Nam Cung Trường Vạn, một người bầy tôi của vua Tống MẫnCông, bị nước Lỗ bắt. Tống Mẫn Công cho người đến xin vua Lỗ tha, Lỗ Trang Công cho Nam Cung Trường Vạn về nước.
Khi thấy Nam Cung Trường Vạn, Tống Mẫn Công nói đùa: “Ngày trước ta kính trọng ngươi, bây giờ ngươi là tù nhân nước Lỗ, ta không kính trọng ngươi nữa”. Nam Cung Trường Vạn thẹn đỏ cả mặt, cáo từ lui ra!
Thấy vậy, Quan Đại Phu Cừu Mục nhắc nhở Mẫn Công: “Vua tôi giao tiếp nhau, cần phải giữ chữ Lễ, không nên đùa bỡn!”. Tống Mẫn Công nói: “Ta với Nam Cung Trường Vạn là chỗ thân nhau lắm, không cần phải lo”.
Ngày kia, Tống Mẫn Công cùng Trường Vạn đánh cờ, Trường Vạn thua luôn mấy ván, bị phạt uống lien tiếp mấy chén rượu lớn, nhưng lại cứ kỳ kèo đánh thêm! Mẫn Công lại nói đùa: “ Tù nhân thì phải thua thôi, còn đánh làm gì nữa”.
Trường Vạn xấu hổ, nhưng không dám nói gì!
Bỗng có sứ giả nhà Châu đến báo tin vua Châu Trang Vương mất, Châu Hy vương lên ngôi. Mẫn Công nói nhà Châu có Vua mới, ta nên cho người vào chầu, Trường Vạn xin đi, Mẫn Công lại nói đùa nữa: “Khi nào Tống không còn ai nữa mới sai tù nhân đi sứ!”.
Các cung nữ đứng hầu bên cạnh nhà Vua đều cười ầm cả lên, Nam Cung Trường Vạn mặt đỏ bừng, quá tức giận, không còn biết đến lễ nghiã, quân thần gì nữa, bèn quát to lên: “Hôn quân, mầy phải biết là tù nhân nầy có thể giết được ngươi chớ!”
Mẫn Công tức giận, giật lấy kích của Trường Vạn... thì Trường Vạn thuận tay vác bàn cờ đánh Tống Mẫn Công té xuống, rồi đâm luôn mấy cái, Mẫn Công tắt thở! Trường Vạn lập vua khác lên ngôi!
Lời bình:
Qua câu chuyện ngắn trên đây chúng ta thấy một ông Vua như Tống Mẫn Công làm nhục bầy tôi Nam Cung Trường Vạn đã lãnh lấy hậu qủa thảm tử!
Cho nên, có thể nói là: không có hoạ nào lớn bằng hoạ làm nhục người khác, cho dù người đó là người thân của mình, hay người đó có là thuộc hạ, tôi tớ của mình! Làm nhục người người 1 lần cũng đủ mang hoạ vào thân, Mẫn Công không biết điều nầy, mà làm nhục Trường Vạn đến 3 lần, lại làm nhục trước mặt những cung nữ khiến họ cười ầm lên, thì hoạ ắt phải đến! Hoạ không tránh khỏi!
Đây là bài học tự ngàn xưa, nhưng mãi mãi là bài học cần thiết cho tất cả mọi người, mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi thời đại, mọi thời gian, mọi không gian...
No comments:
Post a Comment