Monday, 23 October 2023

Tình cảnh ngặt nghèo của Dải GAZA

 

Sau cuộc tấn công với quy mô chưa từng có của phong trào Hamas, Bộ trưởng Quốc phòng Israel tuyên bố "bao vây toàn diện" dải Gaza và cắt tất cả điện, thực phẩm và nhiên liệu cho khu vực này.

Dải Gaza với dân số tập trung đông đúc chủ yếu dựa vào Israel về nước, điện và thực phẩm sẽ đối mặt với tình thế ngày càng khó khăn hơn trước lệnh bao vây trên. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết ông cảm thấy "lo ngại sâu sắc" về kế hoạch "bao vây toàn diện dải Gaza". Người dân Palestine đang bị "mắc kẹt và không nhận được sự hỗ trợ", ông Guterres nói, đồng thời kêu gọi Israel cho phép các nhân viên cứu trợ nhân đạo tiếp cận khu vực này.

Dải Gaza là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người Palestine với 1,7 triệu người trong số đó là người tị nạn, Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA) cho hay.

Theo UNICEF, khoảng 1 triệu trẻ em sống ở Gaza, tức là gần một nửa người dân khu vực này là trẻ em. Gần 40% dân số dưới 15 tuổi. Vùng lãnh thổ này là một trong những khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới, Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 80% dân số ở đây phụ thuộc vào cứu trợ quốc tế để tồn tại và tiếp cận các dịch vụ cơ bản.

Bởi vì thành phố Gaza đông dân hơn Tel Aviv và các thành phố lớn khác trên thế giới nên các cuộc tấn công vào đây thường gây ra con số thương vong lớn. Các cuộc xung đột trước đó đã khiến hàng trăm trẻ em thiệt mạng.

Trong cuộc chiến 11 ngày giữa Israel và Hamas năm 2021, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã gọi các điều kiện cho trẻ em ở Dải Gaza là "địa ngục trần gian".

Lệnh phong tỏa Gaza có tác động gì?

Israel cho biết việc phong tỏa Gaza là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân nước này và nó sẽ được dỡ bỏ sau khi Hamas chấm dứt bạo lực cũng như công nhận nhà nước Israel và tuân thủ các thỏa thuận trước đó.

Tuy nhiên, Hamas thường xuyên bác bỏ tối hậu thư này. Thay vào đó, các lực lượng này tăng cường tấn công tên lửa và súng cối vào các khu vực đông dân quanh dải Gaza năm 2008 nhằm gây sức ép buộc Israel dỡ lệnh phong tỏa.

Israel đã tiến hành 4 cuộc tấn công quân sự lớn vào Gaza: năm 2008 - 2009, năm 2012, năm 2014 và 2021 trong nỗ lực phá hủy khả năng quân sự của Hamas. Những cuộc giao tranh này thường kết thúc với một lệnh ngừng bắn mong manh và không có giải pháp thực tế cho cuộc xung đột. Israel tìm cách ngăn Hamas tiến hành phóng tên lửa. Trong khi đó, Hamas và các lực lượng khác cáo buộc dù họ duy trì lệnh ngừng bắn trước đó nhưng Israel vẫn tiếp tục tấn công và từ chối dỡ phong tỏa.

Hamas từng đề xuất một hiệp định đình chiến dài hạn để đối lấy việc Israel chấm dứt phong tỏa dải Gaza. Tuy nhiên, Israel từ chối chấp nhận đề xuất này và kiên định với lập trường Hamas phải chấm dứt bạo lực trước và công nhận nhà nước Israel.

Dường như Hamas quyết định sẽ duy trì tình trạng hiện đại, tiến hành tấn công bất ngờ vào Israel. Trong khi đó, các cuộc không kích đáp trả của Israel và việc áp lệnh "bao vây toàn diện" dải Gaza sẽ khiến tình cảnh của người dân ở khu vực này vốn đã tồi tệ nay càng tồi tệ hơn. Đây thực sự là một thảm kịch cho thấy dân thường mới là bên đang phải oằn mình trước gánh nặng của cuộc xung đột này.

VOV.VN - Căng thẳng sục sôi giữa Israel và Hamas đều phục vụ cho một toan tính đáng sợ: Đó là đối phương càng phải chịu đựng tổn thất nhiều thì danh tiếng và vị thế của bên còn lại càng tăng thêm, cho dù bản thân họ cũng phải chịu tổn thất.

Kiều Anh/VOV.VN
Tổng hợp

Top of Form

Bottom of Form

 

No comments:

Post a Comment