Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về số lượng người giàu di cư
Người giàu đang rời bỏ
những quốc gia nào? Có 10 quốc gia dẫn đầu về số lượng người giàu di cư trong
đó có cả những quốc gia phát triển như Anh quốc, Hàn Quốc, hoặc các nước lớn
như Ấn Độ, Brazil v.v. Nhưng giữ kỷ lục vẫn là Trung Quốc.
"Báo cáo di cư
của tài sản cá nhân Henley năm 2024" của công ty tư vấn nhập cư đầu tư
quốc tế Henley & Partners, giới thiệu cụ thể dòng vốn vào và dòng tiền ra
ròng mới nhất của các triệu phú, tức là sự chênh lệch giữa số lượng cá nhân
giàu có có khả năng đầu tư từ 1 triệu USD trở lên chuyển đến một quốc gia, và
số lượng cá nhân giàu có rời khỏi quốc gia đó.
Theo báo cáo trên thì
dự kiến sẽ có 15.200 người Trung Quốc giàu có rút tài sản ròng trong năm nay
(so với 13.800 người vào năm 2023). Lý do của sự di cư này đa phần bởi sự bất
ổn kinh tế của Trung Quốc, căng thẳng địa chính trị và sự hấp dẫn của các cơ
hội ở nước ngoài. Người giàu Trung Quốc vẫn di cư ra nước ngoài trong nhiều
năm, nhưng số lượng đột ngột tăng mạnh sau thời kỳ bùng phát dịch viêm phổi Vũ
Hán (COVID-19).
Theo Henley &
Partners, rất khó để biết những người di cư mang theo bao nhiêu tài sản. Ông
Andrew Amoils, người đứng đầu nghiên cứu của New World Wealth cho biết, những
cá nhân có thu nhập ròng cao thường di chuyển nhiều nhất là những người có tài
sản từ 30 triệu USD đến 1 tỷ USD.
Các điểm đến ưa thích
của người giàu di cư Trung Quốc thường là Hoa Kỳ, Canada, Singapore và trong
vài năm trở lại đây, đặc biệt nhiều là đến Nhật Bản.
Người giàu di cư có ý nghĩa gì?
Nước nào cũng có người
di cư, nhưng di cư ồ ạt lại là bất thường, di cư bằng bất cứ giá nào càng bất
thường hơn nữa. Rất nhiều người Trung Quốc ngày nay chấp nhận hành trình vạn
dặm với thống khổ thường trực và sống chết trong gang tấc để đến bằng được Mỹ
quốc, đây là câu chuyện không còn xa lạ gì trong thế giới đương đại. Ấy là vấn
nạn của người Trung Quốc, cũng là vấn nạn của quốc gia phải bất đắc dĩ tiếp
nhận họ. Đó vẫn còn là người nghèo di cư.
Nhưng nay người giàu
cũng di cư ồ ạt. Dù không phải tất cả, nhưng đa phần người giàu ở Trung Quốc ít
nhiều đều có liên hệ với chính quyền. Họ biết nhiều thông tin hơn, nói chung là
có khả năng ra quyết định tốt hơn, và do có điều kiện kinh tế, có thể cầm cự
tốt hơn người nghèo.
Một khi người giàu
quyết định di cư với số lượng lớn, vấn đề nhất định rất đáng báo động. Đơn cử
như trường hợp tiêu biểu của tỷ phú Lý Gia Thành của Hong Kong. Đây là một
người rất giàu và rất có tầm nhìn xa trông rộng.
Từ thời ông Đặng Tiểu
Bình là lãnh đạo cao nhất của Trung Nam Hải, ông Lý Gia Thành luôn là thượng
khách của Trung Quốc. Tất cả các tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)
từ Đặng Tiểu Bình, hay Giang Trạch Dân hoặc Hồ Cẩm Đào... đều gặp riêng Lý Gia
Thành để nói chuyện về nhiều vấn đề, vừa là để thu phục giới tinh hoa ở Hong
Kong, vừa là để tiếp nhận những hiểu biết hay lời khuyên quý giá về kinh tế của
Lý Gia Thành.
Nhưng vào năm 2013,
sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, thì không gặp các tập đoàn gia đình lớn
ở Hong Kong, hay các nhân vật như Lý Gia Thành nữa.
Sau đó Lý Gia Thành
muốn gặp riêng Tập Cận Bình, ông đã gửi báo cáo thông qua Văn phòng Trung ương
ĐCSTQ. Nhưng Lý Gia Thành đã đợi ở Bắc Kinh hai tuần mà không có hồi âm.
Điều này cho ông Lý
Gia Thành thấy rằng ông Tập không quan tâm đến kinh tế. Thực tế ngày nay cho
thấy Lý Gia Thành đã đọc vị chính xác về Tập Cận Bình.
Vậy nên sau khi Lý Gia
Thành trở lại Hong Kong, ông đã lập tức triệu tập các thành viên quan trọng
trong tập đoàn gia đình, rồi quyết định rút khỏi Trung Quốc. Quyết định này đã
có từ cách đây 10 năm, tức là vào năm 2014.
Sau quyết định này, Lý
Gia Thành lặng lẽ bán rất nhiều bất động sản ở Thượng Hải. Đến năm 2015 người
ta mới phát hiện việc này. Khi ấy có một bài viết trên mạng là "Đừng
để Lý Gia Thành bỏ chạy". Sự nổi tiếng của bài viết này đã
khiến ngoại giới mới bắt đầu chú ý đến việc thoái vốn lớn của Lý Gia Thành. Lúc
đó bất động sản ở Trung Quốc vẫn đang được "thổi giá" để
đến năm 2016 mới đạt đỉnh. Nhưng kiểu bong bóng bất động sản đó sẽ không tồn
tại lâu. Nói cách khác, Lý Gia Thành đã nhìn thấy ngày này của thị trường bất
động sản và nền kinh tế Trung Quốc từ 10 năm trước.
Khi Lý Gia Thành làm
ăn, ông đều lưu lại một khoảng lùi, ông không bao giờ để nước đến chân mới
nhảy. Chia lợi nhuận cũng để người khác phần hơn, mà làm ăn thì tuyệt không
kiếm đồng tiền cuối cùng, nghĩa là thoái vốn từ sớm trước khi thị trường sụp
đổ. Mà bởi vì Lý Gia Thành có quá nhiều tài sản ở Trung Quốc, nếu ông muốn bán
thì phải bán càng nhanh càng tốt. Ông đã bắt đầu bán bất động sản ở Trung Quốc
từ năm 2014, chỉ 2 năm là bán hết, nên ông là một người cực kỳ lợi hại, một
người rất có tầm nhìn. Rất nhiều người trong giới chủ làm ăn lớn đều hết sức
coi trọng những động thái hay quyết định của Lý Gia Thành. Đa phần họ đi sau
ông, cả quyết định về di cư cũng vậy.
Kỳ thực không chỉ có
Lý Gia Thành hay những người giàu là có tầm nhìn, những nhân vật trong giới trí
thức tinh hoa cũng hết sức nhạy cảm với tình hình xã hội. Một trong các nhân
vật đó chính là nhà khoa học Albert Einstein.
Tiên đoán tài tình về
nước Đức dưới thời Hitler và sự quyết đoán của Einstein
Chúng ta hẳn đều biết
Einstein là một nhà vật lý học vĩ đại, nhưng không chỉ có thế, mà nhận thức và
khả năng phán đoán về chính sự của ông cũng nhạy bén hơn hẳn người thường. Ông
đã từng nói rằng: "Quốc gia được dựng nên là vì người dân,
nhưng người dân tồn tại không phải vì quốc gia". Câu nói này của
Einstein sau này đã được khắc tại những nơi công cộng của nước Đức, nhằm nhắc
nhở về quyền lực của người dân với quốc gia.
Trong cuốn "Tiểu
sử của Einstein" có thuật lại một đoạn như sau: Vào cuối năm
1932, Einstein rời khỏi Berlin để đi Mỹ giảng dạy, trước lúc đi ông đã nói với
vợ của mình rằng: "Lần này em hãy ngắm thật kỹ căn biệt thự của em
nhé! Em sẽ không còn được nhìn thấy nó nữa đâu". Người vợ nghĩ
rằng ông đang nói đùa, và Einstein cũng không giải thích gì thêm, sau đó liền
cùng vợ lặng lẽ rời khỏi ngôi nhà. Thì ra mấy năm trước, Einstein quan sát thời
cuộc, đã dự cảm thấy một mối nguy hiểm lớn sẽ đến. Quả nhiên, ngày 30/01/1933,
hơn một tháng sau khi Einstein rời khỏi Berlin, Hitler chính thức nhậm chức Thủ
tướng Đức, đưa nước Đức bước vào thời đại của Đức Quốc xã.
Vào thời điểm đó, Tổng
lãnh sự quán Đức tại Mỹ đã yêu cầu Einstein phải lập tức trở về Đức. Einstein
đã từ chối một cách lý trí. Đồng thời vào ngày 10/03/1933, ông đã trả lời phỏng
vấn của "Điện báo thế giới New York", trong đó tuyên bố
rằng: "Chỉ cần tôi còn có thể lựa chọn, tôi chỉ muốn sống ở một đất
nước giống nước Mỹ thế này, điều mà quốc gia này thực hiện chính là: 'công dân
có quyền tự do, khoan dung và bình đẳng như nhau trước Pháp luật'. Mà
quyền tự do công dân có ý rằng người ta có thể tự do dùng ngôn ngữ và lời văn
để biểu thị niềm tin chính trị của mình; khoan dung có nghĩa là tôn trọng người
khác, vô luận niềm tin đó có thể là gì đi nữa. Tuy nhiên, những điều kiện như
vậy lúc này không hề tồn tại ở Đức. Bởi vì những người có cống hiến đặc biệt to
lớn cho sự nghiệp hoà giải quốc tế, đang phải hứng chịu bức hại ở đó, trong số
họ có rất nhiều là các nhà nghệ thuật hàng đầu".
Trong lúc Einstein
công khai những điều này, thì làn sóng phát xít bên trong nước Đức cũng càng
ngày càng dâng cao. Đến tháng 5 cùng năm, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Đức Quốc xã
là Goebbels, tín đồ trung thành của Hitler, bắt đầu công khai đốt sách có nội
dung không phù hợp với tư tưởng của Đức Quốc xã. Tuyệt đại đa số các giáo sư,
học giả Đức trong nước vì để bảo vệ bản thân, dưới uy quyền của Đức Quốc xã chỉ
đành "nước chảy bèo trôi" theo thời cuộc.
Không lâu sau,
Einstein trở thành đối tượng bị báo chí nước Đức công kích, Berlin cũng bắt đầu
mở màn "xét xử vắng mặt" nhằm vào Einstein. Trong trang
đầu tiên của cuốn "Kẻ thù của chế độ Hitler" do
Goebbels chỉ thị xuất bản, là hình của Einstein, trong phần chú thích bên cạnh,
không những liệt kê "tội trạng" của Einstein, cuối cùng
còn có một câu thế này: "Còn chưa treo cổ." Quả thực,
Einstein với phẩm hạnh cao quý nếu như còn ở lại nước Đức thì hậu quả khó tưởng
tượng. Chẳng hạn như nhà toán học Georg Pique, bạn của Einstein, đã chết thảm
trong trại tập trung của Đức Quốc xã chỉ vì mang thân phận người Do Thái. Cho nên,
khi Einstein nhìn thấy được nước Đức sắp rơi vào sự thống trị của Đức Quốc xã,
ông đã không do dự rời khỏi nước Đức, để thoát khỏi nơi nguy hiểm.
Người giàu Trung Quốc
chọn Nhật Bản để di cư - cái tát vào bộ máy tuyên truyền của Trung Nam Hải
Ngoài điểm đến Mỹ quốc,
người giàu Trung Quốc vài năm gần đây còn lựa chọn thêm Nhật Bản làm nơi tị nạn
và sinh cơ lập nghiệp.
Theo số liệu mới nhất
do Cục Xuất nhập cảnh Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố ngày 22/3/2024, tổng số
người nước ngoài tại Nhật Bản vào cuối năm 2023 là 3.410.992 người, tăng 10,9%
so với năm 2022. Trong đó, Trung Quốc có số dân lớn nhất, với 821.838 người,
tăng 60.275 người so với năm 2022. Người Trung Quốc chiếm 24,1% tổng số người
nước ngoài tại Nhật Bản, tăng 7,9% so với năm 2022.
Trong 2 năm qua, số
lượng người Trung Quốc sống ở Nhật Bản không ngừng tăng lên. Tổng số người
Trung Quốc tại Nhật Bản vào năm 2021 là 716.606 người, tăng lên thành 761.563
người vào năm 2022 và tăng vọt lên thành 821.838 người vào năm 2023 sau khi
ĐCSTQ dỡ bỏ "Zero-COVID". Họ đa phần chọn Tokyo làm nơi định cư, cứ
khoảng 3 người Trung Quốc ở Nhật Bản thì có một người ở Tokyo.
Những người Trung Quốc
giàu có định cư ở Tokyo đã thúc đẩy làn sóng bất động sản cao cấp mới tại thành
phố này. Đồng thời, do một lượng lớn người Trung Quốc, đặc biệt là những người
giàu có, đã định cư ở Nhật Bản nên dư luận tin rằng họ có thể có tác động nhất
định đến xã hội Nhật Bản.
Xưa nay, bộ máy tuyên
truyền của Trung Quốc vẫn tuyên truyền về nỗi "hận", yêu
nước là phải hận Mỹ quốc, hận Nhật Bản, hận phương Tây v.v. nhờ đó ĐCSTQ có
được tính chính danh, vì nó thể hiện như là tổ chức đoàn kết các lực lượng giữ
gìn thể diện cho Trung Quốc. Đặc biệt là Nhật Bản xưa nay đều bị truyền thông
chính thống của ĐCSTQ coi như kẻ thù số một của Trung Quốc. Ở Trung Quốc, biểu
tình bị nghiêm cấm và trừng trị thẳng tay, trừ biểu tình chống Nhật, nên công
chúng trong và ngoài nước Trung Quốc mới được chứng kiến những cuộc biểu tình
chống Nhật rất lớn ở quốc nội vào những năm 2005 và 2012. Trong những cuộc biểu
tình này, nhiều hàng hóa, ô tô, cơ sở kinh doanh của người Nhật ở Trung Quốc đã
bị đập phá, lăng nhục.
Những hành động chống
Nhật không chỉ có vậy. Chẳng hạn, vào ngày 1/6 vừa rồi, người dân Nhật Bản phát
hiện một cột đá tại Đền Yasukuni ở quận Chiyoda, Tokyo, đã bị phá hoại bằng sơn
đỏ phun chữ "toilet". Sở Cảnh sát Tokyo ngay lập tức xem lại camera
giám sát và truy bắt thủ phạm. Cùng lúc đó, một người đàn ông nổi tiếng trên
mạng Trung Quốc mang nick "Thiết Đầu" (Tietou) tự phơi bày hành vi
của mình, còn công khai video ghi lại hành động vi phạm. Đầu tiên anh ta trèo
lên cây cột đá có viết 4 ký tự của Đền Yasukuni trên đó để tiểu tiện, sau đó
lấy ra lọ xịt sơn màu đỏ đã chuẩn bị từ trước, rồi viết chữ "toilet"
lên cột đá.
Nhân vật "Thiết
Đầu" này là một sản phẩm điển hình của chính sách tuyên truyền hận thù với
Nhật Bản của Trung Quốc. Trớ trêu thay, Mỹ và Nhật lại là hai quốc gia được
người Trung Quốc, đặc biệt người giàu lựa chọn để làm nơi định cư mới.
Tháng 5/2022, ông
Vương Thanh, ông chủ của Công ty Kế hoạch Phúc lợi Nhật Bản - Trung Quốc, đăng
một bài viết trên kênh truyền thông tài chính Nhật Bản "DIAMOND" và
kể câu chuyện về 2 người bạn của mình.
Ông cho biết, làn sóng
nhập cư vào Nhật Bản này bắt đầu từ giai đoạn giữa và cuối của đại dịch viêm
phổi Vũ Hán (COVID-19). Vào thời điểm đó, hầu hết những người rời Trung Quốc
đều gặp phải một số rủi ro.
Ông Li (hóa danh) cũng
là người nhập cư đến Nhật Bản từ Thượng Hải trong tình hình kiểm soát dịch bệnh
nghiêm ngặt. Ông cho biết lý do lớn nhất khiến gia đình ông di cư đến Nhật Bản
là vì việc học hành của con cái, và để tránh bị tẩy não bởi những tuyên truyền
chính trị của ĐCSTQ.
Hóa ra người ta đều
biết rõ rằng ĐCSTQ vẫn nói láo, và sự thật là quyết định lựa chọn Nhật Bản của
giới nhà giàu Trung Quốc chính là một cái tát vào mặt bộ máy tuyên truyền của
Trung Nam Hải.
Hôn quân cai trị chẳng
khác gì đuổi dân
Người Trung Hoa xưa có
câu thành ngữ: "Vi uyên khu ngư giả, thát dã; vi tùng khu tước
giả, ưng dã. Vi Thang Vũ khu dân giả, Kiệt dữ Trụ dã."
Tạm dịch là: Rái cá
khiến cho cá chạy đến chỗ đầm nước; diều hâu khiến cho chim sẻ chạy vào rừng
rậm. Hạ Kiệt và Trụ Vương khiến cho dân chúng chạy đến chỗ vua Thang, vua Vũ.
Hạ Kiệt là hôn quân
cuối triều nhà Hạ, bị thay thế bởi Thương Thang của triều nhà
Thương. Còn Trụ Vương là hôn quân cuối triều nhà Thương, bị thay thế bởi Chu Vũ
Vương của triều nhà Chu. Câu thành ngữ dùng hình ảnh "rái cá xua cá đến đầm nước" và "chim ưng xua chim sẻ vào
rừng" làm ví dụ để nói lên rằng vua Kiệt, vua Trụ thi hành chính sách tàn
bạo, khiến dân chúng đều chạy trốn tới chỗ Thành Thang, Vũ Vương, kết quả làm lợi cho người khác mà lại chuốc họa vào
thân. Câu thành ngữ này về sau dùng để ví một quốc gia hoặc một chính quyền do
nguyên nhân chủ quan mà đánh mất lòng dân. Các câu thành ngữ "Vi uyên khu
ngư" (đuổi cá đến chỗ nước sâu), "Vi tùng khu tước" (đuổi chim
sẻ vào rừng) cũng bắt nguồn từ đây.
Người xưa có câu:
"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Bởi vì hiền tài có tri thức để
xây dựng đất nước. Còn người giàu có sở hữu của cải để làm quốc gia phú cường,
trong đó cũng nhiều người có tri thức và sự nhạy bén như tỷ phú Lý Gia Thành.
Mất đi lực lượng này, quốc gia mất đi nguyên khí và ắt sẽ suy sụp. Chính vì
vậy, Tần Thủy Hoàng đã nghe lời tâu của Lý Tư để thu hồi lại "Trục khách
lệnh" là lệnh đuổi những hiền tài có xuất thân từ 6 nước thời Chiến Quốc
đang phục vụ nước Tần. Đồng thời, sau khi thống nhất Trung Hoa, ông còn cho di
chuyển 12 vạn hộ giàu có từ các nơi về kinh đô Hàm Dương, cũng tức là tập trung
sự thịnh vượng vào trung tâm của quốc gia, không để nguyên khí tản mát.
Trị dân mà đi đến chỗ
đuổi dân, xưa có Kiệt Trụ, nay có Trung Nam Hải.
Người quân tử không
đứng dưới bức tường sắp đổ
Cổ nhân có câu:
"Quân tử bất lập vu nguy tường chi hạ", tạm dịch là: "người
quân tử không đứng dưới bức tường sắp đổ", đó chính là người quân tử
thì nên tránh xa nơi nguy hiểm ra. Điều này không phải nói rằng người quân tử
tham sống sợ chết, mà ý nói rằng người quân tử quyết không nên trở thành vật hi
sinh một cách dại dột, cần biết cách tránh khỏi nguy hiểm một cách lý trí. Vậy
nên người xưa mới lại có câu: "Chim khôn lựa cây mà đậu, tôi hiền chọn
chúa mà thờ".
Những người dân Trung
Quốc lặn lội nửa vòng Trái Đất để dù sống chết gì cũng phải đến được nước Mỹ,
giới nhà giàu Trung Quốc đổ về Nhật Bản để định cư, hơn 432 triệu người Trung
Quốc đăng ký thoái ĐCSTQ trên mạng bằng hóa danh hoặc tên thật v.v. tất cả họ
đều không muốn cùng chung vận mệnh với chính quyền Trung Nam Hải.
Bởi vì không ai muốn
đứng dưới một bức tường sắp đổ.
Nguyên Vũ
No comments:
Post a Comment