Bà ba Séc góa chồng từ tuổi 30, cũng may chồng ra đi sớm, bà buồn rầu một khoảng thời gian, rồi bất chợt do sức sống còn lại, bà vùng dậy lo làm ăn buôn bán mà nuôi được ba đứa con... năm 1970, cũng còn dễ xoay sở, bà chỉ có một cửa hàng tạp hóa... hay còn gọi là chạp phô, bà bán thêm củi, hàng đống, hàng thước, hàng tạ, gạo, bà bán từng bao lớn 100 kí, bao nhỏ 20 kí... vậy mà bốn mẹ con sống được, khá ung dung.
Cửa hàng ở trung tâm tỉnh Cần Thơ, ngã ba ngã tư đi về của xe hàng, xe khách từ Hậu Giang lục tỉnh lên Sài Gòn rộn rịp... năm 1975 thì cuộc sống khựng lại vì bị ngăn sông cấm chợ, bà hơi lo sợ nhưng may cho bà là lúc đó, hai đứa con lớn đã lớn, Hùng, con trai trưởng đã 25 tuổi, đã học hành tạm ổn, đang làm việc choc ho bưu điện thị xã, con gái kế theo, Hạnh được 23 tuổi, học xong hệ trung cấp, ra làm nhân viên điều dưỡng cho nhà thương công, y tế tỉnh gần nhà. Bà chỉ còn lại đứa con trai út là Hiếu, vừa vào trung học, cộng sản gọi là trường cấp II, 12 tuổi Hiếu hay loanh quanh bên mẹ nơi quán bán hàng, gọi là quán chứ cũng là một gian nhà gỗ khá rộng và chắc chắn, ngang lối 8 mét, sâu 10 mét, vì lúc trước cộng sản vô, bà Ba lấy một nửa quán đó để chứa hàng, như gạo, đậu... và đồ khô, nên cửa trước, cửa sau và ngay cả cửa hông, bà cho làm then cài, song cửa, khóa rất kỹ và chắc chắn, ngang lối 8 mét, sâu 10 mét, cài, song cửa, khóa rất kỹ và chắc chắn... bà luôn cảnh giác đề phòng trộm đạo... vì mẹ góa, con mồ côi mà!
Ngay trong nửa cái quán rộng đó, hai mẹ con bà sống, ăn, ở và mọi sinh hoạt... thu gọn, rất gọn sau ngày đất nước gọi là được giải phóng. Bà khéo léo khai với chánh quyền khu vực là lúc xưa, ông nội của út Hiếu đi theo kháng chiến Nam Bộ, có lúc làm việt minh từ trước năm 1950... gia đình bên nội có công với cách mạng... nhưng đó là hồi xa xưa, chớ sau 30-4-1975 thì mẹ con bà cũng phải dẹp đi cái chyưện buôn to bán lớn. Mẹ con thu hẹp lại còn có cái tủ bán thuốc rê vấn và bán thuốc lá lẻ... với diêm quẹt, thêm vài chai dầu gió nâu, dầu, cao nóng để cạo gió.
Hai con lớn đi làm, rồi mắc đi sinh hoạt thanh niên thanh nữ đoàn đội gì đó tối ngày, bà Ba ở nhà quanh quẩn chỉ bán vài bao, có khi vài điếu thuốc lá lẻ... và chờ đợi Hiếu từ trường về, mẹ con nói chuyện... đoán này đoán kia... và ăn cơm chung... mẹ con bàn tán, tâm sự với nhau những điều mới mẻ về chế độ cộng sản áp đặt. Bà luôn căn dặn Hiếu là ra khỏi nhà là luôn dựa vô ông nội mà mình nhận mình thuộc gia đình cách mạng cho yên thân. Phía sau quán bán hàng là một cái sân gạch tàu, đỏ, rộng như chiều dài nhà bán hàng... ở đó chăng đầy giây phơi áo quần, vì lúc trước, có tiệm giặt ủi bên cạnh nhà, bà cho họ mượn làm nơi hong khô áo quần. Nay thì tiệm giặt ủi đóng cửa và hàng giây phơi căng khéo như những giây đàn tự nhiên thất nghiệp... vì áo quần ai, người đó tự giặt, có tiền đâu nữa mà bỏ giặt ủi... thôi từ bỏ cách sống xa hoa, tư bản đó đi.
Bà vẫn giữ những hàng giây phơi song song đó như là kỷ niệm... vả lại gỡ ra cũng khó, vì đầu những sợi dây kẽm bên kia, là gắn chặt vô căn nhà lớn, là nhà ở, đối diện với quán bán hàng... căn nhà chánh đó lớn gấp hai quán vì là nhà ở của vợ chồng bà và ba đứa con, từ độ ông Ba còn sống, còn khỏe mạnh, căn nhà đó ông bà đã bỏ bao nhiêu công khó và tiền của mà xây dựng lên. Nay ít ra vô, nhưng bà hay mở cửa, đóng cửa luôn, vì sợ hợp tác xã mượn làm chỗ hội họp... ca hát... hát kiểu gỉ? Cứ... "như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng"... chợt nghe vậy là bà rùng mình, chạy lẹ ra một nơi vắng vẻ, cho đỡ sây xẩm mặt mày! Cứ nghe cách mạng ca múa là bà bị rối loạn, tới một ngày đó bà đinh ninh là bà bị yếu tim hay đau tim... chắc là lớn tuổi rồi và thần kinh sa sút...
Năm sau, bà nghĩ đến chia chút của còn lại cho các con vì có lẽ bà không bảo quản nổi một mình, nhất là trước ... ba dòng thác cách mạng!
Bà suy nghĩ nhiều
đêm và bà quyết định chia phần cho con gái là Hạnh, Hạnh được cái nhà to đùng
đó, sau cái sân phơi bỏ trống.
Các dì các bác và
lối xóm, ai ai cũng ngạc nhiên khi bà quyết định phần của cô con gái là cái nhà
mà ba chúng nó đã xây dựng lên. Hùng, con lớn, không vừa lòng, trách mẹ:
Nhà thì để cho con
trai lớn, sao mẹ cho em Hạnh, mẹ chỉ thương con gái và thương em Hạnh hơn cả ba
đứa. Bà giải thích: con là con trai, đàn ông, ở đâu không được... đâu phải đàn
bà con gái mà phải ở trong nhà và khóa cửa kỹ lại. Này, đàn ông con trai, có sức
mạnh, biết xoay sở lo toan mọi việc, kể cả xây dựng một cái nhà ở, em nó là
phận gái, yếu đuối, mẹ để tên cái nhà cho em Hạnh. Phần con, mẹ sẽ sang tên cho
con mảnh đất rẫy khá rộng, nằm cạnh hương lộ em Hiếu thì cứ ở với mẹ trong nhà
quán nhỏ là được, tạm yên ổn rồi... nếu mẹ có ra đi bất chợt, thì các con cứ
theo đó mà lấy phần của mình.
Hạnh thì êm re,
nhưng Hùng vùng vằng bỏ đi, hơi giận. Hiếu quá nhỏ, không dám đưa ý kiến.
Rồi thời gian vụt
qua mau, bốn năm sau, mảnh đất của Hùng được mẹ cho, nằm cạnh hương lộ, lúc bấy
giờ có giá trị cao gấp bội, vì nhà nước mở đường... rẫy của anh hai Hùng có một
diện tích nằm sát cạnh lối phóng đường, song song với đường mở rộng, chia lô
bán, giá những lô đất của Hùng được giá, gọi là đất vàng và Hùng tự nhiên giầu
to, Hạnh có lúc đã nhìn ra chỗ lời của anh mà than với mẹ : "mẹ
thương anh hai hơn tụi con!"
Bà Ba biết ngay,
hiểu ngay là hai đứa con lớn, hai anh em nó không thương nhau, luôn ganh tị
nhau và lúc nào cũng có lý do để không bằng lòng với mẹ.
Lúc đó bà chợt biết là, với những đứa con quý của hơn người, bà không trông mong gì để được giúp đỡ trong tuổi già đang đến. Vả con nữa, bà còn phải nuôi đứa con út là Hiếu sao cho bằng bạn bè, bằng anh, bằng chị?
Bà giúp hai đứa con lớn đúng lúc chúng vừa phương trưởng, cần cái nền tảng mà xây dựng cuộc đời, ai ngờ qua 3, 4 năm với chế độ mới, bà mới biết rõ của cải làm mờ mắt hết mọi người... trong đó có hai con lớn của bà... đúng là mù mịt từ trong gia đình ra ngoài xã hội... nay thì vụ án này, con đánh cha, mai thì vợ giết chồng, bạn bè và đồng nghiệp giựt tiền của nhau, theo mỗi định hướng đi xuống, đi xuống lần lần... của đạo đức con người.
Điều khó nghĩ cho bà là
bà cũng không biết khi út Hiếu học xong trung học, bà phải xoay sở làm sao, vì
ý con là muốn lên Sài Gòn học tiếp đại học.
Bà và đứa con út
vẫn sống chung trong căn quán và mẹ con vẫn ăn cơm chung mỗi ngày, cả hai như
chia xẻ một lo toan nào đó. Út thì không tham của, không so bì, chỉ ham học và
học rất giỏi. Nhưng làm sao giúp nó bây giờ?
Dĩ nhiên là bà có quyền hỏi hai đứa lớn, san sẻ cho bà lại ít nhiều, để bà lo cho em chúng nó. Nhưng Hiếu hiểu ý mẹ, ngăn cản:
-
Má à, má đừng làm thế, làm buồn lòng anh hai và chị ba, con
không muốn gia đình mình thêm ấu ó cãi lộn mích lòng nhau thêm nữa, con đang
nghĩ cách kiếm tiền mà chưa ra...
Ý trời, con chưa xong cấp III mà làm gì ra tiền, để má...
Để con...
Con thì con lo học đi,
không thôi lại thất bại, uổng! Câu nói của mẹ làm Hiếu suy nghĩ và suy nghĩ.
Sau cùng anh nói với mẹ: con không cần nhiều, con chỉ cần một khoản nho nhỏ đắp
đổi lúc ban đầu, năm đầu tiên con lên Sài Gòn thôi...
Con nhắm là bao nhiêu?
Khoảng chừng mười
triệu, nhiều là mười hai triệu tiền cộng sản nhưng thôi, má đừng hỏi anh chị
con, còn vài ba tháng nữa con mới cần tới, má nghe, dứt khoát là má đừng hỏi
tiền người trong gia đình, để giữ hòa khí, là tình thân của anh chị em con, nếu
lỡ một mai má qua đời theo ba, tụi con còn gần nhau... bà không ngờ, thằng
"ông nội con" nó còn nghĩ xa hơn bà... bà cũng hứa là bà không đụng
vô hai đứa kia, hai đứa quý của hơn người... bà cũng tự an ủi, ôi cái ông
thượng đế sao mà tài giỏi quá, ổng sinh ra thế giới này cả tỉ tỉ con người, mà
sao hình dáng không một ai giống ai, vậy thì con bà, tánh nết, chúng khác nhau,
chẳng trách nào, nhưng bà quên một điều là làm mẹ là luôn sẵn sàng mẹ thì luôn
luôn giống nhau, sẵn sàng cho con tất cả.
Rồi bà lẩm nhẩm tính thầm, 10 hay 12 triệu là 2 chỉ vàng chứ ít ỏi sao? Bà suy nghĩ lung lắm, làm sao kiếm ra hai chỉ vàng thời cộng sản này? Nếu lúc xưa thì dễ, bây giờ là đau đầu.
Bà vừa thương
Hiếu, vừa suy nghĩ mãi làm sao để giúp nó mà không hỏi anh chị nó... khi chia
bà quên phần nó, một cái quán vô dụng này còn lại, nếu bán đi, rồi mẹ con sẽ tá
túc vô đâu?
Bà nhìn khắp lượt của rả trong nhà còn lại, tủ, giường, kệ bàn... nhưng bán hết ba thứ này cũng làm sao mua nổi 2 chỉ vàng? Hay 12 triệu đồng tiền cô hồn?
Bà đi ra khỏi tỉnh
nhà, sang người chị gái ở xa, vay, nhưng thôi, bà bỏ ngay ý nghĩ đó, vì chị bà
cũng nghèo, đông con... thời thế này không ai có thể cho ai vay mượn được.
Đầu óc người mẹ có khi suy nghĩ lung lắm, mà có lúc rỗng trơn, không biết phải làm gì, thì may quá, thoát một lần, bà chải đầu, bà đụng tay vướng phải đôi bông tai, bà mừng rỡ, nhớ ra, chưa đến nỗi cạn tàu ráo máng... may mà bấy lâu quên nó đi. Chợt biết còn đôi bông tai, bà mừng như bắt được vàng, dù vàng đó là của bà, của hồi môn của bà từ cái độ bà đi lấy chồng, thoát đã 50 năm trôi qua... bà nói với con út:
Để mẹ bán đi, mẹ nhờ chị sáu Trận, tiệm vàng quen lúc xưa, có mối quen, chị bán cho những người đi vượt biên sẽ được giá!
Hai mẹ con đều
mừng ứa nước mắt. Út nghe lời rồi cứ nhìn chăm chăm mặt mẹ, đúng hơn là anh ta
nhìn chằm bẳm đôi bông tai, vàng 24 kara, có hai hạt ngọc trai, ánh ngọc rất
linh động, như bừng sáng tia hy vọng của mẹ của con...
Sau những năm học phổ thông, với số vốn ít ỏi mẹ cho, Hiếu rời mẹ, lên Sài Gòn học đại học và học nghề điện toán sau đó. Hiếu sống rất dè sẻn, chật vật vì chỉ có vậy thôi. Sau em vừa đi học vừa đi dậy kèm thêm, làm gia sư để sống đủ và đủ mua quà mỗi lần về quê thăm mẹ.
Quà cho mẹ, có
mua, nhưng rất nhẹ khiêm tốn, nhưng mẹ luôn vui, bà nói của ít lòng nhiều...
Cũng phải gần 5
năm sau, Hiếu học xong, mới ra trường kiếm việc làm, cũng có khó khăn và lương
lúc ban đầu rất khiêm nhượng, là ít ỏi, nhưng em sung sướng với những số tiền
tự tay mình làm ra.
Tháng lương đầu tiên, Hiếu trang trải vài món nợ lặt vặt, tháng lương thứ hai, em tìm ngay mua lại đôi bông tai cho mẹ. Em phải đi lòng vòng qua mấy cửa tiệm kim hoàn, sau gần cả tuần lễ, em mới kiếm ra và mua lại được đôi bông tai vàng 24 kara nhận hột perles y hệt đôi bông tai của mẹ khi xưa, mà mẹ đã bán đi lấy tiền làm lộ phí ban đầu cho con, mở đủ một hành trình mới cho cuộc đời.
Một ngày nghỉ dài, Hiếu trở về thăm mẹ, em đeo lại đôi bông tai như cũ cho bà Ba.
Tự nhiên, bà đang
ngồi im, rồi bật khóc, hai giọt nước mắt tràn ra ngoài khóe mi già nua, lăn
xuống má, coi y hệt hai hạt ngọc của đôi bông tai vàng. Mẹ và con, sung sướng
ôm lấy nhau, không nói.
Họ lặng lẽ cảm
nhận những thổn thức rất bình an và hạnh phúc, những cảm nhận của ngôn ngữ
không lời từ những trái tim nhân hậu.
Paris, tháng 7, 2024
Chúc Thanh
No comments:
Post a Comment