Chính quyền Iran xác nhận tổng thống Ebrahim Raissi và ngoại trưởng Hossein Amir Abdollahian đã thiệt mạng hôm 19/05/2024 trong một tai nạn trực thăng. Cái chết đột ngột của hai nhân vật hàng đầu trong chính quyền diễn ra trong bối Cộng Hòa Hồi Giáo Iran đứng trước nhiều thách thức cả về đối ngoại lẫn đối nội.
Khủng hoảng kinh tế
kéo dài, căng thẳng trong xã hội dấy lên từ tháng 9/2022 và đe dọa khủng bố là
những thách thức đối với chế độ Iran. Về đối ngoại, để chống lại Mỹ, « ác quỷ
Sa Tăng », Teheran không che dấu tham vọng hạt nhân và luôn duy trì một mối
quan hệ chặt chẽ với Matxcơva. Trong khu vực, Iran là nhà bảo trợ vững chắc cho
« Trục kháng chiến » chống Israel vào lúc xung đột giữa Israel và phong trào
Palestine Hamas tại Gaza đang cao trào. Mới 5 tuần lễ trước đây Iran trực tiếp
đối đầu với Nhà Nước Do Thái và đã suýt đẩy cả khu vực Trung Cận Đông vào một
chảo lửa.
Ngay từ khi được tin
trực thăng của tổng thống Ebrahim Raissi mất tích tại một vùng núi non hiểm trở
và trong điều kiện thời tiết rất xấu, giáo chủ Ali Khamenei, lãnh đạo Vệ Binh
Cách Mạng Hồi Giáo Iran, nhân vật quyền lực nhất trong chế độ đã trấn an công
luận rằng việc điều hành đất nước « hoàn toàn không bị xáo trộn ». Ông gián
tiếp báo trước là tương lai Iran sẽ không có gì thay đổi.
Điều đó không sai bởi
tại Teheran quyền lực trong tay giáo chủ Khamenei, nhất là những gì liên quan
đến an ninh quốc gia. Tổng thống là nhân vật số hai với thẩm quyền khá hạn chế.
Tuy nhiên tổng thống Raissi, 63 tuổi, được coi là một trong những người có khả
năng kế nhiệm giáo chủ Khamenei.
Ebrahim Raissi đã dễ
dàng được bầu vào chức vụ tổng thống hồi năm 2021 và để tạo điều kiện thuận lợi
cho ứng viên cùng quê quán và cũng từng là « học trò » của giáo chủ Khamenei,
Hội Đồng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo đã loại tất cả mọi đối thủ tiềm tàng.
Trong cương vị tổng
thống, ông Raissi được đánh giá là một « chính khách ngoan ngoãn và
trung thành » của chế độ, khét tiếng là tàn bạo dập tắt mọi tiếng nói
đối lập. So với tất cả các tổng thống tiền nhiệm, như các ông Khatami
(1997-2005), hay Ahhmadinejad (2005-2013) và Rohani (2013-2021) sau ba
năm đầu nhiệm kỳ, Ebrahim Raissi vẫn rất có uy tín đối với giáo chủ Khamenei.
Theo lời cựu tổng thống Rohani (người có đường lối ôn hòa), ông Raissi nhanh
chóng thăng tiến nhờ không ngần ngại mạnh tay « bắt giam và hành quyết » các
thành phần bị chế độ xếp vào danh sách phản loạn. Cuối tuần qua, tổ chức Nhân
Quyền Iran thông báo, từ đầu năm đến nay Iran treo cổ 223 tù nhân : một kỷ lục.
Tai nạn trực thăng
cướp đi sinh mạng của tổng thống Raissi và ngoại trưởng Hossein Amir
Abdollahian đẩy Iran vào một giai đoạn đầy bất trắc trên trường quốc tế.
Teheran là một đối tác then chốt tại Trung Cận Đông : lực lượng nổi dậy tại
Yemen, Houthi tung hoành ở Hồng Hải nhờ được sự yểm trợ của Teheran. Lực lượng
Hezbollah tại Liban không ngần ngại khiêu khích Israel ở khu
vực biên giới cũng do được chế độ Iran chống lưng. Teheran cũng là một điểm tựa
cả về chính trị lẫn quân sự, tài chính của phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas.
Vài giờ trước khi trực
thăng của ông lâm nạn, họp báo chung với tổng thống Azerbaijan nhân dịp khánh
thành một đập thủy điện tại đường biên giới chung giữa hai nước, tổng thống
Iran một lần nữa đã khẳng định « ủng hộ mạnh mẽ Hamas trong cuộc đối
đầu với Israel » và ông xem vấn đề Palestine là ưu tiên của «
thế giới Hồi Giáo ».
Giữa tháng 4/2024, lần
đầu tiên trong lịch sử, Cộng Hòa Cách Mạng Hồi Giáo Iran trực tiếp huy động
hàng trăm drone và tên lửa nhắm về phía Israel. Nhưng rồi tất cả các bên đã
dừng lại sau màn thị uy nói trên, tránh đẩy một phần thế giới vào một cuộc xung
đột vũ trang quân sự.
Đàn áp người dân trong
nước
Trong bối cảnh chế độ
trong tay giáo chủ Khameinei càng lúc càng bị một phần công luận, chủ
yếu là giới trẻ, chống đối, nhiều nhà quan sát e rằng cuộc đấu đá nội bộ có thể
sẽ rất quyết liệt. Điều đó có nghĩa là về đối nội, các ứng viên muốn ngồi vào
chiếc ghế tổng thống mà ông Raissi vừa bỏ trống, sẽ phải chứng tỏ là họ xứng
đáng để được lòng giáo chủ Khamenei : Đàn áp tại Iran có nguy cơ gia
tăng.
Chính lo sợ bất ổn ở
trong nước cũng có thể dẫn tới nhiều hậu quả bất lường đối với khu vực Trung Cận Đông, vốn đã rất căng thẳng vì
xung đột Israel –Hamas.
Trên đài RFI Pháp ngữ,
Bernard Hourcade nguyên giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp
nêu bật hai giả thuyết. Iran có thể đánh lạc hướng công luận trong nước, phô
trương thanh thế với các đối tác trong vùng, đứng đầu là Israel, để bảo đảm
tính chính đáng và qua đó là sự tồn tại của chế độ.
Teheran, một đối tác
then chốt ở Trung Cận Đông
Ngược lại cũng không
có gì cấm cản người kế nhiệm tổng thống Raissi chọn giải pháp hòa hoãn hơn bởi
: Teheran đã được trấn an rằng, Iran không bị cô lập – bằng chứng là từ Nga đến
Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia trong vùng Vịnh, kể cả Ả Rập Xê Út đã đề nghị gửi
các toán cứu hộ đi tìm xác trực thăng bị nạn. Hơn nữa, Iran giờ đây đã được
ngay cả những cường quốc phương Tây công nhận là một tiếng nói có trọng lượng
và nếu cần khả năng « phá rối » của Iran cũng đáng gờm.
Bernard Hourcade cho rằng một phần chìa khóa cho giải pháp « Hai Nhà
nước » cho Palestine đang được đặt tại Teheran. Do vậy chuyên gia
người Pháp này hy vọng cái chết của tổng thống Raissi sẽ không đẩy Iran vào thế
đối đầu, không khuấy động thêm tình hình tại Trung Cận Đông. Bằng chứng cụ thể
là hãng thông tấn chính thức IRNA xác nhận Teheran « vẫn gián tiếp tục theo đuổi
tiến trình đàm phán gián tiếp với Hoa Kỳ qua trung gian Oman » tránh để « tình
hình tại Trung Đông thêm căng thẳng » từ sau vụ tấn công nhắm vào Israel hôm
13/04/2024.
Chính quyền Teheran
thông báo tổng thống Iran Ebrahim Raissi và ngoại trưởng Hossein Amir
Abdollahian thiệt mạng trong một tai nạn trực thăng xảy ra chiều ngày
19/05/2024.
Tổng thống Iran
Raissi, 63 tuổi, thuộc cánh cực kỳ bảo thủ, được coi là một trong những nhân
vật có nhiều triển vọng kế vị giáo chủ Ali Khamenei. Các nhà lãnh đạo trên thế
giới và các tổ chức Hồi Giáo theo hệ phái Shia được Iran tài trợ gửi điện chia
buồn với Teheran. Chính quyền Iran họp khẩn để chuẩn bị cho những bước kế tiếp.
Trực thăng chở tổng
thống Raissi và ngoại trưởng Amir Abdollahian bị rơi ở khu vực tây bắc Iran gần
thành phố Jofa, cách biên giới với Azerbaijan khoảng 100 km.
Trước đó cả hai đã cùng với tổng thống Azerbaijan khánh thành một đập thủy
điện. Do thời tiết xấu và trực thăng đã bay qua một khu vực rừng núi hiểm trở,
các toán cứu hộ đã mất nhiều thời gian để phát hiện địa điểm xảy ra tai nạn.
Iran lập tức huy động quân đội và các toán cứu hộ đến hiện trường. Mãi đến sáng
nay mới tìm được xác máy bay. Toàn bộ 9 người trong chiếc trực thăng bị nạn tử
vong.
Thông tín viên đài RFI
Siavosh Ghazi từ Teheran cập nhật thông tin :
« Các toán cứu hộ đã
đến hiện trường, nơi trực thăng chở tổng thống Raissi bị nạn. Hình ảnh xác trực
thăng bị cháy rụi đã được chiếu đi rộng rãi trên đài truyền hình Nhà nước. Giờ
đây đã có thông tin chính thức : tổng thống Raissi đã thiệt mạng trong vụ trực
thăng của ông bị rơi khi từ Azerbaijan trở về. Ngoại trưởng Iran cũng có mặt
trên chuyến bay này cùng với 7 người khác. Nhiều bức điện chia buồn đang dồn
dập được gửi đến Teheran. Giờ đây, mở ra một giai đoạn chuyển tiếp qua việc
Iran thành lập một hội đồng tổng thống lâm thời bao gồm phó tổng thống thứ
nhất, chủ tịch Quốc Hội và người đứng đầu Tư Pháp Iran. Hội đồng này có trọng
trách tổ chức lại bầu cử tổng thống trong vòng 50 ngày sắp tới. Từ nay tới đó,
phó tổng thống thứ nhất điều hành công việc đất nước ».
Phản ứng quốc tế
Giáo chủ Khamenei sáng
nay vừa quyết định ban bố tình trạng Quốc tang trong 5 ngày và chính thức chỉ
định phó tổng thống thứ nhất, Mohammad Mokhber làm quyền tổng
thống cho đến khi Iran tổ chức lại một cuộc bầu cử vào khoảng giữa tháng
07/2024. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, Ali Bagheri được đè cử đứng đầu bộ Ngoại Giao.
Các nước phương Tây
gửi điện chia buồn với gia đình các « nạn nhân », với « nhân dân Iran ». Ý và
Tây Ban Nha cho biết sẽ theo dõi sát những quyết định sắp tới trong chính quyền
Iran. Tổng thống Putin thương tiếc một « người bạn thực thụ của nước Nga ». Đối
với Bắc Kinh, cái chết của tổng thống Raissi là « một tổn thất to lớn
đối với nhân dân Iran ». Phản ứng từ phía các nước Hồi Giáo và Ả Rập
thống thiết hơn : từ Ai Cập đến Thổ Nhĩ Kỳ, Syria chia sẻ « nỗi đau với Iran,
một quốc gia anh em ». Pakistan để quốc tang 1 ngày. Vào cuối tháng 04/2024,
Islamabad vừa trọng thể tiếp đón tổng thống Iran.
Cuối cùng các phong
trào Hồi Giáo theo hệ phái Shia được Teheran yểm trợ, như tổ chức Hamas của
Palestine hay Hezbollah tại Liban, trong điện chia buồn
đều nhấn mạnh đến công lao và vai trò quyết định của cố tổng thống Iran trong
việc « bảo trợ cho các phong trào kháng chiến » chống lại Nhà
nước Do Thái..
No comments:
Post a Comment