Triều Tiên rúng động vì Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc
Nguồn: Hiroshi Minegishi, "South Korea flips script on North by winning over Cuba," Nikkei Asia, 26/02/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Bất ngờ trước thềm bầu cử đã phản ánh bước chuyển
dịch ngoại giao mạnh mẽ so với nửa thế kỷ trước.
Trước các cuộc bầu cử lớn ở Hàn Quốc, Bán đảo
Triều Tiên thường bị ảnh hưởng bởi cái được gọi là "Gió Bắc" – một
hành động khiêu khích quân sự hoặc một động thái nào đó của Triều Tiên nhằm làm
lung lay mối quan hệ song phương và ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu.
Nhưng cuộc tổng tuyển cử vào ngày 10/4, diễn ra
trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng, đã được mở màn bởi
"Gió Nam" – tin tức bất ngờ vào tuần trước về việc Hàn Quốc thiết lập
quan hệ ngoại giao với Cuba.
Một quan chức cấp cao của Hàn Quốc được truyền
thông nước này trích lời nói rằng, "Dường như Cuba, khao khát hợp tác kinh
tế và trao đổi văn hóa với chúng ta, đã muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với
chúng ta mà không thông báo cho miền Bắc." Lời phát biểu này thể hiện một
cảm giác chiến thắng của miền Nam.
Đàm phán giữa Seoul và Havana đã được giữ bí
mật nghiêm ngặt, chỉ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và một số quan chức tại trụ sở Liên
Hiệp Quốc ở New York, nơi thỏa thuận được ký vào ngày 14/2, biết về nó. Hai bên
đã cẩn thận quản lý tin tức, đồng ý thông báo về quan hệ ngoại giao sau 5 phút
kể từ khi trao đổi công hàm ngoại giao lúc 8 giờ sáng.
Đây là một cuộc "đảo chính ngoại
giao" của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, bởi Triều Tiên
từng ca ngợi quan hệ bền chặt với "người anh em" Cuba, quốc gia xã
hội chủ nghĩa duy nhất ở Mỹ Latinh.
Cuba và Hàn Quốc từng có quá khứ không mấy vui
vẻ. Thế vận hội Seoul năm 1988, nơi miền Nam thể hiện niềm tự hào dân tộc sau
khi bán đảo bị chia cắt, đã thu hút các vận động viên từ hầu hết khắp thế giới,
trong đó Mỹ và Liên Xô lần đầu tiên thi đấu cùng nhau sau 12 năm. Cuba là một
trong số ít quốc gia đứng ngoài cuộc, cùng với Triều Tiên, quốc gia đã kêu gọi
tẩy chay Thế vận hội, dù ngay cả Trung Quốc và Iran cũng tham gia.
Ngay cả khi khối Cộng sản sụp đổ sau khi Chiến
tranh Lạnh kết thúc một năm sau, và nhiều thành viên của khối này chuyển sang
phe Hàn Quốc, Cuba vẫn duy trì quan hệ với Triều Tiên.
Dù Bình Nhưỡng không thực sự có quan hệ thương
mại hoặc an ninh chặt chẽ với Havana, nhưng họ vẫn cảm nhận được tình đoàn kết
với hòn đảo này qua ba thế hệ cùng đấu tranh với tư cách là các quốc gia xã hội
chủ nghĩa chống Mỹ.
Trên cương vị Chủ tịch Cuba, Fidel Castro đã
tạo dựng quan hệ khăng khít với Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), nhà lãnh đạo đầu
tiên của Triều Tiên, từng gặp ông và con trai Kim Jong Il trong chuyến đi tới
Triều Tiên vào năm 1986. Chủ tịch đương nhiệm của Cuba, Miguel Diaz-Canel, cũng
đã gặp gỡ người đồng cấp Triều Tiên Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng vào năm 2018 và
nhận thiệp mừng năm mới 2024 từ ông.
Sự gần gũi ngày càng tăng giữa Cuba và Hàn Quốc
là một xu hướng diễn ra gần đây hơn.
Cuba hy
vọng rằng mối quan hệ với Hàn Quốc sẽ giúp họ thúc đẩy kinh tế. © Reuters
Chính phủ Cuba, đang vật lộn với tình trạng
thiếu hụt hàng hóa trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ, hy vọng rằng quan
hệ với Seoul sẽ mang lại động lực kinh tế cho họ. Phim ảnh và nhạc K-pop của
Hàn Quốc đã chiếm được cảm tình của giới trẻ Cuba. Về phần mình, ngành du lịch
Hàn Quốc được cho là đang đặt nhiều kỳ vọng vào lưu lượng khách giữa hai nước.
Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, Syria
hiện là quốc gia thành viên duy nhất của Liên Hiệp Quốc có quan hệ ngoại giao
với Triều Tiên mà không có quan hệ với Hàn Quốc.
Thời thế quả đã thay đổi rất nhiều.
Hồi những năm 1970, khi Tổng thống Mỹ lúc bấy
giờ là Richard Nixon – trong bối cảnh Washington đang nối lại quan hệ hữu nghị
với Trung Quốc – khuyến khích cả Triều Tiên và Hàn Quốc cùng gia nhập Liên Hiệp
Quốc, Bình Nhưỡng đã kiên quyết phản đối. Lúc đó, Triều Tiên mạnh hơn về mặt
quân sự và kinh tế so với nước láng giềng phía nam, và họ lo ngại rằng đề xuất
này sẽ khiến họ trở thành "hai miền Triều Tiên," cản trở sự thống
nhất trong tương lai.
Sau cùng, cả hai đã gia nhập Liên Hiệp Quốc
cùng lúc vào năm 1991. Hai thập kỷ dài sau đó đã mang đến những thay đổi
mạnh mẽ – cán cân quyền lực Bắc-Nam đảo lộn, với việc Hàn Quốc vượt lên dẫn
trước, và Liên Xô, trước đây là nước bảo trợ của Bình Nhưỡng, đã thiết lập quan
hệ với miền Nam vào năm 1990. Triều Tiên đồng ý gia nhập Liên Hiệp Quốc cùng
với Hàn Quốc, nhưng vẫn duy trì lập trường không công nhận nhau là hai quốc gia
riêng biệt.
"Gió Nam" từ quan hệ giữa Seoul với
Havana chắc chắn đã gây náo động ở Triều Tiên. Tính đến thứ Năm, hơn một tuần
sau khi công bố, thông tin này vẫn chưa được nhắc đến trên các phương tiện
truyền thông Triều Tiên, điều dường như giúp khẳng định rằng Bình Nhưỡng đã bị
bất ngờ.
Một nguồn tin Triều Tiên quen thuộc với tình
hình ở Bình Nhưỡng cho biết giới lãnh đạo Triều Tiên "hẳn đã rất sốc và
tức giận."
Kim Jong Un – cháu trai của Kim Il Sung – đã áp
dụng quan điểm
"hai miền Triều Tiên" và từ bỏ ý
tưởng thống nhất, cho thấy hoàn cảnh khó khăn của Bình Nhưỡng sau khi bơi ngược
dòng quốc tế trong một thời gian dài.
Bên cạnh đó, Triều Tiên đã đóng cửa các cơ quan
đại diện ngoại giao trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Uganda, Angola, Tây Ban
Nha, và Hong Kong. Việc rút lui được cho là do Bình Nhưỡng gặp khó khăn trong
việc kiếm ngoại tệ do các lệnh trừng phạt, khiến họ không đủ khả năng duy trì
các cơ sở này.
Động thái thiết lập quan hệ với Hàn Quốc của
"người anh em" Cuba, cùng với việc tái phân bổ nguồn lực ngoại giao
kể trên, có thể đẩy Triều Tiên xích lại gần hơn với các cường quốc lớn hơn là
Trung Quốc và Nga.
Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đã bàn
luận rôm rả về vấn đề này. Tờ Nhật báo JoongAng cho
rằng quan hệ giữa Havana và Seoul sẽ giáng một đòn mạnh về mặt chính trị và tâm
lý lên miền Bắc, trong khi Yonhap liên hệ
điều này với nỗ lực "mở rộng tầm nhìn ngoại giao" của Hàn Quốc.
Gió Nam nhiều khả năng sẽ mang lại lợi ích cho
Đảng Sức mạnh Quốc dân bảo thủ đang cầm quyền ở Hàn Quốc, những người phải đối
mặt với một cuộc bầu cử cạnh tranh gay gắt trong tháng 4 với Đảng Dân chủ Đồng
hành cấp tiến, đảng đối lập lớn nhất, ủng hộ hòa giải với miền Bắc.
Làn gió chính trị từ phương Bắc vẫn còn đáng lo
ngại. Có nhiều đồn đoán rằng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một hành động khiêu khích
quân sự lớn ngay trước thềm bầu cử.
Bởi vì mọi sự cố Gió Bắc đều nhắc nhở cử tri
Hàn Quốc về những tác động đến an ninh quốc gia, nên theo truyền thống, người
ta tin rằng những sự kiện đó có lợi cho các chính trị gia bảo thủ trước cuộc
bầu cử. Đến lúc này, các nhà bình luận dường như vẫn đồng thuận về điểm đó.
Tuy nhiên, kể từ khoảng năm 2010, năm xảy ra vụ
pháo kích chết người của Triều Tiên vào Đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, ngày càng
có nhiều tiếng nói ở miền Nam kêu gọi đối thoại với miền Bắc vì lo ngại về một
cuộc đụng độ quân sự toàn diện giữa hai miền Triều Tiên. Hiện nay, một số nhà
quan sát tin rằng môi trường chính trị kiểu này sẽ có lợi cho những người cấp
tiến và thông điệp hòa bình của họ.
Theo một học giả am hiểu sâu về chế độ Triều
Tiên, giới lãnh đạo Bình Nhưỡng vẫn chưa từ bỏ ý định châm ngòi cho một cuộc
khủng hoảng an ninh quốc gia ở Hàn Quốc nhằm khiến giới trẻ nghiêng về hòa bình
thay vì lập trường cứng rắn. Nhưng Yoon đã cam kết sẽ trả đũa Triều Tiên
"mạnh gấp bội phần" nếu bị khiêu khích.
No comments:
Post a Comment