Monday, 22 October 2018

Một bài viết về cụ Phan Thanh Giản


  Phan Thanh Giản: một bi kịch lịch sử
  • Bài viết dành riêng cho Đặc San PTG &ĐTĐ
  • Tác giả : THÁI TẤN - TRUYỀN
Cụ Phan Thanh Giản, sinh năm1796, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, người Nam Bộ đầu tiên đỗ Đệ Tam Giáp Tiến Sĩ, Khoa thi Đình năm Bính Tuất 1826, tại Kinh Thành Huế, Thủ Đô Triều Nguyễn, lúc ông 30 tuổi, và ông lần lượt được phong tước Hiệp Biện Đại Học Sĩ, quan hàm Nhất Phẩm năm 1835, Thượng Thư Bộ Lại 1846, Thượng Thư Bộ Hình 1853, Chánh Sứ Toàn Quyền Đại Thần ký hoà ước với Pháp năm 1862.

Sau khi bắt buộc phải ký Hiệp Ước Nghị Hoà với Pháp, hiệp ước đổi Hoà bình bằng việc hiến đất 6 tỉnh Miền Nam cho Pháp, cụ Phan Thanh Giản đã tuyệt thực 17 ngày và cuối cùng là cái chết bằng chén thuốc độc để tạ tội với quốc dân. Dù đã tuẫn tiết, Cụ Phan Thanh Giãn, năm 66 tuổi, vẫn bị Vua Tự Đức và Triều Đình Huế kết án trọng tội phản quốc, truy đoạt mọi chức hàm, đẽo bỏ tên ở bia đá Tiến Sĩ và cái án trảm lưu hậu. Mãi 10 năm sau, năm 1886, Vua Đồng Khánh nhà Nguyễn đã xét lại công tội của cụ Phan Thanh Giản, đã khai phục lại nguyên hàm, khắc lại tên ông trên bia đá Tiến Sĩ  Văn Miếu Huế.

Thời Việt Nam Cộng Hoà, tên cụ Phan Thanh Giản được đặt cho một trong những con đường cây xanh bóng mát, đẹp nhất ở Thủ Đô Sài Gòn, tên Phan Thanh Giản còn được đặt cho một trường Trung Học lớn nhất tỉnh Cần Thơ. Nhưng một lần nữa, sau khi chiếm được Miền Nam, người Cộng Sản lại một lần nữa kết tội và bôi tên cụ, xoá tên đường Phan Thanh Giản ở Sài Gòn, và bôi tên Trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ.

 Năm 2008, một lần nữa cụ Phan Thanh Giản lại được người Cộng sản Miền Nam phục hồi danh dự cho ông, tạc lại bia tượng cho cụ Phan Thanh Giản tại Bến Tre, trường Trung Học quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre, đã có quyết định lấy tên Phan Thanh Giản làm tên trường, nhưng vẫn đáng tiếc là Trường Trung Học Tỉnh Cần Thơ vẫn chưa phục hồi tên cụ Phan Thanh Giản, con đường Phan Thanh Giản thơ mộng, cây xanh bóng mát ở Sài Gòn thì vẫn còn bị mất tên.

Cái chết của cụ Phan Thanh Giản là một bi kịch lịch sử và sẽ mãi mãi là bi kịch lịch sử vì quan điểm và nhận xét của mỗi con người, mỗi thời đại khác nhau và sẽ là mãi mãi khác nhau, có người cho là tội, nhưng có người thì cũng cảm thông cho hoàn cảnh, sự tình “gặp thời thế, thế thời phải thế “, không thể nào làm khác hơn, nếu làm khác hơn thì chỉ có bi thảm hơn. Nếu nói tội thì phải là tội của tất cả Vua Quan Triều đình Nhà Nguyễn, không chỉ có ông Vua Tự Đức đương thời, mà cả các ông Vua lập quốc nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị…tất cả đều là những kẻ tội phạm . Chính Triều đình nhà Nguyễn đã đưa đẩy Việt Nam vào con đường lụn bại, suy vong, không chỉ mất 6 tỉnh Miền Nam lúc mới ban đầu, mà sau cùng là mất tất cả đất nước Việt Nam, vào tay giặc Pháp, tội mất nước nầy không thể chỉ đổ tội cho một mình cụ Phan Thanh Giản phải gánh chịu một cách oan uổng như vậy.

Tại sao ông Phan Thanh Giản , một ông quan vô cùng liêm chính, thương dân, thương nước, trung quân ái quốc mà lại phải ký thoả hiệp đầu hàng Pháp năm Nhâm Tuất 1862 ? ông PTG không hề muốn điều nầy, nói là ông bán nước thì lại càng không đúng, bởi vì nếu bán nước thì ông được cái lợi gì thì mới gọi là bán nước được, hoặc là tiền bạc, hoặc là địa vị, Vương tước ? cái nầy thì tuyệt đối là không ! như Ngô Tam Quế bên Tàu là người đã bán Triều đình nhà Minh cho giặc Thanh để đổi lấy tước Vương, cai trị đất Vân Nam ! còn Phan Thanh Giản ký hiệp ước với Pháp xong thì ông tuyệt thực 17 ngày và sau đó là uống một chén thuốc độc để tự tử ! Tại sao ông không chết liền mà phải nhịn đói đến 17 ngày rồi mới tự tử ? Ông kéo dài cái chết nhưng không phải là vì sợ chết, mà là vì muốn tự hành hạ mình trước khi chết, chớ còn tự tử liền thì cái đau đớn chỉ là thoáng qua, cái chết từ từ, gậm nhấm mới là cái chết đau đớn, cái chết gọi là “sống không bằng chết !”.

Trước khi ký hiệp ước hoà bình , ông Phan Thanh Giản đã được Vua Tự Đức cử làm Đại Sứ thần, dẫn phái đoàn An Nam sang Pháp điều đình, ông đã có dịp thấy rõ được lực lượng của Pháp, Tây Phương, tối tân, văn minh, hùng mạnh thế nào so với nền văn minh lạc hậu thua kém mọi mặt của Việt Nam, khẳng định là với những thứ vũ khí quá thô sơ như là : giáo mác, gươm đao, tầm vông vạt nhọn, thì không thể nào, tuyệt đối là không thể nào chống lại được với quân đội thiện chiến trang bị súng ống của Liên quân Pháp, Tây Ban Nha. 

Ông Phan Thanh Giản thấy rất rõ mối tương quan quân sự cách biệt lớn lao, một trời một vực giữa ta và địch, nên ông thấy chỉ có cách đầu hàng để cứu lấy nhân dân khỏi chết chóc, đất nước lầm than một cách vô ích. Chuyện ông Phan Thanh Giản đầu hàng Pháp cũng giống như Nhật Hoàng đã đầu hàng Mỹ trong chiến tranh Thế Giới lần II, là để cứu dân Nhật, và cứu lấy nước Nhật không bị tiêu diệt, bởi bom Nguyên Tử, nhờ vậy mà sau đó nước Nhật đã nhanh chóng dựng lại cơ đồ, mau chóng hàn gắn vết thương sâu đậm của chiến tranh, nhanh chóng phục hồi đất nước, tiến lên làm một quốc gia hùng mạnh ở Đông nam Á hiện nay.

 Hành động đầu hàng Mỹ vô điều kiện của Nhật Hoàng không hề bị đất nước, nhân dân Nhật kết tội phản quốc , mà lại còn được cho là quả cảm và sáng suốt, vì nó đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân , đất nước Nhật Bản, dù là hành động đầu hàng , mà lại là đầu hàng vô điều kiện ! Thì tại sao hành động ký hoà ước của cụ Phan Thanh Giản lại bị kết án là phản quốc? Cái nầy không đúng và không công bình đối với ông Phan Thanh Giản và gia đình của ông. 

Thực ra thì bản hiệp ước năm Nhâm Tuất 1862 , chỉ mới là bản Nghị ước chớ chưa phải là Hiệp ước, bản nghị ước nầy gồm có tới 12 điều khoản, và cần phải trước hết đệ trình lên Hoàng Đế Pháp lúc bấy giờ là Napoleon, một ông Vua lừng danh, nổi tiếng đánh giặc, của Pháp, phê duyệt, xong rồi bản Hoà ước nầy phải mang vê cho Vua nước Nam là Vua Tự Đức ký duyệt, chớ ông Phan thanh Giản chỉ mới là người đại điện Vua, chữ ký của ông không đủ giá trị, vậy người cuối cùng phải chịu trách nhiệm là Vua Tự Đức và Triều Đình nhà Nguyễn, chớ sao lại đổ lỗi cho cụ Phan Thanh Giãn.

Về tình hình thực tế thì năm 1862, nước Việt Nam loạn lạc khắp nới, triều đình Huế rất lo sợ những đám giặc Miền Bắc sẽ đe doạ triều đình Huế hơn cả giặc Pháp, một thực tế khác là Pháp đã đánh chiếm và hoàn toàn làm chủ 4 tỉnh quan trọng của Nam kỳ lục tỉnh là : Gia Định, Định Tường, Biên Hoà, Vĩnh Long, chỉ còn có 2 tỉnh nhỏ yếu, không có quân binh là An Giang và Hà Tiên, đã bị hoàn toàn cô lập với trung ương, nên Hoà Ước 1862 có cho Pháp quyền kiểm soát, đi lại, giao thông, truyền giảng đạo trên 2 tỉnh còn lại nầy chỉ là điều tất yếu, không ghi vào biên bản hoà ước thì thực tế nó cũng vậy mà thôi. Điều đó có nghiã là thực tế ông Phan Thanh Giản không hề bán đất Nam Kỳ Lục Tỉnh cho Pháp như lời buộc tội của Vua Tự Đức và Triều đình nhà Nguyễn.

Cũng xin nhắc đến một cuộc đầu hàng khác trong lịch sử Trung Hoa, cuộc đầu hàng của danh tướng Quan Công thời Tam Quốc bên Tàu. Đọc truyện Tàu thì ai cũng biết Quan Công là một vị tướng Quân anh hùng bậc nhất Trung Hoa thời Tam Quốc, sức mạnh vô địch, vị tướng bách chiến bách thắng của Lưu Bị, nhưng mà người anh hùng nào thì cũng có lúc lâm nguy, khi Lưu Bị bị quân Tào Tháo rượt chạy mất tích, thì Quan Công lãnh nhiệm vụ bảo vệ gia đình vợ con của Lưu Bị ở một cái thành trì gì đó tôi đã quên tên. Binh quân Tào Tháo thì trùng  trung điệp điệp bủa vây công thành, một tiếng lịnh hô quan xung phong của Tào Thao thôi, thì cả thành sẽ thành bình địa, nhưng mà Tào Tháo thì rất trọng tài năng, đức độ của Quan Công, cho nên ông cho mưu sĩ vào thành dụ Quan Công đầu hàng.

Ban đầu Quan Công không chịu, thà chết chớ không hàng, ông nói rằng người quân tử không bao giờ chịu hàng để giữ lấy khí tiết của mình, nhưng thuyết khách của Tào Tháo nói : “thực ra ông chết thì mới là mất hết khí tiết của người quân tử, một chính nhân quân tử anh hùng thì phải lấy trí nhân làm trọng, một người mất hết nghiã khí, nhân tâm thì dù sống hay chết cũng đều không phải là anh hùng. Bây giờ ông cũng biết thế trận ra sao, cái thành trì nhỏ bé nầy làm sao ông giữ được trước thiên binh vạn mã của Tào Tháo, ông có chết thì không sao, nhưng mà tất cả nhân dân già trẻ trong thành nầy cũng vì một cái quyết định tử chiến của ông mà phải chết hết, thì cái tội lỗi lớn lao nầy làm sao ông gánh vác được, mà cả gia đình vợ con của  Lưu Bị, Chuá Công và là Hoàng Huynh của ông cũng sẽ chết hết , thì ông sẽ nói sao với chủ nhân của ông. 

Ông chết với bao nhiêu cái tội thì ông đâu có phải là anh hùng, còn như bây giờ ông tạm đầu hàng để cứu lấy muôn dân, cứu cả gia đình chủ nhân ông , thì như vậy ông mới thực sự là anh hùng trong thiên hạ, tài đức , nghiã khí đều vẹn toàn. Ngay cả tính mạng của ông cũng không nên chết lãng phí như vậy, ông nên tạm thời chịu nhục đầu hàng trong lúc nầy, để ông còn hữu dụng cho Chuá Công ông về sau , thì ông mới thực sự là một người trí dũng song toàn, chớ không phải là người chỉ có cái dũng mà không có cái trí của một người anh hùng. Quan Công nghe nói thì suy nghĩ thấy cũng có lý cho nên mới bằng lòng đầu hàng Tào Tháo, nhưng với một điều kiện duy nhất là “ khi nào biết được tin tức Lưu Bị ở đâu thì Tào Tháo phải cho ông mang cả gia đình vợ con của Lưu Bị đi tìm”.

Ông Quan Công trong hoàn cảnh nầy, tuy là nguy cấp nhưng ông còn có cái quyền tự ý quyết định là “nên hàng hay nên chiến”, hàng thì chịu nhục nhã, chịu ô danh là kẻ hèn hàng giặc, nhưng chiến thì tất cả thành trì nhân dân đều bị giết chết, thành trì bị san bằng. Sau cùng thì ông đã chọn giải pháp đầu hàng để cứu lấy muôn dân, người như vậy mới là người quân tử, người dám đem cái nhân đặt lên trên cái danh, đặt cái sinh mạng của người dân lên trên cái tên tuổi riêng tư của bản thân mình. Vì vậy mà Ông Quan Công đã rất xứng đáng được người đời quý trọng, thương yêu, kính mến, tôn thờ là vì cái đức độ, cái hiền nhân nầy chớ không phải là vì cái tài đánh giặc, bởi vì chính bản thân ông, khi cầm quân đánh giặc cũng có lần ông đã bị thua và bị giặc chém đầu, nghiã là ông không thực sự là một tướng quân vô địch như là Triệu Tử Long, một người thực sự trăm trận, trăm thắng, không thua trận nào.

Cụ Phan Thanh Giản thì chỉ là một Sứ Giả của triều đình nhà Nguyễn đi thương thuyết nghị Hoà với Pháp, ông không có nhiệm vụ nào khác hơn là nhiệm vụ Nghị hoà, cho nên chỉ cần ông mang lại một hoà ước cho triều đình là coi như là ông đã thành công chớ không phải là một thất bại, cho dù hoà ước năm Nhâm tuất có nhiều điều khoản thiệt thòi cho Việt Nam, một điều tất yếu vì Việt nam hoàn toàn trong thế nhược tiểu, thua kém so với Pháp hùng mạnh, to lớn,  nhưng mà ta cũng phải coi đó là một hoà ước thắng lợi. Ông Phan Thanh Giản gặp quân Pháp không phải để tuyên chiến, mà là theo lịnh Vua Tự Đức đến xin được hoà, còn điều kiện, như đã nói, 4 tỉnh trọng địa miền Nam là Gia Định, Định Tường, Biên Hoà, Vĩnh Long, thực tế đã bị quân Pháp dùng vũ lực chiếm đóng, 4 tỉnh nầy không phải là ông Phan thanh Giản dâng cho Pháp, nên không thể nói là ông Phan Thanh Giản đã bán nước. Dù vậy ông cũng đã tự mình nhận tội, đã tuyệt thực và cũng đã tự tử để đền tội, còn kè có tội thực sự là vua Tự Đức và Triều đình nhà Nguyễn thì không thấy tội của mình mà lại cố ý đổ tội cho ông Phan Thanh Giản.

Hoà ước năm Nhâm Tuất 1862 không đơn thuần là Hoà ước bán đất 6 tỉnh Nam Kỳ mà là hiệp ước Hoà Bình giữa hai nước Việt Nam và Pháp, nếu không ký hiệp ước nầy với phần thua thiệt là mất 4 tỉnh chớ không phải 6, thì Pháp trước hết sẽ tấn công tiến chiếm 2 tỉnh còn lại ở miền Nam là An Giang và Hà Tiên một cách rất nhanh chóng và rất là dễ dàng. Và sau đó mới là vấn đề quan trọng, là Pháp với sự hổ trợ của Đế quốc Tây Ban Nha sẽ mang quân ra Trung, rồi ra Bắc đánh chiếm hết Việt Nam, và cũng sẽ đánh chiếm một cách rất nhanh chóng, rất dễ dàng như lịch sử đã cho thấy.

Nói như vậy là Ông Phan Thanh Giản đã có công chớ không phải là có tội khi ký Hoà Ước năm Nhâm Tuất 1862 ? Cũng có thể nói là như vậy, vì Hoà ước nầy nếu được thực thi nghiêm chỉnh thì Pháp đã không tiến quân đánh chiếm toàn bộ nước Việt Nam ?! Ý nghiã của hoà ước là như vậy, nhưng sự tình đã biến chuyển thành cục diện kháng chiến chống Pháp khởi xướng bởi triều đình Huế và những nhà nho trung thành với Nhà Nguyễn. Người vi phạm Hiệp ước trước là Việt Nam, khiến Pháp có cớ là Việt Nam tấn công Pháp , để xâm lược toàn thể Việt Nam. Dĩ nhiên là dù không có Hiệp ước Nhâm Tuất đi chăng nữa, dù không có ông Phan thanh Giản đi chăng nữa, thì Pháp cũng đổ quân xâm chiếm Việt Nam.

Vấn đề là làm sao để Việt Nam tránh khỏi mất nước mất vào tay Pháp ? Câu hỏi rất khó, nhưng mà lịch sử đã cho ta bài học về một nước Nhật Bổn hùng mạnh lúc bấy giờ. Trước làn sóng giao thương toàn thế giới của những quốc gia tân tiến Mỹ Âu đến buôn bán và truyền đạo Thiên Chuá, sang các nước Á Châu, trong khi Nhật Bản đã nhanh chóng thay đổi ý thức hệ, không còn thần phục Trung Hoa, mà ngã theo tây Phương, không theo học thuật Nho giáo lỗi thời , mà theo tân học Tây phương, mở của giao thiệp với Tây phương, học theo Khoa Học, Kỹ Thuật, thương mãi Tây Phương , để làm cho dân giàu nước mạnh, tổ chức quân đội hùng mạnh, dùng vũ khí súng đạn, đại bác, tàu sắt… thay vì là dùng giáo mác, cung tên lỗi thời, kết quả là Nhật Bổn chẳng những là không bị nước khác bắt nạt mà còn đủ sức đánh bại những nước lớn như Nga , Tàu, chiếm đất Triều Tiên, Mãn Châu….

Trong khi đó thì nhà Nguyễn lên ngôi vua xong thì quay đầu thần phục Tàu 100%, bắt chước y hệt chế độ quân chủ chuyên chế của Tàu, học thuật, ngôn ngữ, văn hoá Tàu, đã hoàn toàn lỗi thời, lại còn cấm đoán các nước Tây Phương đến giao thiệp buôn bán, truyền giảng đạo Thiên Chuá, những nhu cầu bức thiết của các nước Tây phương thời bấy giờ. Chủ trương đường lối chính trị của triều đình nhà Nguyễn dẫn đến sự suy vong, mất nước của dân tộc Việt Nam, cho nên kẻ thù của dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ không phải là ông Phan thanh Giản mà là triều đình nhà Nguyễn, là toàn bộ quan thần nhà Nguyễn và quan trọng nhất là nền văn hoá nô lệ lỗi thời nho học, chuyên sản xuất những ông quan ngớ ngẩn trước văn minh Tây Phương, đó mới là những yếu tố trực tiếp đưa đến những thảm cảnh lầm than của đất nước, dân tộc Việt Nam.

Cho nên, chúng ta hãy nhận diện cho rõ, cho thật là rõ ràng , những kẻ thù vô hình nhưng vô cùng quan trọng đó ,của đất nước và dân tộc Việt Nam, những kẻ thù dấu mặt nhưng vô cùng quan trọng đã làm cho Việt Nam cho đến bây giờ vẫn còn thống khổ điêu linh, đói nghèo, lạc hậu. Một nhà Triết Học Tây Phương nói : “ Tư tưởng phát sinh hành động. Hành động phát sinh kết quả.  Kết quả là cây trái của tư tưởng con người”. Phải có suy nghĩ đúng thì chúng ta mới cứu được đất nước, xây dựng được tương lai tươi đẹp cho đất nước Việt Nam, còn suy nghĩ sai thì mãi mãi dân tộc, đất nước sẽ còn thống khổ điêu linh. 

Tóm lại thì Cụ Phan Thanh Giản không có tội gì trong việc ký kết Hiệp ƯỚC Hoà Bình năm Nhâm Tuất 1862, bản thân cụ là một nhà nho thanh liêm, vô cùng chính trực, tài hoa, hết sức thương dân, thương nước, dám chết, và dám nhận trách nhiệm lớn lao và vô cùng khó khăn của mình trước lịch sử bi đát của dân tộc Việt Nam, Cụ rất xứng đáng để mọi người dân Việt kính mến, thương yêu, tôn thờ, chúng ta hãnh diện với cái tên “ Học Sinh Trường Trung Học Phan Thanh Giản”.

THÁI TẤN TRUYỀN

No comments:

Post a Comment