Cuộc tấn công chớp nhoáng do liên minh các lực lượng nổi dậy, đứng đầu là tổ chức Hayat al-Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đến sự sụp đổ của chế độ gia đình trị al-Assad là sự kiện mang tính bước ngoặt lớn nhất ở Syria. Ngay sau những hân hoan vui mừng chiến thắng, vấn đề tương lai lãnh đạo đất nước vừa được giải phóng đang được cấp bách đặt ra cùng với vô số điều bất định.
Lãnh đạo phong trào
Hồi giáo cực đoan Hayat Tahrir Al-Sham (HTS), Abu Mohammed Al Golani, sau khi
tiến vào Damas đã nói đến "sự khởi đầu một kỷ nguyên mới cho Syria".
Cựu lãnh đạo nhánh Al-Qaeda ở Syria, tên chính thức là Ahmed Al Chareh, đã kêu
gọi trong một thông cáo báo chí: "Cấm hoàn toàn các lực lượng quân sự ở
thành phố Damas tiếp cận các cơ quan chính quyền, những cơ quan này sẽ vẫn nằm
dưới sự kiểm soát của cựu thủ tướng cho đến khi bàn giao chính thức".
Ông Mohamed al Jalali,
lãnh đạo chính phủ cũ, cũng đã cho biết sẵn sàng hợp tác với người lãnh đạo mới
được nhân dân lựa chọn.
Nhưng đằng sau những
tuyên bố tỏ thiện chí ôn hòa, mong muốn ổn định tình hình của phe nổi dậy là
các câu hỏi : Ai sẽ lãnh đạo đất nước Syria, bị xé nát sau 13 năm nội chiến đẫm
máu, giờ trong tình trạng kinh tế kiệt quệ? Năng lực quản lý đất nước của bên
thắng cuộc ra sao?
Cùng HTS Al Golani đã
lãnh đạo gần như toàn bộ tỉnh Idlib từ năm 2019, nhưng với toàn bộ một quốc gia
như Syria thì mọi chuyện không đơn giản. Giới chuyên gia lưu ý, HTS cũng như
đối tác của họ là lực lượng Quân đội Quốc gia Syria đều là nhưng tổ chức chuyên
quyền, phi dân chủ.
Chuyên gia Joseph
Daher, thuộc đại học Lausane, Thụy Sĩ, nhận định : "HTS có ảnh hưởng lớn, nhưng sẽ không có
năng lực quân sự và nhân lực để quản lý hết. Các lãnh đạo sẽ buộc phải chia sẻ
quyền lực, đồng thời cố gắng duy trì trật tự, để quá trình chuyển tiếp không
quá hỗn loạn, nhằm tạo cho mình một hình ảnh có trách nhiệm" đối với bên ngoài. Khi chiếm được thành
phố Aleppo, thành phố lớn thứ 2 của Syria, thủ lĩnh của HTS cũng đã kêu gọi bảo
đảm an toàn với người Công giáo.
Trong số vô số điều
bất định của « kỷ nguyên mới này », có việc kiểm soát bờ biển Địa Trung Hải,
nơi có đa số sắc dân Alaoui, trung thành với Bachar al-Assad sinh sống. Nguy cơ
họ bị trả thù sau một cuộc nội chiến đẫm máu không phải là nhỏ. Bên cạnh đó,
những tàn dư của tổ chức Nhà nước Hồi Giáo, ẩn náu trong khu vực sa mạc
giữa Homs và Irak, vẫn còn rất nguy hiểm, có thể
nhân cơ hội Syria hỗn loạn để hồi sinh. Để phòng xa, từ khi Damas thất thủ,
ngày 08/12, không quân Hoa Kỳ đã liên tục tập kích vào các vị trí của các tổ
chức khủng bố tại Syria, trong đó đặc biệt có các nhóm Nhà nước Hồi Giáo.
Trước những nguy cơ đè
nặng lên đất nước vừa được giải phóng và trong khi bàn cờ khu vực đang rối ren,
Pháp hôm Chủ nhật nhắc lại tầm quan trọng của việc tôn trọng "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của
Syria", ủng hộ "một
giải pháp chính trị toàn diện, tuân theo nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo An
Liên Hiệp Quốc". Văn kiện năm 2015 này thiết lập lộ trình giải quyết xung
đột thông qua tiến trình chính trị và tổ chức bầu cử tự do tại Syria.
Chuyên gia Joseph
Daher tin rằng tổ chức một cuộc bỏ phiếu như vậy hiện không có trong các kế
hoạch của HTS, nhưng cần phải đạt được điều này. Trên thực tế, hiện nay không
lực lượng quân sự nào có khả năng một mình quản lý đất nước. Đây là cơ hội mà
xã hội dân sự Syria phải nắm bắt, để trở thành một lực lượng đối trọng có đủ
khả năng bảo vệ các giá trị dân chủ và xã hội. Đó sẽ là một cuộc chiến đấu mới
cho Syria thời hậu Assad.
No comments:
Post a Comment