Saturday 19 November 2022

Hiểu lầm về nước Mỹ

 Tản mạn về nước Mỹ

Lê Mạnh Tườngimage.png
Phần một :"Đế quốc Mỹ"

Với nước Mỹ thì cái bình thường cũng dễ trở thành đặc biệt. Bài tản mạn này cũng không ngoại lệ : chiếc áo thô tản mạn cũng không tránh được màu sắc của cái áo vét tham luận dù không có tham vọng. Dài ! Nguyện cố gắng không dai và chia làm hai phần. Xin đọc giả độ lượng mà... vui vẻ đọc nó.

 Nước Mỹ trở thành một đế quốc tựu chung cũng chỉ là những đẩy đưa của lịch sử chứ không phải ý chí của nước Mỹ.

Có lẽ chưa có nước nào, từ trước tới nay, có thể gây ra cùng lúc một tình cảm của cả thế giới vừa nể phục vừa ghét bỏ như nước Mỹ. Nể phục vì sự thành công kì diệu nhanh chóng của một nước non trẻ ; ghét bỏ vì vị thế áp đảo, thậm chí thống trị của nước Mỹ lên phần còn lại của thế giới, có nghĩa là lên chính mình, đất nước mình.
Những bất đồng ý kiến về thành tích kì diệu của nước Mỹ, có lẽ không nhiều và không quan trọng, nên không bàn tới ở đây. Do đó bài tản mạn này chỉ chú trọng tới phần ghét bỏ vị trí áp đảo, thống trị của nước Mỹ, về những ý kiến, cơ sở cũng có và hiểu lầm cũng nhiều, để tìm kiếm một cái nhìn chính xác hơn, đúng đắn hơn về nước Mỹ : bởi vì yêu hay ghét nước Mỹ thì sự ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng của nó lên đất nước mình không thay đổi. Nó là một thực trạng. Thay đổi, nếu có, chỉ là thái độ và cách "quản lí" của mình với thực trạng Mỹ này.

Xin trình bày một số lập trường về nước Mỹ, mà theo tôi, chỉ là những hiểu lầm.

Hiểu lầm thứ nhất : Đế quốc quân sự

Vai trò "cảnh sát thế giới" đã khiến nước Mỹ trở thành một đế quốc tựu chung cũng chỉ là những đẩy đưa của lịch sử chứ không phải ý chí của nước Mỹ.

Ngay từ khi lập quốc khuynh hướng tự cô lập của họ đã thể hiện rõ ràng : không can dự vào chuyện của nước khác vì không muốn để cho bất cứ nước nào can dự vào chuyện của nước họ, của Châu Mỹ của họ, thậm chí không ngần ngại ra luật phong tỏa không cho tàu bè của Anh, Pháp được vào lãnh hải của họ ; ưu tiên của nước Mỹ là cuộc Tây tiến để mở mang đất đai canh tác, khai thác quặng mỏ chứ không ra đại dương : một điều kiện bắt buộc để trở thành đế quốc ở thời điểm đó ; mặc dầu đã trở thành một nền kinh tế, kĩ nghệ hàng đầu và với thỏa ước Entente họ vẫn một mực giữ thái độ trung lập trong cuộc Thế chiến thứ nhất cho tới khi Đức bắn chìm chiếc tàu Viligentila của Mỹ rồi kí thỏa ước quân sự hứa hẹn giúp Mễ Tây Cơ lấy lại 3 tiểu bang Texas, New Mexico và Arizona mới làm cho Mỹ cảm thấy bị đe dọa nên quyết định tham chiến ; nếu Nhật không tấn công quân cảng Pearl Harport, tàu ngầm Đức không bắn chìm tàu thương mại Mỹ thì Mỹ cũng sẽ không tham chiến trực tiếp bằng quân đội vào Thế chiến 2 ; trong suốt tiền bán thế kỉ XX Mỹ luôn làm áp lực lên Pháp vá Anh buộc họ phải trao trả độc lập cho các nước thuộc điạ : chống thuộc điạ thì không thể có mộng đế quốc.

Sau chiến thắng của hai cuộc thế chiến bằng sức mạnh quân sự cộng với sức mạnh kinh tế vượt trội đã biến nước Mỹ trở thành, một cách tự nhiên, lãnh đạo thế giới. Mỹ không chiếm cứ, cưỡng hiếp nước nào cả mà - cũng chẳng bị một ràng buộc nào - còn bỏ ra một số tiền khổng lồ giúp tái thiết các nước bị tàn phá trong Thế chiến 2 không phân biệt đồng minh hay thù địch.
Sau thế chiến thứ 2 tham vọng nhuộm đỏ thế giới, bắt đầu từ Châu Âu, của Liên bang Xô viết (URSS) được thể hiện rất rõ qua thái độ, yêu sách, nắn gân Mỹ của Stalin trong những cuộc thương thuyết ; nước Mỹ đã thành lò sản xuất hàng hóa cho cả thế giới nên mới quyết định mở cửa, triển khai sự hiện diện quân đội trên khắp các cửa ngõ chiến lược quân sự cũng như thương mại nhằm bao vây URSS, bảo vệ an ninh và lợi ích của họ bằng các thỏa hiệp (mua hoặc thuê) với các nước liên quan chứ không chiếm đoạt.

Nước Mỹ đã tới Cao Ly cũng như Việt Nam cũng nằm trong lô gíc đó chứ không phải để xâm lăng như các vị trí thức ngôi sao của nước ta vẫn ưỡn ngực, trâng tráo, trơ trẽn khoe khoang, tự hào thành tích "chống Mỹ cứu nước" của họ một cách tội nghiệp cho tới hôm nay.

Hiểu lầm thứ hai : Đế quốc tiền tệ

Nhờ sức mạnh kinh tế, kĩ thuật và đặc biệt là quân sự vượt bậc đã khiến đồng đô la của họ -với vàng hay không- trở thành một đồng tiền ổn định nhất do đó tin cậy nhất để trao đổi, nước Mỹ là nhà băng chắc chắn nhất để gửi tiền vì không có nước nào có thể xâm chiếm hay đánh bại nó được.

Chính thế giới đã làm đồng đô la trở thành đồng tiền không có cạnh tranh ; cũng vì không có cạnh tranh khiến một đối tác nào đó ở một thời điểm nào đó bị ở trong tư thế bất lợi vì sự không có cạnh tranh này bất mãn phê phán không tiếc lời một tình trạng do chính họ đóng góp tạo ra để... bảo vệ quyền lợi, tài sản của chính họ.

Nước Mỹ không kề súng vào cổ bất cứ một quốc gia nào, một công ty nào hay một cá nhân nào ép họ sử dụng, mua đô la dự trữ hay mua trái phiếu của họ.
Cho dù với vị thế độc tôn của đô la họ cũng không sử dụng nó để khuynh loát thế giới. Đương nhiên với vị trí thỏa mái này họ tìm mọi cách để duy trì nó. Có ai làm khác họ ?

Những nước chỉ trích thường trực sự ưu thế áp đảo của đồng đô la không phải vì nguyên tắc mà vì ganh tỵ muốn được ở vị thế của nước Mỹ. Như đã phân tích ở trên tính ưu thế của đô la do tự nhiên mà có chứ không phải do ý chí ; khối euro không chỉ trích cũng không có ý chí tranh dành vị thế của nước Mỹ nhưng dần dà nó cũng đã đạt được một nửa sức mạnh mềm của đồng đô la một cách tự nhiên ; những năm vừa, từ sau vụ khủng hoảng tài chánh 2008, thế giới đổ xô cho Đức và Pháp vay tiền với lãi xuất âm vì sự tin cậy về hai nền kinh tế này vì lí do ổn định chính trị chứ không phải vị thế hay ý chí đế quốc của EU ; đồng thời Trung Quốc và một vài nuớc khác chứng tỏ ý chí và làm tất cả để cạnh tranh với đồng đô la Mỹ nhưng không đạt được kết quả nào đáng kể ngoài sự giảm bớt phần nào sự lệ thuộc của họ mà thôi.

Sức quyến rũ hay sức mạnh của một đồng tiền là nhờ sự tin cậy của các đối tác chứ không phải do đòi hỏi hay ép buộc bằng sức mạnh quân sự.

Sự vận hành hài hòa của tiền tệ là điều kiện của sự điều hòa và sự tin cậy trong giao dịch, sự tin tưởng trong kinh tế, phát triển cũng như sự ổn định hay hòa bình xã hội.

Sự liên hệ đập vào mắt của mọi người từ khi đồng đô la đã trở thành đồng tiền tin cậy cho cả thế giới với sự phát triển ngoạn mục của rất nhiều quốc gia, đặc biệt ở Châu Á ; thành phần trung lưu gia tăng ngoạn mục ở các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển, được hình thành ở những nước chưa có thành phần trung lưu ; số người sống trong điều kiện cùng khổ đã giảm hơn quá nửa trên thế giới ; sự phát triển giáo dục đại chúng, điều kiện cho một Quốc gia vươn lên ; đồng thời với sự thụt lùi mầu nhiệm về nạn chết đói, chết bệnh, đặc biệt của các nhi đồng trên toàn thế giới. Tất cả dữ liệu về những tiến bộ kể trên có thể kiểm chứng trên các định chế quốc tế tin cậy như Ngân hàng thế giới...

Ngay cả với những hệ lụy thì những kết quả kể trên cũng đủ để cho chúng ta mừng rỡ hơn than khóc hay phản đối ; những con bệnh hệ lụy sẽ được chữa trị một khi giàu có, khi nghèo nàn thì chỉ có nước chờ chết mà thôi.

Nếu khuynh hướng tự cô lập, trung lập là DNA của định chế cốt lõi của chính trị Mỹ là Thượng viện cũng không tránh có lúc, trước bối cảnh thế giới, cảm thấy lợi ích bị đe dọa thì họ cũng có khả năng bật tung cửa ra bên ngoài cũng như khả năng đóng cửa lại cái rụp không cần đắn đo. Một vài quốc gia đã không may mắn phải trải nghiệm cách ứng xử này của họ ; không có truyền thống tự cô lập trong định chế hành pháp mà tùy thuộc vào lập trường cá nhân của mỗi tổng thống. Một số Tổng thống cũng có khuynh hướng mở cửa nhưng đều phải được lưỡng viện cấp "giấy phép". Nói chung, nước Mỹ, tùy theo bối cảnh thế giới nhưng chủ yếu do bối cảnh chính trị quốc nội đôi khi đảm nhận tích cực, trọn vẹn vai trò cảnh sát quốc tế, đôi khi co cụm lại...

Một phê phán rất phổ thông cho rằng FED (Ngân hàng Trung ương Mỹ) thường bị chính trị Mỹ khuynh loát cho lợi thế của nước họ với lập luận Chủ tịch FED do Tổng thống Mỹ tiến cử và bãi nhiệm. Điều này cũng do hiểu lầm mà ra vì không hiểu cách tổ chức và vận hành của các Ngân hàng trung ương Mỹ gồm 1 ngân hàng trung ương liên bang và 12 ngân hàng trung ương tiểu bang, mọi quyết định đều phải qua đồng thuận (đa số) của 13 chủ tịch (mỗi chủ tịch tiểu bang cũng đã lấy động thuận từ Ban chấp hành của họ trước) chứ không phải của một chủ tịch ngân hàng trung ương.

Định chế Ngân hàng trung ương Mỹ rất tản quyền, vận hành rất độc lập từ tiểu bang với liên bang, liên bang với chính quyền và FED luôn ứng xử rất trách nhiệm với thế giới. Đừng quên độc lập với chính quyền, đặc biệt là chính quyền trung ương là cái gien chính tạo lên nước Mỹ, nó được thể hiện rõ nét nhất qua định chế Thượng Viện (đôi khi sự quá đáng của tinh thần độc lập này đã tạo nên những khó khăn lớn cho chính họ và đôi khi cũng có một vài Tổng thống tìm cách lũng đoạn FED vì... không hiểu cách vận hành của nó).


No comments:

Post a Comment