Wednesday, 28 February 2024

Tổng Thống Pháp :

 Tổng thống Pháp ''không loại trừ'' việc châu Âu đưa quân đến Ukraina trong tương lai

Tại hội nghị bàn về yểm trợ Ukraina chống quân Nga xâm lược ở Paris hôm qua, 26/02/2024, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố châu Âu không loại trừ bất cứ nỗ lực nào, kể cả việc đưa các lực lượng châu Âu đến Ukraina trong tương lai, bởi thắng lợi của Nga trực tiếp đe dọa an ninh của châu lục. Cũng trong dịp này, nguyên thủ Pháp thông báo một số nước châu Âu quyết định thành lập một liên minh hỗ trợ Kiev về ''tên lửa tầm trung và tầm xa''.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong cuộc họp báo tại điện Elysée, Paris, ngày 26/02/2024, nhân hội nghị bàn về yểm trợ Ukraina chống quân Nga xâm lược. AP - Gonzalo Fuentes
Trọng Thành

Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu: ''Hiện tại chưa có được đồng thuận về quyết định việc chính thức đưa các lực lượng châu Âu đến Ukraina, nhưng với đà diễn biến hiện nay, không thể loại trừ bất cứ điều gì. Chúng tôi sẵn sàng làm tất cả để Nga không thể thắng trong cuộc chiến này. Chúng tôi có niềm tin vững chắc là thất bại của Nga là cần thiết để bảo đảm an ninh và sự ổn định của châu Âu."

Hiện tại đã có 8 liên minh hậu thuẫn Ukraina và cần phải củng cố các liên minh này để cung cấp vũ khí đạn dược cho Kiev. Tổng thống Pháp thông báo các nước đồng minh quyết định lập liên minh thứ 9, hỗ trợ Ukraina "tấn công sâu trong lòng địch, cụ thể là với tên lửa và bom tầm trung và tầm xa.''

Về việc đưa quân sang Ukraina, theo AFP, tổng thống Pháp khẳng định thực hiện "chiến lược mập mờ". Trong khi đó, thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, hôm nay 27/02, cho biết hiện tại chính quyền Kiev ''chưa yêu cầu'' các nước châu Âu đưa quân tham chiến. Nhưng ông cũng không loại trừ khả năng này. Tuy nhiên, không dễ dàng có được sự đồng thuận của châu Âu về việc này.  Tại Paris, hôm qua, thủ tướng Slovakia Robert Fico, có lập trường thân Nga, tuyên bố, bất luận thế nào chính phủ nước này cũng không đưa binh sĩ tới Ukraina.

Về phía Nga, phát ngôn viên điện Kremlin hôm nay cảnh báo việc đưa đưa binh sĩ đến Ukraina ''hoàn toàn không phục vụ lợi ích của châu Âu'', đồng thời nhấn mạnh là chỉ riêng việc nêu lên khả năng này cũng đã là ''một yếu tố mới rất quan trọng'' đối với cuộc xung đột đang diễn ra.

Khoảng 15 nước châu Âu sẵn sàng chi tiền mua vũ khí ngoài châu Âu cho Ukraina
Theo Le Monde, cũng sau hội nghị hôm qua ở Paris, thủ tướng Cộng Hòa Séc Petr Fiala tuyên bố khoảng 15 quốc gia sẵn sàng tham gia sáng kiến của Praha mua đạn pháo sản xuất ngoài châu Âu, giúp Ukraina. Thủ tướng Mark Rutte cho biết Hà Lan sẽ đóng góp hơn 100 triệu euro.

Về phần mình, thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa thông báo các bộ trưởng Quốc Phòng châu Âu trong 10 ngày tới sẽ đưa ra một kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường khả năng cung cấp đạn dược cho Kiev.

Tổng thống Mỹ thông báo Israel có thể ngừng bắn tại dải Gaza trong kỳ Ramadan
Gần 5 tháng kể từ khi Israel mở màn chiến dịch quân sự chống Hamas tại Gaza, để đáp trả cuộc tấn công đẫm máu ngày 07/10/2023 trên đất Isarel, tối hôm qua, 26/02/2024, tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Israel có thể ngừng bắn kể từ đầu tuần tới, và trong suốt giai đoạn Ramadan của người Hồi giáo.

Theo AFP, trên đài truyền hình Mỹ NBC, tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết : ''Kỳ Ramadan đang đến, sẽ có một thỏa thuận từ phía Israel, theo đó Israel cam kết không tiến hành các chiến dịch quân sự trong kỳ Ramadan, để tạo điều kiện cho việc Hamas trả tự do cho toàn bộ các con tin.'' Ông Biden cũng nói thêm là, theo cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, thỏa thuận đang rất gần, nhưng chưa thực sự hoàn tất. Phát biểu trên mạng Ynet, một giới chức Israel ẩn danh cho biết, đàm phán hiện ''đang theo hướng tích cực''.

Trước đó, hôm Chủ Nhật 25/02, thủ tướng Isarel Benjamin Netanyahu vẫn tuyên bố duy trì các hoạt động chuẩn bị cho chiến dịch tấn công Rafah, được coi là căn cứ địa cuối cùng của Hamas, nhưng là nơi tỵ nạn của khoảng 1,5 triệu người Palestine. Theo thủ tướng Israel, việc ngừng bắn sẽ ''chỉ làm chậm lại'' cuộc tấn công, được hy vọng là tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Hamas ''trong ít tuần lễ''.

Hãng tin Nhà nước Qatar, quốc gia đứng ra làm trung gian cho các đàm phán giữa Israel và Hamas, cho biết lãnh đạo Qatar vừa có cuộc gặp thủ lĩnh Hamas Ismaïl Haniyeh, tại Doha, và đã thảo luận về các nỗ lực nhằm ''đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức và lâu bền''.

Hiện tại, theo Israel, sau đợt trả tự do cho 105 con tin đổi lấy 240 tù nhân Palestine trong đợt ngừng bắn cuối tháng 11/2023, tổ chức Hamas còn cầm giữ tổng cộng 130 con tin, trong đó có thể 31 người đã chết.

Biển Đông : Trung Quốc lại thả phao chắn quanh bãi cạn Scarborough
Hãng tin Reuters ngày hôm nay 27/02/2024, cho biết những hình ảnh chụp từ vệ tinh khu vực bãi can Scarborough trong vùng Biển Đông mới đây cho thấy một hàng rào phao nổi được thả tại lối vào bãi đá, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc.

Theo hãng tin Anh, một trong những hình ảnh được công ty Maxar Technologies chụp hôm 22/02 cho thấy một hàng rào phao để ngăn lối vào bãi cạn, nơi mà tuần duyên Trung Quốc hồi tuần trước xác nhận đã đuổi các tàu của Philippines « xâm nhập trái phép » vào vùng biển của Bắc Kinh.

Cùng ngày 22/02, lực lượng tuần duyên Philippines xác nhận Trung Quốc đã cho thả hàng rào phao gần với bãi cạn Scarborough, khiến cho các tàu cá của Philippines không thể đi qua. Manila cũng tố cáo nhiều tàu Trung Quốc đã bao vây một tàu của chính quyền Philippines đang hoạt động trong khu vực này.

Bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng trên thực tế Bắc Kinh đã giành quyền kiểm soát từ năm 2012. Bắc Kinh không ngần ngại tố cáo Manila xâm phạm « chủ quyền » của họ mỗi lần có sự cố va chạm tại vùng biển này.

Hôm 26/02, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc một lần nữa tố cáo Philippines xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, đe dọa sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Bãi cạn Scarborough, từ lâu nay vẫn là điểm nóng ở Biển Đông trong tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và Manila, được biết đến là một khu vực dồi dào nguồn hải sản. Từ khi tổng thống Ferdinand Marcos Jr. lên cầm quyền, tháng 06/2022, Philippines đã nhiều lần phản đối việc tàu Trung Quốc hiện diện tại Scarborough cũng như ngăn cản Philippines tiếp viện cho một tiền đồn, thực chất là một chiến hạm mắc cạn, tại bãi Cỏ Mây.

NATO : Thụy Điển xây dựng một trung tâm quân sự quy mô lớn tại Ostersund
Rào cản cuối cùng cho việc Thụy Điển gia nhập NATO đã được dỡ bỏ. Nghị Viện Hungary hôm 26/02/2024 đã phê chuẩn đơn xin gia nhập Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương sau hơn một năm rưỡi chờ đợi.

Minh Anh
Nếu như còn phải tiến hành một vài thủ tục để có thể chính thức là thành viên thứ 32 của khối, thì quốc gia Bắc Âu này đã xem xét lại các kế hoạch phòng thủ sao cho phù hợp với nhu cầu của NATO. Một ví dụ là thành phố nhỏ bé Östersund, ở miền trung, trở thành một trung tâm quân sự của quân đồng minh.

Phóng sự của thông tín viên đài RFI, Carlotta Morteo :


« Từ bắc xuống nam, từ tây qua đông, tất cả các chuyến tàu đều dẫn đến Östersund, giao lộ đường sắt và đường bộ càng quan trọng hơn bởi vì ở phía bên kia những ngọn núi phủ đầy tuyết là thành phố Trondheim của Na Uy.

Erik Essen, điều phối viên quân sự thành phố, giải thích : "Cảng biển không bị đóng băng của Trondheim là cửa ngõ vào khu vực Bắc Âu cho NATO. Đây là nơi đặt các kho chứa khổng lồ (của NATO), thủy quân lục chiến Mỹ và là trụ sở của không quân Na Uy."

Thách thức đặt ra là phải nhanh chóng hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng để cho phép vận chuyển xe tăng và hàng trăm ngàn binh sĩ về phía Bắc Cực, Phần Lan, thậm chí các nước vùng Baltic.

Thị trưởng Niklas Daoson của thành phố Östersund tự hỏi : "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Nga thắng Ukraina ? Sau đó Nga sẽ làm gì ? Liệu họ có sẽ tấn công phương Tây hay không ? Cách nay 5 năm, không ai tin rằng Thụy Điển sẽ có thể bị cuốn vào chiến tranh. Giờ thì điều đó là có thể lắm, chúng có thể xảy ra. Do vậy, cần phải sử dụng thời gian còn lại để xây dựng lại hệ thống phòng thủ đáng tin cậy cho đất nước và với tư cách là thành viên của NATO."

Thụy Điển không phải lo sợ một cuộc tấn công trực tiếp, nhưng Matxcơva một ngày nào đó sẽ trắc nghiệm tính bền vững của Liên Minh tại các nước láng giềng. Thụy Điển chuẩn bị cho khả năng trở thành một mắc xích hậu cần trung tâm cho chiến lược phòng thủ sườn đông - bắc của NATO. »

Dân Palestine tỏ bi quan về việc thay đổi chính phủ
Ngày 26/02/2024, thủ tướng của chính quyền Palestine, Mohammad Shtayyeh, thông báo chính phủ của ông từ chức. Trong khi Hoa Kỳ hoan nghênh tiến trình cải cách của chính quyền Palestine, thì trên thực tế, đối với người dân Palestin, quyết định trên không làm thay đổi gì nhiều, khi mà tổng thống Mahmoud Abbas, 88 tuổi, vẫn tại vị.

Thủ tướng Palestine vừa từ chức, Mohammad Shtayyeh, bên cạnh ảnh chân dung của tổng thống của Cơ quan quyền lực Palestine, Mahmoud Abbas, tại Ramallah, ngày 26/02/2024. AFP - ZAIN JAAFAR
Anh Vũ

Thông tín viên Alice Froussard tại Ramallah ghi nhận phản ứng của người dân về sự kiện :

« Thông báo chính phủ Shtayyeh từ chức còn lâu mới được coi như là một trận địa chấn chính trị. Trong các phố của Ramallah, người Palestine phần lớn tỏ ra bi quan. Như trường hợp của bà Rula, một cư dân khoảng năm chục tuổi.

Bà nói : « Dù thay đổi người, nhưng sự việc vẫn vậy thôi. Đây là chính phủ của Oslo, chính phủ hợp tác an ninh với Israel. Tất cả những người được chỉ định đó, thực sự là để làm hài lòng người Mỹ, chứ không phải vì những gì đang diễn ra tại chỗ hay những gì đang đến với người Palestine ».

Với nhiều người, Mohammad Shtyyeh là hiện thân cho hệ thống của một chính quyền Palestine già nua, bất lực, chống dân chủ và không đại diện cho ai. Nhưng ông Mahmoud Abbas vẫn ở lại. Nếu ông chỉ định cố vấn thân cận của mình, không dung nạp các phe phái khác, thì có ích gì ? Ông Ahmad cho biết :

« Tôi nghĩ sẽ không có thay đổi ở đây chừng nào chính phủ không tính đến các phong trào giải phóng dân tộc hay nếu chính phủ vẫn còn bỏ sang một bên việc giải phóng đất nước và nhân dân. Chúng ta đã thấy điều đó qua kinh nghiệm với chính quyền Palestine. Chúng ta không thoát ra được : Vẫn tham nhũng, tự do ngôn luận bị xóa và cả cuộc kháng chiến cũng vậy. »

Mục đích của việc từ chức này là để hy vọng có một chính phủ của các chuyên gia phi chính trị, không có tham nhũng, nắm quyền tại Cisjordanie và họ cũng có thể quản lý Gaza. »

 

 

No comments:

Post a Comment