Thursday, 30 May 2024

Đông Nam Á đang dần trở nên xa lạ với Trung Quốc?

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Nhắc đến Đông Nam Á, có lẽ đây là nơi mà người Trung Quốc quen thuộc nhất ngoài Đông Á (thường là Đông Bắc Á theo nghĩa hẹp). Bên cạnh việc giao thương rất phát triển với xứ Nam Dương từ thời cổ đại, người Trung Quốc cũng di cư đến Nam Dương với quy mô lớn trong thời cận đại và hình thành nên xã hội người Hoa ở Đông Nam Á, mối liên kết văn hóa tự nhiên này khiến Trung Quốc luôn cảm thấy Đông Nam Á không hề khó hiểu. Trong những năm gần đây, một lượng lớn các doanh nghiệp Trung Quốc đổ ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội và Đông Nam Á, nơi có vị trí địa lý gần gũi, đương nhiên trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu.

Vào đầu năm nay, tôi đã thực hiện một chuyến đi đặc biệt đến Đông Nam Á để tiến hành nghiên cứu. Chủ đề nghiên cứu của tôi là tiến độ của chiến lược "Một vành đai, một con đường" ở Đông Nam Á. Ngoài việc liên hệ với giới học thuật và các viện nghiên cứu khoa học địa phương, tôi cũng tiến hành khảo sát thực tế về tình hình đầu tư, xây dựng và vận hành của các doanh nghiệp Trung Quốc ở đây. Tôi đã phát hiện ra một điều rằng, những thách thức mà các doanh nghiệp Trung Quốc gặp phải ở Đông Nam Á thực ra không hề ít hơn so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Nguyên do là bởi, trong quá trình phát triển tại đây, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng bắt đầu gặp phải những thách thức về văn hóa và chính trị tương tự như những gì mà doanh nghiệp của các nước phát triển từng gặp phải trong quá khứ. Trong khi đó, khi điều kiện trong và ngoài nước bước vào một giai đoạn mới với sự thay đổi mạnh mẽ, những kiến thức và cơ cấu mà chúng ta tích lũy được trong thời gian qua là chưa đủ để đương đầu với những thách thức mới nảy sinh trong thực tiễn.

Đối với Trung Quốc, Đông Nam Á một lần nữa trở thành "kẻ xa lạ".

Trong những năm qua, tôi đã đến nhiều nước Đông Nam Á và hầu như lần nào tôi cũng nhận thấy sự thay đổi lớn lao và những diện mạo đầy sống động ở đây, đặc biệt là ở những quốc gia vốn có xuất phát điểm thấp và luôn duy trì một tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong suốt 10 năm qua như Việt Nam và Indonesia. Lần này, chúng tôi lần lượt đến thăm Indonesia, Malaysia và Singapore. Điều thú vị là thứ tự này cũng chính là cấp bậc xếp từ thấp đến cao của ba nước xét theo trình độ phát triển kinh tế:

GDP bình quân đầu người của Indonesia chưa đến 5.000 USD; của Malaysia là khoảng 12.000 USD, thuộc vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao; Singapore là nước phát triển điển hình, GDP bình quân đầu người vượt quá 80.000 USD. Singapore đã sớm được xếp vào hàng ngũ những nền kinh tế phát triển. Khi rảo bước trên các con phố, ngõ hẻm của Singapore, ta khó có thể cảm nhận được sự chênh lệch quá lớn về diện mạo kinh tế và xã hội ở đây. Danh tiếng của "Thành phố trong vườn" quả là danh bất hư truyền.

Trong khi đó, mặc dù đã nằm trong nhóm "Bốn con hổ châu Á" vào cuối thế kỷ trước nhưng Malaysia đã không thể bứt phá trong 10 năm sau đó và thường bị coi là trường hợp rơi vào "bẫy thu nhập trung bình".

Là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, Indonesia duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong những năm gần đây. Tôi đặc biệt quan tâm đến Indonesia, không chỉ vì Indonesia đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng mà còn bởi quốc gia này thể hiện cốt lõi tinh thần của văn hóa chính trị ở Đông Nam Á.

1. Vượt khỏi mô hình đàn nhạn bay: Sự thăng hoa của chuỗi giá trị Đông Nam Á

Trong những năm gần đây, Đông Nam Á nhận được rất nhiều sự quan tâm. Do xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc và nhu cầu về chuỗi cung ứng "giảm rủi ro" sau đại dịch COVID-19, Đông Nam Á đã trở thành điểm đến được nhiều quốc gia ưa chuộng trong việc chuyển giao sản xuất và cạnh tranh. Đối với Trung Quốc và Mỹ, Đông Nam Á là "trạm trung chuyển" tương đối lý tưởng. Bởi vậy, sau năm 2018, một lượng lớn năng lực sản xuất của Trung Quốc đã được chuyển sang Đông Nam Á.  Hàng hóa trung gian, tức là thương mại giá trị gia tăng dựa trên chuỗi giá trị, đặc biệt phát triển và hình thành nên mô hình "tam giác thương mại" tinh vi hơn.

Trước đây, người ta thường dùng "mô hình đàn nhạn bay" kinh điển để giải thích hiện tượng chuyển giao và nâng cấp công nghiệp giữa các quốc gia châu Á. Mô hình này được đề xuất từ rất sớm, nó đã liên tục được sửa đổi trong vài thập kỷ qua và có khả năng giải thích tương đối phổ quát. Tuy vậy, mô hình đàn nhạn bay không thể giải thích một cách đầy đủ về hợp tác năng lực sản xuất giữa Trung Quốc và Đông Nam Á hiện nay. Để hiểu rõ điều này, trước tiên chúng ta hãy cùng nhìn lại quá trình phát triển của mô hình thương mại của khu vực Đông Nam Á.

Mô hình đàn nhạn bay được đề xuất dựa trên thương mại liên khu vực ở Đông Nam Á, đối với nguồn gốc của mô hình này, ta có thể truy ngược về lý thuyết phát triển kinh tế do nhà kinh tế học người Nhật Akamatsu Kaname đề xuất trong Chiến tranh Thái Bình Dương. Vào những năm 1960 và 1970, qua sự tổng hợp và phát triển của Kiyoshi Kojima – học trò của Akamatsu Kaname, mô hình đàn nhạn bay mà chúng ta quen thuộc ngày nay đã được hình thành, trong đó Nhật Bản là con nhạn đầu đàn, sự phát triển kinh tế khu vực được thực hiện thông qua chuyển dịch độ dốc công nghiệp: Đầu tiên là Bốn con hổ châu Á, sau đó là Bốn con hổ nhỏ, Trung Quốc... Điều khiến mô hình này nổi tiếng không phải chỉ nhờ sự đóng góp của các nhà kinh tế học.

Trên thực tế, nhiều nhà kinh tế học thế hệ cũ vẫn còn nhớ, vào năm 1985, Saburo Okita – cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, từng tuyên bố trong một bài phát biểu tại Seoul, Hàn Quốc rằng Nhật Bản đã thiết lập một mô hình phân công lao động khác với mô hình của Mỹ. Đúng vào lúc chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực tuyên truyền mô hình này, Mỹ đã gây áp lực lên các đồng minh và đạt được "Hiệp định Plaza" nổi tiếng. Dưới áp lực của việc giá đồng Yên tăng cao, các công ty Nhật Bản buộc phải "vươn ra toàn cầu" trên một quy mô lớn. Đối với nền kinh tế châu Á, đây là một sự chuyển đổi mang tính bước ngoặt. Tác động của cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung đối với nền kinh tế châu Á vào năm 2018 cũng rất giống với điều này.

Thắng cũng vậy mà bại cũng vậy. Thành công của nền kinh tế Nhật Bản đã gieo mầm cho sự thất bại của nước này, Mỹ sẽ không chấp nhận sự thống trị của Nhật Bản trong sự phát triển kinh tế của khu vực. Với tư cách là thị trường tiêu dùng lớn nhất, Mỹ có đủ khả năng thay đổi các quy tắc kinh tế và thương mại, với biểu hiện tập trung nhất là việc thành lập WTO. Bằng cách cho phép các nước khác gia nhập WTO và từ đó tuân theo các quy tắc được phát triển dưới sự lãnh đạo của mình, Mỹ đã loại Nhật Bản khỏi quyền hoạch định quy tắc.

Nhìn vào sự trỗi dậy của bá quyền Mỹ, các nhà kinh tế học Nhật Bản không thể không ý thức được rằng, quyền lực vẫn rất quan trọng đối với thương mại quốc tế. Cuốn sách Sự trỗi dậy của châu Á (The Rise of Asia) xuất bản năm 2009 của Terutomo Ozawa đã giải thích lý do tại sao sự trỗi dậy về kinh tế của châu Á chính là kết quả của "cụm tăng trưởng do Mỹ dẫn đầu", đồng thời thừa nhận rằng,  kẻ dẫn đầu mô hình đàn nhạn bay không phải Nhật Bản, mà là Mỹ.

Một biểu hiện về vị thế của Mỹ là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin (IT). Do sự phát triển của công nghệ thông tin đã làm giảm đáng kể chi phí liên lạc và điều phối, chuỗi phân công lao động đã ngày càng được hoàn thiện và củng cố, mô hình thương mại của châu Á bắt đầu trải qua những thay đổi mang tính cách mạng và mở đường cho sự xuất hiện của hình thức thương mại mới. Biểu hiện nổi bật nhất là việc thương mại hàng hóa trung gian, chứ không phải hàng hóa thành phẩm, đã trở thành xu thế chủ đạo và một lượng lớn hàng hóa thông quan giữa các nước là hàng hóa linh kiện. Trên thực tế, thương mại linh kiện có lợi hơn cho các nước vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi công nghiệp, bởi một quốc gia với một hệ thống công nghiệp chưa hoàn chỉnh khó có thể hoàn thiện tất cả các công đoạn sản xuất của một sản phẩm. Với sự phát triển của thương mại nội ngành, các nước Đông Nam Á cũng bắt đầu nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu thô và xuất đi các sản phẩm chế tạo. Sản phẩm máy móc, công nghệ thông tin và đồ điện đã trở thành ngành sản xuất cốt lõi trong chuỗi giá trị thương mại.

Sau khi chiến lược "Một vành đai, Một con đường" được đề xuất, thương mại và đầu tư của Trung Quốc ở Đông Nam Á đã phát triển nhanh chóng, mô hình của nước này cũng thể hiện sự kết hợp giữa các yếu tố cũ và mới. Theo mô hình đàn nhạn bay, đầu tư của Nhật Bản vào Đông Nam Á là đầu tư mang tính chất thúc đẩy thương mại, tức là tập trung vào các ngành công nghiệp trung bình và cấp thấp, cung cấp nguyên liệu thô và tiến hành gia công thô tại địa phương rồi vận chuyển về Nhật Bản để sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn sau đó xuất sang Mỹ, bởi vậy, xuất khẩu của Nhật Bản gần như không bị ảnh hưởng. Ngược lại, đầu tư của Mỹ là thương mại kiểu thay thế. Các doanh nghiệp Mỹ thường có xu hướng đầu tư tại địa phương và bán hàng tại địa phương, từ đó thay thế nhu cầu ban đầu của địa phương đối với việc nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.

Mô hình của Trung Quốc có thể là sự kết hợp của một vài yếu tố của cả Mỹ và Nhật Bản: Từ góc độ tiếp nối, sự chuyển dịch công nghiệp của Trung Quốc sang Đông Nam Á có điểm phù hợp với mô hình đàn nhạn bay và đã phát triển hơn nữa mạng lưới phân công lao động dựa trên giá trị gia tăng thương mại. Từ các khía cạnh khác nhau, đầu tư của Nhật Bản phân bổ rộng rãi về mặt địa lý và có xu hướng tập trung vào các ngành công nghiệp trung bình và cấp thấp, còn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương tập trung nhiều vào Singapore (hơn một nửa) và có xu hướng đổ vào các ngành công nghệ thông tin và tài chính. Trong khi đó, hợp tác đầu tư, kinh tế và thương mại của Trung Quốc ở Đông Nam Á hiện nay mang tính toàn diện, không chỉ bao gồm cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và tài nguyên nước mà còn gồm cả hợp tác công nghiệp ở nhiều cấp độ phát triển khác nhau, chẳng hạn như các khu công nghiệp.

Ví von một cách đơn giản, Trung Quốc cung cấp các kế hoạch hợp tác theo "kiểu thực đơn" và các nước có thể lựa chọn tùy theo trình độ và nhu cầu phát triển của mình. Và kết quả của điều này là sự kết hợp giữa xúc tiến và chuyển giao thương mại, dẫn đến hướng xuất khẩu rộng lớn hơn cho các nước Đông Nam Á. Lấy Việt Nam làm ví dụ, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ bảy vào Mỹ trong suốt 4 hay 5 năm qua, mà xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng đang tăng trưởng nhanh chóng. Hiện tượng xuất khẩu ở cả hai đầu này phản ánh vị thế mới của Đông Nam Á với tư cách là "trạm trung chuyển" của nền thương mại thế giới.

Điều cần đặc biệt chỉ ra là, sự chuyển giao công nghiệp của Trung Quốc sang Đông Nam Á đã xuất hiện một yếu tố mới mà các nước phát triển hiếm khi nào có được trong quá trình chuyển giao công nghiệp cho các nước đang phát triển trước đây, đó là hợp tác năng lực. Lý thuyết đầu tư của phương Tây cho rằng, việc các công ty đa quốc gia đầu tư ra nước ngoài và bản địa hóa các hoạt động kinh doanh ở các nước đang phát triển có thể giúp phát triển năng lực công nghiệp của địa phương đó. Tuy nhiên, các nước đang phát triển rất khó có được bí quyết kỹ thuật và năng lực quản lý của các nhà máy này. Vì vậy, trong thời đại Mỹ dẫn dắt các tập đoàn đa quốc gia, đã có không ít xung đột nảy sinh giữa các tập đoàn đa quốc gia với các nước đang phát triển. Nỗ lực của các nước đang phát triển trong việc có được những tài sản này chính là khởi nguồn cho cái mà chúng ta thường được nghe về những rủi ro trong kinh doanh xuyên quốc gia, chẳng hạn như việc "tước quyền sở hữu".

Chiến lược "Một vành đai, Một con đường" là biện pháp mới nhất nhằm thúc đẩy sự phát triển của các nước có thu nhập thấp và trung bình thông qua hợp tác năng lực ở quy mô lớn. Với tư cách là một nước đang phát triển đã đạt được mức GDP bình quân đầu người vượt quá 10.000 USD mà không tốn quá nhiều thời gian, Trung Quốc sở hữu những kinh nghiệm mới mẻ về công nghiệp hóa ở quy mô lớn, cũng như một lượng lớn công nhân và nhân tài trong kinh doanh, quản lý. Điều này rất khác so với phương Tây, nơi mà những ký ức về quá trình công nghiệp hóa chỉ có thể được tìm thấy trong các viện bảo tàng và sách báo ở thư viện.

Trong quá trình dẫn đầu các nước dọc tuyến tham gia xây dựng "Một vành đai, Một con đường", Trung Quốc không chỉ chuyển giao các công nghệ liên quan mà còn cùng các bên tiến hành đàm phán và thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật. Ví dụ, trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào, Trung Quốc đã giúp Lào đào tạo nhiều công nhân kỹ thuật để họ có thể tự vận hành. Tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào không hoàn toàn dập khuôn theo mô hình vận hành của đường sắt cao tốc Trung Quốc, mà đã được xem xét dựa trên các yếu tố địa lý và lợi ích kinh tế của địa phương, tốc độ tối đa của thiết kế cuối cùng không vượt quá 160 km/h. Vì những lý do này, người Đông Nam Á có xu hướng thể hiện thái độ tích cực khi đánh giá sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.

Các lý thuyết giải thích về thương mại và đầu tư quốc tế phổ biến hiện nay đều xuất phát từ kinh nghiệm của các nước phát triển như Nhật Bản và Mỹ. Hiện vẫn chưa có một lý thuyết "thân thuộc quen tai" nào giải thích được mô hình đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc. Từ góc độ của cộng đồng học thuật quốc tế, về cơ bản thì các nghiên cứu quy mô lớn về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu được thực hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tính đến nay mới được 15 năm. Về cơ bản, nó vẫn đang quay vòng trong giới học thuật và sẽ phải mất một thời gian nữa để các luận điểm liên quan có thể tác động đến giới chính sách và giới kinh doanh.

Đối với các học giả Trung Quốc, Đông Nam Á là một hình mẫu tuyệt vời để hiểu về mô hình đầu tư của Trung Quốc, bởi không khu vực nào có quan hệ kinh tế và thương mại gần gũi với Trung Quốc như Đông Nam Á. ASEAN và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhau, ngoài ra Trung Quốc cũng đã trở thành nguồn đầu tư lớn thứ ba của ASEAN. Mặc dù vẫn còn khoảng cách nhất định so với Mỹ và Nhật Bản, tuy nhiên Trung Quốc đang tiến hành đầu tư ra nước ngoài trong bối cảnh thời đại mới, dù là xét về trình độ phát triển kinh tế, tiến bộ công nghệ hay trò chơi địa chính trị, thì đều đã có những khác biệt rất lớn so với thời kỳ mà Mỹ dẫn đầu.

Nếu mô hình đàn nhạn bay đã không còn đủ để mô tả các phương thức và tác động của vòng hợp tác năng lực sản xuất hiện nay của Trung Quốc, vậy thì chúng ta nên định vị vị thế của Trung Quốc trong mạng lưới sản xuất của châu Á ra sao? Liệu Trung Quốc có thể chuyển đổi từ "công xưởng thế giới" thành "thị trường thế giới" và xây dựng một vòng tuần hoàn bên ngoài bền vững hơn? Trong bối cảnh thực tiễn đặc biệt này, lý thuyết đảm nhận nhiệm vụ quan trọng là tìm hiểu thực tế, nghiên cứu và phán đoán con đường tương lai.

Nhìn từ góc độ lịch sử lâu dài hơn, việc sức mạnh kinh tế của Trung Quốc tái gia nhập Đông Nam Á là một sự kiện đáng chú ý. Giáo sư Vương Canh Vũ của Singapore từng nói, kể từ khi Trịnh Hòa thời nhà Minh thám hiểm Tây Dương, quyền lực của người Trung Quốc trong khu vực đã bị thay thế bởi các thế lực thực dân phương Tây. Khi tôi trao đổi với người đứng đầu một viện nghiên cứu ở Indonesia, đối phương đã đưa ra ý kiến rằng: "Nhật Bản là hiện tại, còn Trung Quốc là tương lai." Đông Nam Á có thể quen thuộc với Trung Quốc trong lịch sử, nhưng có lẽ họ chưa hiểu đủ về nền kinh tế đang hồi sinh của Trung Quốc ngày nay. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến việc bản địa hóa sau khi tiến vào Đông Nam Á.

 

Wednesday, 29 May 2024

Tập Cận Bình cân nhắc các lựa chọn

Tập Cận Bình cân nhắc các lựa chọn sau khi Lại Thanh Đức nhậm chức

Nguồn: Katsuji Nakazawa, "Xi Jinping weighs options as Taiwan inaugurates a new president," Nikkei Asia, 23/05/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trung Quốc có thể cân nhắc phong tỏa hoặc hy vọng Quốc Dân Đảng đối lập làm suy yếu Lại Thanh Đức.

Trong bài phát biểu nhậm chức hôm thứ Hai (20/05/2024), Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đã cam kết không bao giờ "nhượng bộ hoặc khiêu khích" Trung Quốc và sẽ tập trung "duy trì hiện trạng."

Vị bác sĩ chuyển sang làm chính trị gia 64 tuổi này dường như đã cố tình mượn những lời lẽ được lựa chọn cẩn thận của người tiền nhiệm Thái Anh Văn. Ngôn từ của bà Thái có lẽ đã được thiết kế để tránh khiêu khích Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc, đồng thời trấn an chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, vốn đang lo ngại căng thẳng dọc Eo biển Đài Loan có thể bùng nổ thành xung đột vũ trang.

Tuy nhiên, Lại cũng đã hé lộ cho chúng ta một phần quan điểm chính trị của mình – ông từng kêu gọi Đài Loan giành độc lập – khi nói rằng "Vào ngày này năm 1996, tổng thống dân cử đầu tiên của Đài Loan đã tuyên thệ nhậm chức, qua đó truyền đạt đến cộng đồng quốc tế rằng Trung Hoa Dân Quốc là một quốc gia có chủ quyền, độc lập, với chủ quyền nằm trong tay nhân dân."

Sau đó, ông còn đi xa hơn khi nói "Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không phụ thuộc lẫn nhau".

Nhận xét của ông dường như có một hàm ý: Dưới thời Lại, Đài Loan sẽ rời xa chính sách "Một Trung Quốc" được Bắc Kinh ưa chuộng, và tiếp tục là "một quốc gia có chủ quyền, độc lập."

Trung Quốc đã phản ứng nhanh chóng. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nước này lên tiếng chỉ trích Lại, nói rằng "theo đuổi độc lập cho Đài Loan là hành động đi vào ngõ cụt," và "bất kể phe ủng hộ ly khai sử dụng khẩu hiệu hay lý do gì, nền độc lập của Đài Loan chắc chắn sẽ thất bại."

Đài Loan là một phần không thể thiếu trong nhiệm vụ mà Tập đang theo đuổi. Đối với ông, việc thống nhất Đài Loan là chìa khóa để hiện thực hóa "giấc mơ" về "sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa." Tập tin rằng chỉ khi đạt được tiến bộ trong vấn đề Đài Loan, tên tuổi của ông mới đi vào lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tập lại đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong nỗ lực để lại di sản về Đài Loan. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Đài Loan tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp, Đảng Dân Tiến ủng hộ độc lập đã giành chiến thắng lần thứ ba liên tiếp.

Đối với Tập, kết quả này là một sự thất bại vì cả ba cuộc bầu cử đều diễn ra sau khi ông trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Chiến thắng của Lại, sau hai chiến thắng của Thái vào năm 2016 và 2020, tạo ra ấn tượng rằng mục tiêu lớn của Trung Quốc là thống nhất với Đài Loan đang ngày càng xa vời.

Dù Tập đã nói rõ rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để thực hiện tham vọng của mình, nhưng sẽ vô cùng khó khăn để hiện thực hoá lời đe dọa đó trong lúc nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái ở mức lịch sử.

Nếu các biện pháp quân sự cứng rắn được thực hiện ngay bây giờ, khiến Trung Quốc đối đầu một Đài Loan có Mỹ đứng phía sau, thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ còn trượt dốc hơn nữa, và các khoản đầu tư trong nước, bao gồm cả từ Đài Loan, sẽ tiếp tục sụt giảm.

Những nhân vật quen thuộc với quan hệ Trung-Đài cho biết Tập hiện đang đặt hy vọng về một sự thay đổi chính trị ở Đài Loan vào năm 2026 hoặc xa hơn.

Cuộc bầu cử địa phương bốn năm một lần của Đài Loan sẽ được tổ chức vào cuối năm 2026 và sẽ là khúc dạo đầu quan trọng cho cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của nền dân chủ này vào năm 2028.

Hy vọng của Bắc Kinh trong việc đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của mình đang nằm ở Quốc Dân Đảng đối lập, đảng đã giành chiến thắng vang dội trước Đảng Dân Tiến cầm quyền trong cả hai cuộc bầu cử địa phương năm 2018 và 2022. Với quỹ đạo chính trị hiện tại của Đài Loan, Bắc Kinh nhiều khả năng đang dự trù rằng Quốc Dân Đảng sẽ một lần nữa đánh bại Đảng Dân Tiến vào năm 2026.

Lại, người đã dần thâu tóm quyền lực với tư cách là chính trị gia ngôi sao của Đảng Dân Tiến, là gương mặt đại diện cho dòng chính của Đảng Dân Tiến. Ông nắm quyền kiểm soát vững chắc đối với đảng, nhưng tỷ lệ ủng hộ ông trong số các cử tri Đài Loan lại thấp hơn so với người tiền nhiệm Thái.

Hơn nữa, Lại sẽ lãnh đạo một chính phủ thiểu số, vì Đảng Dân Tiến của ông không chiếm đa số trong Lập pháp Viện, cơ quan lập pháp đơn viện của Đài Loan. Trong cuộc bầu cử Lập pháp Viện gần đây nhất, vào ngày 13/01, Quốc Dân Đảng đã đánh bại Đảng Dân Tiến và trở thành lực lượng lớn nhất của cơ quan lập pháp.

Giờ đây, Quốc Dân Đảng đang cố gắng trao cho mình những quyền lực mới. Hôm thứ Sáu (17/05/2024), một cuộc ẩu đả đã nổ ra giữa các nhà lập pháp Đảng Dân Tiến và Quốc Dân Đảng về việc Quốc Dân Đảng nắm thêm quyền. Xét đến thực tế chính trị này, Lại sẽ khó có thể thông qua các dự luật, vốn là điều cần thiết nếu ông muốn tăng tỷ lệ ủng hộ và đưa Đảng Dân Tiến đến chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2026.

Những người làm việc tại các tổ chức trung ương của Quốc Dân Đảng chủ yếu là ngoại tỉnh nhân, chỉ nhóm người Trung Quốc trốn sang Đài Loan sau Thế chiến II cùng với con cháu của họ. Nhóm này coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc đại lục.

Trong khi đó, các tổ chức địa phương của Quốc Dân Đảng lại bắt nguồn từ cộng đồng và văn hóa địa phương.

Môi trường chính trị của Đài Loan đang trải qua biến đổi đáng kể, thể hiện qua cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 1, trong đó ba ứng viên, bao gồm Lại và một người thuộc Quốc Dân Đảng, đều là nội tỉnh nhân, những người sinh ra và lớn lên ở Đài Loan, một điều chưa từng thấy trong các cuộc bầu cử tổng thống trước đó.

Cụm từ nội tỉnh nhân ban đầu đề cập đến những người sống ở Đài Loan từ trước khi Thế chiến II kết thúc và trước khi Quốc Dân Đảng chạy sang Đài Loan vào năm 1949, sau khi thua cuộc nội chiến trước phe cộng sản.

Bất chấp sự suy yếu của các tổ chức trung ương Quốc Dân Đảng, vốn đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, đảng đối lập này vẫn có thể chứng tỏ sức mạnh của mình trong các cuộc bầu cử địa phương.

Nếu Quốc Dân Đảng tiếp tục giành chiến thắng vào năm 2026, họ sẽ tiến một bước lớn đến việc đánh bại Lại và Đảng Dân Tiến của ông trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Đài Loan vào năm 2028.

Trong chừng mực nào đó, Trung Quốc và Quốc Dân Đảng chia sẻ quan điểm về "Một Trung Quốc," vì vậy chiến thắng bầu cử năm 2026 sẽ không chỉ tạo động lực cho Quốc Dân Đảng, mà còn giúp chính Tập có thêm lợi thế trước năm 2027, khi ông được kỳ vọng sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ tư với tư cách là lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc tại đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng.

 Tuy nhiên, Tập không nhất thiết phải chờ đợi và hy vọng nền chính trị bầu cử của Đài Loan sẽ diễn biến theo hướng có lợi cho ông, bởi ông vẫn còn một lựa chọn quân sự: phong tỏa.

Một nguồn tin liên quan đến quan hệ xuyên eo biển cho biết Đài Loan nên thận trọng trước khả năng này, vì hồi năm 2022, Bắc Kinh từng tổ chức một cuộc diễn tập kéo dài nhiều ngày, mà về cơ bản là một cuộc phong tỏa.

Mùa hè năm đó, Trung Quốc đã thiết lập các vùng cấm ở vùng biển xung quanh Đài Loan, trong lúc nước này tiến hành các cuộc tập trận quân sự để đáp trả chuyến thăm hòn đảo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là Nancy Pelosi.

Trong cuộc tập trận, Trung Quốc đã phóng tên lửa, và một số tên lửa trong số đó đã lần đầu tiên rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Nếu Trung Quốc phong tỏa Đài Loan và khiến dòng năng lượng, hàng hóa, và con người đến và đi từ Đài Loan bị chặn lại trong một thời gian nhất định, thì nền kinh tế Đài Loan và chuỗi cung ứng liên kết với phần còn lại của thế giới sẽ rơi vào đình trệ. Nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Bắc Kinh hiện đang xem Lại là một kẻ ly khai nguy hiểm. Nếu Tổng thống Đài Loan khéo léo quản lý chính phủ thiểu số của mình và đưa Đảng Dân Tiến đi đến thành công vào năm 2026, liệu Bắc Kinh có nâng mức cảnh báo đối với ông và tiến hành một cuộc phong tỏa chính thức hơn không? Hay họ sẽ dùng đến biện pháp phong tỏa nhanh chóng để kéo Lại xuống?

Thay vì xoa dịu nỗi lo của chính quyền Biden, căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ không sớm giảm bớt.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014. 

Monday, 27 May 2024

Một học thuyết chiến thắng cho Ukraine

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Với viện trợ và lối tiếp cận đúng, Kyiv vẫn có thể giành chiến thắng

Chính phủ Mỹ đã quyết định viện trợ thêm cho Ukraine ngay trong thời điểm then chốt. Vào cuối tháng Tư, ngay trước khi gói viện trợ được thông qua, đất nước bị chiến tranh tàn phá này đã cạn kiệt lượng đạn dự trữ cuối cùng và phải phân phối hạn chế đạn pháo – hậu quả là các lực lượng Ukraine bắt đầu mất dần lãnh thổ. Gói viện trợ 60 tỷ USD hiện đang được đổ vào Ukraine sẽ giúp khắc phục những bất cập này, mang đến cho Kyiv cơ hội ngăn chặn cuộc tấn công của Nga. Gói viện trợ này cũng đóng vai trò như một cú hích tâm lý lớn, mang lại cho người Ukraine sự tự tin mới rằng họ sẽ không bị đối tác quan trọng nhất của mình bỏ rơi.

Tuy nhiên, chỉ gói viện trợ không thôi sẽ không thể trả lời cho câu hỏi trung tâm mà Ukraine đang phải đối mặt: làm thế nào để giành chiến thắng trong cuộc chiến. Ngay cả với sự đóng góp từ châu Âu và các khu vực khác, mặc dù cần thiết để giúp Kyiv tiếp tục chiến đấu khi cuộc xung đột kéo dài, cũng không thể giải quyết được câu hỏi này. Điều Ukraine cần không chỉ là thêm viện trợ mà còn là một chiến lược giành chiến thắng – điều mà một số đối tác của họ đã cố tình tránh thảo luận. Mỹ chưa bao giờ lên kế hoạch hỗ trợ Kyiv cho một khoảng thời gian dài hơn vài tháng, ngay cả khi Quốc hội yêu cầu cung cấp một chiến lược dài hạn nhằm hỗ trợ Ukraine như một phần của dự luật viện trợ. Mỹ đã tập trung vào các chiến thuật ngắn hạn, chẳng hạn như cuộc phản công được mong đợi nhiều vào năm 2023, thay vì các chiến lược hoặc mục tiêu dài hạn khả thi – bao gồm cả một chiến thắng tiềm năng trước Nga. Cho đến cuối năm ngoái, các quan chức Mỹ thậm chí còn tránh sử dụng từ "chiến thắng" trước công chúng. Tương tự, Mỹ thường tránh liên kết mục tiêu của mình ở Ukraine với sự thất bại của Nga. Tuyên bố dài hạn thực sự duy nhất của Washington – rằng họ sẽ hỗ trợ Ukraine "cho đến khi cần thiết" – bản thân nó là vô nghĩa.

Cho đến thời điểm này, Ukraine đã nêu rõ các mục tiêu của mình. Chúng bao gồm giải phóng toàn bộ lãnh thổ trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận; trao trả tù nhân chiến tranh, công dân bị trục xuất và trẻ em bị bắt cóc; thực thi công lý thông qua truy tố tội phạm chiến tranh và yêu cầu bồi thường; và thiết lập các thỏa thuận an ninh lâu dài. Nhưng Kyiv và các đối tác của họ vẫn chưa thống nhất về cách thức đạt được những mục tiêu này. Có vẻ như không ai có thể đưa ra được một lý thuyết về cách Kyiv có thể giành chiến thắng.

Đã đến lúc phải thay đổi. Phương Tây cần tuyên bố rõ ràng rằng mục tiêu của họ là một chiến thắng quyết định của Ukraine và sự thất bại của Nga, và họ phải cam kết cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp cho Kyiv và hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của đất nước này. Trong khi đó, các lực lượng Ukraine cần phải nỗ lực tiến công cho đến khi họ có thể đẩy lùi lực lượng Nga khỏi tất cả các lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm cả Crimea. Khi Ukraine đạt được tiến bộ hướng tới mục tiêu này, cuối cùng người dân Nga sẽ nhận ra rằng họ sẽ tiếp tục mất mát không chỉ lãnh thổ ở Ukraine mà còn cả nguồn nhân lực và kinh tế khổng lồ – và triển vọng tương lai về thịnh vượng và ổn định của họ. Vào thời điểm đó, chế độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ phải chịu áp lực đáng kể, từ cả bên trong và bên ngoài, để chấm dứt chiến tranh theo các điều khoản có lợi cho Ukraine.

Dĩ nhiên, việc đe dọa quyền kiểm soát Crimea của Nga – và gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và xã hội của họ – sẽ rất khó khăn. Nhưng đây là chiến lược thực tế hơn so với phương án thay thế được đề xuất: một thỏa thuận dàn xếp hòa bình trong khi Putin còn tại vị. Putin chưa bao giờ đồng ý tôn trọng chủ quyền của Ukraine – và sẽ không bao giờ đồng ý. Ngoài ra, lập trường của Nga về cuộc chiến tranh đang ngày càng mang tính chất hủy diệt hơn, viện dẫn Giáo hội Chính thống giáo Nga và gợi ý rằng cuộc xung đột này giống như một cuộc thánh chiến, với những hậu quả mang tính sống còn. Bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tình huống hiện tại có thể dẫn tới kịch bản ít tồi tệ nhất là Ukraine bị tàn phá, chia cắt và hoàn toàn dễ bị tổn thương trước một cuộc xâm lược thứ hai khả dĩ của Nga. Trong tình huống tồi tệ nhất, nó sẽ xóa sổ hoàn toàn đất nước. Không một nền hòa bình bền vững, lâu dài nào có thể nảy sinh từ các cuộc đàm phán với một kẻ xâm lược có ý định diệt chủng. Ukraine và phương Tây phải thắng hoặc phải đối mặt với những hậu quả tàn khốc.

Khi người Mỹ và châu Âu suy ngẫm về việc có nên giúp Kyiv tránh khỏi số phận khủng khiếp này, các quan chức Mỹ nên nhớ rằng nếu phương Tây thất bại, điều đó sẽ khuyến khích các cuộc xâm lược tiếp theo của Nga. Các quan chức quân sự cấp cao và quan chức tình báo ở các nước châu Âu đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về viễn cảnh này. Nga đã đe dọa các nước láng giềng khác của mình, bao gồm cả các quốc gia thuộc NATO, và Moscow có thể sẽ hành động nếu họ có thể khuất phục Ukraine trước. Một chiến thắng của Nga cũng sẽ thúc đẩy tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì nó sẽ cho thấy giới hạn trong cam kết của phương Tây đối với việc bảo vệ chủ quyền của các đối tác. Cuộc xung đột Nga-Ukraine không diễn ra một cách độc lập. Một kết quả tiêu cực sẽ khiến cả thế giới phải gánh chịu.

Kết thúc cuộc chiến là trên hết

Việc Ukraine và các đối tác của họ vẫn thiếu một chiến lược chiến thắng sau ba năm chiến tranh là một vấn đề nghiêm trọng. Không có mục tiêu cuối cùng, các nhà lãnh đạo ở Kyiv, Washington và Brussels đang đưa ra những quyết định then chốt trên cơ sở tịnh tiến và không thống nhất. Ukraine có thể đạt được những thành công cục bộ, nhưng không thể đánh bại hoàn toàn kẻ thù; về phía mình, các đối tác phương Tây của Kyiv có xu hướng chỉ nghĩ đến gói viện trợ tiếp theo. Và nếu không có bức tranh chiến lược, sẽ rất khó để duy trì tinh thần và ý chí chiến đấu ở Ukraine và xa hơn.

Xây dựng một học thuyết chiến thắng sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm 2022, khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện. Kể từ đó, Nga đã quân sự hóa nền kinh tế, chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh dài hơi, quản lý để chiêu mộ một đội quân hùng hậu và sản xuất kho dự trữ thiết bị khổng lồ. Nhưng bất chấp những thành công này, học thuyết chiến tranh trên bộ của Moscow vẫn chưa tinh vi. Nó tập trung vào việc sử dụng các nhóm bộ binh nhỏ với sự hỗ trợ của một vài xe bọc thép để tấn công các vị trí khác nhau trên một tiền tuyến trải dài hơn 1.600 km. Chiến thuật này đã cho phép Moscow giành được một lượng lãnh thổ hạn chế – nhưng chỉ sau khi thiệt hại một lượng lớn quân đội và vũ khí. Thiệt hại của Nga, bao gồm cả thương vong lên đến hàng nghìn người mỗi ngày, gần như tương ứng với lượng quân mới được tuyển mộ, vốn có chất lượng thấp hơn nhiều so với những binh sĩ của năm 2022. Bất chấp những khoản đầu tư khổng lồ, năng lực của Moscow không phải là vô hạn. Chẳng hạn, mỗi tháng, Nga mất số xe tăng tương đương với số xe được sản xuất, và họ đang "đốt cháy" kho dự trữ xe bọc thép cũ kỹ của mình với tốc độ không bền vững. Và quan trọng hơn, Nga đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và tài nguyên, một phần nhờ vào sự kết hợp của các lệnh trừng phạt của phương Tây, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và chiến dịch ném bom của Ukraine đang hạn chế khả năng lọc dầu và bán dầu của Nga.

Mặc dù Nga có vẻ bề ngoài hùng mạnh, nhưng thực chất không phải là kẻ thù bất khả chiến bại. Những lợi ích nhỏ của Nga chỉ có thể đạt được nhờ lợi thế áp đảo về hỏa lực – điều này chỉ xảy ra do sự gián đoạn viện trợ từ phương Tây. Hệ thống pháo binh của họ dựa trên các mẫu cũ, thiếu độ chính xác và khả năng tấn công tầm xa, và các hệ thống rocket phóng loạt, xe tăng và thiết bị hàng không của họ không thể so sánh được với các mẫu cùng loại của phương Tây. Nếu Ukraine có thể gia tăng các cuộc tấn công chính xác bằng pháo tầm xa, họ có thể đảo ngược tình thế của cuộc chiến và áp đặt một tỷ lệ tiêu hao không thể chấp nhận được lên Moscow. Cuối cùng, Nga sẽ không thể thay thế nhân lực và vật chất đủ nhanh. Nền kinh tế của nước này đơn giản là không thể duy trì cuộc chiến tranh trước những tổn thất liên tục.

Nếu Ukraine có đủ nguồn cung cấp vũ khí, họ sẽ có thể kiềm chế sức mạnh pháo binh của Nga. Hệ thống phòng không được cải tiến, bao gồm cả máy bay tiêm kích F-16 được trang bị tên lửa không đối không tầm xa, sẽ giảm thiểu các cuộc tấn công của Nga vào các cơ sở hạ tầng quan trọng bên trong Ukraine cũng như các đơn vị đóng quân gần tiền tuyến. Với việc các lực lượng của Nga ngày càng bị tê liệt, Ukraine sẽ sớm có thể sử dụng các hệ thống tầm xa của phương Tây – chẳng hạn như Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (được biết đến nhiều hơn với tên ATACMS) – để hạ gục các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Nga cũng như các loại khí tài phòng không.

Để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ này, Kyiv cũng cần sử dụng drone với số lượng lớn hơn nhiều. Ukraine đã chứng minh rằng họ có thể sử dụng các phương tiện không người lái với hiệu quả tàn khốc; ví dụ, nhờ các cuộc tấn công bằng drone, Hạm đội Biển Đen của Nga đã bị vô hiệu hóa. Drone cũng giúp ngăn chặn các cuộc huy động quy mô lớn của Nga trên bộ. Và chúng đang giúp Ukraine có thể tấn công sâu vào Nga, đánh vào các cơ sở dầu mỏ, căn cứ quân sự và nhà máy vũ khí của Nga. Để chống lại mối đe dọa đó, Moscow có thể cần phải đặt hầu hết các hệ thống phòng không của mình ở quê nhà. Nga đơn giản là quá rộng lớn để hệ thống phòng thủ của họ có thể đồng thời che chắn cho cả hậu phương và chiến trường. Nó sẽ càng dễ bị tổn thương hơn nếu Mỹ cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu hợp pháp bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp.

Quá trình làm suy yếu các vị trí của Nga và làm giảm quyết tâm của Nga có khả năng sẽ mất khoảng một năm, sau đó Ukraine nên giành lại quyền chủ động. Kyiv nên một lần nữa phát động các cuộc phản công hạn chế, cho phép họ giành lại các địa hình quan trọng. Nếu cuộc phản công này thành công, chế độ của Putin có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng do những tổn thất nặng nề và thất bại trên chiến trường. Rốt cuộc, hệ thống chính trị của Nga đã bắt đầu xuất hiện những vết nứt. Cuộc nổi dậy bất thành năm 2023 của lãnh đạo lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin, việc giáng chức hoặc bắt giữ các quan chức quân sự cấp cao, bao gồm cả Tướng Sergei Surovikin, và thành công đáng kinh ngạc của những kẻ khủng bố Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) khi tấn công Moscow vào tháng 3 đều phản ánh tính dễ bị tổn thương ngày càng tăng của chế độ. Nếu Ukraine có thể đạt tới điểm mà Nga không thể giữ được lợi thế, Putin sẽ gặp rắc rối lớn. Hành động chiếm đóng Crimea vào năm 2014 có tác động quan trọng củng cố uy tín trong nước của Putin; vì thể để mất kiểm soát bán đảo Crimea sẽ là một thất bại mang tính biểu tượng lớn.

Thành công của Ukraine trên bộ, trên không và trên biển phải song hành với áp lực rộng lớn trên các mặt trận kinh tế và thông tin. Mỹ và châu Âu nên đưa ra các chiến dịch trừng phạt quyết liệt hơn, bao gồm cả các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ công ty nào hoạt động ở Nga. Người Nga phải chứng kiến nguồn tài sản quốc gia của họ tan rã, và nền kinh tế của họ hướng tới tình trạng đình trệ vĩnh viễn, để hậu quả của cuộc xâm lược của Putin có thể ảnh hưởng đến họ. Phương Tây cũng phải tiến hành một chiến dịch thông tin hung hăng và mạnh mẽ hơn – tương đương với chiến dịch chống lại Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ II hoặc Liên Xô trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh – để gia tăng những chia rẽ về nhận thức đối với cuộc chiến tranh bên trong và bên ngoài nước Nga. Người dân Nga đã chấp nhận chiến tranh một cách thụ động: họ cần được nhắc nhở, thông qua một loạt các kỹ thuật bao gồm cả tuyên truyền công khai và bí mật, về những chi phí con người và xã hội không thể chấp nhận được của cuộc chiến. Putin có quá nhiều điều để mất nếu tự mình chấm dứt chiến tranh, nhưng điều đó không đúng với những người xung quanh ông ta, những người không mong muốn thấy nước Nga bị thụt lùi vĩnh viễn; cạn kiệt nguồn lực vật chất, nhân lực và tài năng; và bị chi phối bởi Trung Quốc. Putin và ban lãnh đạo của ông ta là trọng tâm của nỗ lực chiến tranh của Nga; bất kỳ nỗ lực nào để chấm dứt chiến tranh đều phải bắt đầu bằng việc làm suy yếu chế độ của ông ta, cùng với hình ảnh thành công và không thể sai lầm của nó.

Chiến lược quân sự của Ukraine phải được tích hợp với chương trình nghị sự chính trị của họ. Lịch sử Nga cho thấy những cuộc chiến tranh thảm khốc của nước này thường dẫn đến thay đổi chính trị. Thất bại của Nga trước quân đội Ottoman và châu Âu trong Chiến tranh Crimea 1853-1856 đã khiến Nga không thể triển khai hải quân ở Biển Đen và giới hạn các mục tiêu bành trướng trong nhiều năm. Thất bại đẫm máu trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905 đã dẫn đến sự tan rã đáng kể chế độ chuyên chế độc tài của Sa hoàng. Một sự ô nhục về mặt quân sự ở hiện tại có thể thúc đẩy các biến động chính trị tương tự. Chế độ Putin có thể không yếu kém nếu nhìn từ bề ngoài, nhưng sự ổn định của nó chỉ là một ảo ảnh do đàn áp tạo ra.

Để giành chiến thắng, hãy ngừng sợ chiến thắng

Ukraine đã sẵn sàng để đương đầu với thách thức. Kyiv đang tăng cường khả năng huy động lực lượng dự bị bằng cách hạ độ tuổi nhập ngũ và hủy bỏ các miễn trừ nghĩa vụ quân sự. Bước đi này tuy khó khăn nhưng cần thiết, gợi nhớ đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự được nhiều quốc gia phương Tây áp dụng trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới. Phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đang tiếp tục cung cấp huấn luyện và cố vấn, đặc biệt là cho các sĩ quan chỉ huy. Phương Tây nên tiếp tục cung cấp một lượng lớn vật chất – đặc biệt là sau khi chứng kiến việc chậm trễ viện trợ có thể mang lại cho Nga lợi thế lớn như thế nào trên chiến trường. Sự hỗ trợ như vậy là cần thiết cho thành công của Kyiv.

Nhưng có một đóng góp quan trọng khác mà phương Tây có thể thực hiện: hợp tác trực tiếp với ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Ngành này đã phát triển vượt bậc trong hai năm qua; ví dụ, ngành công nghiệp drone đã phát triển từ việc chỉ sản xuất một số lượng nhỏ drone vào năm 2022 lên đến sản xuất hàng chục nghìn chiếc hiện nay. Các hệ thống do Ukraine sản xuất cũng trở nên tinh vi hơn, có thể tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga theo những cách không thể tưởng tượng vào năm 2022.

Thành công của Ukraine không phải là điều ngạc nhiên. Ukraine là trung tâm của ngành hàng không vũ trụ Liên Xô cũ, và ngày nay, họ có rất nhiều kỹ sư lành nghề và tinh thần khởi nghiệp. Nhưng họ cần công nghệ, linh kiện, thiết bị sản xuất, nguồn tài chính từ nhà cung cấp và quan hệ đối tác phương Tây để phát huy hết tiềm năng của mình. Nếu phương Tây có thể cung cấp những nguồn lực này, năng lực sản xuất của Ukraine sẽ tăng vọt, củng cố thành công trên chiến trường của đất nước. Với sự giúp đỡ của phương Tây, ví dụ, Kyiv có thể tăng sản lượng drone lên gấp mười lần và đưa chúng ra chiến trường nhanh hơn nữa. Một chiến lược công nghiệp chung giữa phương Tây và Ukraine cũng quan trọng như chiến lược quân sự.

Nếu phương Tây có thể giúp ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine hoạt động hết công suất, vị thế của Nga sẽ trở lung lay hơn bao giờ hết. Chiến lược của Nga dựa vào quy mô, khả năng phân bổ và tập trung lực lượng, và một số yếu tố tinh vi về kỹ thuật, chẳng hạn như chiến tranh điện tử. Nhưng Nga yếu kém về mặt chiến thuật, khiến họ dễ bị tổn thương trước một chiến dịch sử dụng drone quy mô lớn và kéo dài. Một cuộc tấn công trên không của Ukraine nhằm phá hủy hậu cần của Nga, gây thêm áp lực lên nền kinh tế và cơ sở hạ tầng quân sự của Nga, đồng thời phá hủy (chứ không phải vô hiệu hóa) Hạm đội Biển Đen của nước này sẽ tạo ra những cú sốc trong nước, có khả năng đe dọa đến chế độ của Putin.

Hiện tại, các nhân sự cấp dưới của Putin tin rằng Nga hoàn toàn có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến. Chỉ bằng cách bẻ gãy niềm tin đó thông qua các thất bại của Nga, Ukraine và phương Tây mới có thể mở ra cánh cửa cho việc Putin rút quân hoặc cuối cùng bị lật đổ. Trong những điều kiện như vậy, Putin có khả năng sẽ chọn cách tự bảo vệ bản thân hơn là chiến thắng. Và nếu vì một lý do nào đó ông ta không làm vậy, những người khác có thể đưa ra lựa chọn đó thay cho ông ta. Trong mọi trường hợp, Ukraine nên tiếp tục chiến dịch giành lại lãnh thổ. Một kiểu tấn công trên bộ khác – kiểu tấn công diễn ra sau khi Kyiv đạt được ưu thế trên không với chiến dịch drone – có thể cô lập và giải phóng Crimea.

Một số nhà phân tích phương Tây, lo sợ leo thang hạt nhân, có thể e ngại trước một chiến thắng kiểu này của Ukraine. Putin chắc chắn đã cố gắng kích thích những lo ngại như vậy trong hai năm qua, gợi ý rằng ông ta có thể sử dụng vũ khí hạt nhân khi phương Tây cân nhắc cung cấp xe tăng, tên lửa và máy bay phản lực. Nhưng Putin chưa bao giờ hành động theo những lời lẽ hiếu chiến của mình, ngay cả khi phương Tây luôn vượt qua từng lằn ranh đỏ. Thay vào đó, Ukraine phải chịu những chi phí do sự do dự của Mỹ và châu Âu tạo ra; vào mùa hè năm 2022, trong khi các đối tác tranh luận về việc cung cấp hỗ trợ gì, Kyiv đã bỏ lỡ những cơ hội quan trọng để tận dụng các cuộc phản công thành công đầu tiên của mình bằng cách tiếp tục tiêu diệt lực lượng của Putin một cách nhanh chóng. Thực tế là một cuộc tấn công hạt nhân của Nga sẽ kích động một phản ứng khốc liệt từ phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ, khiến Putin khó có khả năng mạo hiểm. Ông ta đặc biệt không thể sử dụng vũ khí hạt nhân vì những người bạn của Putin ở Bắc Kinh cũng kiên quyết chống lại các cuộc tấn công như vậy.

Nỗi lo sợ bất ổn nói chung của phương Tây là có cơ sở: một thất bại mang tính quyết định thực sự có thể đánh dấu sự kết thúc của chủ nghĩa Putin, khiến nước Nga rơi vào tình trạng bất ổn chính trị. Nhưng nhiệm vụ của phương Tây không phải là cứu một chế độ tội phạm khỏi sụp đổ. Nước Nga ngày nay là một quốc gia thường xuyên phạm tội giết người hàng loạt, tra tấn và hiếp dâm; nó tiến hành các hoạt động phá hoại và giết người trên lãnh thổ NATO; và nó thực hiện các chiến dịch thông tin sai lệch và can thiệp chính trị. Nga đã tiến hành các hoạt động thù địch không ngừng chống phương Tây không phải vì những gì phương Tây đã làm mà bởi vì bản chất của chế độ. Nói cách khác, chế độ của Putin từ lâu đã rời bỏ cộng đồng các quốc gia văn minh. Cơ hội duy nhất để Nga trở lại bình thường là thông qua thất bại, điều này sẽ nghiền nát tham vọng bành trướng của Putin và cho phép đất nước này tỉnh táo đánh giá lại con đường của mình và cuối cùng gia nhập lại xã hội của các quốc gia văn minh. Điều này không có nghĩa là chiến lược của phương Tây nên công khai nhắm vào việc thay đổi chế độ. Nhưng điều đó có nghĩa là Ukraine và các đối tác của họ không nên sợ sự tự hủy hoại của Putin và bộ máy kiểm soát của ông ta.

Trong cuộc chiến này, tài nguyên, tiền bạc và công nghệ đều nghiêng hẳn về phía phương Tây. Nếu chúng được cung cấp cho Ukraine với số lượng đủ, bao gồm cả ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước, Kyiv có thể giành chiến thắng. Nga đơn giản là không đủ sức mạnh quân sự để đánh bại một nước Ukraine được phương Tây hậu thuẫn, vì vậy hy vọng duy nhất của họ là thao túng những lo ngại của phương Tây. Do đó, đã đến lúc các chính phủ NATO ngừng rơi vào bẫy của Putin. Để phương Tây giành chiến thắng, họ phải ngừng sợ hãi chiến thắng. Làm như vậy, phương Tây có thể đạt được an ninh cho bản thân và cho Ukraine – quốc gia đã hy sinh rất nhiều, cả cho chính nghĩa của mình và cho lý tưởng tự do rộng lớn hơn.

Saturday, 25 May 2024

Thế mạnh của các tập đoàn sản xuất vũ khí Hàn Quốc

Chiến tranh Ukraina là bệ phóng giúp nền công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc tỏa sáng. Kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc được nhân lên gấp 5 lần từ 2020 đến 2022 và đang gặm nhấm thị phần của Nga tại Trung Đông, châu Âu và nhất là tại Đông Nam Á. Ba Lan không là khách hàng duy nhất trông cậy vào vũ khí xứ Hàn để tăng cường khả năng phòng thủ. Bí quyết nào giúp các đại tập đoàn Hàn Quốc chinh phục thế giới ?

Trong bài viết đăng trên báo Nhật Bản The Diplomat ngày 16/05/2024, Aswin Lin nêu bật 6 yếu tố đang giúp nền công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc cất cánh. Tác giả đang chuẩn bị luận án tiến sĩ tại Đại Học Quốc Lập Chính Trị -Chengchi University, tại Đài Bắc.

Dưới tựa đề « South Korea's Competitive Advantages as a Global Military Supplier - Những lợi thế so sánh giúp Hàn Quốc trở thành một nhà cung cấp thiết bị quân sự toàn cầu », Aswin Lin nhắc lại năm 2022, Ba Lan, (có đường biên giới chung với cạnh Ukraina, Belarus và Nga) đặt mua 14,7 tỷ đô la vũ khí và thiết bị quân sự của Hàn Quốc. Vì sao Vacxava kỳ vọng nhiều vào Seoul như vậy ? Đơn giản bởi vì Hàn Quốc đang nắm giữ 6 chìa khóa mà nhiều đối thủ khác như Pháp, Đức... không có được.  

Cỗ máy công nghiệp hiệu quả

Lợi thế thứ nhất là thời gian « giao hàng rất ngắn » : Mùa xuân 2022 vài tuần sau khi Nga đưa quân xâm chiếm Ukraina, Ba Lan đặt mua trang thiết bị quân sự của Hàn Quốc. Hợp đồng chính thức được ký kết vào mùa hè năm ấy và đến tháng 12/2022 tại bến cảng Gdynia, tổng thống Andreiz Duda và bộ trưởng Quốc Phòng khi đó đã Mariusz Blaszczak đã chứng kiến lễ tiếp nhận lô hàng đầu tiên gồm 10 xe bọc thép loại K2, 24 hệ thống pháo tự hành K9 của tập đoàn Hanwha. Khác với nhiều đối thủ khác của phương Tây, các tập đoàn sản xuất vũ khí Hàn Quốc « có những mối quan hệ vững chắc và an toàn với các nguồn cung cấp » qua đó chuỗi sản xuất không sợ bị gián đoạn. Nhờ có một mạng lưới công nghiệp khá « rộng », các tên tuổi lớn trong ngành sản xuất và xuất khẩu thiết bị quân sự Hàn Quốc như Hanwha, Huyndai Rotem, KAI ... không bị phụ thuộc vào các nguồn cung cấp nước ngoài, dễ dàng sử dụng từ các loại phụ tùng cơ bản nhất cho đến linh kiện bán dẫn hay động cơ sản xuất ngay trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Lợi thế thứ nhì là tính « uyển chuyển » của các nhà cung cấp xứ Hàn : khác hẳn với Hoa Kỳ, Seoul dễ dàng cấp giấy phép để các đối tác của mình có thể sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự tại nước ngoài và rồi khách hàng được tùy nghi sử dụng những lô hàng đã mua.

Hàng rẻ và chất lượng cao
Chìa khóa thứ ba và thứ tư hết sức quan trọng mà các tập đoàn Hàn Quốc đang nắm giữ đó là hàng có chất lượng cao nhưng lại giá mềm. Tác giả bài viết nêu lên trường hơp cụ thể : hệ thống pháo tự hành đa nòng của Pháp CAESAR trị giá 7,5 triệu đô la, PzH2000 của Đức là 10 triệu, trong lúc một « ông Thần Sấm K9 Thunder » giá chưa tới 4 triệu.

Vấn đề giá cả mang tính « quyết định đối với những khách hàng mà khả năng tài chính không nhiều, nhưng lại có nhu cầu hiện đại hóa các phương tiện phòng thủ ». Đó là trường hợp của nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, hay một số quốc gia tại Châu Phi như Sénégal và kể cả ở những thị trường rất xa Hàn Quốc như Perou tại châu Mỹ.

Về độ chính xác thì K9 Thunder hiện được coi là loại pháo tự hành tốt nhất của châu Á hiện nay. Nhà nghiên cứu Aswin Lin đại học Đài Loan không ngần ngại cho rằng « mức độ chính xác và tinh vi của một số vũ khí Hàn Quốc không thua gì với hàng của Mỹ ». Thí dụ như hệ thống phóng rocket đa nòng K-239 Chunmoo được giới trong ngành đánh giá là « anh em song sinh với HIMARS của Mỹ và thậm chí là hiệu quả hơn cả HIMARS đến 40 % ».

Khả năng tương thích với NATO

Ưu điểm thứ 5 của ngành công nghệ quốc phòng Hàn Quốc là vũ khí quốc gia này sản xuất ra hoàn toàn tương thích với các trang thiết bị được các nước trong Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương sử dụng, mà chủ yếu đó là các thiết bị do Mỹ chế tạo.

Tác giả bài viết trên báo The Diplomat lưu ý điểm này hết sức quan trọng đối với trường hợp của Ba Lan, bởi ngoài Hàn Quốc thì Hoa Kỳ là nguồn cung cấp quan trọng nhất cho chính quyền Vacxava trong chiến lược phòng thủ. Sản phẩm của các tập đoàn như Huyndai Rotem, KAI (Korea Aerospace Industries) và Hanwha đều được thiết kế với mục đích để có thể sử dụng trong « mọi chiến dịch hỗn hợp với các lực lượng của Hoa Kỳ ».

Tính tương thích đó là « bệ phóng » rất thuận lợi và vũ khí, thiết bị của Hàn Quốc dễ dàng « hội nhập » vào NATO. Đó là chưa kể Hàn Quốc thường xuyên được mời tham gia các cuộc họp của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Seoul là một « đối tác » của NATO và thường xuyên « hợp tác để đối mặt với một số những thách thức về an ninh » như Aswin Lin đã ghi nhận.

Chìa khóa thứ 6 cho phép các tập đoàn Hàn Quốc chen chân vào thị trường vũ khí mà tưởng chừng chỉ có Mỹ, Nga, và một số nước châu Âu và sắp tới đây có thể là cả Trung Quốc làm chủ, đó là « khả năng sản xuất ở quy mô lớn ».

Vào lúc mà nhiều nước phương Tây, như Đức, trong một thời gian dài đã cắt giảm đầu tư vào công nghiệp quốc phòng, thì trái lại Hàn Quốc « càng lúc càng mở rộng tầm hoạt động và nhắm tới một mức độ chính xác càng lúc càng cao ». Seoul trước hết lo tự vệ trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên chẳng ngờ đã tạo được một bước « đột phá » ngoài mong đợi khi mà Hàn Quốc đủ sức chế tạo tất cả các loại vũ khí và thiết bị phục vụ bộ binh, không quân và hải quân.

Aswin Lin đại học Đài Loan nhắc lại chính sự đa dạng trong các nguồn cung cấp này của Hàn Quốc đã thúc đẩy Indonesia ký hợp đồng hơn 1 tỷ đô la với tập đoàn đóng tầu Daewoo Shipbuilding và Marine Engineeing để trang bị ba tàu ngầm chạy bằng dầu diesel. Về phần Huyndai Heavey Industries thì vừa giao tàu khu trục có trang bị hệ thống phóng tên lửa BRP Jose Rizal cho Philippines và trùng tu 9 tàu hộ tống cho Ai Cập.

Không quân của Thái Lan, Indonesia và Irak cũng đặt nhiều tin tưởng vào máy bay trinh sát KAI 6-50. Chương trình phát triển ciến đấu cơ KF-X của Hàn Quốc hoàn toàn đủ khả năng khuynh đảo vị thế của một số đối tác châu Âu như Dassault của Pháp hay dòng Eurofighter Typhoon của châu Âu. Trong lĩnh vực này « Hàn Quốc đã chinh phục được từ Philippines đế, Thái Lan, Malaysia, Perou, Qatar và Senegal ».

Nga mất uy tín  
Theo tác giả bài tham luận trên báo Nhật Bản « xung đột đang diễn ra tại Ukraina, cộng thêm với tình hình tại Trung Đông và căng thẳng leo thang trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương khiến nhu cầu trang bị quân sự tăng mạnh ».

Năm 2000 trong bảng xếp hạng của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế SIPRI, Hàn Quốc đứng hạng thứ 31 trong số các nhà xuất khẩu vũ khí trên thế giới, hai thập niên sau, quốc gia bắc Á này vươn lên đến hàng thứ 7 và chính quyền hiện tại của tổng thống Yoon Suk Yeol đề ra mục tiêu đến năm 2027 Hàn Quốc phải có tên trong 5 quốc gia đứng đầu bảng.

Do tác động chiến tranh Ukraina tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc nhảy vọt từ chưa đầy ba tỷ đô la năm 2020 lên hơn 15,5 tỷ vào năm 2022. Nhật báo Pháp Les Echos tháng 7/2023 nói đến « hiệu ứng Ukraina ». Theo lời giáo sư Ramon Pacheco Pardo giảng dậy tại đại học King's College, Anh Quốc « nhiều nước châu Âu gấp rút tăng cường khả năng phòng thủ từ khi Nga xâm chiếm Ukraina » nhưng thành công của các tập đoàn vũ khí Hàn Quốc không chỉ thu hẹp ở Lục Địa Già : vì những lý do khác nhau, Đông Nam Á, Trung Đông không ngừng quan tâm đến các nhà sản xuất xứ Hàn.

Trước khúc quanh ngày 22/02/2022, vũ khí Nga đã mất dần sức thu hút tại một số quốc gia Đông Nam Á như nhà phân tích Ian Storey, viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS Yusof Ishak tại Singapore ghi nhận. Theo chuyên gia này, « Việt Nam ngừng chương trình hiện đại hóa quân sự và một số nước khác trong khu vực lo ngại trước mối đe doạ CAATA ». Đây là một đạo luật  Mỹ ban hành năm 2017 cho phép Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế « một quốc gia, một thực thể có hợp đồng mua bán vũ khí với các doanh nghiệp Nga ». Với cuộc chiến ở Ukraina, « hào quang của các nhà sản xuất vũ khí Nga đã nhạt mờ dần », vừa do Nga bị Âu Mỹ trừng phạt, vừa do những « thành tích không nhiều của quân đội Nga trên mặt trận Ukraina hồi 2022/2023 », Ian Storey kết luận.

Giới trong ngành đồng loạt ghi nhận, các đại tập đoàn Hàn Quốc đã trở thành những đối thủ đáng gờm của các tập đoàn phương Tây và họ « không còn mặc cảm gì nữa » khi tham gia các cuộc đấu thầu.

Với 51 triệu dân, một đội quân gần 600.000 lính, Hàn Quốc dành 2,8 GDP cho ngân sách quốc phòng.