Xung đột Israel-Palestine hơn 7 thập kỷ không lối thoát
Trung Đông với tâm điểm là cuộc
xung đột Israel- Palestine luôn được ví như thùng thuốc súng có thể nổ tung bất
cứ lúc nào. Lần này xung đột đã bùng lên từ hôm 07/10/2023, sau cuộc tấn công
bất ngờ với quy mô chưa từng có của phong trào Hamas nhằm vào Israel. Sự kiện
là một bi kịch mới trong hàng loạt cuộc xung đột triền miên giữa người Do
Thái và người Palestine cũng như các nước Ả Rập trong vùng từ giữa thế kỷ
trước.
Đăng
ngày: 10/10/2023 - 16:11
9 phút
Ảnh chụp ngày 09/11/1948 : Đoàn người Palestine chạy tị nạn sang Liban vì cuộc chiến tranh Israel - Ả Rập 1948. AP - Jim Pringle
1947 : Kế hoạch chia đất
đầu tiên của Liên Hiệp Quốc
Sau Chiến tranh Thế giới
thứ nhất, năm 1922, Vương Quốc Anh được Hội Quốc Liên ủy nhiệm kiểm soát lãnh
thổ Palestine. Trong thời gian dưới sự ủy trị của Anh, việc nhập cư của người
Do Thái vào Palestine tăng nhanh do cuộc đàn áp và sau đó là sự tận diệt người
Do Thái ở châu Âu. Đến năm1945, cộng đồng Do Thái đã chiếm tới một phần
ba dân số trên lãnh thổ Palestine.
Sau khi kết thúc Chiến tranh thế
giới thứ 2, Vương quốc Anh từ bỏ quyền ủy trị của mình và quốc tế hóa vấn đề về
sự hiện diện của người Do Thái ở Palestine bằng cách giao lại quyền quản lý
lãnh thổ cho Liên Hiệp Quốc.
Năm 1947, một ủy ban đặc biệt
của Liên Hiệp Quốc phê chuẩn kế hoạch phân chia : 55% lãnh thổ
Palestine được cấp cho quốc gia Do Thái, 45% cho quốc gia Ả Rập và một khu vực
nằm dưới quy chế quốc tế là thành phố thánh Jerusalem.
Trong bối cảnh như vậy, Nhà nước
Israel tuyên bố thành lập vào ngày 14 tháng 5 năm 1948, theo kế hoạch phân chia
của Liên Hiệp Quốc.
1948, Cuộc chiến tranh Israel -
Ả Rập đầu tiên
Ngay sau ngày Nhà nước Israel ra
đời, một loạt nước Ả Rập , Syria, Liban, Irak, Jordani và Ai Cập đã tuyên chiến
với quốc gia Do Thái. Nhưng, quân đội Israel đã nhanh chóng chiếm ưu thế và
giành được thêm đất. Dải Gaza được giao cho Ai Cập quản lý, Bờ Tây ( Cisjordanie)
giao cho Jordanie. Trong cuộc chiến tranh đó, khoảng 700 nghìn đến 900 nghìn
người Palestine đã chạy tị nạn và định cư ở Gaza, Cisjordanie hay tại các nước
Ả Rập lân cận.
Với những người chủ trương phục
hưng dân tộc Do Thái (Sioniste), thì cuộc chiến tranh Israel- Ả Rập đầu tiên
này là cuộc chiến giành độc lập thắng lợi. Còn với người Palestine, 1948 là năm
« tai họa » mở đầu cho một cuộc đấu tranh dài bất tận để trở lại vùng
đất quê hương của mình.
Cuộc Chiến tranh Sáu ngày
Không có tiến trình hòa bình nào
được tiến hành giữa Israel và các quốc gia Ả Rập, vì các nước này không công
nhận một Nhà nước Do Thái. Đòi hỏi về một Nhà nước Ả Rập của người Palestine
vẫn tiếp tục, với việc thành lập phong trào Fatah vào năm 1959, do Yasser
Arafat lãnh đạo. Đến năm 1964, Liên đoàn các Quốc gia Ả Rập thành lập Tổ chức
Giải phóng Palestine (PLO) tại Jerusalem. PLO tập hợp tất cả các tổ chức của
người Palestine trong và ngoài các trại tị nạn, với nòng cốt là phong trào
Fatah.
Năm 1967, nhiều biến động chính
trị trong khu vực đã khiến Israel phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng,
trong 6 ngày, chống lại các quốc gia Ả Rập. Chỉ trong khoảng thời gian 6 ngày
từ ngày 05 đến 10/6/1967, nhà nước Do Thái đã giành được chiến thắng áp đảo
trước các nước láng giềng Ả Rập. Cuộc xung đột ngắn ngủi này cũng dẫn đến việc
vẽ lại bản đồ Trung Đông: Israel chiếm giữ Bờ Tây và Đông Jerusalem, dải Gaza,
bán đảo Sinai và cao nguyên Golan. Liên Hiệp Quốc vào thời điểm đó đã thông qua
Nghị quyết 242, lên án việc Israel chiếm đóng lãnh thổ nước khác và yêu cầu
nước này rút quân. Văn bản cũng đề nghị các quốc gia Ả Rập công nhận Nhà nước
Israel.
1973 : Chiến tranh
Kippur
Ngày 06/10/1973, Ai Cập và Syria
phát động cuộc tấn công chống lại Israel để chiếm lại bán đảo Sinai và cao
nguyên Golan. Đây là sự khởi đầu của cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel lần thứ tư,
hay còn gọi là cuộc Chiến tranh Yom Kippur - bởi vì nó khởi phát vào ngày lễ
Yom Kippur của người Do Thái. Israel cuối cùng đã đẩy lùi quân đội hai nước Ả
Rập và cuộc xung đột kết thúc vào cuối tháng, nhưng cả hai bên đều chịu tổn
thất nặng nề - ít nhất vài nghìn người thiệt mạng.
Sau cuộc chiến tranh này, năm
1974, Liên Hiệp Quốc công nhận quyền tự quyết của người Palestine và PLO trở
thành quan sát viên của tổ chức quốc tế. Cùng lúc đó, cuộc kháng chiến của
người Palestine cũng đang bén rễ ở Liban. Israel đã phát động cuộc chiến xâm
chiếm miền nam Liban vào năm 1978 và sau đó là năm 1982. Trong cuộc chiến này,
quân đội Israel đã tàn sát nhiều người Palestine trong các trại tị nạn
Sabra và Chatila.
1987 Intifada cuộc chiến ném đá
của người Palestine
Năm 1987, một cuộc nổi dậy nổ ra
tại một trại tị nạn ở Gaza và lan sang Bờ Tây, đánh dấu sự khởi đầu của phong
trào Intifada. Còn được gọi là “cuộc chiến ném đá”, cuộc nổi dậy Intifada chống
lại sự chiếm đóng của Israel kéo dài đến năm 1993 và cướp đi sinh mạng của ít
nhất 1.000 người Palestine. Hình ảnh thanh niên Palestine biểu tình ném đá vào
binh lính Israel giờ đây đã trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh của người
Palestine.
Những cuộc đụng độ được báo chí
đưa tin rộng rãi này đã thúc đẩy khởi động tiến trình hòa bình giữa Israel và
Palestine. Trong khi đó một bộ phận trong phong trào của người Palestine đã
thành lập cánh vũ trang của mình, đó là Hamas, trực thuộc với tổ chức Huynh Đệ
Hồi Giáo của Ai Cập. Ngày 15 tháng 11 năm 1988, Hội đồng Dân tộc Palestine
tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine.
1993, Hiệp định Hòa bình Oslo
Dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ, các
cuộc đàm phán bí mật được thực hiện giữa PLO và nhiều đời thủ tướng Israel đã
dẫn đến ký Hiệp định Oslo ngày 09 /09/1993. Các thỏa thuận quy định việc
thành lập Chính quyền Palestine, nắm quyền kiểm soát hành chính đối với Bờ Tây
và dải Gaza – và người đứng đầu chính quyền này là Yasser Arafat, được bầu làm
tổng thống Nhà nước Palestine vào năm 1996.
Ngày 13/9/1993, thủ tướng
Israel, Itzhak Rabin và Yasser Arafat đã có cái bắt tay lịch sử trên bãi cỏ Nhà
Trắng trước sự chứng kiến của tổng thống Mỹ Bill Clinton. Sự kiện này được cả
thế giới theo dõi với nhiều hy vọng hòa bình ở Trung Đông. Tuy nhiên Hamas bác
bỏ các thỏa thuận này.
2000: Intifada lần hai
Việc thực thi Hiệp định Oslo
cũng bị trì hoãn do sự phản đối của những người định cư Do Thái, trong bối cảnh
xảy ra các xung đột giữa người định cư và người Palestine.
Năm 1995, Thủ tướng Yitzhak
Rabin bị một người phản đối tiến trình hòa bình ám sát. Vào tháng 9 năm
2000, lãnh đạo đảng Likoud, Ariel Sharon tới thăm khu đền Al-Aqsa tại Temple
Mount, được người Do Thái coi là thánh địa của họ. Chuyến thăm được người
Palestin coi như là một sự khiêu khích, đã gây ra một cuộc nổi dậy mới của
người Palestine, cuộc chiến Intifada thứ 2. Cuộc nổi dậy kéo dài 5 năm làm 3000
người Palestine và 1000 người Israel thiệt mạng. Năm 2001, Ariel Sharon được
bầu làm thủ tướng, cắt mọi liên hệ với Palestine và Yasser Arafat bị quân đội
Israel bao vây phong tỏa trong tổng hành dinh của ông ở Ramalha.
Hai năm sau, bức tường ngăn cách
dài hơn 700 km được Israel xây dựng ở Bờ Tây nhằm chiếm đất của Palestine, hợp
nhất các khu định cư của người Do Thái. Các vụ xung đột đẫm máu liên tục xảy
ra. Theo số liệu của AFP, từ năm 2000 đến 2005, các cuộc đụng độ giữa các tổ
chức vũ trang của người Palestine (Hamas và Thánh chiến Hồi giáo) và lực lượng
Israel đã gây ra cái chết của hơn 5.600 người, hơn 3/4 trong số đó là người
Palestine.
Sau khi ông Yasser Arafat qua
đời tại Paris vì bạo bệnh vào tháng 11/2004. Năm 2005, ông Mahmoud Abbas được
bầu làm lãnh đạo chính quyền Palestine. Cũng trong năm đó, sau 38 năm chiếm
đóng, Israel rút khỏi dải Gaza.
Một năm sau, phong trào Hồi giáo
Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp Palestine. Hệ quả, Hoa Kỳ và
Liên Hiệp Châu Âu ngừng viện trợ trực tiếp cho chính quyền Palestine.
Trong một diễn biến khác, một
cuộc chiến tranh kép dài 34 ngày giữa Liban và Israel khởi phát ngày
12/07/2006, sau các vụ tấn công bằng rốc-két của lực lượng Hezbollah. Cuộc
chiến này làm 1000 người Liban chết, về phía Israel là 100 người. Sự kiện này
cũng được đánh giá là thất bại quân sự tồi tệ nhất của Nhà nước Do Thái kể từ
khi thành lập năm 1948.
Năm 2007 : Sau nhiều tháng
đấu đá nội bộ với Fatah, Hamas nắm quyền kiểm soát Gaza. Các hành động bạo lực
tiếp tục bùng lên trong vùng bất chấp nỗ lực tìm kiếm sáng kiến hòa bình của
Liên Đoàn Ả Rập.
Mỹ chuyển sứ quán về Jerusalem
Năm 2017, tại Mỹ, Donald
Trump, tổng thống mới đắc cử, tuyên bố chuyển đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv
đến Jerusalem. Phá vỡ sự đồng thuận quốc tế theo đó quy chế của thành phố thánh
phải được giải quyết thông qua đàm phán.
2023: Cuộc chiến trực tiếp Hamas
– Israel
Vào rạng sáng ngày 7 tháng 10
năm 2023, lực lượng vũ trang Hamas phát động một cuộc tấn công lớn vào lãnh thổ
Israel, ở nhiều điểm. Đây là cuộc tấn công quy mô đầu tiên, kể từ khi Nhà nước
Do Thái được thành lập. Hàng trăm người Israel thiệt mạng, hàng chục người bị
bắt làm con tin. Đáp trả, quân đội Israel đã tiến hành một chiến dịch oanh kích
quy mô lớn vào Gaza. Hàng trăm cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở và quan chức
của Hamas, đồng thời gây ra cái chết của nhiều thường dân Palestine. Đến lúc
này không một ai có thể nói cuộc xung đột đẫm máu này sẽ đi đến đâu.
No comments:
Post a Comment