Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
Nhắc
đến Đông Nam Á, có lẽ đây là nơi mà người Trung Quốc quen thuộc nhất ngoài Đông
Á (thường là Đông Bắc Á theo nghĩa hẹp). Bên cạnh việc giao thương rất phát
triển với xứ Nam Dương từ thời cổ đại, người Trung Quốc cũng di cư đến Nam
Dương với quy mô lớn trong thời cận đại và hình thành nên xã hội người Hoa ở
Đông Nam Á, mối liên kết văn hóa tự nhiên này khiến Trung Quốc luôn cảm thấy
Đông Nam Á không hề khó hiểu. Trong những năm gần đây, một lượng lớn các doanh
nghiệp Trung Quốc đổ ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội và Đông Nam Á, nơi có vị trí
địa lý gần gũi, đương nhiên trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu.
Vào đầu
năm nay, tôi đã thực hiện một chuyến đi đặc biệt đến Đông Nam Á để tiến hành
nghiên cứu. Chủ đề nghiên cứu của tôi là tiến độ của chiến lược "Một vành
đai, một con đường" ở Đông Nam Á. Ngoài việc liên hệ với giới học thuật và
các viện nghiên cứu khoa học địa phương, tôi cũng tiến hành khảo sát thực tế về
tình hình đầu tư, xây dựng và vận hành của các doanh nghiệp Trung Quốc ở đây.
Tôi đã phát hiện ra một điều rằng, những thách thức mà các doanh nghiệp Trung
Quốc gặp phải ở Đông Nam Á thực ra không hề ít hơn so với bất kỳ khu vực nào
khác trên thế giới. Nguyên do là bởi, trong quá trình phát triển tại đây, các
doanh nghiệp Trung Quốc cũng bắt đầu gặp phải những thách thức về văn hóa và
chính trị tương tự như những gì mà doanh nghiệp của các nước phát triển từng
gặp phải trong quá khứ. Trong khi đó, khi điều kiện trong và ngoài nước bước
vào một giai đoạn mới với sự thay đổi mạnh mẽ, những kiến thức và cơ cấu mà
chúng ta tích lũy được trong thời gian qua là chưa đủ để đương đầu với những
thách thức mới nảy sinh trong thực tiễn.
Đối với
Trung Quốc, Đông Nam Á một lần nữa trở thành "kẻ xa lạ".
Trong
những năm qua, tôi đã đến nhiều nước Đông Nam Á và hầu như lần nào tôi cũng
nhận thấy sự thay đổi lớn lao và những diện mạo đầy sống động ở đây, đặc biệt
là ở những quốc gia vốn có xuất phát điểm thấp và luôn duy trì một tốc độ tăng
trưởng kinh tế nhanh chóng trong suốt 10 năm qua như Việt Nam và Indonesia. Lần
này, chúng tôi lần lượt đến thăm Indonesia, Malaysia và Singapore. Điều thú vị
là thứ tự này cũng chính là cấp bậc xếp từ thấp đến cao của ba nước xét theo
trình độ phát triển kinh tế:
GDP
bình quân đầu người của Indonesia chưa đến 5.000 USD; của Malaysia là khoảng
12.000 USD, thuộc vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao; Singapore là
nước phát triển điển hình, GDP bình quân đầu người vượt quá 80.000 USD.
Singapore đã sớm được xếp vào hàng ngũ những nền kinh tế phát triển. Khi rảo
bước trên các con phố, ngõ hẻm của Singapore, ta khó có thể cảm nhận được sự
chênh lệch quá lớn về diện mạo kinh tế và xã hội ở đây. Danh tiếng của
"Thành phố trong vườn" quả là danh bất hư truyền.
Trong
khi đó, mặc dù đã nằm trong nhóm "Bốn con hổ châu Á" vào cuối thế kỷ
trước nhưng Malaysia đã không thể bứt phá trong 10 năm sau đó và thường bị coi
là trường hợp rơi vào "bẫy thu nhập trung bình".
Là quốc
gia đông dân nhất Đông Nam Á, Indonesia duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế
nhanh chóng trong những năm gần đây. Tôi đặc biệt quan tâm đến Indonesia, không
chỉ vì Indonesia đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng mà còn bởi quốc
gia này thể hiện cốt lõi tinh thần của văn hóa chính trị ở Đông Nam Á.
1. Vượt
khỏi mô hình đàn nhạn bay: Sự thăng hoa của chuỗi giá trị Đông Nam Á
Trong
những năm gần đây, Đông Nam Á nhận được rất nhiều sự quan tâm. Do xung đột
thương mại Mỹ-Trung Quốc và nhu cầu về chuỗi cung ứng "giảm rủi ro"
sau đại dịch COVID-19, Đông Nam Á đã trở thành điểm đến được nhiều quốc gia ưa
chuộng trong việc chuyển giao sản xuất và cạnh tranh. Đối với Trung Quốc và Mỹ,
Đông Nam Á là "trạm trung chuyển" tương đối lý tưởng. Bởi vậy, sau
năm 2018, một lượng lớn năng lực sản xuất của Trung Quốc đã được chuyển sang
Đông Nam Á. Hàng hóa trung gian, tức là thương mại giá trị gia tăng dựa
trên chuỗi giá trị, đặc biệt phát triển và hình thành nên mô hình "tam
giác thương mại" tinh vi hơn.
Trước
đây, người ta thường dùng "mô hình đàn nhạn bay" kinh điển để giải
thích hiện tượng chuyển giao và nâng cấp công nghiệp giữa các quốc gia châu Á.
Mô hình này được đề xuất từ rất sớm, nó đã liên tục được sửa đổi trong vài thập
kỷ qua và có khả năng giải thích tương đối phổ quát. Tuy vậy, mô hình đàn nhạn
bay không thể giải thích một cách đầy đủ về hợp tác năng lực sản xuất giữa
Trung Quốc và Đông Nam Á hiện nay. Để hiểu rõ điều này, trước tiên chúng ta hãy
cùng nhìn lại quá trình phát triển của mô hình thương mại của khu vực Đông Nam
Á.
Mô hình
đàn nhạn bay được đề xuất dựa trên thương mại liên khu vực ở Đông Nam Á, đối
với nguồn gốc của mô hình này, ta có thể truy ngược về lý thuyết phát triển
kinh tế do nhà kinh tế học người Nhật Akamatsu Kaname đề xuất trong Chiến tranh
Thái Bình Dương. Vào những năm 1960 và 1970, qua sự tổng hợp và phát triển của
Kiyoshi Kojima – học trò của Akamatsu Kaname, mô hình đàn nhạn bay mà chúng ta
quen thuộc ngày nay đã được hình thành, trong đó Nhật Bản là con nhạn đầu đàn,
sự phát triển kinh tế khu vực được thực hiện thông qua chuyển dịch độ dốc công
nghiệp: Đầu tiên là Bốn con hổ châu Á, sau đó là Bốn con hổ nhỏ, Trung Quốc...
Điều khiến mô hình này nổi tiếng không phải chỉ nhờ sự đóng góp của các nhà
kinh tế học.
Trên
thực tế, nhiều nhà kinh tế học thế hệ cũ vẫn còn nhớ, vào năm 1985, Saburo
Okita – cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, từng tuyên bố trong một bài phát
biểu tại Seoul, Hàn Quốc rằng Nhật Bản đã thiết lập một mô hình phân công lao
động khác với mô hình của Mỹ. Đúng vào lúc chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực tuyên
truyền mô hình này, Mỹ đã gây áp lực lên các đồng minh và đạt được "Hiệp
định Plaza" nổi tiếng. Dưới áp lực của việc giá đồng Yên tăng cao, các
công ty Nhật Bản buộc phải "vươn ra toàn cầu" trên một quy mô lớn.
Đối với nền kinh tế châu Á, đây là một sự chuyển đổi mang tính bước ngoặt. Tác
động của cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung đối với nền kinh tế châu Á vào năm
2018 cũng rất giống với điều này.
Thắng
cũng vậy mà bại cũng vậy. Thành công của nền kinh tế Nhật Bản đã gieo mầm cho
sự thất bại của nước này, Mỹ sẽ không chấp nhận sự thống trị của Nhật Bản trong
sự phát triển kinh tế của khu vực. Với tư cách là thị trường tiêu dùng lớn
nhất, Mỹ có đủ khả năng thay đổi các quy tắc kinh tế và thương mại, với biểu
hiện tập trung nhất là việc thành lập WTO. Bằng cách cho phép các nước khác gia
nhập WTO và từ đó tuân theo các quy tắc được phát triển dưới sự lãnh đạo của
mình, Mỹ đã loại Nhật Bản khỏi quyền hoạch định quy tắc.
Nhìn
vào sự trỗi dậy của bá quyền Mỹ, các nhà kinh tế học Nhật Bản không thể không ý
thức được rằng, quyền lực vẫn rất quan trọng đối với thương mại quốc tế. Cuốn
sách Sự
trỗi dậy của châu Á (The Rise of Asia) xuất bản năm
2009 của Terutomo Ozawa đã giải thích lý do tại sao sự trỗi dậy về kinh tế của
châu Á chính là kết quả của "cụm tăng trưởng do Mỹ dẫn đầu", đồng
thời thừa nhận rằng, kẻ dẫn đầu mô hình đàn nhạn bay không phải Nhật Bản,
mà là Mỹ.
Một
biểu hiện về vị thế của Mỹ là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông
tin (IT). Do sự phát triển của công nghệ thông tin đã làm giảm đáng kể chi phí
liên lạc và điều phối, chuỗi phân công lao động đã ngày càng được hoàn thiện và
củng cố, mô hình thương mại của châu Á bắt đầu trải qua những thay đổi mang
tính cách mạng và mở đường cho sự xuất hiện của hình thức thương mại mới. Biểu
hiện nổi bật nhất là việc thương mại hàng hóa trung gian, chứ không phải hàng
hóa thành phẩm, đã trở thành xu thế chủ đạo và một lượng lớn hàng hóa thông
quan giữa các nước là hàng hóa linh kiện. Trên thực tế, thương mại linh kiện có
lợi hơn cho các nước vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi công nghiệp, bởi một quốc
gia với một hệ thống công nghiệp chưa hoàn chỉnh khó có thể hoàn thiện tất cả
các công đoạn sản xuất của một sản phẩm. Với sự phát triển của thương mại nội
ngành, các nước Đông Nam Á cũng bắt đầu nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu thô
và xuất đi các sản phẩm chế tạo. Sản phẩm máy móc, công nghệ thông tin và đồ
điện đã trở thành ngành sản xuất cốt lõi trong chuỗi giá trị thương mại.
Sau khi
chiến lược "Một vành đai, Một con đường" được đề xuất, thương mại và
đầu tư của Trung Quốc ở Đông Nam Á đã phát triển nhanh chóng, mô hình của nước
này cũng thể hiện sự kết hợp giữa các yếu tố cũ và mới. Theo mô hình đàn nhạn
bay, đầu tư của Nhật Bản vào Đông Nam Á là đầu tư mang tính chất thúc đẩy
thương mại, tức là tập trung vào các ngành công nghiệp trung bình và cấp thấp,
cung cấp nguyên liệu thô và tiến hành gia công thô tại địa phương rồi vận
chuyển về Nhật Bản để sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn sau đó xuất sang Mỹ,
bởi vậy, xuất khẩu của Nhật Bản gần như không bị ảnh hưởng. Ngược lại, đầu tư
của Mỹ là thương mại kiểu thay thế. Các doanh nghiệp Mỹ thường có xu hướng đầu
tư tại địa phương và bán hàng tại địa phương, từ đó thay thế nhu cầu ban đầu
của địa phương đối với việc nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.
Mô hình
của Trung Quốc có thể là sự kết hợp của một vài yếu tố của cả Mỹ và Nhật Bản:
Từ góc độ tiếp nối, sự chuyển dịch công nghiệp của Trung Quốc sang Đông Nam Á
có điểm phù hợp với mô hình đàn nhạn bay và đã phát triển hơn nữa mạng lưới
phân công lao động dựa trên giá trị gia tăng thương mại. Từ các khía cạnh khác
nhau, đầu tư của Nhật Bản phân bổ rộng rãi về mặt địa lý và có xu hướng tập
trung vào các ngành công nghiệp trung bình và cấp thấp, còn đầu tư trực tiếp
của Mỹ vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương tập trung nhiều vào Singapore (hơn
một nửa) và có xu hướng đổ vào các ngành công nghệ thông tin và tài chính.
Trong khi đó, hợp tác đầu tư, kinh tế và thương mại của Trung Quốc ở Đông Nam Á
hiện nay mang tính toàn diện, không chỉ bao gồm cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và
tài nguyên nước mà còn gồm cả hợp tác công nghiệp ở nhiều cấp độ phát triển
khác nhau, chẳng hạn như các khu công nghiệp.
Ví von
một cách đơn giản, Trung Quốc cung cấp các kế hoạch hợp tác theo "kiểu
thực đơn" và các nước có thể lựa chọn tùy theo trình độ và nhu cầu phát
triển của mình. Và kết quả của điều này là sự kết hợp giữa xúc tiến và chuyển
giao thương mại, dẫn đến hướng xuất khẩu rộng lớn hơn cho các nước Đông Nam Á.
Lấy Việt Nam làm ví dụ, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ bảy vào Mỹ
trong suốt 4 hay 5 năm qua, mà xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng đang
tăng trưởng nhanh chóng. Hiện tượng xuất khẩu ở cả hai đầu này phản ánh vị thế
mới của Đông Nam Á với tư cách là "trạm trung chuyển" của nền thương
mại thế giới.
Điều
cần đặc biệt chỉ ra là, sự chuyển giao công nghiệp của Trung Quốc sang Đông Nam
Á đã xuất hiện một yếu tố mới mà các nước phát triển hiếm khi nào có được trong
quá trình chuyển giao công nghiệp cho các nước đang phát triển trước đây, đó là
hợp tác năng lực. Lý thuyết đầu tư của phương Tây cho rằng, việc các công ty đa
quốc gia đầu tư ra nước ngoài và bản địa hóa các hoạt động kinh doanh ở các
nước đang phát triển có thể giúp phát triển năng lực công nghiệp của địa phương
đó. Tuy nhiên, các nước đang phát triển rất khó có được bí quyết kỹ thuật và
năng lực quản lý của các nhà máy này. Vì vậy, trong thời đại Mỹ dẫn dắt các tập
đoàn đa quốc gia, đã có không ít xung đột nảy sinh giữa các tập đoàn đa quốc
gia với các nước đang phát triển. Nỗ lực của các nước đang phát triển trong
việc có được những tài sản này chính là khởi nguồn cho cái mà chúng ta thường
được nghe về những rủi ro trong kinh doanh xuyên quốc gia, chẳng hạn như việc
"tước quyền sở hữu".
Chiến
lược "Một vành đai, Một con đường" là biện pháp mới nhất nhằm thúc
đẩy sự phát triển của các nước có thu nhập thấp và trung bình thông qua hợp tác
năng lực ở quy mô lớn. Với tư cách là một nước đang phát triển đã đạt được mức
GDP bình quân đầu người vượt quá 10.000 USD mà không tốn quá nhiều thời gian,
Trung Quốc sở hữu những kinh nghiệm mới mẻ về công nghiệp hóa ở quy mô lớn,
cũng như một lượng lớn công nhân và nhân tài trong kinh doanh, quản lý. Điều
này rất khác so với phương Tây, nơi mà những ký ức về quá trình công nghiệp hóa
chỉ có thể được tìm thấy trong các viện bảo tàng và sách báo ở thư viện.
Trong
quá trình dẫn đầu các nước dọc tuyến tham gia xây dựng "Một vành đai, Một
con đường", Trung Quốc không chỉ chuyển giao các công nghệ liên quan mà
còn cùng các bên tiến hành đàm phán và thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật. Ví
dụ, trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào, Trung Quốc đã giúp
Lào đào tạo nhiều công nhân kỹ thuật để họ có thể tự vận hành. Tuyến đường sắt
Trung Quốc-Lào không hoàn toàn dập khuôn theo mô hình vận hành của đường sắt
cao tốc Trung Quốc, mà đã được xem xét dựa trên các yếu tố địa lý và lợi ích
kinh tế của địa phương, tốc độ tối đa của thiết kế cuối cùng không vượt quá 160
km/h. Vì những lý do này, người Đông Nam Á có xu hướng thể hiện thái độ tích
cực khi đánh giá sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.
Các lý
thuyết giải thích về thương mại và đầu tư quốc tế phổ biến hiện nay đều xuất
phát từ kinh nghiệm của các nước phát triển như Nhật Bản và Mỹ. Hiện vẫn chưa
có một lý thuyết "thân thuộc quen tai" nào giải thích được mô hình
đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc. Từ góc độ của cộng đồng
học thuật quốc tế, về cơ bản thì các nghiên cứu quy mô lớn về đầu tư ra nước
ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu được thực hiện sau cuộc khủng hoảng
tài chính toàn cầu năm 2008, tính đến nay mới được 15 năm. Về cơ bản, nó vẫn
đang quay vòng trong giới học thuật và sẽ phải mất một thời gian nữa để các
luận điểm liên quan có thể tác động đến giới chính sách và giới kinh doanh.
Đối với
các học giả Trung Quốc, Đông Nam Á là một hình mẫu tuyệt vời để hiểu về mô hình
đầu tư của Trung Quốc, bởi không khu vực nào có quan hệ kinh tế và thương mại
gần gũi với Trung Quốc như Đông Nam Á. ASEAN và Trung Quốc là đối tác thương
mại lớn nhất của nhau, ngoài ra Trung Quốc cũng đã trở thành nguồn đầu tư lớn
thứ ba của ASEAN. Mặc dù vẫn còn khoảng cách nhất định so với Mỹ và Nhật Bản, tuy
nhiên Trung Quốc đang tiến hành đầu tư ra nước ngoài trong bối cảnh thời đại
mới, dù là xét về trình độ phát triển kinh tế, tiến bộ công nghệ hay trò chơi
địa chính trị, thì đều đã có những khác biệt rất lớn so với thời kỳ mà Mỹ dẫn
đầu.
Nếu mô
hình đàn nhạn bay đã không còn đủ để mô tả các phương thức và tác động của vòng
hợp tác năng lực sản xuất hiện nay của Trung Quốc, vậy thì chúng ta nên định vị
vị thế của Trung Quốc trong mạng lưới sản xuất của châu Á ra sao? Liệu Trung
Quốc có thể chuyển đổi từ "công xưởng thế giới" thành "thị
trường thế giới" và xây dựng một vòng tuần hoàn bên ngoài bền vững hơn?
Trong bối cảnh thực tiễn đặc biệt này, lý thuyết đảm nhận nhiệm vụ quan trọng
là tìm hiểu thực tế, nghiên cứu và phán đoán con đường tương lai.
Nhìn từ
góc độ lịch sử lâu dài hơn, việc sức mạnh kinh tế của Trung Quốc tái gia nhập
Đông Nam Á là một sự kiện đáng chú ý. Giáo sư Vương Canh Vũ của Singapore từng
nói, kể từ khi Trịnh Hòa thời nhà Minh thám hiểm Tây Dương, quyền lực của người
Trung Quốc trong khu vực đã bị thay thế bởi các thế lực thực dân phương Tây.
Khi tôi trao đổi với người đứng đầu một viện nghiên cứu ở Indonesia, đối phương
đã đưa ra ý kiến rằng: "Nhật Bản là hiện tại, còn Trung Quốc là tương
lai." Đông Nam Á có thể quen thuộc với Trung Quốc trong lịch sử, nhưng có
lẽ họ chưa hiểu đủ về nền kinh tế đang hồi sinh của Trung Quốc ngày nay. Trong
bối cảnh đó, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến việc bản địa hóa sau khi tiến vào
Đông Nam Á.
No comments:
Post a Comment