Stephen M. Walt, "What the United States Can Learn From China," Foreign Policy, 20/06/2024
Biên
dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Trong
bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy, người Mỹ nên tự hỏi Bắc Kinh đang làm gì
đúng – và Mỹ đang làm gì sai.
Trong bất kỳ lĩnh vực nào, các đối thủ cạnh
tranh cũng không ngừng phấn đấu để làm tốt hơn. Họ tìm kiếm những sáng kiến
giúp cải thiện vị thế của mình và nỗ lực bắt chước bất cứ điều gì có hiệu quả
với đối thủ. Chúng ta đã chứng kiến hiện tượng này trong thể thao, kinh doanh,
và cả chính trị quốc tế. Bắt chước không có nghĩa là phải làm chính xác những
gì người khác đã làm, nhưng việc phớt lờ các chính sách mang lại lợi ích cho
người khác và từ chối thích nghi chính là cách khiến bạn tiếp tục thua cuộc.
Ngày nay, nhu cầu cạnh tranh hiệu quả hơn với
Trung Quốc có lẽ là vấn đề chính sách đối ngoại duy nhất mà gần như tất cả các
đảng viên Dân chủ và Cộng hòa đều đồng ý với nhau. Sự đồng thuận đó đang định
hình ngân sách quốc phòng của Mỹ, thúc đẩy nỗ lực củng cố các quan hệ đối tác ở
châu Á, và khuyến khích một cuộc thương chiến công nghệ cao đang dần được mở
rộng. Tuy nhiên, ngoài việc cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Mỹ và vi
phạm các hiệp định thương mại trước đó, các chuyên gia cảnh báo về Trung Quốc
hiếm khi xem xét các biện pháp rộng hơn đã giúp Bắc Kinh đạt được điều này. Nếu
Trung Quốc thực sự đang "cướp đi" vị trí của Mỹ, thì không phải
người Mỹ nên tự hỏi xem Bắc Kinh đang làm đúng điều gì và Mỹ đang làm sai điều
gì hay sao? Liệu cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Trung Quốc có mang lại
một số bài học hữu ích cho Washington không?
Bài đang hot
Quan hệ Mỹ – Trung: Chiến tranh Lạnh hay Hòa bình Lạnh?
Chắc chắn, phần lớn nguyên nhân sự trỗi dậy của
Trung Quốc là do các cải cách nội bộ. Quốc gia đông dân nhất thế giới luôn có
tiềm năng sức mạnh to lớn, nhưng tiềm năng đó đã bị kìm hãm suốt hơn một thế kỷ
do những chia rẽ nội bộ sâu sắc hoặc các chính sách kinh tế Marxist sai lầm.
Một khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ bỏ chủ nghĩa Marx (nhưng không từ bỏ chủ
nghĩa Lenin) và chấp nhận thị trường, thì việc sức mạnh tương đối của nước này
tăng vọt là điều không thể tránh khỏi. Và người ta có thể lập luận rằng: những
nỗ lực của chính quyền Biden nhằm phát triển chính sách công nghiệp quốc gia
thông qua Đạo luật Giảm phát và các biện pháp khác là một nỗ lực muộn màng nhằm
bắt chước những nỗ lực được nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc để chiếm ưu thế
trong một số công nghệ then chốt.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ
nhờ vào những cải cách trong nước hay sự tự mãn của phương Tây. Sự trỗi dậy của
Trung Quốc còn được tạo điều kiện thuận lợi nhờ cách tiếp cận chính sách đối
ngoại trên diện rộng, điều mà các nhà lãnh đạo Mỹ nên cân nhắc.
Đầu tiên và rõ ràng nhất là Trung Quốc đã tránh
được những vũng lầy tốn kém mà Mỹ đã sa vào hết lần này đến lần khác. Ngay cả
khi sức mạnh của họ đã tăng lên, Bắc Kinh vẫn tỏ ra dè dặt trước các cam kết
tốn kém ở nước ngoài. Ví dụ, họ không hứa sẽ tham chiến để bảo vệ Iran, hoặc
bảo vệ các đối tác kinh tế khác nhau của mình ở châu Phi, Mỹ Latinh, hoặc Đông
Nam Á. Trung Quốc đang cung cấp cho Nga các công nghệ lưỡng dụng có giá trị về
mặt quân sự (và được trả công hậu hĩnh), nhưng Bắc Kinh không gửi vũ khí sát
thương cho Nga, cũng không tranh luận về việc có nên cử cố vấn quân sự hoặc
quân đội của mình sang giúp Nga giành chiến thắng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể nói rất nhiều về quan hệ đối tác
"không giới hạn" của họ, nhưng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đưa ra những
mặc cả cứng rắn trong các thỏa thuận với Nga, đáng chú ý nhất là yêu cầu được
mua dầu và khí đốt của Nga với giá hời.
Ngược lại, Mỹ dường như có một bản năng sai lầm
khi liên tục lao vào những hố cát lún trong chính sách đối ngoại.
Khi không lật đổ các nhà độc tài hoặc chi hàng
nghìn tỷ đô la để cố gắng xuất khẩu dân chủ đến những nơi như Afghanistan, Iraq
hay Libya, thì người Mỹ lại liên tục mở rộng các cam kết an ninh mà họ hy vọng
sẽ không bao giờ phải thực hiện đối với các quốc gia trên khắp thế giới. Đáng
chú ý, các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn cho rằng mình đang đạt được một thành tựu chính
sách đối ngoại nào đó bất cứ khi nào họ nhận nhiệm vụ bảo vệ một quốc gia khác,
ngay cả khi quốc gia đó có giá trị chiến lược hạn chế hoặc không thể làm gì
nhiều để thúc đẩy lợi ích của Mỹ.
Mỹ hiện đang chính thức cam kết bảo vệ nhiều
quốc gia hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử của nước này, và việc cố gắng
đáp ứng tất cả những cam kết đó giúp giải thích tại sao ngân sách quốc phòng
của Mỹ lại lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Hãy tưởng tượng xem người Mỹ có thể
làm gì với khoản chênh lệch hơn nửa nghìn tỷ đô la mỗi năm giữa ngân sách quốc
phòng của Mỹ và của Trung Quốc. Nếu không cố gắng kiểm soát toàn thế giới, có
lẽ Mỹ đã có thể xây dựng các cơ sở hạ tầng đường sắt, vận tải đô thị, và sân
bay đẳng cấp thế giới – giống như Trung Quốc – trong khi duy trì thâm hụt ngân
sách ở mức thấp hơn.
Đây không phải là lập luận ủng hộ việc rời khỏi
NATO, cắt đứt mọi cam kết của Mỹ, và rút lui về Pháo đài Mỹ, nhưng nó ngụ ý
rằng cần thận trọng hơn trong việc mở rộng các cam kết mới và yêu cầu các đồng
minh hiện tại của Mỹ phải gánh vác thêm trách nhiệm. Nếu Trung Quốc có thể phát
triển mạnh mẽ và mở rộng tầm ảnh hưởng, mà không cần cam kết bảo vệ hàng chục
quốc gia trên thế giới, thì tại sao người Mỹ lại không thể?
Thứ hai, khác với Mỹ, Trung Quốc duy trì quan
hệ ngoại giao kiểu kinh doanh với gần như hầu hết các nước. Họ có nhiều cơ quan
ngoại giao hơn bất kỳ quốc gia nào khác, các vị trí đại sứ của họ hiếm khi bị
bỏ trống, và các nhà ngoại giao của họ ngày càng trở thành những chuyên gia
được đào tạo bài bản (thay vì những nhân vật nghiệp dư với chuyên môn chính là
khả năng gây quỹ cho các ứng viên tổng thống thành công). Các nhà lãnh đạo
Trung Quốc nhận thức rằng quan hệ ngoại giao không phải là phần thưởng cho
những nước có hành vi tốt; chúng là một công cụ thiết yếu để thu thập thông
tin, truyền đạt quan điểm của Trung Quốc tới các nước khác, và thúc đẩy lợi ích
của họ thông qua thuyết phục chứ không phải vũ lực thô bạo.
Ngược lại, Mỹ vẫn có xu hướng từ chối công nhận
ngoại giao đối với các quốc gia mà họ có mâu thuẫn, theo đó khiến việc hiểu
được lợi ích và động cơ của những nước này, cũng như việc truyền đạt quan điểm
của Mỹ, trở nên khó khăn hơn nhiều. Washington từ chối công nhận chính thức các
chính phủ Iran, Venezuela, hoặc Triều Tiên, dù việc có thể liên lạc thường
xuyên với các chính phủ này sẽ rất hữu ích. Trong khi đó, Trung Quốc sẵn sàng
đối thoại với tất cả các quốc gia này và với tất cả các đồng minh thân cận nhất
của Mỹ. Liệu người Mỹ có nên bắt chước họ?
Chẳng hạn, Trung Quốc có quan hệ ngoại giao và
kinh tế với mọi quốc gia ở Trung Đông, bao gồm cả những quốc gia có liên kết
chặt chẽ với Mỹ như Israel hay Ai Cập. Ngược lại, Mỹ chỉ có "quan hệ đặc
biệt" với Israel (và, ở một mức độ nào đó, là quan hệ với Ai Cập và Ả Rập
Saudi), có nghĩa là Mỹ ủng hộ Israel bất kể họ làm gì. Tuy nhiên, Mỹ không có
liên hệ thường xuyên với Iran, Syria, hay với lực lượng Houthi đang kiểm soát
phần lớn Yemen. Các đối tác khu vực của Mỹ coi sự ủng hộ của Mỹ là đương nhiên,
nhưng lại thường xuyên phớt lờ lời khuyên của Mỹ, bởi vì họ không bao giờ phải
lo lắng về việc Mỹ tiếp cận các đối thủ của họ. Trường hợp điển hình: Ả Rập
Saudi đang duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga và Trung Quốc, và đã sử dụng các
mối đe dọa ngầm nhằm đạt được những nhượng bộ ngày càng lớn hơn từ Washington,
nhưng các quan chức Mỹ chẳng bao giờ chơi trò chơi cân bằng quyền lực chính trị
tương tự để đáp trả. Do sự bất cân xứng này, nên không có gì đáng ngạc nhiên
khi chính Bắc Kinh, chứ không phải Washington, mới là bên hòa giải gần đây giữa
Ả Rập Saudi và Iran.
Thứ ba, cách tiếp cận chung của Trung Quốc đối
với chính sách đối ngoại nhấn mạnh chủ quyền quốc gia: ý tưởng rằng mọi quốc
gia nên được tự do tự trị theo các giá trị của riêng mình. Nếu bạn muốn làm ăn
với Trung Quốc, bạn sẽ không cần phải lo lắng về việc bị chỉ đạo cách điều hành
đất nước của mình, hay việc bị trừng phạt nếu hệ thống chính trị của bạn khác
với hệ thống của Bắc Kinh.
Ngược lại, Mỹ tự xem mình là nhân vật chính
thúc đẩy một tập hợp các giá trị tự do phổ quát, và tin rằng việc truyền bá dân
chủ là một phần trong sứ mệnh toàn cầu của mình. Chỉ trừ một số trường hợp
ngoại lệ đáng chú ý, người Mỹ thường sử dụng quyền lực của mình để buộc các
quốc gia khác phải làm nhiều hơn để tôn trọng nhân quyền và tiến tới dân chủ,
và đôi khi, họ đặt điều kiện chỉ giúp đỡ nếu các quốc gia khác cam kết làm
nhiều hơn để tôn trọng nhân quyền và tiến tới dân chủ. Nhưng xét đến việc phần
lớn các quốc gia trên thế giới không phải là những nền dân chủ toàn diện, nên
cũng dễ hiểu tại sao nhiều quốc gia lại thích cách tiếp cận của Trung Quốc hơn,
đặc biệt là khi Trung Quốc mang lại cho họ những lợi ích hữu hình. Như cựu Bộ
trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers đã kể lại, "Một người từ một nước đang
phát triển nói với tôi rằng 'Những gì chúng tôi nhận được từ Trung Quốc là một
sân bay. Những gì chúng tôi nhận được từ Mỹ là một bài giảng.'" Nếu bạn là
một kẻ độc tài, hoặc là lãnh đạo của một nền dân chủ không hoàn hảo, bạn sẽ thấy
cách tiếp cận nào hấp dẫn hơn?
Tệ hại hơn nữa là thói lên mặt đạo đức của Mỹ,
khiến nước này dễ bị buộc tội đạo đức giả bất cứ khi nào họ không đáp ứng được
các tiêu chuẩn của chính mình. Tất nhiên, không cường quốc nào có thể sống đúng
với tất cả những lý tưởng mà họ tuyên bố, nhưng nếu một quốc gia tuyên bố mình
là đạo đức độc nhất vô nhị, thì hình phạt khi họ không đạt được mục tiêu là rất
lớn. Không ở đâu vấn đề này lại rõ ràng hơn ở phản ứng thiếu nhất quán và thiếu
mạch lạc về mặt chiến lược của chính quyền Biden đối với cuộc chiến ở Gaza.
Thay vì lên án tội ác của cả hai bên và sử dụng toàn bộ đòn bẩy của Mỹ để chấm
dứt giao tranh, Mỹ lại cung cấp phương tiện để Israel tiến hành một chiến dịch
hủy diệt đầy thù hận, đồng thời bảo vệ Israel tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp
Quốc và bác bỏ những cáo buộc diệt chủng hợp lý, bất chấp việc có bằng chứng
dồi dào, cũng như những đánh giá gay gắt của cả Tòa án Công lý Quốc tế và công
tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế. Cùng lúc đó, Mỹ vẫn khăng khăng về
tầm quan trọng của việc duy trì "trật tự dựa trên luật lệ." Không có
gì ngạc nhiên khi những sự kiện này đã hủy hoại nghiêm trọng hình ảnh của Mỹ ở
Trung Đông và phần lớn các nước phương Nam, hoặc rằng Trung Quốc đang được
hưởng lợi từ chúng. Đáng chú ý hơn, các quan chức Mỹ vẫn chưa đưa ra một tuyên
bố rõ ràng nào để giải thích: làm thế nào mà phản ứng của Mỹ đối với thảm kịch
này lại khiến người dân Mỹ an toàn hơn, thịnh vượng hơn, hoặc được ngưỡng mộ
hơn trên toàn thế giới.
Tóm lại, Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối
thủ chính của Mỹ một phần bằng cách huy động sức mạnh tiềm ẩn của mình một cách
hiệu quả hơn, nhưng cũng bằng cách hạn chế các cam kết ở nước ngoài, và tránh
những tổn thương tự gây ra mà các đời chính quyền Mỹ liên tiếp đang phải gánh
chịu. Điều đó không có nghĩa là thành tích của Trung Quốc là hoàn hảo – họ còn
lâu mới đạt được điều đó. Tập Cận Bình đã mắc sai lầm khi công khai từ bỏ chính
sách trỗi dậy hòa bình, và chính sách ngoại giao "chiến lang" dân tộc
chủ nghĩa của ông đã khiến các quốc gia trước đây từng hoan nghênh một quan hệ
chặt chẽ hơn với Bắc Kinh nay lại xa lánh nước này. Sáng kiến Một Vành Đai, Một
Con Đường được tung hô hết mình lại thành tích tốt xấu lẫn lộn, vừa tạo thiện
chí vừa gây phẫn nộ, và đã dẫn đến các khoản nợ khổng lồ mà Bắc Kinh khó có thể
thu hồi được. Việc ngầm ủng hộ Nga ở Ukraine cũng làm hoen ố hình ảnh của Trung
Quốc ở châu Âu và khuyến khích các chính phủ ở lục địa già rút lui khỏi việc
hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn. Và không phải lúc nào Trung Quốc cũng tuân theo
cam kết của họ đối với nguyên tắc chủ quyền quốc gia.
Nhưng những người Mỹ đang lo lắng sâu sắc về sự
trỗi dậy của Trung Quốc nên suy ngẫm về những gì Bắc Kinh đã làm tốt và những
gì Washington đã làm kém. Thật khó để bỏ qua điều trớ trêu: Trung Quốc đã trỗi
dậy nhanh chóng một phần nhờ bắt chước sự trỗi dậy trước đó của Mỹ lên đỉnh cao
quyền lực thế giới. Nước Mỹ non trẻ có nhiều lợi thế bẩm sinh, bao gồm một lục
địa màu mỡ, dân số bản địa thưa thớt và bị chia rẽ, cũng như được bảo vệ bởi
hai đại dương rộng lớn, và nước này đã tận dụng những lợi thế đó bằng cách
tránh xa rắc rối ở nước ngoài và xây dựng sức mạnh nội tại. Từ năm 1812 đến năm
1918, Mỹ chỉ tham gia hai cuộc chiến với nước ngoài, và các đối thủ của họ
trong các cuộc chiến đó – Mexico năm 1846 và Tây Ban Nha năm 1898 – đều là
những nước yếu không có đồng minh đáng kể. Và một khi đã trở thành cường quốc,
Mỹ lại để các cường quốc khác tự cân bằng lẫn nhau, đứng ngoài xung đột của họ
càng lâu càng tốt, chịu ít thiệt hại nhất trong cả hai cuộc thế chiến, và sau
cùng "giành được hòa bình." Trung Quốc đã đi theo con đường tương tự
kể từ năm 1980 và cho đến nay đã đạt được thành quả xứng đáng.
Thủ tướng Đức Otto von Bismarck từng nhận xét:
"Chỉ có kẻ ngốc mới học từ những sai lầm của chính mình. Người khôn ngoan
học hỏi từ sai lầm của kẻ khác." Nhận xét của ông có thể được điều chỉnh
một chút: Một đất nước khôn ngoan học hỏi không chỉ từ sai lầm của nước khác,
mà còn từ những gì nước khác đã làm đúng. Mỹ không nên tìm cách trở nên giống
Trung Quốc (dù cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rõ ràng ghen tị với hệ thống độc
đảng của nước này), nhưng người Mỹ vẫn có thể học được đôi điều từ cách tiếp
cận thực dụng và tư lợi của Bắc Kinh đối với phần còn lại của thế giới.
Stephen
M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ
quốc tế tại Đại học Harvard.
No comments:
Post a Comment