Nếu như nữ nhân
viên biên phòng Irak cương quyết không cho phép cô hành khách trẻ đẹp
mang hộ chiếu Nhật đem chiếc radio bỏ túi Panasonic RF 082 vào máy bay
thì đã chẳng xảy ra tai họa. Nhưng cuối cùng nữ nhân viên biên phòng phải
đấu dịu, khi một ông già, nói rằng là bố của nữ hành khách, dọa sẽ phản đối
bằng đường ngoại giao. Hơn trăm hành khách đương nóng ruột xếp hàng vào
máy bay đi Seoul, thở dài nhẹ
nhõm. Họ không biết rằng đã bị kết án tử hình.
Câu chuyện có thể
nói bắt đầu từ năm 1962.
Năm mươi năm về
trước, tại Kesong, thành phố cực nam của Bắc Triều Tiên, cô bé Kim Hyun
Hee chào đời. Cha Hee là nhà ngoại giao, một trong những những người tin
cậy nhất của nhà nước XHCN bắc Triều Tiên. Khi cô bé một tuổi, cha được
nhận nhiệm vụ tại đại sứ quán ở Cu Ba. Sau năm năm trở về quê, cô gái bé
bắt đầu cắp sách tới trường. Được cha giác ngộ từ nhỏ, Hee say mê học những
trước tác của „lãnh tụ vĩ đại” Kim Nhật Thành. Sau giờ học còn ở lại sinh
hoạt trong những tổ học lý tưởng, đến khuya mới về nhà.
Lớn lên tham gia
đội Thiếu niên Tiền Phong. Một trong những hoạt động của đội là tuần hành
trên đường phố, tìm những phụ nữ mùa hè lại mặc quần (thay vì mặc váy),
ghi tên họ gửi về các cơ quan đoàn thể. Việc phụ nữ mùa hè mặc quần đã được
tướng quân Kim Nhật Thành có lần phê phán trong tác phẩm của mình.
Cũng như như các
bạn cùng tuổi, Hyun Hee chăm chỉ tham gia phong trào gom giấy vụn, chai lọ,
sắt vụn… bán lấy tiền gửi cho Đảng để ủng hộ tổ quốc, đánh thắng đế quốc
Mỹ. Sự tích cực của Hee được cấp trên đánh giá cao. Cô được tham gia đóng phim
tuyên truyền và trở thành ngôi sao điện ảnh. Lớn chút nữa, cô cũng được
làm bí thư Đoàn thanh niên. Hết trung học thì được vào đại học tổng hợp
mang tên Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng.
Sinh viên mới
vào trường phải học quân sự nửa năm, được theo dõi, đánh giá rất kỹ lưỡng.
Sau đó Hyun Hee lại được chọn và gửi đến một trung tâm huấn luyện thêm. Ở
đấy cô học tiếng Nhật, học võ thuật, sử dụng vũ khí, hành quân đêm... Và
cuối cùng ước mơ đã thành hiện thực. Đúng ngày sinh nhật thứ mười tám,
trên khoa có một cán bộ Đảng chờ cô. Ông cán bộ kiểm tra về chính trị, hỏi
về các tuyển tập của đồng chí Kim Chính Nhật (ông Kim Jong Il), về những
trận đánh lẫy lừng do đồng chí chỉ huy đánh phát xít Nhật.
Hyun Hee trả lời
như bay như biến. Còn việc chiếm đóng của Nhật chấm dứt khi „vị lãnh tụ
kính yêu của nhân dân Triều Tiên” mới lên năm cũng không có gì là quan trọng.
Vài hôm sau lại có mấy nhân viên tình báo tìm gặp và lệnh cho Hyun Hee đến
trụ sở của Đảng Lao động Triều Tiên. Ở đấy cô được sát hạch tiếp:
- Những nguyên tắc
cơ bản đối với Đảng?
- Lòng tin tuyệt
đối và sự chấp nhận không điều kiện.
- Tại sao em học
tiếng Nhật?
- Để góp phần
cho dân tộc ta chiến thắng.
- Học xong thì
em sẽ làm gì?
- Nhận bất cứ
nhiệm vụ gì Đảng giao cho.
- Em có sẵn sàng
hy sinh vì Đảng?
- Em sẽ làm tất
cả những gì Đảng yêu cầu.
Nhiệm vụ đầu
tiên Đảng yêu cầu là lập tức khăn gói và được đến một trại huấn luyện
quân sự ở nơi vô cùng hẻo lánh. Ở đó cô được biết là đã có họ tên mới là
Kim Ok Hva, sẽ được huấn luyện thành tình báo chuyên về những nhiệm vụ đặc
biệt. Sắc đẹp của cô phải đem hiến dâng cho Đảng. Ở tuổi mười tám đôi
mươi, Kim Hyun Hee quả là người con gái xinh đẹp lạ thường.
Kim Hyun Hee thời trẻ
Ngày ngày các
thí sinh dậy từ 6 giờ sáng, đánh răng, rửa ráy, giặt quần áo. Ăn sáng
xong, hai tiếng học triết học và đạo đức của đồng chí Kim Nhật Thành. Sau
đó học thực hành đến 13 giờ. Ăn trưa xong, học chính trị, rồi hai tiếng đồng
hồ thể thao và võ thuật. Ăn tối xong, tập hàng ngũ trong sân của doanh trại.
Trước khi đi ngủ, một tiếng đọc sách. Mỗi dịp tết nhất là một dịp cố gắng
phi thường. Kỷ niệm ngày sinh của chủ tịch Kim Nhật Thành là cuộc hành
quân „trung với Người”, vượt 170 km ba ngày ba đêm không ngủ. Ba năm huấn
luyện cực khổ kết thúc bằng kỳ thi tốt nghiệp. Ai không đỗ lập tức bị
khai trừ khỏi Đảng, sẽ khải chịu thất sủng đến hết đời. Thi lý thuyết kéo
dài bốn tiếng đồng hồ. Thí sinh phải trả lời 200 câu hỏi, chẳng hạn: “Em hãy tóm tắt
không quá mười trang những lĩnh vực, trong đó nhà nước Bắc Triều Tiên ưu
việt hơn chế độ tư bản độc tài”. Thi thực hành gồm môn chạy đường núi cự
ly 15 km, cử tạ, đu xà, võ thuật…
Kim Hyun Hee tốt
nghiệp trường tình báo vào loại xuất sắc và vinh dự nhận được sự dẫn dắt
tiếp theo của một tình báo lão thành, được coi là bậc nhất của Bắc Triều
Tiên. Người này là Kim Seung Il, bấy giờ đã 70 tuổi. Hai điệp viên đóng
vai ông cháu, bay sang châu Âu tham quan Pháp, Hà Lan, Thụy Điển. Từ
phương Tây „thối nát” về, hai người lập tức lại được chỉnh huấn, học
chính trị để giữ vững lập trường.
Giữa thập niên
80 của thế kỷ trước. Hai „ông cháu” được cục trưởng cục tình báo vời đến
và giao nhiệm vụ đặc biệt: đánh bom một máy bay hành khách Nam Hàn. Lệnh
được chính đồng chí Kim Chính Nhật ký, phải được thực hiện vô điều kiện
và hoàn thành xuất sắc. Cục trưởng thuyết phục hai tình báo viên rằng vụ
nổ bom sẽ làm thay dòng lịch sử, thúc đẩy quá trình thống nhất đất nước,
hai người có công lớn sẽ trở thành anh hùng dân tộc.
Bấy giờ tình
hình chính trị ở Nam Hàn đương bất ổn, đình công biểu tình nổ ra liên
miên. Nhưng Nam Hàn được đăng cai thế vận hội thể thao Olimpik năm 1988.
Thế vận hội thành công sẽ là sự thất bại về mặt tuyên truyền đối với miền
bắc. Kim Chính Nhật hy vọng vụ đánh bom máy bay hành khách khiến chính phủ
nhiều nước lo lắng về an toàn, sẽ không gửi vận động viên đến Seul thi đấu.
Hai tình báo
viên lần này đóng giả hai cha con du khách người Nhật. Ngày 12 tháng 10
năm 1987 từ Bình Nhưỡng bay sang Moskva. Tiếp đó qua Budapest và Viên,
tham quan vài ngày ở đó. Ngày 24 tháng 10 từ Vienne bay sang
Belgrade, trú ngụ tại
khách sạn Metropolitan bốn ngày. Ngày 28 tháng 10 bay sang Bagdad - thủ
đô Irak. Tại sân bay ở Bagdad, các nhà ngoại giao bắc Triều Tiên liên lạc
và trao cho các điệp viên thuốc nổ và ngòi nổ. Hai điệp viên làm thủ tục
lên máy bay của hãng Hàng không Triều Tiên Korean Air Line, chuyến bay
858.
Trở ngại lớn nhất
hai người gặp phải là nữ nhân viên biên phòng Irak, như đã nói ở trên.
Nhưng người nữ biên phòng lại chỉ để ý đến chiếc radio Panasonic, không
biết rằng cũng trong chiếc túi du lịch ấy có lọ thuốc nổ ở dạng lỏng.
Trong radio chỉ có thiết bị ngòi nổ chậm. Ngày 29 tháng 10, chiếc bay
hành khách của Nam Hàn đã nổ tung vào 6 giờ sáng giờ địa phương, khi đang
bay trên biển Andaman, làm 115 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Trước đó máy bay
có chặng dừng tại Bahrajn – một hòn đảo nhỏ trong vịnh Ba Tư. Hai điệp
viên bắc Triều Tiên đã xuống. Khi các hãng truyền thông trên thế giới bắt
đầu tới tấp đưa tin máy bay Nam Hàn bị rơi, hai người đang mua vé đi
Rome. Vì phải chờ chuyến bay qua đêm, họ ra thành phố đến khách sạn Inter
Continental. Vừa vào đến khách sạn đã có nhân viên ngoại giao Nhật gọi điện
đến xác minh tính danh. Theo danh sách hành khách, họ là công dân Nhật.
Các nhân viên tình báo Nam Hàn cũng theo gót đến khách sạn tìm gặp, vì
đây là hai hành khách duy nhất thoát nạn. Hai bên nói chuyện với nhau bằng
tiếng Anh.
Sáng hôm sau Kim
Hyun Hee và Kim Seung Il đang xếp hàng làm thủ tục vào máy bay đi Rome
thì có nhân viên ngoại giao Nhật đến lịch thiệp đề nghị cho xem lại hộ
chiếu. Nhà ngoại giao bảo họ ra khỏi hàng, chờ tại chỗ rồi lấy hộ chiếu
mang đi. Máy bay đi Rome cất cánh. Trong số hành khách không có hai điệp
viên Bắc Triều Tiên. Nhân viên ngoại giao Nhật quay lại trả hộ chiếu và bảo
hai người phải chờ. Hỏi „tại sao?” thì được trả lời là vì lãnh sự quán của
Nhật ở Bahrajn yêu cầu như vậy.
Trong khi đó các
cơ quan chức năng ở Tokyo được liên lạc, chờ sẵn để kiểm tra dữ liệu về
hai công dân. Họ đã xác minh được hai người nói dối. Kim Seung Il dùng hộ
chiếu không có giá trị của một người Nhật đã chết, còn Kim Hyun Hee mang
hộ chiếu giả. Một lát sau phòng đợi của sân bay xuất hiện năm cảnh sát. Họ
lệnh cho hai người đi theo tới đồn ở ngay sân bay.
Seung Il lùi lại
nửa bước nói nhỏ với Hyun Hee: „Em hãy dũng cảm cắn viên thuốc ấy đi”!
Viên thuốc ấy không phải là viên thuốc bình thường. Đó là thuốc độc cực mạnh
mà các điệp viên được trang bị phòng sự bất thành. Lên đường làm nhiệm vụ,
mỗi điệp viên mang theo bao thuốc lá Mallboro. Viên thuốc độc được giấu
trong đầu lọc của một điếu trong bao đó. Seung Il nói rồi tự mình rút thuốc
lá ra hút. Trong khoảnh khắc đã lăn quay ra chết. Hyun Hee cũng kịp cắn vỡ
đầu lọc điếu thuốc có độc, nhưng được các nhà chức trách cứu thoát. Việc
trục xuất nữ tội phạm khủng bố về Nam Hàn để xử chỉ là vấn đề thủ tục.
Tại Nam Hàn, cả
nước nóng lòng chờ đợi vụ xử, nhất là những người thân của 115 nạn nhân
vô tội của cuộc khủng bố. Phiên tòa được ví với vụ xử những thủ phạm của
chủ nghĩa phát xít sau thế chiến thứ hai. Các luật sư bào chữa Kim Hyung
Hee lý luận rằng cô gái còn trẻ, bị chế độ miền bắc tẩy não, tin tưởng sắt
đá rằng hành động của mình không chỉ vì quyền lợi của miền bắc mà vì quyền
lợi của cả hai miền đất nước. Tòa án không cho đấy là đủ để khoan hồng.
Ngày 7 tháng 3 năm 1987 đã tuyên án tử hình.
Nhưng người con gái đẹp sinh ra ở đời
cho người ta yêu dấu, chứ không phải để đi giết người hoặc để cho người
giết. Há chẳng đáng tiếc lắm ru. Có một người tỏ ra thương cảm cho số mệnh
của Kim Hyun Hee. Đó là tổng thống Nam Hàn đương thời. Ông cho rằng người
con gái hành động vô thức, cô chỉ là nạn nhân của một thứ tôn giáo quái gở,
vì thế đã dùng đặc quyền ân xá của tổng thống, giảm án xuống mức tù chung
thân. Sau 20 năm ngồi tù, Kim Hyun Hee được trả tự do, lấy chồng chính là
người lính đã canh giữ cô khi mang án tử tội và sống cuộc đời bình thường
ở Seoul.
Năm 2006 cô cho
ra hồi ký, xuất bản tại Thụy Sĩ với tựa đề: „Die Tranme meiner Sele”. Có
người dịch ra tiếng Việt là „Giọt lệ trong hồn”. Nhuận bút của tác phẩm tặng
hoàn toàn cho các cơ quan từ thiện. Ngày 27 tháng giêng năm nay, Kim Hyun
Hee tròn năm mươi tuổi.
Trương Đình
|
No comments:
Post a Comment