết rằng cụ chán các chuyện cao siêu nên tôi xin
làng chuyển đề tài. Đối với dân làng thì chuyện này dễ, bèn có ngay. Anh John
lên tiếng thì Cụ B.95 cười thích lắm. Rằng anh thấy trong tiếng Việt, lời vợ
chồng gọi nhau là MÌNH ƠI là hay nhất thế giới và đúng hết sức, vì lấy nhau rồi
thì cả hai nên một, một thân xác một tâm hồn. Vợ chồng quen gọi nhau là ANH Ơi
EM ƠI là sai, phải gọi nhau là MÌNH mới đúng Ta có chứng cớ trong Kinh Thánh :
Khi Chúa dựng nên Adam xong thì lấy một mảnh xương sườn của anh mà tạo ra Eva,
rồi Chúa đem Eva đến cho Adam. Adam trông thấy Eva liền nói ngay : Đây là xương
thịt của tôi, this is my body. Tiếng MÌNH trong tiếng VN dịch từ My Body có cái
gốc Kinh Thánh là đúng nhất và hay nhất. Cũng bởi việc Chúa tạo dựng ra đàn ông
và đàn bà này mà các thiệp cưới của người Công Giáo thường in câu Kinh thánh :
'Người nam bỏ cha mẹ mình mà đi kết hơp với người nữ, và cả hai trở nên một
xương một thịt'. Vì việc Eva bởi xương Adam cho nên Eva và mọi người nữ xưa nay
được gọi là PHỤ nữ, vì mọi sự đều là phụ cho nam giới.
Viết đến đây thì tôi chợt nhớ tới bài thơ 'Mình Ơi' rất hay của Mục Sư Phan
Thanh Bình ở Cali bên Mỹ gửi cho tôi trước lễ Giáng Sinh. Xin được trích mấy
câu mà tôi thích trong bài thơ :
- Mình ơi, mình à, Mình với ta tuy hai mà một, Ta với mình tuy một mà hai...
- Ta mình hai đứa một đôi, Lâu lâu giận dỗi mỗi nơi một mình, Làm lành hai đứa
lại cười, Xáp vào lại hóa hai người một đôi...
- Ngọt ngào cất tiếng Minh Ơi, Trên đời đẹp nhất là tôi với mình
- Chúng mình như đũa có đôi, Có đôi để gọi Mình à Mình ơi, Gọi nhau cho trọn
cuộc đời...
Nghe đến đây thì ôngTừ Hòe cười hà hà rồi nói : Tôi có ba câu đố này xin đố cả
làng :
1. Ai là người sinh ra mà không có rốn?
2. Anh chồng nào không có mẹ vợ?
3. Chị vợ nào không có mẹ chồng?
Cả làng đã im lặng suy nghĩ. Phe các bà thì lẩm bẩm : câu đố 1 là vô lý vì ai
sinh ra cũng phải có rốn chứ! Còn câu 2 và câu 3, chả lẽ cặp này tự là độc thân
rồi lấy nhau sao?
Đang khi mấy bà mấy cô thì thào như vậy thì anh John lên tiếng đáp : Tôi nghĩ
lời đáp cho cả 3 câu đố : đó chính là ông bà Adam và Eva ! Vì Chúa tạo ra cả
hai ông bà chứ Chúa có đẻ ra hai ông bà theo lối loài người đâu mà có rốn, Chúa
tạo ra chứ có ai là bố me chồng bố me vợ.
Nghe xong, mấy bà rì rào : Chồng chị Ba có khác !
Rồi ông bồ chữ Từ Hòe xin bàn tiếp cái ý một xương một thịt trên đây bằng cách
trích dẫn lời kể của nhà văn Nguyễn Tầm Thường, bút hiệu của LM Nguyễn Trọng
Tước Dòng Tên bên Mỹ. Ông cha này đã sang Ấn Độ 6 tháng để tìm hiểu tại chỗ về
văn hóa và tôn giáo xứ Ấn Độ. Ngài viết :
... Không ai có thể biết Ấn Giáo tường tận, ngay các bách khoa tự điển cũng chỉ
cho biết các nét đại cương. Nhiều người nghĩ rằng Ấn Giáo thờ bò. Không phải
thế. Ba thần chính ở đây là Brahma, Shiva, Vishnu, và ngoài 3 vị đó, Ấn giáo
còn thờ không biết bao nhiêu thần linh khác. Trong nhiều đền thờ Ấn Giáo, nơi
cực thánh không có tượng thần mà chỉ có Lingam, tạc bằng đá, là hai biểu tượng
sinh dục của người nam và người nữ chồng lên nhau. Nơi cực thánh chỉ các tư tế
mới được tới gần để dâng lửa và xông hương. Nơi cực thánh chỉ có một biểu tượng
duy nhất là Lingam. Qua biểu tương này ta biết tôn giáo này nói về mầu nhiệm sự
sống. Con người kết hợp với nhau có thể tạo ra một sự sống, tạo ra một hữu thể
biết đau đớn buồn vui, một hữu thể có linh hồn sẽ đời đời tồn tại trong thời
gian. Đây không phải là một mầu nhiệm huyền bí sao? Con người được Thượng Đế
cho một ân sủng vượt tầm hiểu biết của trí khôn. Đó là họ có thể tạo ra sự
sống. Qua sự kết hợp của nam nữ, họ tạo ra một con người. Đó là chiều sâu của
tôn giáo này.
Đối với tây phương thì đây là điều kỳ quặc, con người tới bái lậy trước biểu
tượng sinh dục. Nhưng tín đồ Ấn Giáo không có ý tưởng dơ bẩn trong tâm trí. Cứ
nhìn bàn tay chắp cung kính, đầu cúi nghiêm chỉnh, họ phải có một niềm tin linh
thánh... Niềm tin tôn giáo đó là gì nếu không phải là yêu mến sự sống. Sự sống
đến từ Trời. Cuộc đời là cho nhau sự sống, gìn giữ sự sống, để rồi trở về với
sự sống vĩnh cửu là Thượng Đế. Lingam là bóng hình phiên dịch của sự sống vĩnh
cửu...
Hay quá ! Cả làng đã vỗ tay khi nghe đọc xong bài viết của Cha Tước. Các cụ nhớ
nha, không phải cứ nói tới Lingam là nói tới tình dục, nói tới sự tà dâm tầm
bậy tội lỗi nha.
Đó là chuyện lâu đời bên Ấn Độ, đã có từ xưa.
Bây giờ, để thay đổi không khí, tôi xin kể chuyện thời tiết thời sự Canada,
chuyện có thật. Rằng bữa đó, tại một cửa tiệm kia, cô thư ký đang làm việc thì
điện thoại kêu reng vì có người gọi tới. Cô thư ký nhắc máy nghe, rồi cô vừa
cười vừa đáp :
-Dạ thưa, hết rồi ạ. Dạ chỉ có mấy tiếng đồng hồ rồi hết ngay ạ. Dạ, tôi không
biết bao lâu nữa mới có ạ.
Sau khi đã lễ phép chào tạm biệt khách gọi, cô thư ký vừa bỏ phôn xuống thì ông
chủ chạy lại ngay. Ông nói với giọng giận dữ : Cô trả lời khách hàng như thế là
hỏng hết rồi, là làm mất hết uy tín cái tiệm này của tôi. Sao cô lại bảo khách
là hết hàng và không biết bao giờ mới có lại. Bao giờ cô cũng phải nói là hiệu
mình luôn luôn có sẵn và có rất nhiều chứ !
Cô thư ký lễ pháp trả lời ông chủ : Cháu có nói hết hàng bao giờ đâu ! Đây là
bà khách từ xa gọi tới để hỏi thăm về trận tuyết sáng nay vì bà từ xa đang dịnh
tới Toronto mua quà Giáng Sinh cho gia đình, bà nghe qua radio thì biết ở đây
đang có tuyết, bà ta hỏi còn tuyết không là thế, và cháu trả lời hết rồi là
thế. Đó là tin trận tuyết đầu năm giữa tháng 11 năm 2022 này. Dân Canada có
thói quan đón tuyết đầu mùa đông vào đêm Giáng Sinh cơ. Năm nào mà lễ nửa đêm ở
nhà thờ xong mà có tuyết bay bay trên đường về nhà thì được coi năm đang tới sẽ
may mắn lắm.
Cụ Chánh tiên chỉ làng góp thêm ý : Năm mới 2023 này, tuy tuyết đến sớm nhưng
lão thấy dân làng chúng ta vẫn là dân luôn luôn may mắn và hạnh phúc. Chứng cớ
ư? Báo chí vừa cho biết Canada được coi là 1 trong 10 nước có nếp sống hạnh
phúc nhất thế giới, và họ còn nói chi tiết hơn : Toronto, Montreal, Calgary,
Vancouver và Ottawa của Canada là 5 trong các thành phố tốt nhất thế giới về
nhiều mặt. Nào chúng ta còn muốn gì hơn nữa! Xưa nay lão hằng ái mộ ông vua hài
hước Charlie Chaplin. Trước khi qua đời, ông đã nói một câu rất chí lý để đời :
Ngày mất lớn nhất trong cuộc đời là ngày không có tiếng cười.
Lão xin chúc cả làng mùa Giáng Sinh này và năm mới đang tới đầy tiếng cười,
tiếng cười của bằng an và hạnh phúc.
TRÀ LŨ--
No comments:
Post a Comment