Vào thời điểm chiến tranh Nga và Ukraine bế tắc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Trung Quốc để tìm kiếm sự hỗ trợ. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình cũng vừa có chuyến công du tới Châu Âu. Các chuyên gia phân tích rằng, Bắc Kinh đang đi trên dây giữa Nga và Châu Âu, ông Tập sẽ "tự hủy hoại chính mình" nếu ủng hộ ông Putin.
-Ông Putin cần gấp sự hỗ
trợ, ông Tập nói 'không kết thành đồng minh'
-Chuyên gia: Nếu ủng hộ ông Putin, Bắc Kinh sẽ tự hủy hoại chính mình
-Liệu ông Putin có đồng ý ngừng bắn trong Thế vận hội Paris 2024?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Bắc Kinh vào thứ Năm (ngày 16/5) trong
chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày. Ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Đảng Cộng
sản Trung Quốc, đã chào đón ông Putin bên ngoài tòa nhà Đại lễ đường Nhân dân
trên Quảng trường Thiên An Môn. Sau đó, hai bên hội đàm, ký và công bố
"Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Nga về việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ
đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới nhân kỷ niệm 75 năm hai
nước thiết lập quan hệ ngoại giao".
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, ông Tập Cận Bình nói rằng
nội dung cuộc hội đàm rất phong phú, hai bên sẽ không ngừng tăng cường sự tin
cậy lẫn nhau về chính trị dựa trên nguyên tắc "không kết thành đồng minh,
không đối đầu, không nhắm mục tiêu vào bên thứ ba".
Còn cơ quan tin tức của Điện Kremlin thông báo rằng, lãnh đạo hai nước sẽ thảo
luận chi tiết về mọi vấn đề trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện,
xác định phương hướng chính để phát triển hơn nữa hợp tác thực chất Nga -
Trung, cũng như trao đổi quan điểm sâu sắc về các vấn đề khu vực và vấn đề quốc
tế cấp bách nhất.
Ông Putin cần gấp sự hỗ
trợ, ông Tập nói 'không kết thành đồng minh'
Ông Putin có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào thời điểm Nga tiếp tục
mở rộng cuộc tấn công vào Ukraine. Dựa trên dữ liệu của Viện Nghiên cứu Chiến
tranh (ISW) ở Washington, hãng tin AFP ước tính, trong một tuần qua, quân đội
Nga đã chiếm được 278 km2 lãnh thổ Ukraine, giành được thành quả chiến đấu lớn
nhất trong một năm rưỡi vừa qua.
Ông Putin rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền Trung Quốc về mọi mặt, bao gồm vũ
khí, quân nhu và các vật phẩm chiến lược khác. Sau các lệnh trừng phạt liên tục
từ Hoa Kỳ và Châu Âu, Nga đã cắt đứt quan hệ kinh tế với Châu Âu.
Vào ngày 16/5/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự lễ ký kết sau cuộc
hội đàm với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. (SERGEI
BOBYLYOV/POOL/AFP via Getty Images)
Ông Cô Học Vũ (Gu Xuewu), Giáo sư khoa chính trị học và quan hệ quốc tế tại Đại
học Bonn ở Đức, phân tích với DW: "Ông Putin đang cố gắng hết sức để thúc
đẩy ấn tượng rằng Trung Quốc và Nga là đối tác chiến lược không chịu hạn chế và
có mối quan hệ không thể phá vỡ, nhằm xác nhận trục Nga - Trung với phương
Tây".
Về việc ông Putin vừa thay thế Bộ trưởng Quốc phòng, ông Cô cho rằng "Nga
hiện đang gặp khó khăn rất lớn trong việc lên kế hoạch cho hành động quân sự
tiếp theo (nhắm vào Ukraine). Khó khăn này đã vô tình bộc lộ khi ông ấy (Putin)
giải thích về việc bổ nhiệm tân Bộ trưởng Quốc phòng. Cũng chính là khi quân
đội Nga đột phá chiến tuyến từ các hướng, họ cần được hỗ trợ mạnh mẽ về kinh tế
và hậu cần thời chiến".
"Hiện tại, khó khăn lớn nhất đối với quân đội Nga là sau khi ngành công
nghiệp quân sự [của nước này] chuyển sang hệ thống kinh tế thời chiến, họ có
thể không [sản xuất] kịp [so với] tốc độ tiêu hao vũ khí. Họ cần sự hỗ trợ của
Trung Quốc".
Chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc bí mật hỗ trợ cho ngành công nghiệp quân sự
của Nga. Theo danh sách được Mỹ công bố vào tháng 4 năm nay, đến năm 2023, 90%
chip mà Nga nhập khẩu đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và được sử dụng để sản
xuất tên lửa, xe tăng và máy bay. Trong quý cuối cùng của năm ngoái, 70% máy
công cụ được Nga nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc và "có thể được sử
dụng" trong sản xuất tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, Giáo sư Cô cho biết, "Chính quyền Bắc Kinh đang có một động
thái khác, đó là nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Nga là quan hệ đối tác, nhưng
không phải là quan hệ liên minh quân sự...".
So với tuyên bố hai năm trước, tuyên bố chung mà Trung - Nga đưa ra hôm 16/5
không còn đề cập đến "tình hữu nghị giữa hai nước không có điểm cuối và sự
hợp tác không có vùng cấm". Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh trong cuộc họp báo
mới đây rằng, "sẽ tiếp tục duy trì các nguyên tắc không kết thành đồng
minh, không đối đầu, không nhắm mục tiêu vào bên thứ ba".
Nhà Trắng cho biết trong cuộc họp báo hôm 16/5 rằng, chính quyền Mỹ không thấy
điều gì mới trong tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Nga.
Từ những bức ảnh được công khai, có thể thấy ông Putin hiếm khi mỉm cười khi ở
Bắc Kinh. Nhà bình luận thời sự Chung Nguyên (Zhong Yuan) đã viết một
bài báo trên The Epoch Times và phân tích rằng, ông Putin có thể đã không đạt
được kết quả như mong đợi trong chuyến thăm của mình. Tuyên bố của cả hai bên
có thể đã khiến ông Putin thất vọng. Trung - Nga kỷ niệm 75 năm thiết lập quan
hệ ngoại giao nhưng lại chẳng thấy niềm vui, mối quan hệ giữa hai bên nhìn
chung đã lộ rõ bản chất.
Ông Chung Chí Đông (Zhong Zhidong), trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An
ninh và Quốc phòng Đài Loan, gần đây nói với The Epoch Times rằng Bắc Kinh có
chiến lược hai mặt. Một mặt, họ hy vọng tăng cường quan hệ Trung - Nga để chống
lại vòng vây của Hoa Kỳ và Châu Âu; nhưng mặt khác, họ cũng không sẵn sàng vì
mối quan hệ Trung - Nga mà làm cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Âu -
Mỹ xấu đi, thậm chí có thể còn bị Âu - Mỹ trừng phạt.
Chuyên gia: Nếu ủng hộ
ông Putin, Bắc Kinh sẽ tự hủy hoại chính mình
Hoa Kỳ và Châu Âu đã nhiều lần cảnh báo chính quyền Trung Quốc đừng ủng hộ Nga.
Khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến thăm Trung Quốc vào tháng 4, ông đã
cảnh báo rằng việc Bắc Kinh vận chuyển các linh kiện quan trọng có thể được
dùng để sản xuất vũ khí tới Moscow chắc chắn sẽ đổ thêm dầu vào cuộc chiến ở
Ukraine; nếu Trung Quốc không dừng tay, Hoa Kỳ sẽ có hành động.
Tuần trước, ông Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến thăm Pháp và 2 nước Châu Âu
khác. Trong một tuyên bố, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng cần
tôn trọng luật pháp quốc tế, và yêu cầu sự đảm bảo từ Bắc Kinh rằng họ sẽ không
hỗ trợ Nga. Hãng tin AFP cho rằng, ông Tập Cận Bình đang "nghe như không
nghe".
Hoa Kỳ và Châu Âu đã bắt đầu hành động. Hôm 14/5, ông Biden tuyên bố tăng thuế
trên quy mô lớn đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm 7 loại
sản phẩm là thép và nhôm, chất bán dẫn, pin, các loại khoáng sản quan trọng,
pin mặt trời, cần cẩu từ tàu lên bờ và các sản phẩm y tế. Trong số đó, thuế đối
với xe điện đã tăng gấp 4 lần.
Chính quyền Mỹ còn thông báo sẽ chặn hàng nhập khẩu từ 26 công ty dệt may Trung
Quốc bị nghi ngờ tham gia lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương.
Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã tiến hành các cuộc điều tra về một số hành vi
của chính quyền Trung Quốc. Hôm 17/5, EU công bố mở một cuộc điều tra chống bán
phá giá đối với các sản phẩm thép cán phẳng mạ thiếc hoặc tráng thiếc từ Trung
Quốc; trước đó EU cũng đã điều tra các khoản trợ cấp của nhà nước Trung Quốc
cho các nhà sản xuất ô tô điện, tấm pin mặt trời và tua-bin gió, cũng như mở
cuộc điều tra về hoạt động mua sắm công liên quan thiết bị y tế có nguồn từ
Trung Quốc.
Trên thực tế, Trung Quốc đang rất cần công nghệ, vốn đầu tư và thị trường từ Mỹ
và Châu Âu. Trong ba thập kỷ qua, sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc hoàn toàn
nhờ vào lợi ích của "toàn cầu hóa". Tuy nhiên, với sự bùng nổ của
cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vào năm 2018, chuỗi công nghiệp toàn cầu đã
được tái cấu trúc và các công ty nước ngoài đã lần lượt rút khỏi thị trường
Trung Quốc.
Ba năm dịch bệnh Covid-19 đã khiến nền kinh tế Trung Quốc càng trở nên tồi tệ
hơn. Bất động sản - ngành chống đỡ cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc -
tiếp tục tiêu điều, xuất khẩu sụt giảm, nhu cầu trong nước yếu, tỷ lệ thất
nghiệp cao, vốn nước ngoài tháo chạy và hàng loạt vấn đề khác khiến chính quyền
Trung Quốc khó chống đỡ nổi.
Ông Cô Học Vũ cho rằng, "Lợi ích kinh tế của Trung Quốc có mối liên hệ
chặt chẽ với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây. Nếu họ
tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho Nga, họ sẽ tự hủy hoại chính mình".
Ông Chung Chí Đông cũng cho rằng sự tương tác của chính quyền Trung Quốc với
Nga hơi giống như đi trên dây, đây là chính quyền hai mặt.
Liệu ông Putin có đồng ý
ngừng bắn trong Thế vận hội Paris 2024?
Về cuộc gặp Tập - Putin này, ông Cô Học Vũ cho rằng một trong những điểm nổi
bật chính là liệu ông Putin có đồng ý ngừng bắn trong Thế vận hội Paris hay
không. Ông Cô nói: "Khi ông Putin đến lần này, ông Tập Cận Bình chắc chắn
sẽ đưa ra yêu cầu với ông ấy, tức là phải có lệnh ngừng bắn trong thời gian
diễn ra Thế vận hội".
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã đến thăm Pháp và gặp
Tổng thống Pháp Macron. Các phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung
Quốc dẫn lời ông Tập Cận Bình nói: Phía Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Pháp,
coi Thế vận hội Paris là cơ hội, để khởi xướng lệnh ngừng bắn trên toàn cầu
trong thời gian diễn ra Thế vận hội.
Ông Macron và ông Tập Cận Bình cũng đề cập đến điều này trong tuyên bố chung
giữa Trung Quốc và Pháp. Ông Cô nói, "Ông Putin sẽ phải đồng ý với điều
kiện này của ông Tập Cận Bình, nếu không đó sẽ là một cái tát lớn vào mặt ông
Tập và khiến ông ấy không thể giải thích với thế giới".
Giáo sư Cô phân tích rằng, vì đang cần sự trợ giúp từ phía Trung Quốc nên ông
Putin có thể sẽ cho ông Tập Cận Bình thể diện và đồng ý ngừng bắn trong Thế vận
hội; nhưng "nếu thông cáo chung Trung - Nga không đề cập đến điều này, có
nghĩa là ông Tập Cận Bình đã thất bại. Nếu nhắc đến điều này thì có nghĩa là
ông Putin đã chịu khuất phục trước ông Tập".
Cả Paris và Bắc Kinh đều kêu gọi ngừng bắn trong thời gian diễn ra Thế vận hội
Mùa hè 2024. Theo ông Cô, nếu ông Putin không ngừng bắn, cái gọi là tình hữu
nghị Trung - Nga chắc chắn sẽ gặp thử thách gay gắt. Chính quyền Trung Quốc
không thể vừa giải quyết những mối lo chồng chất của mình, vừa lo chuyện của
Nga, nhưng ít nhất họ có thể làm một chút hành động nhỏ, mang tính tượng trưng
để biểu đạt thành ý. Nếu Nga không đồng ý thì sẽ rất khó nói về tương lai.
Đông Phương biên dịch
No comments:
Post a Comment