Nguồn: Dmitri Alperovitch, "Taiwan Is the New Berlin," Foreign Affairs, 15/05/2024
Biên
dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Bài học từ thời Chiến tranh Lạnh
cho cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung hiện tại.
Phiên bản lịch
sử Chiến tranh Lạnh của Mỹ thường có xu hướng mô tả Bức tường Berlin như một
biểu tượng cho sự tàn phá tồi tệ nhất của giai đoạn này. Tuy nhiên, khi làm như
vậy, người Mỹ đã quên mất sự phức tạp của cuộc khủng hoảng kéo dài 15 năm về
tình trạng của Berlin trước khi bức tường này được xây dựng năm 1961 – một câu
chuyện mang nhiều sắc thái, chứa đựng những bài học sâu sắc cho cuộc cạnh tranh
giữa các cường quốc ngày nay. Trên thực tế, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã
cảm thấy nhẹ nhõm khi bức tường bắt đầu được xây dựng vào năm 1961, trái ngược
hoàn toàn với Tổng thống Ronald Reagan, người đã mạnh mẽ hô hào Liên Xô
"phá bỏ bức tường này" 25 năm sau đó.
Từ cuối Thế
chiến II đến đầu những năm 1960, câu hỏi ai sẽ kiểm soát Berlin – người Mỹ và
đồng minh của họ, hay Liên Xô – là điểm bùng phát nguy hiểm nhất của Chiến
tranh Lạnh, đe dọa leo thang sự cạnh tranh giữa hai nước thành chiến tranh
nóng, hoặc thậm chí là chiến tranh hạt nhân. Các tổng thống Harry Truman,
Dwight Eisenhower, và Kennedy đã xử lý cuộc khủng hoảng này một cách khéo léo.
Việc chia cắt thành phố Berlin là một thảm kịch nhân đạo đối với người dân Đông
Đức. Nhưng nó cũng đánh dấu hồi kết của giai đoạn nguy hiểm nhất trong Chiến
tranh Lạnh.
Trong lúc nước
Mỹ đang tăng tốc lao vào một cuộc cạnh tranh nguy hiểm với Trung Quốc, các nhà
hoạch định chính sách Mỹ không được quên những bài học của khủng hoảng Berlin –
những bài học về việc hai siêu cường né tránh chiến tranh và cuối cùng đi đến
tình trạng hòa hoãn khó chịu. Cuộc chiến giành bá quyền toàn cầu ngày nay có
một điểm tương đồng với Berlin: Đài Loan. Tất nhiên, vẫn có những khác biệt
chính. Đài Loan có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc hơn Berlin đối với
Liên Xô, cả về mặt biểu tượng lẫn địa chính trị. Chính sách chính thức của Mỹ
về phòng thủ Đài Loan là một chính sách mơ hồ chiến lược, khác với cam kết rõ
ràng của Kennedy, là bảo vệ Tây Berlin bằng mọi giá – dù Tổng thống Joe Biden
đã nhiều lần công khai tuyên bố ý định bảo vệ Đài Loan. Nhưng những điểm tương
đồng lại có ý nghĩa hơn. Cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ngày nay là một cuộc đấu
tranh sâu rộng, nhiều mặt, có những điểm tương đồng đáng chú ý với Chiến tranh
Lạnh: đó là cuộc chạy đua giành ảnh hưởng ngoại giao và kinh tế, chạy đua vũ
khí thông thường và hạt nhân, chạy đua không gian, chạy đua giành các căn cứ
quân sự ở châu Phi và Đông Á, cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa độc tài
và dân chủ, chiến tranh công nghệ và kinh tế, và chiến tranh gián điệp.
Đài Loan, giống
như Tây Berlin, nhỏ bé, nhưng lại là nơi duy nhất trên thế giới mà cạnh tranh
có nguy cơ trở thành xung đột nóng, và thực tế là nơi duy nhất mà cả hai phe
đều tích cực chuẩn bị cho chiến tranh. Có rất ít khả năng Mỹ hoặc Trung Quốc sẽ
thực sự dấn thân vào nguy cơ chiến tranh hạt nhân trên các rạn san hô nhỏ ở
Biển Hoa Đông và Biển Đông. Đài Loan, giống như Berlin, cũng có một giá trị
biểu tượng mạnh mẽ – là một cường quốc sản xuất chất bán dẫn có tầm quan trọng
chiến lược, và rộng hơn là một ví dụ về một Trung Quốc dân chủ và tự do. Đây
cũng là địa điểm quan trọng về mặt địa chính trị mà Tướng Douglas MacArthur vào
những năm 1950 đã gọi là "tàu sân bay không thể đánh chìm."
Nếu các nhà
hoạch định chính sách Mỹ chịu xem xét và rút ra bài học từ khủng hoảng Berlin
trong Chiến tranh Lạnh, cũng như vai trò của nó trong việc tạo tiền đề cho hòa
hoãn Mỹ-Xô trong những năm 1970, thì họ sẽ hiểu rõ hơn về cách vượt qua tình
thế khó khăn chiến lược của mình khi quản lý cuộc đối đầu địa chính trị hiện
nay với Trung Quốc. Trong Chiến tranh Lạnh, các nhà lãnh đạo Mỹ đã có nhiều nỗ
lực nhằm cải thiện quan hệ, từ các cuộc gặp vào thập niên 1950 giữa Eisenhower,
Nixon, và lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev cho tới hội nghị thượng đỉnh
Vienna năm 1961 giữa Kennedy và Khrushchev. Tuy nhiên, mối đe dọa liên tục từ
Liên Xô nhằm chấm dứt vị thế của Tây Berlin như một vùng đất tư bản tự do đã
cản trở tất cả những nỗ lực đó. Chỉ khi Washington thuyết phục được Moscow rằng
họ nghiêm túc trong việc bảo vệ thành phố thì Liên Xô mới chịu rút lui khỏi
cuộc đối đầu. Và chỉ khi Bức tường Berlin được khởi công xây dựng vào tháng
8/1961 thì mới xuất hiện cơ hội để ngăn chặn chiến tranh nóng và ngăn chặn một
số thảm hoạ có tiềm năng thảm khốc nhất thời đại, bao gồm cả thảm hoạ hạt nhân.
Ngày nay, một chiến lược răn đe cứng rắn tương tự, nhằm thuyết phục Trung Quốc
rằng một cuộc xâm lược Đài Loan sẽ gây ra hậu quả thảm khốc, là cơ hội tốt nhất
để Mỹ đạt được tình trạng hòa hoãn tương tự với Trung Quốc.
LÀM SAO THỂ SỬ
DỤNG CÂY GẬY LỚN?
Sau khi Thế
chiến II kết thúc ở châu Âu vào tháng 5/1945, những nước chiến thắng trong cuộc
chiến – các cường quốc Đồng minh và Liên Xô – đã phân chia Berlin thành các khu
vực mà mỗi bên sẽ quản lý. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, thành phố này trở
thành nơi châm ngòi cho những căng thẳng giữa Liên Xô và phương Tây. Năm 1948,
bị đe dọa bởi những nỗ lực của quân Đồng minh nhằm tạo ra một nhà nước Tây Đức
riêng biệt với đồng tiền mới và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, Liên Xô đã cố
gắng ngăn chặn khả năng tiếp cận Tây Berlin. Nhận thức rằng Tây Berlin đã trở
thành "biểu tượng cho ý định của Mỹ" và việc ở lại Berlin là
"thiết yếu" đối với "uy tín của Mỹ ở Đức và ở châu Âu" –
như lời Tướng Lucius Clay, thống đốc quân sự khu vực do Mỹ quản lý ở Berlin –
chính quyền Truman đã chọn chiến lược hỗ trợ mạnh mẽ cho thành phố đang bị bao
vây, phát động cuộc không vận Berlin huyền
thoại.
Dù Liên Xô đã
dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào giữa năm 1949, nhưng căng thẳng về Berlin chưa bao giờ
hoàn toàn giảm bớt. Khrushchev hiểu rằng Tây Berlin cũng có tầm quan trọng
chiến lược đối với Liên Xô – vì việc có một lãnh thổ tư bản nằm bên trong lãnh
thổ cộng sản đã dẫn đến một cuộc chảy máu chất xám ra khỏi Đông Berlin. Vì vậy,
ông đã chọn chiến thuật đối đầu. Quân đội Liên Xô vẫn được bố trí xung quanh
thành phố bị cô lập, và các nhà lãnh đạo châu Âu, Liên Xô, Mỹ đều biết rằng
trong một trận chiến thông thường, lực lượng cộng sản có thể dễ dàng chiếm được
Tây Berlin.
Suốt những năm
1950, khi sự cạnh tranh giữa Liên Xô và Mỹ leo thang thành một cuộc chiến ủy
nhiệm ở châu Á, một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, và một cuộc đấu tranh để
giành ảnh hưởng ý thức hệ trên toàn thế giới, Tây Berlin – và đặc biệt là với
vai trò biểu tượng cho thành công của mô hình tư bản chủ nghĩa – vẫn là một
điểm đối đầu quan trọng. Mỹ tin rằng nỗ lực duy trì cân bằng quyền lực ở châu
Âu là đáng để mạo hiểm bằng một cuộc chiến với Liên Xô. Việc để mất Tây Berlin
sẽ là một thất bại lớn đối với Mỹ và có thể khuyến khích Moscow trở nên hung
hăng hơn trên toàn thế giới. Nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu và Liên Xô cũng
luôn thắc mắc liệu Mỹ sẽ thực sự hy sinh những gì để bảo vệ thành phố này.
Liệu một tổng
thống Mỹ và NATO có – hoặc nên – đi đến chiến tranh vì tự do của những người
dân sống ở Tây Berlin?
Cuối những năm
1950, khi hàng triệu người Đông Đức chạy sang Tây Đức, xung đột ở Berlin đã lên
đến đỉnh điểm. Tháng 11/1958, Khrushchev ra tối hậu thư cho Mỹ và các đồng
minh, yêu cầu họ rút quân khỏi Tây Berlin trong vòng sáu tháng. Nhưng
Eisenhower đã cương quyết chống lại và Moscow đành rút lại yêu cầu. Ba năm sau,
tại hội nghị thượng đỉnh Vienna năm 1961, Kennedy hy vọng có thể đạt được sự đồng
thuận về cân bằng quyền lực ở châu Âu với Khrushchev, nhưng hội nghị đã thất
bại và không đạt được giải pháp nào về tình trạng của Tây Berlin. Đến ngày
25/07 cùng năm, Kennedy có bài phát biểu được truyền hình từ Phòng Bầu dục để
cảnh báo công chúng Mỹ rằng tình hình ở Berlin có nguy cơ leo thang thành chiến
tranh. "Chúng ta đã hứa rằng một cuộc tấn công vào thành phố đó sẽ được
xem là một cuộc tấn công nhằm vào tất cả chúng ta," ông nói. "Chúng
ta không thể và sẽ không cho phép những người Cộng sản đuổi chúng ta ra khỏi
Berlin, dù là dần dần hay bằng vũ lực." Lo lắng rằng xung đột thậm chí có
thể chuyển thành chiến tranh hạt nhân, Kenedy đã chỉ đạo Quốc hội phân bổ 207
triệu USD, trong đó một phần được dùng để xác định và đánh dấu các không gian hiện
có cho các hầm trú ẩn bụi phóng xạ hạt nhân trên khắp nước Mỹ, đồng thời cải
thiện hệ thống cảnh báo không kích và phát hiện bụi phóng xạ của đất nước.
Quyết tâm của
Kennedy trong việc bảo vệ lợi ích chiến lược của Mỹ ở châu Âu, thậm chí với cái
giá không thể tưởng tượng nổi, đã khiến Liên Xô một lần nữa phải từ bỏ tham
vọng dập tắt tự do ở Tây Berlin. Chỉ hơn hai tuần sau bài phát biểu của
Kennedy, Đông Đức – theo lệnh của Liên Xô – bắt đầu chiến dịch quy mô lớn nhằm
dựng lên bức tường sẽ chia cắt Berlin trong hơn một phần tư thế kỷ. Tại
Washington, Kennedy đã phản ứng theo cách có thể gây ngạc nhiên cho những người
Mỹ chỉ biết về sự xấu xa của Bức tường Berlin: ông cảm thấy nhẹ nhõm. "Tại
sao Khrushchev lại dựng lên một bức tường nếu ông ta thực sự có ý định chiếm
Tây Berlin?" Kenedy hỏi các trợ lý của mình một cách riêng tư. Ông suy
luận rằng việc xây dựng bức tường là cách Khrushchev xuống thang xung đột.
Kennedy kết luận "Đó không phải là một giải pháp hay ho cho lắm, nhưng một
bức tường vẫn tốt hơn rất nhiều so với một cuộc chiến."
THÙNG THUỐC
SÚNG ĐÀI LOAN
Trực giác của
Kennedy đã được chứng minh là đúng. Dù Chiến tranh Lạnh kéo dài thêm ba thập
niên nữa, nhưng việc giảm căng thẳng ở Berlin và việc xây dựng bức tường là một
bước ngoặt. Cạnh tranh Mỹ-Xô vẫn còn nhiều khoảnh khắc căng thẳng hơn, bao gồm
cả Khủng hoảng tên lửa Cuba kéo dài 13 ngày, một phần là do sự thất vọng của
Khrushchev khi thua trong cuộc đối đầu ở Tây Berlin một năm trước đó. Nhưng
chiến tranh chưa bao giờ đạt đến mức cực kỳ nguy hiểm như trong giai đoạn từ
1961 đến 1962. Mỹ và Liên Xô đã có thể tìm thấy một sự hoà hoãn bền vững, được
củng cố bởi các hiệp định kiểm soát vũ khí rõ ràng và các phạm vi ảnh hưởng mà
mỗi bên có thể chấp nhận. Gần như chắc chắn, sẽ không bao giờ có tình trạng hòa
hoãn Chiến tranh Lạnh nếu Bức tường Berlin không được xây dựng như một hành
động làm giảm mối đe dọa đối với Tây Berlin.
Ngày nay, nước
Mỹ một lần nữa bị lôi kéo vào một cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc mà mức độ
phức tạp của nó đang dần hiển hiện trong một cuộc cạnh tranh gay gắt vì tương
lai của một lãnh thổ chỉ lớn hơn bang Maryland của Mỹ. Khủng hoảng Berlin đã
cho thấy những điểm nóng như vậy có thể nguy hiểm đến mức nào trong cuộc cạnh
tranh toàn cầu giữa hai cường quốc hạt nhân lớn. Trong những năm 1950, các nhà
lãnh đạo Liên Xô đã tự hỏi Mỹ thực sự quan tâm đến Berlin đến mức nào và tìm đủ
mọi cách để kiểm tra quyết tâm của Mỹ. Tương tự, ngày nay, nhiều người đang
thắc mắc liệu Mỹ có thực sự bảo vệ Đài Loan trước cuộc xâm lược của Trung Quốc hay
không.
Nhưng Mỹ không
thể rút khỏi cuộc xung đột Đài Loan cũng như không thể từ bỏ Tây Berlin. Nếu
Trung Quốc được phép chinh phục Đài Loan và Mỹ sẽ không hỗ trợ hòn đảo này, thì
đó sẽ là một thảm họa đối với người dân Đài Loan. Mùa hè năm 2022, Lô Sa Dã,
đại sứ Trung Quốc tại Pháp, tuyên bố rằng Trung Quốc có ý định "cải
tạo" người dân Đài Loan "để loại bỏ tư tưởng và lý thuyết ly
khai." Một sách trắng về chính sách Đài Loan mà chính phủ Trung Quốc công
bố ngay sau đó – để ngỏ khả năng chiếm đóng quân sự kéo dài đối với hòn đảo này
– đã nói rõ rằng tuyên bố của Lô không phải là nói khoác. Trung Quốc chắc chắn
sẽ làm với Đài Loan những điều mà họ đã làm với Tây Tạng, Tân Cương, và Hong
Kong: tấn công nhân quyền và đàn áp các quyền tự do như quyền hội họp ôn hòa,
quyền tự do ngôn luận, và quyền tự do thực hành tôn giáo của mình.
Nói rộng hơn,
việc Trung Quốc chinh phục Đài Loan sẽ nhanh chóng sắp xếp lại các cấu trúc
quyền lực địa chính trị trên khắp châu Á-Thái Bình Dương và xa hơn nữa bằng
cách thiết lập phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Đông Á. Khả năng của Mỹ
trong việc bảo vệ các tuyến đường thương mại nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế,
bảo vệ các đồng minh khỏi sự cưỡng bức kinh tế và quân sự của Trung Quốc, cũng
như khả năng thể hiện sức mạnh của Mỹ trên khắp châu Á sẽ suy giảm nghiêm
trọng, bởi vì một Đài Loan do Trung Quốc kiểm soát sẽ trở thành một căn cứ hải
quân, tên lửa, và radar quan trọng về mặt chiến lược, có thể gây ra rủi ro
nghiêm trọng cho các chiến dịch của Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Và nhiều
quốc gia trên khắp châu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thậm chí trên toàn
thế giới, sẽ mất niềm tin vào chiếc ô an ninh của Mỹ. Các quốc gia quan trọng
về mặt kinh tế như Nhật Bản, Philippines, và Hàn Quốc sẽ phải thay đổi chính
sách an ninh quốc gia của mình để phù hợp với Trung Quốc, siêu cường mới trong
khu vực, tương tự như cách các quốc gia ở Trung Á phải đáp ứng Nga và các lợi
ích của nước này.
Được khích lệ
bởi việc chiếm được Đài Loan và ảnh hưởng chiến lược ngày càng gia tăng ở Đông
Á, tính hiếu chiến của Trung Quốc có thể sẽ tăng lên đáng kể, vì càng ăn nhiều
thì lại càng thèm ăn. Như Zbigniew Brzezinski đã đề xuất vào năm 1997, việc
Trung Quốc tiếp quản Đài Loan sẽ tạo ra một thế giới trong đó các nhà lãnh đạo
doanh nghiệp và lãnh đạo quốc gia trước khi ra quyết định sẽ tự hỏi mình rằng:
"Bắc Kinh sẽ nghĩ gì về điều này?" thay vì "Mỹ sẽ nghĩ gì về
điều này?" Hãy nhớ lại những nỗ lực mà các tập đoàn như NBA đã thực hiện
để giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, và hãy tưởng tượng những nỗ lực
đó được khuếch đại gấp trăm lần.
HÃY XÂY TƯỜNG
Trong cuộc
khủng hoảng Berlin, các nhà lãnh đạo Mỹ nhận ra rằng không thể có hòa hoãn với
Liên Xô nếu Moscow không bị buộc phải rút lại lời đe dọa phá hủy tự do ở Tây
Berlin. Để làm vậy, họ phải đứng vững và cam kết bảo vệ tiền đồn trước những
hành động bắt nạt và cưỡng bức từ Điện Kremlin, nhưng không đi quá xa đến mức
tự mình gây ra xung đột. Mỹ phải học từ "điệu nhảy chính trị" mà
Truman, Eisenhower và Kennedy đã biểu diễn. Những nhà lãnh đạo này đã bảo vệ vị
trí của Tây Berlin như ngọn hải đăng của nền dân chủ, trong khi tránh gây ra
một cuộc xung đột toàn cầu tàn khốc cho đến khi một kỷ nguyên ổn định có thể
được duy trì.
Cuối cùng,
không thể có hoà hoãn với Trung Quốc nếu không tạo ra một "bức tường"
bắc qua eo biển Đài Loan. Điều này đòi hỏi Mỹ phải bố trí các loại vũ khí quan
trọng – tên lửa chống hạm, mìn, các khẩu đội phòng không và ven biển rải rác
khắp khu vực và trên chính Đài Loan – đủ để thuyết phục Trung Quốc rằng bất kỳ
nỗ lực nào để chiếm hòn đảo cũng sẽ vô ích. Ngoài ra, Mỹ phải tập trung vào
việc tăng đòn bẩy kinh tế đối với Trung Quốc, và giảm sức ảnh hưởng của Trung
Quốc đối với Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng như chất bán dẫn, khoáng sản quan
trọng, AI, công nghệ sinh học và các sản phẩm sinh học tổng hợp, công nghệ vũ
trụ, và năng lượng xanh. Bắc Kinh phải hiểu rằng ngay cả khi bằng cách nào đó
họ có thể giành được chiến thắng quân sự trước Đài Loan, thì việc tiếp quản hòn
đảo vẫn sẽ gây ra tổn thất nặng nề cho nền kinh tế và sự thịnh vượng của Trung
Quốc. Một lần nữa, chiến lược của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh mới phải là thuyết
phục phía bên kia rằng hiện trạng không thỏa đáng – trong đó số phận nền độc
lập của Đài Loan chưa được xác định, nhưng góp phần vào hòa bình và cùng tồn
tại – vẫn tốt hơn là một cuộc xung đột sống còn.
Nhưng cần có
thời gian để đạt được tình trạng hòa hoãn mà Liên Xô và Mỹ đạt được vào những
năm 1970 – điều mà các nhà lãnh đạo Mỹ đã nhận ra trong giai đoạn đầu của Chiến
tranh Lạnh. Sự cai trị của Đảng Cộng sản ở Trung Quốc có thể kéo dài qua nhiều
thế hệ. Ngay cả khi chính phủ Trung Quốc trở nên dân chủ hơn, thì nhiều trong
số các xung đột giữa Washington với Bắc Kinh vẫn sẽ không biến mất, cũng như sự
sụp đổ của chế độ cộng sản ở Moscow đã không làm dịu đi mọi xung đột nghiêm
trọng giữa Mỹ và Nga.
Chậm lại, một
lần nữa, có thể là chiến lược chiến thắng. Việc làm chậm bước tiến của Trung
Quốc thêm một tháng hay một năm là rất quan trọng, tương tự như việc để Trung
Quốc tự mắc sai lầm. Như đã từng xảy ra trong khủng hoảng Berlin, Mỹ giờ đây
phải bước đi trên một ranh giới cực kỳ mong manh. Bằng cách đầu tư nhanh chóng
vào răn đe quân sự và kinh tế mà không gây ra sự phân tách hoàn toàn khỏi Trung
Quốc, các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo Trung
Quốc sẽ thức dậy mỗi sáng và nghĩ rằng "Hôm nay không phải là ngày xâm
lược Đài Loan" – nhưng cũng có thể nghĩ rằng ngày mai họ sẽ xâm lược, để
rồi một ngày nào đó sau đó nhiều năm, họ thức dậy với cùng một kết luận mà
Khrushchev đưa ra vào tháng 8/1961 về Berlin: cửa sổ xâm lược đã hoàn toàn đóng
lại.
Giống như thời
Chiến tranh Lạnh, thời gian đang đứng về phía Washington. Và nếu Mỹ có thể
tránh được một cuộc khủng hoảng ở Đài Loan trong vài năm tới, thì những điểm
yếu về kinh tế và nhân khẩu học của Trung Quốc có thể sẽ buộc Bắc Kinh phải
thỏa hiệp nhiều hơn, như Liên Xô đã làm trong những năm 1970 và 1980. Nhưng Mỹ
phải sử dụng thời gian của mình một cách khôn ngoan. May mắn thay, họ nắm trong
tay một bản hướng dẫn từ lịch sử.
No comments:
Post a Comment