Trường chúng tôi dạy học là một ngôi trường tiểu học không lớn, có tất cả 10 lớp buổi sáng và 10 lớp buổi chiều. Sau tháng Tư năm 1975 trường được điều hành bởi một chị Hiệu trưởng còn trẻ cỡ tuổi chúng tôi và một chị Hiệu phó lớn hơn chúng tôi chừng mươi tuổi. Chị hiệu phó này rất độc ác và là hung thần của chúng tôi nên chúng tôi thường nói riêng với nhau, gọi lén chị ta là "bà phù thủy."
Những lúc học trò ra chơi, chị luôn luôn đi dạo ở hành lang, dòm
vào từng lớp xem cô nào đến lớp nào và ai hay nói chuyện với ai. Nhứt là những
cô giáo có chồng tù cải tạo thì chị ghét ngay ra mặt và luôn tìm lúc bất ngờ,
làm cho luống cuống, khó xử trước mặt mọi người. Chị kiểm soát giáo án gắt gao,
thấy chữ nào bẻ được là chị bẻ ra làm nhiều mảnh vụn theo sự suy diễn một chiều
của chị để làm chúng tôi lo sợ. Chị dự giờ liên tục và hay bới móc để hỏi những
câu hóc búa về tư tưởng chính trị thật bất ngờ.
Chúng tôi, phần lớn là giáo viên lưu dụng từ chế độ cũ nên ai cũng
ngán và sợ chị bởi chị rất có uy quyền. Đôi khi chúng tôi có cảm tưởng uy quyền
của chị đã lấn át cả chị Hiệu trưởng từ ngoài Bắc được bổ nhiệm vào. Chị có
chồng chức vụ huyện ủy. Mười mấy năm trong nghề giáo, chị đã cùng chồng nằm
vùng. Chữ "Nằm Vùng" được chúng tôi hiểu theo nhiều
kiểu. Theo kiểu xã hội chủ nghĩa mà chúng tôi được cán bộ vừa tốt nghiệp bình
dân học vụ giảng giải trong những buổi học tập chính trị thì những gia đình như
gia đình chị là một mẫu gia đình có công lớn với cách mạng vì chị đã hy sinh
nhiều công sức và tiền của trong thời gian "đánh Mỹ cứu
nước." Nhưng theo kiểu Ngụy của chúng tôi thì chị là người
phản bội lại cái chế độ đã cho chị no cơm, ấm áo, cái chế độ đã cho chị được
sống bình yên, có cơ hội ăn học để chị thành hiệu phó của cái xã hội chủ
nghĩa hôm nay.
Để có được cho chị và chồng chị những ngày yên lành vui sống đó,
tài sản của chị được nguyên vẹn và giàu có hơn lên đó thì ở những phần đất nào
trên quê hương máu những người chiến sĩ đã đổ, những mảnh đời còn xanh đã bị
bom đạn cướp đi mà chị không hề biết ơn và đau xót. Nghĩa là, chị đã ăn cơm
quốc gia, thờ ma cộng sản. Chị đã phản bội lại nguồn ơn đó bằng việc nuôi
dưỡng, giấu giếm, cung cấp tin tức của miền Nam và tiếp tế tiền bạc, thuốc men
cho những người theo Việt Cộng ở bưng.
Chị giàu. Rất giàu nên chị không bao giờ biết được những khó khăn
về vật chất mà người dân của chế độ cũ như chúng tôi đang nhận chịu sau khi
miền Nam được chị và các đồng chí của chị giúp công "giải
phóng".
Chị là giai cấp thống trị nên chị không hiểu được những nỗi đau
tinh thần của người bị trị. Chị đứng vào hàng ngũ của kẻ "chiến
thắng" nên chị không biết thế nào là nỗi đau khổ của người bị bức
bách đầu hàng. Chị vui mừng trước tai họa của đất nước nên chị không có tâm
trạng đau thương của hận quốc vong. Chị không biết thế nào là giọt nước mắt tủi
nhục xót xa của người vợ đi thăm chồng tù cải tạo.
Chị lại không có con, vì thế, chị không bao giờ biết thông cảm và
tội nghiệp cho chúng tôi, những người mẹ trẻ có con nhỏ, nuôi con một mình và
còn nuôi chồng tù cải tạo trong một tình huống rất cô đơn và muôn vàn khó khăn
của cả hai mặt tinh thần và vật chất. Bởi vậy, cô nào có con đau, xin nghỉ để
săn sóc con là khốn khổ với chị. Chị bảo là tắc trách, không làm tròn và không
coi trọng chức năng của người "kỹ sư tâm hồn". Chị tìm
mọi cách từ chối và ngầm hăm dọa để chúng tôi hiểu là sự việc có thể sẽ được
báo cáo lên Phòng Giáo Dục và như vậy có nghĩa là chúng tôi sẽ có thể không
được vào biên chế. Lúc đó, hai chữ "BIÊN CHẾ " như
liều thần dược, như lá bùa hộ mạng mà những người vợ Ngụy như chúng tôi cần hai
chữ đó như cái phao của kẻ bị đắm tàu.
Không được vào biên chế đồng nghĩa với có thể bị cho nghỉ việc và
tương lai là đi kinh tế mới. Bọn giáo viên chúng tôi, phần lớn có con nhỏ và
không biết làm ruộng nên ai nấy nghe thấy ba chữ Kinh Tế Mới đều kinh hoàng sợ
hãi. Vì thế, ngoài việc phải gặp chị có chuyện cần, các giáo viên đều tránh
chị. Tôi cũng ở trong trường hợp đó. Có lần giáo viên đi học tập chính trị, con
tôi đau, không có ai coi sóc, tôi phải ẵm thằng con đang sốt nóng đi theo. Chị
nhìn tôi cười cười đắc ý khi thấy gương mặt thiểu não, hốc hác của tôi bồng đứa
con đang đau, đặt nằm trên một bàn học trống trong phòng rồi vội vã ngồi vào
bàn hội thảo. Cuối cùng, chị và chúng tôi tuy cùng giới phụ nữ nhưng ở hai thế
giới mà không bao giờ có thể gần gũi và thông cảm được nhau.
Chung đụng và gặp gỡ nhau dưới một mái trường hằng ngày, chúng tôi
vẫn phải gượng gạo chào hỏi chị nhưng nếu vô tình phải gặp chị trong những buổi
sinh hoạt khác như đám cưới đám hỏi của đồng nghiệp hay tất niên chẳng hạn,
chúng tôi thường ngồi túm lại với nhau và chị ngồi trơ trọi một mình. Thấy thế,
chị càng căm chúng tôi.
Một lần tất niên, nếu tôi nhớ không lầm thì vào năm 1978, ban giám
hiệu bảo chúng tôi góp tiền chung nấu một nồi bún măng giò heo để làm tiệc. Nhà
trường dưới chế độ XHCN thật là ưu việt và sáng tạo, vì thế, khi có tiệc, giáo
viên chúng tôi mỗi người phải tự đem một cái tô, một đôi đũa, một cái muỗng
theo mà...ăn tiệc! Mai, một cô giáo mới về trường, chiều hôm ấy cô đến nhà tôi
chơi để sau đó cùng đi dự "tiệc" cho vui. Cô còn trẻ
lắm, cha chết, mẹ bị tê liệt, nhà đông em nên cuộc sống lại càng thêm eo hẹp.
Sau khi tôi khóa cửa lại, dặn dò bày con và rời nhà, cô vừa đi bên cạnh tôi vừa
giơ cái túi vải trong tầm mắt, nhìn tôi cười như mếu:
- Chị ạ, em phải đem theo cái tô lớn để ăn được nhiều!
Tôi nghe, cảm thấy buồn tê tái. Thương cô và cũng thương chính tôi
ghê lắm nhưng tôi không hỏi cái tô lớn cỡ nào. Đến khi nhập tiệc, mỗi người cầm
tô của mình ra chỗ nồi bún, múc một tô, bỏ thêm chút ớt, chút tiêu, chút hành
ngò rồi tìm chỗ ngồi vừa ăn vừa trò chuyện cho đúng nghĩa một buổi tiệc của
XHCN. Cô bưng tô bún đến ngồi bên tôi, mới cho vào miệng được gắp bún thứ hai
thì giọng nói của chị hiệu phó reo lên như bắt được vàng phía sau lưng:
- Ô, Coi kìa, cái tô của cô Mai gì mà bự dữ thần không. Ăn gì mà
khoẻ quá trời quá đất!
Chúng tôi không ai bảo ai, như một phản xạ, đều nhìn về phía Mai .
Mai ngưng ăn, đôi đũa trên tay bất động. Mặt mai đỏ gay rồi chuyển sang màu
tái. Mai nhìn xuống tô bún, ánh mắt lóe lên một nỗi đau thương. Tôi quay
nghiêng người lại, ngước nhìn vào gương mặt người vừa thốt ra lời đó. Nhìn cặp
môi mỏng của chị cười cười và nét mặt hân hoan tự mãn tôi có cảm nghĩ rằng chị
phải vui lắm, "hồ hởi" lắm, vì vừa nói được một câu
mà chị cho là đầy tính "đạo đức cách mạng". Bỗng nhiên,
tôi thấy thật là tội nghiệp cho bề ngoài sang trọng của chị: mái tóc vừa được
cắt uốn gọn ghẽ, bộ quần áo may bằng vải đắt tiền và đôi bông hột xoàn to như
hai hạt bắp lấp lánh trên tai. Tôi vốn chậm chạp ứng phó, không biết phải nói
gì cho Mai bớt ngượng thì may quá, thày Tài lên tiếng:
- Đáng lẽ tất cả mọi người phải đem theo một cái tô to như thế để
ăn mới đúng. Tôi sẽ ăn hai tô. Bún nấu ngon quá các cô các thày ơi ...
Tuy có câu nói đỡ đòn của thày Tài nhưng không khí buổi tiệc tất
niên của nhà trường XHCN hôm ấy vẫn không thể "siêu việt " được
thêm. Chúng tôi yên lặng ăn cho xong và cùng đi về sớm hơn dự định.
Qua tết, chúng tôi lại đến trường tiếp tục công việc "trồng
người", cái việc trồng tỉa lạ lùng có những bài tập đọc không đúng sự
thật. Nói trắng ra, chúng tôi phải làm bổn phận của "người giáo
viên nhân dân trong nhà trường cách mạng", "người kỹ sư
tâm hồn" là nhồi nhét vào đầu óc trong lành của những em bé Việt
Nam những huyền thoại, những chuyện phong thần. Hay nói theo cách nói lén của
một số nhỏ chúng tôi " những tư tưởng nhớn của bác Hồ dĩ đại
".
*
Thế mà 17 năm sau tôi lại gặp chị hiệu phó của nhà trường XHCN tại
Hoa Kỳ, xứ sở của đế quốc Mỹ, kẻ thù số một của bọn chị. Gặp tôi, chị còn ngờ
ngợ nhưng tôi thì nhận ra ngay đôi môi mỏng, gương mặt xương, hơi gẫy và dài.
Duy chỉ có cặp mắt hoắm sâu độc ác, thất thần là khác với khi xưa.
Cứ mỗi cuối năm, cộng đồng Việt Nam tị nạn CS ở tiểu bang chúng
tôi lại tổ chức Tết để giữ tập tục cổ truyền là lì xì cho các em thiếu nhi đồng
thời tạo cơ hội cho đồng hương họp mặt. Tôi đã gặp lại chị trong ngày đó. Chị
đi với một gia đình tôi quen, anh chị Khang. Khi chị Khang và tôi chào nhau thì
chị hiệu phó của XHCN giương đôi mắt đờ đẫn, thất thần nhìn tôi ngờ ngợ, e dè:
- Có phải.... cô là...cô Phương không? ... cô Phương xưa dạy ở
trường Tân Bình phải không?
Tôi nhìn chị mỉm cười:
- Thưa đúng. Chào chị hiệu phó. Không ngờ lại gặp chị ở đây.
Chị Khang ngạc nhiên:
- Ủa, thế ra hai bà quen nhau à?
Tôi lại cười:
- Không dám. Nói quen thì phạm "đạo đức cách mạng" của
nhà nước ta mất thôi . Khi xưa, tôi làm việc dưới quyền chị hiệu phó đấy. Ngày
ấy, có nhiều kỷ niệm lắm. Kỷ niệm nào cũng rất khó quên.
Hiểu ý, chị hiệu phó thở dài, nhìn xuống như lẩn tránh ánh mắt của
tôi, giọng chị thật buồn:
- Tất cả đã hết rồi . Tha lỗi cho tôi, cô Phương.
Nghe chị nói, dù không hiểu rõ câu "tất cả đã hết
rồi" ý nghĩa ra sao nhưng tôi cảm được sự ân hận trong giọng nói
như nghẹn ngào của chị và tôi không hỏi gì thêm.
Hôm sau chị Khang điện thoại cho tôi và hỏi:
- Ngày xưa, bà làm việc với bà Thanh hả ?
- Vâng.
- Gia đình cách mạng đấy. Giàu và ghê gớm, bất nhân lắm. Nhưng nay
thì sáng mắt ra rồi.
Rồi không đợi tôi hỏi, chị Khang nói luôn một mạch:
- Tên Tư Công, chồng bà ấy, giàu có lắm nhưng lại rất bạc ác tham
lam. Hắn ta được bọn đàn anh XHCN của hắn phong cho chức giám đốc một cơ sở tơ
sợi gì đó nhưng mục đích là để cho hắn có điều kiện thụt két, tham nhũng, ăn
cắp tài sản nhà nước chia nhau. Nhưng hắn xử không đẹp với đồng bọn sao đó nên
bị bọn đàn em nó tố. Khi hắn ta bị tù và sắp đến ngày ra tòa lấy cung thì lại
bị bọn đàn anh chơi đểu. Bọn này sợ hắn ta khai thật thì chết cả lũ nên vội đưa
hắn ra tế thần bằng một phiên tòa đặc biệt, kết quả là hắn bị án tử hình. Bà
thấy bọn Việt Cộng ghê không. Khi không còn dùng hắn được nữa, bọn nó giết hắn
bịt miệng bà ạ.
- Bởi vậy bọn mình mới phải rời bỏ quê hương mà đi chứ. Nhưng làm
sao bà Thanh sang đây được, chị ?
- Thì sau khi chồng bị tử hình, tài sản từ bao lâu bị bọn Cộng Sản
tịch thu sạch hết, bà ta hết yêu XHCN nữa mà lại thù đến xương đến tủy. Bà ta
làm đơn tính tố bọn đàn anh kia thì đơn viết vừa xong, chưa kịp gởi đi, không
biết ai báo cáo lập công, bả bị bắt bỏ tù. Trong tù, uất ức quá, bà ta bị điên.
Thấy bả điên, bọn nó thả ra. Gia đình bả lo thuốc men chạy chữa mãi mới tỉnh.
Tỉnh xong, bả vượt biên.
- Vâng. Thế bà Thanh quen hay bà con với chị ?
- Bả là bạn học cũ của bà chị mình. Tết, thấy bả một mình tội
nghiệp quá, bà chị mình đón về ăn tết.
Tôi chúc gia đình chị Khang có một năm mới bình an và gác máy điện
thoại. Lòng không vui không buồn, tôi nghĩ đến Mai và những tháng năm kinh
hoàng khốn khổ mà chúng tôi đã trải qua trong ngôi trường XHCN của chị Thanh.
Tôi nghĩ đến buổi tiệc tất niên và tô bún của Mai. Tôi thương Mai quá. Cũng như
mẹ con tôi, Mai đi tìm tự do nhưng bến bờ lại xa tầm tay với. Mộng ước của Mai
đã bị hải tặc Thái Lan vùi sâu trong lòng biển.
Tết năm ấy cúng giao thừa, sau khi lễ tổ tiên, tôi đã thắp thêm
một nén hương và thủ thỉ với Mai:
- Mai ơi, em có linh thiêng thì chắc em đã biết chuyện bà Thanh
phù thủy rồi chứ. Bà ấy đã và đang trả giá một cách đau đớn cho sự nghiệp cách
mạng của bà ta. Mong em tha thứ cho bà. Cầu xin linh hồn em được bình an và
siêu thoát.
Ngô Minh Hằng
•••••
"Bạc lòng nhưng chẳng cam lòng
mang theo nhục nước vào trong mộ phần".
No comments:
Post a Comment