Tuesday, 18 October 2022

Con mắt chỉ thấy

 Con mắt chỉ thấy vẻ ngoài, thời gian mới thấu lòng người ra sao

Mục lục bài viết

·       Con mắt chỉ nhìn được mặt người, khó nhìn rõ lòng người thiện ác.

·       Thời gian là công chính nhất, có thể nghiệm chứng thật giả trong bản tính con người.

·       Nhân phẩm tốt, không sợ bất kỳ thử thách nào.

Có câu: "Thà không biết chữ, chứ không thể không biết người". Người sống ở thế gian, dù không biết chữ thì cũng có thể sống cuộc sống bình thường; còn nếu không biết người thì khó có cuộc sống tốt đẹp.

Lòng người vốn phức tạp, ngoài mặt biết người, cũng có thể nhìn nhầm, nếu thân thiết quá thậm chí còn bị lừa gạt.

Để biết người thì cần có cái nhìn một cách toàn diện, mới có thể biết được lòng người thiện ác ra sao; đánh giá một người cần phải có thời gian, vậy mới hiểu được bản chất người đó là thật hay giả.

Con mắt chỉ nhìn được mặt người, khó nhìn rõ lòng người thiện ác.

Như câu: "Biết mặt thì dễ, biết lòng mới khó". Người ở thế gian muôn hình vạn trạng, lòng người đáng sợ nhất, cũng khó đoán biết nhất. Nếu chỉ đánh giá phẩm chất của một người qua vẻ bề ngoài thì rất dễ bị lừa.

Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, trong số 16 cô con gái, ông thương công chúa An Khánh nhất. Khi chọn phò mã cho nàng, ông đã phải suy nghĩ rất nhiều.

Lúc đó, Âu Dương Luân là tiến sĩ đương thời, tướng mạo đường đường, tài hoa xuất chúng, rất được Chu Nguyên Chương đem lòng quý mến.

Vào năm Hồng Võ thứ 14, Chu Nguyên Chương gả công chúa An Khánh cho Âu Dương Luân.

Âu Dương Luân mượn thế đi lên, quan thăng đến chức Đô úy. Sau khi có quyền thế và uy vọng của hoàng thân quốc thích, Âu Dương Luân bắt đầu sa ngã. Ông đã sửa sang phủ Phò mã, quan viên các nơi đổ xô đến thăm, ông nhờ vậy mà đã có được rất nhiều kỳ trân dị bảo.

Nhưng Âu Dương Luân lòng tham không đáy, đã nhiều lần sắp xếp cho cấp dưới của mình buôn lậu trà và kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ đó.

Lúc bấy giờ trà là "hàng cấm", triều đình còn ban hành "Đạo luật về trà", ai vi phạm sẽ bị khép tội chết.

Chu Nguyên Chương không ngờ rằng con rể mình lại là kẻ đầu sỏ phạm tội. Ông nổi trận lôi đình, hạ lệnh bắt giữ và thẩm vấn Âu Dương Luân.

Khi Mã hoàng hậu và công chúa An Khánh nghe tin muốn xử trảm Âu Dương Luân, vội vàng diện kiến cầu xin Chu Nguyên Chương tha cho ông.

Chu Nguyên Chương cũng hiểu rằng một khi chấp hành tử hình, con gái yêu của ông sẽ trở thành góa phụ lẻ loi hiu quạnh.

Tội lỗi của Âu Dương Luân là không thể tha thứ, nếu không xử chết, không chỉ người dân trên thiên hạ chê cười, mà luật pháp của hoàng gia cũng đánh mất uy tín.

Cuối cùng, Chu Nguyên Chương dằn nén đau thương, từ bỏ tình riêng của mình,  kiên quyết xử tử Âu Dương Luân cùng đồng bọn của y.

Một đời hoàng đế, lấy mặt nhìn người, cuối cùng lại nhìn nhầm, đành phải nuốt trái đắng, thật là đáng buồn và đáng trách.

Trong "Tăng Quảng Hiền Văn" có giảng: "Người thường nhìn không ra tướng mạo, trời biển không đo được", nghĩa là không thể nhìn vào bề ngoài để đánh giá tài đức một con người, cũng như nước biển không thể dùng đấu để đong đo được.

Lòng người ngăn cách bởi một lớp da, bạn chỉ có thể nhìn thấy vẻ bề ngoài, chứ không thể thấy được nội tâm họ.

Trên thực tế, cũng không có gì lạ khi dễ nhìn sai người, bởi vì có những người thật sự rất giỏi ngụy trang.

Không ít người thoạt nhìn thì thấy là một chính nhân quân tử, đợi khi kiểm tra kỹ lưỡng  mới phát hiện ra anh ta là kẻ tiểu nhân lòng dạ hiểm ác.

Vậy nên, nhìn người tuyệt đối không thể chỉ nhìn bề ngoài, nếu chỉ trông mặt mà bắt hình dong, thì chỉ có thể để lại nỗi di hận mà thôi.

Chỉ bằng cách lắng nghe lời nói, quan sát hành động, thăm dò ý nghĩa của người đó, xem xét và đánh giá toàn diện, thì mới có thể nhìn rõ người ta.

Thời gian là công chính nhất, có thể nghiệm chứng thật giả trong bản tính con người.

Có câu chuyện như vậy vào thời Dân quốc:

Ở một thị trấn nhỏ, Liễu Hoa và Sơn Trụ là đôi thanh mai trúc mã.

Thoáng cái cả hai đều đã đến tuổi dựng vợ gả chồng. Sơn Trụ nhờ người cầu hôn, mẹ của Liễu Hoa yêu cầu 200 đồng Bạc tiền thách cưới.

Sơn Trụ nhà nghèo, không kiếm đâu được số tiền lớn như vậy. Nhà Liễu Hoa cũng không giàu có, và tuyên bố chắc nịch rằng sẽ không gả con gái nếu không lấy được tiền.

Liễu Hoa khó xử, muốn cùng Sơn Trụ bỏ trốn, nhưng Sơn Trụ không đồng ý.

Anh khuyên Liễu Hoa rằng: "Ráng chờ thêm mấy năm, đợi anh kiếm đủ tiền rồi, anh sẽ qua nhà hỏi cưới em". Liễu Hoa không còn cách nào khác, đành phải gật đầu đồng ý.

Vùng này chuyên sản xuất muối, Sơn Trụ chuyển lượng lớn muối đến nơi khác để bán, thường hễ đi là mất 1 hoặc 2 năm. Khi Sơn Trụ trở về, hai người đã gặp nhau và cùng đưa ra lời hứa hẹn.

Để kiếm nhiều tiền, Sơn Trụ ngày càng đi xa hơn. Cơ hội gặp gỡ của cả hai càng ngày càng ít. Trong nháy mắt, đã 5 năm trôi qua, lúc này Sơn Trụ đã kiếm được rất nhiều tiền.

Lòng anh tràn đầy niềm vui, vội vã về nhà không quản ngày đêm. Anh muốn được kết hôn với Liếu Hoa càng sớm càng tốt.

Nhưng, Sơn Trụ không ngờ rằng 3 năm trước, Liễu Hoa đã gả cho một gia đình giàu có và làm vợ lẽ người ta.

Sơn Trụ đau đớn rời khỏi quê nhà, nên duyên cùng một cô gái khác. Còn Liễu Hoa cuối cùng lại bị gia đình chồng ruồng bỏ và bán vào lầu xanh.

Một cô gái không vượt qua được thử thách, tự chặt đứt nhân duyên, để rồi cuối cùng lưu lạc phong trần, thật khiến người đời vừa tiếc nuối vừa xót thương. 

Như có câu: "Đường dài mới biết ngựa hay, lâu ngày mới thấy lòng người".

Người đời không có huệ nhãn, lòng người thật giả khó phân. Nhưng thời gian không dối gạt người, nó có thể khiến bạn nhìn rõ hết thảy.

Đức Khổng Tử trong phần "Lý Nhân – Luận Ngữ" có nói rằng: "Quân tử hiểu về điều nghĩa, tiểu nhân hiểu về điều lợi".

Con người nếu muốn được sống những ngày tháng vinh hoa phú quý, thì không thể tách khỏi tiền bạc. Nhưng cần phải biết rằng, kết giao chỉ vì lợi ích thì sẽ không có sự chân thành, lấy điều nghĩa mà cư xử với nhau, mới có thể có được lòng thành. 

Mọi người đều nói rằng khi đứng trước lợi ích, bản tính con người sẽ không qua nổi thử thách. Nhưng người quân tử thật sự dù có nhiều tiền bạc hơn nữa cũng không vì thế mà đánh mất nhân tính. Chỉ những kẻ có lòng dạ bất chính mới hám lợi quên nghĩa.

Một người chỉ khi tuân theo đạo đức, hành vi có chừng mực, nhân tính vượt qua được thử thách của thời gian, thì vận mệnh mới có thể thay đổi.

Nhân phẩm tốt, không sợ bất kỳ thử thách nào.

Người xưa đã nói: "Mỹ mạo thịnh thời đoản; mỹ đức truyền thiên cổ", ý là vẻ đẹp lúc thịnh rất ngắn ngủi, đức hạnh lưu truyền muôn đời sau.

Vẻ đẹp của một người chỉ có thể được chiêm ngưỡng trong một thời gian, còn đạo đức của một người có thể được lưu truyền đến muôn vạn đời sau.

Làm người, điều then chốt nhất là phải có đạo đức.

Có câu nói vàng ròng không sợ lửa, lòng thành không sợ thử thách. Nhân phẩm tốt, gặp nhiều may mắn, tránh xa vận rủi. Nhân phẩm xấu, dù chưa bị báo ứng, nhưng vận may đã tiêu tan.

Cần biết rằng, phú quý bần hàn, họa phúc sớm chiều, tất cả đều là do tự mình chuốc lấy.

Muốn tránh dữ gặp lành, đường đời suôn sẻ thì cần tu tâm dưỡng tính, tích đức hành thiện.

Không phạm đạo trời, không đánh mất lương tri, qua được thử thách, sẽ sống một đời bình yên.

Vũ Dương biên dịch

No comments:

Post a Comment