Friday, 6 September 2019

Gồng mình lạc quan


Gồng mình lạc quan đẩy bạn vào đau khổ
Con người không thể hạnh phúc 24/7, ép bản thân lạc quan mọi lúc mọi nơi vừa bất khả thi vừa độc hại.
Khi trải qua một ngày tồi tệ, chúng ta thường được người xung quanh khuyên "lạc quan lên", "đừng tiêu cực thế", "hãy nhìn vào mặt tốt của vấn đề". Mạng xã hội cũng đầy rẫy những thông điệp đề cao tư duy tích cực. 
Tuy nhiên, thái độ lạc quan, tích cực không phải lúc nào cũng hữu ích và thực tế, đặc biệt khi bạn đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng. Ép bản thân hạnh phúc không chỉ bất khả thi mà còn độc hại đối với sức khỏe tinh thần.
Paul Krismer, chuyên gia nghiên cứu hạnh phúc ở British Columbia (Canada) cho biết con người không thể làm các cảm xúc khó chịu biến mất bằng cách lờ chúng đi. Ta chỉ có thể trốn chạy, che giấu bằng sự tích cực giả dối và những biện pháp gây xao nhãng ngắn hạn như uống rượu, mua sắm, lướt mạng xã hội. Về lâu dài, sự trốn tránh cảm xúc tiêu cực khiến con người ngày càng ức chế, thậm chí dẫn đến trầm cảm.
Nghiên cứu năm 2018 trên tờ Emotion chỉ ra việc cố gắng vui vẻ mọi lúc mọi nơi dẫn đến nhiều stress, tức giận và thất vọng. Các cảm xúc tiêu cực trở nên trầm trọng, kéo dài và khó giải quyết hơn.

Sự thật là chúng ta không thể lúc nào cũng hạnh phúc.
Những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, thương tiếc, căng thẳng, lo âu, giận dữ hoàn toàn bình thường và không phải là dấu hiệu thất bại. Hơn nữa, chúng cũng đem tới nhiều lợi ích. "Ví dụ, nỗi sợ giúp chúng ta tránh xa nguy hiểm, sự hổ thẹn giúp ta sửa hành vi xấu", ông Krismer nói. 
Theo tiến sĩ tâm lý Konstantin Lukin (Mỹ), không nên chia cảm xúc thành tốt và xấu, tích cực và tiêu cực. Mỗi cá nhân hãy học cách chấp nhận mọi cảm xúc và nhìn chúng như người dẫn đường, giúp chúng ta hiểu bản thân mình hơn. Ví dụ, nỗi buồn khi chia tay công việc chứng tỏ bạn đã có những trải nghiệm ý nghĩa.
Bên cạnh đó, cảm xúc là thông điệp gửi đến những người xung quanh. Làm sao người khác có thể an ủi nếu bạn không thể hiện sự buồn bã ra ngoài?
Cố gắng tích cực, lạc quan là điều tốt, nhưng đừng quên lắng nghe cảm xúc của mình.
Minh Trang (Theo SCMP/Psychology Today )

No comments:

Post a Comment