Chiều chủ nhật 14/7/2024, một người bạn thân từ Pennsylvania gọi xạo tôi hỏi
"Út mày hay
chuyện gì chưa?".
"Chuyện
gỉ?".
"Ông Trump bị bắn ngày hôm qua!".
"Sống hay chết?".
"Chỉ bị thương nhẹ!".
Ngày 9/6/2024, trong
bài xạo sự "Thuyết Âm Mưu Trong Chính Trị Hoa Kỳ" xạo tôi có
viết: "Lịch sử chính trị của Đại Cường Cờ
Hoa đang chứng kiến một vở "bi hài kịch" cười
không ổn mà khóc cũng không xong...". Đã nói là "Bi Hài Kịch" thì ắt hẳn nó phải được
diễn trên sân khấu, xin thưa đó là "Sân Khấu Chính Trị Hoa Kỳ".
Tác giả kịch bản này đã tạo ra một đoạn kịch này khiến cho "có
triệu người vui mà cũng có triệu người buồn", nhưng chưa biết hồi kết
cuộc ra sao khiến cho cả thiên hạ cứ nôn nóng ngóng cổ
chờ đợi...Triệu người vui thì đừng vội vã đốt pháo hoa ăn
mừng. Triệu người buồn thì cứ buồn 5 phút rồi thôi. Bởi có ai học được chữ
ngờ, như năm 2016 ngựa về ngược, Trump thắng Hillary, năm 2020 Biden thắng
Trump, vội vui mừng hay vội buồn bã để rồi kết cuộc ngẫn tò te không
hiểu chính trị của Mỹ là mô tê chi cả. Mấy vị "bình loạn gia" cào cào
gốc me gốc mít gì gì đó, thôi, đừng kết tội hay phán tội Trump và
Biden nữa, vì đó không phải chuyện của quý vị, chuyện của bồi
thẩm đoàn, công tố viện và chánh án tòa án từ cấp quận
lên đến tối cao pháp viện, họ ăn lương Mỹ và làm việc cho ngành tư
pháp Mỹ..."
Chiều ngày 13/7/2024 tại Butler
(Pennsylvania), Ứng Cử Viên Tổng Thống nhiệm kỳ 2025-2028 của Đảng
Cộng Hòa Donald Trump bị ám sát bởi một tên bắn tỉa bắn mấy phát đạn từ xa
trên một mái nhà với khoảng cách độ chừng 130 mét. Trump bị một viên
đạn sượt qua vành tai phải chỉ bị thương nhẹ. Ngay tức khắc,
Trump được nhóm cận vệ bảo vệ và đưa ra khỏi hiện trường.
Cả hơn tuần nay, trên
mạng truyền thông, truyền hình không những riêng tại Hoa Kỳ mà cả trên
toàn thế giới tràn ngập bài vở hình ảnh đề cập đến "biến
cố" này. Không biết có bao nhiêu nhận định, quan điểm, bình luận
loạn cào cào về vụ ám sát Donald Trump. Dư luận không phải hai chiều nữa
mà có hàng chục chiều cứ tha hồ phóng lên các trang mạng xã hội, khiến người
bàng quang như xạo tôi cũng phải "đâu cái điền"!!!
Trường phái "tâm
linh" thì cho rằng "Người có Chân Mệnh Đế Vương sẽ không ngã gục
trước khi hoàn thành sứ mệnh". Trường phái này cho rằng "viên
đạn chỉ cần chệch đi một inch thôi là nước Mỹ sẽ hỗn loạn bởi cái chết của ông
Trump. Sự thoát chết của ông ấy là một phép màu của Chúa..."
Trong một bài
viết đăng trên nền tảng mạng xã hội Truth Social vào tối ngày 14/7, sau khi cảm
ơn tất cả mọi người, chính ông Donald Trump đã viết rằng: "Chỉ có Chúa
mới ngăn cản được điều không thể tưởng tượng được ấy xảy ra. Chúng ta sẽ không
sợ hãi, mà thay vào đó vẫn kiên cường với đức tin của chúng ta và mạnh mẽ khi
đối mặt với sự tà ác".
Người Á Đông có
"Thuyết Thiên Mệnh", tin rằng mỗi người được an bài cho một sứ mệnh
khác nhau. Người có Chân Mệnh Đế Vương càng có phúc cao mệnh dày, là người
được Trời bảo hộ. Một khi họ chưa hoàn thành sứ mệnh của mình, không gì có thể
làm hại họ, thậm chí đao thương bất nhập, bách độc khó xâm, gặp hiểm cảnh đều
thoát nạn một cách kỳ lạ.
Nhận định này
thiếu khả năng thuyết phục và khó tin, vì làm sao có thể khẳng định rằng
Donald Trump có chân mệnh đế vương!?
Trường phái bảo thủ
(Cộng Hòa) thì cho rằng "Trump bị ám sát là vì Trump muốn trở lại ngồi vào Tòa
Bạch Ốc, giành chiếc ghế của Biden (Dân Chủ) vụ sát hại
Trump không phải là hành động của một tay súng đơn độc mà là của nhà nước
ngầm và giới cầm quyền, hoặc phe phái chính trị...". Nhận định này quá mơ hồ không xác thực, hay có thể nói chỉ là
"đoán mò", hoặc gắp lữa bỏ tay người. "Nhà nước ngầm" là ai
và ở đâu? Giới cầm quyền? Muốn ám chỉ đang kiêm Tổng Thống
Biden hay Đảng Dân Chủ? Phe phái chính trị? Phe nào và phái nào?
Ai ai lúc nào cũng
nói đến "nhà nước ngầm" mà không ai biết tên tuổi mặt mũi nào là
nhà nước ngầm, may ra Tổng Thống và một ít nhân nhân trọng yếu của chính
quyền đương thời mới biết được thế lực đó ở đâu, nhưng
theo "quy luật" nếu bất cứ ai biết thế lực đó ở đâu
thì sống để bụng chết mang theo, không bao giờ dám tiết lộ cho bất cứ ai
biết dù đó là vợ con thân thích của mình.
Sáu mươi (60) năm về
trước, Ngày 22/11/1963 Cố Tổng Thống John F. Kennedy bị một cựu Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tên Lee
Harvey Oswald bắn khi đang ngồi trên ô tô cùng đệ nhất phu nhân Jacqueline
Kennedy và Thống đốc Texas John Connally. Hai ngày sau, vào ngày 24.11.1963,
chủ hộp đêm địa phương tên Jack Ruby bắn chết Oswald. Trong 60 năm qua vẫn chưa rõ tại sao Oswald lại bắn Tổng thống Kennedy,
làm dấy lên vô số thuyết âm mưu. Sức hút từ việc tìm hiểu thủ phạm ám
sát Tổng thống Kennedy và lý do ám sát được lý giải bằng nhiều thuyết âm mưu
vẫn phủ bóng chính trường Mỹ cho đến ngày nay. Một lý do lớn khiến các thuyết âm mưu ám sát
Tổng thống Kennedy vẫn tồn tại là không phải tất cả hồ sơ liên quan ngày định
mệnh đó đều được chính phủ Mỹ công bố. Tất cả hồ sơ liên quan được cho là sẽ
công bố vào năm 2017, nhưng đã bị hoãn lại nhiều lần. Ông Larry Sabato, nhà
nghiên cứu thâm sâu những hồ sơ đã được giải mật về vụ ám sát, cho hay có
hàng ngàn trang vẫn còn được liệt vào dạng mật và không rõ tại sao. "Chúng
tôi không biết họ che giấu những gì và điều đó nuôi dưỡng những thuyết âm mưu
nhiều hơn".
Trường phái "Cấp
Tiến" (Dân Chủ) thì lập luận rằng sự kiện nổ súng chiều ngày 13/7 tại
Pennsylvania là một màn kịch vụng về của phe Trump. Họ lý luận rằng không có ai
ngu xuẩn mà vừa bị bắn trúng tai lại phơi mình ra để cho các sát thủ khác tiếp
tục nhắm bắn, mà cũng không có đội bảo vệ chuyên nghiệp nào cho phép làm thế.
Chỉ có thể lý giải rằng đây là một màn kịch giả tạo do Trump làm ra để lấy lòng
người mà thôi.
Nữ diễn viên Amanda
Seales đã đưa ra lời cáo buộc khi cho rằng Trump đã dàn dựng vụ ám sát ông. Cô
nói: "Cái thứ đó được dàn dựng còn hơn cả vở Madea Runs for
President của Tyler Perry", cô tuyên bố: "Tôi sống ở
Harlem đủ lâu để biết tiếng súng không giống như tiếng làm bỏng ngô trên
bếp".
Nếu suy luận theo chiều hướng này, thì
đội ngũ của ông Trump cần phải dàn xếp được những sự việc sau:
Thứ nhất là ông Trump
phải chấp thuận mạo hiểm tính mạng để nhận một viên đạn với lời hứa rằng nó chỉ
gây xây xát tí chút. Sau đó phải dàn xếp một tay sát thủ bắn tỉa đủ giỏi -
người có thể khiến ông Trump tin cậy trao cả tính mạng, để từ khoảng cách 120m
nằm bò trên mái nhà có thể bắn Trump bị thương nhẹ, chảy máu mà không chết. Đây
là một việc còn khó hơn cả bắn chết ông Trump. Sau đó phải dàn xếp được với cả
đội mật vụ do nhà nước cắt cử, để cùng toa rập với âm mưu này của ông Trump, để
sau khi sát thủ ra tay, phải hạ gục ngay để bịt đầu mối. Chưa hết, phải dàn xếp
được với một vài tay máy chuyên nghiệp, để chớp được hình ảnh xuất thần, sau
còn lấy làm tư liệu lăng xê. Và đương nhiên, từ ông Trump đến cả đội ngũ được
dàn xếp này phải tập diễn đi diễn lại màn kịch cho đến khi thật nhuần nhuyễn,
sao cho tự nhiên như thật. Và cuối cùng, phải dàn xếp được việc những người ủng
hộ ông Trump trên toàn quốc không gây bạo loạn, nhốn nháo mà trật tự như thực
tế đang cho thấy, để tránh xảy sự việc hỗn loạn tương tự sau cái chết người da
đen George Floyd vào ngày 25/5/2020, với những kẻ cấp tiến đứng đằng sau.
Không hiểu ông Trump
lấy đâu ra thời gian và nhân lực để lên một kế hoạch kỳ công tỉ mỉ vượt xa
những âm mưu kế hoạch trên phim ảnh Hollywood này, trong khi bản thân ông còn
đang bị quay quắt sấp ngửa với những vụ kiện tụng, hầu tòa và những quấy nhiễu
khác, đó là chưa kể phải chuẩn bị cho cuộc tranh biện ngày 27/6. Có lẽ, ngôn
ngữ và suy diễn của một số người đã bị đẩy đi quá xa.
Chỉ cần đưa ra ba
(3) lập luận của ba trường phái nói trên cũng đủ cho xạo tôi cho
rằng "chẳng những dư luận
của quần chúng Hoa Kỳ mà cả toàn thể thế giới' đã bị giới
truyền thông đưa vào hỏa mù tựa như lạc vào kỳ môn bát giới trận
mà không biết soái kỳ nằm ở đâu. Chỉ loay hoay cho rằng "Nước
Mỹ đang bị chia rẽ trầm trọng" có nguy cơ tụt hậu xuống hàng thứ
yếu, đứng sau lưng Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh..."
Vào ngày
16/6/1858, Đảng Cộng Hòa đã chọn Abraham Lincoln vào
Thượng Viện, Ông đã có bài phát biểu nổi tiếng về "ngôi
nhà bị chia rẽ" của mình. Khán giả của Ông hẳn đã nhận ra ngay nguồn gốc của câu chủ đề của Ông, "Một ngôi nhà chia
rẽ không thể tồn tại". Đó là câu xuất hiện trong cả ba
sách Phúc âm Nhất lãm của Tân Ước (bao gồm Phúc âm Mátthêu, Máccô và Luca).
Tổng thống Lincoln ngay lập tức tiếp nối tuyên bố đó bằng câu nói: "Tôi
tin rằng chính phủ này không thể tồn tại mãi mãi, chính phủ nửa nô lệ nửa tự
do".
Chưa đầy ba năm sau,
"ngôi nhà chia rẽ" của Hoa Kỳ đã sụp đổ, và trong bốn năm, người Mỹ
đã chiến đấu với người Mỹ trong cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ,
cuộc nội chiến nam bắc
Hoa Kỳ tháng 4 năm 1861 đến tháng 5 năm 1865. Các nhà sử học vẫn tranh luận về nguyên nhân
của cuộc chiến đó, nhưng ít ai không đồng ý rằng lời lẽ gay gắt và đôi khi là
hành động bạo lực ở cả miền Bắc và miền Nam đã châm ngòi và thúc đẩy cuộc xung
đột khủng khiếp này.
Khi tổng thống Ronald
Reagan bị bắn vào ngày 30/3/1981, vết thương của ông không được chú ý ngay lập
tức. Mãi cho đến khi ông bắt đầu bị chảy máu miệng, chiếc xe chở ông mới được
chuyển hướng từ Nhà Trắng đến bệnh viện. Chuyện kể rằng khi đến nơi, tổng thống
Reagan đã nói đùa với các bác sĩ phẫu thuật: "Tôi chỉ hy vọng các bạn
là đảng viên Đảng Cộng hòa". Một bác sĩ được cho là đã trả
lời: "Hôm nay, thưa Tổng thống, tất cả chúng tôi đều là đảng viên
Đảng Cộng hòa". Khi đệ nhất phu nhân Nancy Reagan tới thăm, Reagan
đùa: "Em yêu, anh quên cúi xuống để né viên đạn".
Vào năm 1987, khi tổng thống Reagan đang phát biểu ở Tây Berlin thì một quả
bóng bay gần đó bất ngờ nổ tung. Không hề tỏ ra kích động, tổng thống Reagan đã
có lời châm biếm: "trượt rồi", trước khi tiếp tục phần
còn lại của bài phát biểu. Và công chúng tỏ ra hết sức hâm mộ.
Có lẽ suốt từ sau sự
kiện buổi chiều ngày 13/7/2024 Butler, Pennsylvania, hình ảnh gây hưng phấn
nhất tràn ngập trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội khắp thế giới
thuộc về cựu tổng thống Donald Trump. Những hình ảnh được ghi lại cùng mô tả
của các nhân chứng đã cung cấp những chi tiết rõ ràng và khá thống nhất. Vào
lúc súng nổ, mọi người hét lên nhưng không hỗn loạn. Vị cựu tổng thống đã ngồi
thụp xuống rồi đứng dậy sau vài chục giây. Chiếc mũ đỏ của Trump đã bị rơi khỏi
đầu. Ông vẫn bình tĩnh. Người ta nghe thấy ông kêu lên với một trong những nhân
viên của mình: "Hãy để tôi mang giày vào!"."Chúng ta
phải đi, chúng ta phải đi ngay", một trong số các nhân viên mật
vụ bao quanh Trump nói với giọng hối hả. Song Trump đáp lại: "Đợi,
đợi, đợi đã". Rồi ông nhìn thẳng về phía đám đông và bất ngờ giơ
nắm tay lên cao, miệng hô: "Chiến đấu, chiến đấu, chiến đấu".
Sau đó ông ấy hét lên: "Nước Mỹ!"
Đám đông đồng thanh hô vang: "Nước Mỹ! Nước Mỹ!".
Khoảnh khắc rực rỡ này của tinh thần Trump đã được nhà báo từng đoạt giải
Pulitzer là ông Evan Vucci chớp lấy. Bức ảnh được chụp từ dưới lên khiến các
nhân vật trở nên cao lớn hơn. Ở trung tâm bức hình, ông Trump với gương mặt
kiên nghị còn ròng ròng máu đỏ, tay nắm thành quả đấm giơ lên trời, các mật vụ
xúm xít che cho ông, đằng sau họ là lá cờ Mỹ tung bay trong gió. Đây là một
hình ảnh sẽ đi vào lịch sử.
Dù Biden hay Trump lên
làm tổng thống nhiệm kỳ 2025-2028 thì việc quan trọng trước mắt là vấn đề Âu
Châu-Nato thông qua cuộc chiến Ukraine và Nga, vấn đề Trung Đông
thông qua cuộc chiến của Israel và Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo của Iran. Phải
giải quyết cho xong càng sớm càng tốt để còn lo chuẩn bị cho vấn đề Á
Châu Thái Bình Dương. Những vấn đề trọng đại của quốc gia liên
quan đến vận mệnh dân tộc Hoa Kỳ, Tổng Thống Hoa Kỳ (hành pháp) và lưỡng
viện Quốc Hội Hoa Kỳ (Lập Pháp) không thể một sớm một chiều giải
quyết được với nhiệm kỳ 4 hoặc 8 năm ngắn ngũi của họ.
- Vụ ám sát ông Trump bất thành, thực ra là 2 vụ thoát
chết trong gang tấc, một là tính mạng của ông Trump, hai là vận mệnh của chính
nước Mỹ.
Chúng ta hãy cùng chờ xem cách ông Amar giải thích cho kết luận đó, và chúng ta hãy cùng chờ xem những màn "bi
hài kịch" sắp tới. Ông Joe Biden có đành gạt lệ ra đi
như lời khuyến cáo của Bà Pelosi và Ông Obama hay không?
Thân Kính Chúc Quý
Niên Trưởng Và Các Bạn Một Ngày Chủ Nhật Thật Bình An Và Vui Vẻ.
Út Bạch Lan.
No comments:
Post a Comment