Tuesday, 13 February 2024

Cuối Năm Nhớ Những Ngày Lưu Lạc

Những ngày cuối năm, nhìn tuyết rơi phủ trắng các mái nhà và các cành cây phong dọc bên đường, tôi hồi tưởng lại những ngày lưu lạc nơi vùng nắng ấm tận lục địa Phi Châu. Cuộc hành trình của tôi những tưởng chỉ hai năm lại kéo dài đến 14 năm qua nhiều nước: Cameroun, Sénégal, Mali, Guinée, Bénin, Rwanda, ở Phi Châu và đến tận Pérou ở Nam Mỹ và Ukraine ở Châu Âu. Hầu hết những chuyến đi của tôi đều nằm trong khuôn khổ Ngân Hàng Thế Giới viện trợ kỹ thuật không hoàn trả cho các nước Phi Châu thông qua công ty chủ của tôi là Hydro-Québec (Điện lực tỉnh bang Québec, Canada).

Nước đầu tiên tôi đến là Cameroun một nước có hai ngôn ngữ Pháp và Anh, do quá trình bảo hộ của hai cường quốc tây phương. Tổng thống Paul Bya ngự trị hơn bốn mươi năm vẫn còn tại vị. Hai dân tộc nói tiếng Pháp và Anh sống hòa thuận mấy mươi năm nhưng gần đây lại bất hòa gây nội loạn nhất là sau khi tìm được dầu hỏa ngoài khơi gần biên giới Nigeria.

Tôi là một trong nhóm mười chuyên viên Hydro-Québec được gởi đến làm việc tại Điện lực Cameroun. Mỗi người chúng tôi được cấp cho một villa đầy đủ tiện nghi ở ngoại ô, trước nhà là những hàng dừa cao vút và một bãi cỏ xanh bát ngát, nơi anh bạn láng giềng Jacques Lepage kiên nhẫn dạy tôi đánh golf nhưng không có kết quả. Các gia đình Canadien thay nhau thù tạc vào cuối tuần nên đời sống không buồn tẻ, nhờ những người bếp nấu các món ăn Pháp rất ngon. Hoạt động nghề nghiệp chuyên môn không khó khăn nhưng nhọc mệt. Một ngày nọ, trong một buổi họp nội bộ, ông Trưởng đoàn Lauzon, một người Québecois chất phác mở đầu: "Tôi làm việc như một thằng "nègre" (người da đen)". Cả nhóm phì cười, may là không có người bản xứ chỉ có một anh da vàng. Một anh bạn lên tiếng khôi hài: Toa phải nói "tôi làm việc như một người da trắng có kiến thức chuyên môn", nếu toa làm việc như người da đen thì qua đây làm gì? Ở Canada, ta đã chứng kiến trận bão dư luận nổi lên từ một nhóm  người da đen khi một giảng viên Đại học dùng chữ "nègre" khi giảng bài, đến nỗi chữ nầy bị cấm kỵ trong giới truyền thông, được thay thế bằng một câu "chữ bắt đầu bằng N."Trưởng đoàn Lauzon chỉ ở hai năm, nhớ miền tuyết trắng nên trở về quê Boucherville.

Hai đồng nghiệp bị thu hút bởi những phụ nữ trẻ bản xứ, bỏ vợ già ở lại Montréal sau một năm để được tự do, dẫn đến ly dị. Một đồng nghiệp bị người tình bản xứ cho uống một loại dược thảo nên tâm thần mê loạn bị người tình bòn rút hết tiền bạc lại bảo lãnh cô ta làm vợ về Canada một thời gian thì ly dị. Phương tiện giải trí ít oi, các đồng nghiệp của tôi thường rủ nhau đến bãi biển ở Kribi, rất đẹp nhưng nhiều muỗi sốt rét.

Tại Công ty Điện lực, tôi gặp anh Hồ tá Khanh junior (con) từ Pháp qua, cầm đầu toán nghiên cứu làm phúc trình khả thi cho nhà máy thủy điện Nachtigal. Anh Khanh, kỹ sư Ponts et Chaussées, là con của bác sĩ Hồ tá Khanh, cựu Bộ trưởng kinh tế nội các Trần trọng Kim. Tại Pháp anh là Giám đốc Phòng thí nghiệm thủy lợi của Điện lực Pháp (EDF).

Một ngày kia, trong một buổi tiếp tân tại một khách sạn tại Douala, tôi mừng rỡ gặp lại anh Dương đen, kỹ sư công chánh, anh cả của chị dâu của tôi. Khi ở Saigon, chúng tôi thường gặp nhau cho thông tin về những con đường vượt biên. Tị nạn qua Pháp, anh được một công ty Pháp gởi qua làm Trưởng Kiểm soát công trường xây dựng xa lộ ở Bafoussam, phía bắc Cameroun. Anh ở lại khá lâu và kiếm được khá nhiều tiền "hối lộ" của nhà thầu, theo thói quen của người Pháp! Dương đen uống nước mắm là biệt danh của anh ở Trường kỹ sư Phú Thọ.

Một nhân viên của tôi, anh Kuo là người cho tôi biết nhiều tin tức về phong tục người bản xứ. Anh du học có bằng kỹ sư ở Tây Đức, có vợ người Đức, không đẹp nhưng nhẫn nhịn theo phong tục nhà chồng. Chị phải làm thêm ở Tòa Lãnh sự Đức mới có đủ tiền tiêu cho gia đình. Anh Kuo than thở: Tôi có một thằng em họ từ làng quê đến. Hắn đến nhà tôi mà không hỏi tôi cho phép, ăn uống miễn phí mà lại lười biếng, nằm ì suốt ngày không chịu giúp việc nhà. Được hỏi tại sao anh không đuổi nó đi, anh Kuo đáp: Tục lệ làng tôi là phải giúp đỡ bà con, đụng tới nó, nó sẽ về làng bêu xấu tôi làm cho tôi khó trở về làng. Một thằng bạn của tôi kinh doanh giàu có ở Douala, về làng xây một ngôi nhà thật to cho ba mẹ hắn làm cho ba mẹ tôi thường đem nó so sánh với tôi. Chúng tôi ai cũng phải dành dụm ít tiền gởi về làng cho cha mẹ ông bà. Thượng đế ban cho bản tính con người giống nhau, bất kể màu da, có khác nhau là do hoàn cảnh xã hội tạo ra.

Tại Cameroun cũng như ở các nước Phi Châu khác người dân mọi lớp tuổi rất say mê đá banh, nhưng Cameroun là xứ Phi Châu đầu tiên được vào bán kết trong cuộc tranh Giải Túc cầu thế giới. Nổi danh thế giới hiện nay là Kylian Mbappe, thủ quân của đội Paris Saint-Germain, ngang tài với Messi, Ronaldo. Sinh ở Pháp nhưng Mbappe gốc người Cameroun, Mbappe lãnh lương 78 triệu euros một năm cộng 150 triệu euros khi ký khế ước 2 năm.

Đời sống của tôi ở Cameroun thật êm đềm. Ngoài những người bạn đồng nghiệp Canada còn có vài người bạn quí người Việt. Nhà tôi quí mến nhất là cô Giang. Tị nạn qua Pháp lúc trẻ, cô có bằng đại học 2 năm và có việc làm vững chắc. Cô qua Cameroun với người chồng kỹ sư gốc Ai-cập. Chỉ một thời gian ngắn, anh nầy bê tha, không về nhà sớm, la cà các quán bar và gái điếm. Có một lần hắn về Pháp mà không để lại cho cô Giang tiền bạc, cô phải sống qua ngày với món trứng chiên, trứng luộc. Nhà tôi tiếc rẻ cho cô Giang thật đẹp lại thiếu may mắn. Hỏi tại sao cô lấy nó, cô đáp: Tại vì em tưởng nó là người Pháp chính gốc! Trường hợp cô Giang tạo cho nhà tôi một thành kiến xấu về người Á rạp, luôn luôn dặn con gái chúng tôi phải tránh xa anh Rệp đầy dẫy ở Montréal, ăn nói rất hay.

Gia đình tôi và cô Giang thường đến ăn cơm ở nhà Frère Lý. Bữa cơm đạm bạc chỉ có một "món tủ" là thịt bò, khoai tây, carotte bỏ vào hầm trong nồi áp xuất làm thành món ragoût. Thật ra gặp mặt để hàn huyên nhiều hơn là ăn. Frère Lý là kỹ sư điện tử tốt nghiệp ở Bỉ. Ông tị nạn qua Úc rồi trở qua Cameroun dạy học tại trường Trung học Kỹ thuật do các Frères Canadiens thiết lập và điều hành. Ông là trưởng phòng thí nghiệm điện-điện tử. Chúng tôi gặp lại Frère Lý một lần sau cùng khi ông đi nghỉ hè ở Canada.

Ngoài ra còn có cô Mai, vợ một thơ ký thường trực người Đức tai tòa Lãnh sự Đức. Lấy chồng hơn mười năm mà vẫn chưa vào được quốc tịch Đức. Cô Mai có bí quyết lấy "faux filet" thịt bò ướp rồi để vào lò với nhiệt độ thật thấp, ăn rất dòn, ngon. Thịt bò "filet mignon" đắt nhất lúc ấy giá 1 đô la một ký lô. Người Cameroun thích thịt bò cứng có nhiều mỡ, xỏ xâu nướng trên lửa than thường bán ở lề đường. Những buổi chiều mát mẻ đi dạo sau bữa cơm, đường vắng vẻ, vợ chồng tôi lại có thói quen mua bắp nướng bán bên lề đường không sợ bụi bặm. Các quán ăn Cameroun có bán thịt cá sấu con nghe nói khá ngon nhưng chúng tôi không dám ăn. Thịt gà nướng trên lửa than là hợp khẩu vị của chúng tôi nhất. Nhớ lại những ngày lưu lạc ở Nhật, lúc Nhật chưa giàu lắm, tại ga Akihabara ở Tokyo, tôi được ăn món lòng gà ướp hơi ngọt, xỏ xâu nướng trên lửa than thật ngon. Tới Nagasaki, ban đêm, trời giá lạnh, còn có những chiếc xe kiểu xe mì của Tàu, gõ "cốc cốc" bán hải sản hấp hoặc luộc, nhất là con mực.

Douala có vài con đường hai bên trồng xoài, trái nhỏ nhưng rất ngọt. Mít ở trong rừng có nhiều nhưng người Cameroun không biết ăn, chỉ lấy hột. Tôi biết một số villa do người Pháp để lại có trồng mít nên thường đến thăm hỏi mua.

Vào một ngày cuối tuần, tôi đến viếng thủ đô Yaounde, cách Douala 200 km. Vào quán ăn VN "La Pagode", tôi gặp Phó Thủ tướng Dương Kích Nhưỡng và Tổng Trưởng Công chánh Nguyễn Xuân Đức thời VNCH đang làm cố vấn cho Tổng Trưởng Công Chánh Cameroun trong khuôn khổ viện trợ kỹ thuật của Pháp cho nước nầy. Cách biệt hơn mười năm kể từ ngày chia tay tại Trại Tù Long Thành, không biết bao chuyện hàn huyên, ông Dương Kích Nhưỡng đãi tôi cùng bà xã một bữa ăn thật ngon tại quán "La Pagode", sau đó chở chúng tôi đến một khúc sông vắng ở ngoại ô, nơi có một con thuyền nhỏ và một cậu thiếu niên đang chờ khách. Để làm gì? Chúng tôi xuống thuyền ra giữa dòng sông chèo một đoạn ngắn thì gặp một bè "rau muống". Nhà tôi la lên: Rau muống tía! Thế là chúng tôi vớt lên đầy thuyền đem về Douala ăn nhiều ngày, còn dư bỏ vào freezer.

Ông Dương Kích Nhưỡng cho biết ông Lương Thế Siêu, cựu Tổng Trưởng Giao thông vận tải, hiện làm việc cho UNDP (Cơ quan phát triển của Liên Hiệp Quốc) thỉnh thoảng có ghé công tác ở Cameroun. Ông Siêu là người học giỏi, tốt nghiệp Ecole polytechnique ở Pháp và MBA ở Harvard. Khi làm Tổng trưởng, ông rất nóng tính, hung hăng trái với sự trầm tĩnh và sâu sắc của ông Nhưỡng.

Tôi trở lại thủ đô Yaounde, lần thứ hai đem theo chị Nguyễn văn Chiểu muốn đến thăm hai ông Nhưỡng, Đức vì họ quen nhau. Anh Nguyễn Văn Chiểu nguyên là Tổng Giám Đốc Thương Cảng, là bạn tù của tôi ở trại tù Long Thành. Mỗi đêm tôi phải canh chừng cán bộ để cho anh luyện yoga, trồng chuối, đầu xuống đất. Cơ duyên nào khiến tôi gặp chị Chiểu ở Phi Châu? Số là khi ở Paris, chị Chiểu có quen với một người Camerounais, đãi hắn ăn nhiều lần. Hắn nói rằng hắn có cơ sở sẵn sàng để mở quán ăn VN ở Douala, mời chị Chiểu qua hợp tác để làm giàu. Đến nơi với một valise chứa đầy gia vị thức ăn VN thì vỡ lẽ ra hắn nói dối để được chị Chiểu đãi ăn ở Pháp! Làm thế nào khi không có nhiều tiền ở khách sạn lại không thể về Paris ngay vì mua vé máy bay ấn định ngày về trong một tháng. Và tình cờ chị Chiểu đã tìm ra tôi đang làm việc tại công ty Điện lực ở Douala. Tôi mượn được một căn nhà trống của công ty ở cạnh nhà tôi trong một tháng cho chị và người bạn ở miễn phí. Rất tiếc tôi bận việc không thể đưa chị đi xem nhiều nơi ngoài chuyến đi Yaounde. Riêng anh Chiểu tuy lớn tuổi hơn tôi nhiều nhưng những ngày tù ở Long Thành đã biến chúng tôi thành hai người bạn khắng khít. Mỗi năm trên đường về nghỉ hè ghé qua Paris, tôi cùng anh Chiểu hẹn đến quận 13 thưởng thức món tôm nướng bánh hỏi để nghe anh bàn Sấm Trạng Trình xem Việt công chừng nào chết. Đến nay anh Chiểu đã qua đời mà Việt cộng vẫn chưa chết.

Thuở ấy, giữa thập niên 1980, Trung cộng đã bắt đầu ve vãn các nước Phi Châu có nhiều khoáng sản. Họ xây dựng biếu cho mỗi nước một Nhà Hội nghị (Palais des congrès) to lớn, vật liệu nhân công đều do Tàu cung cấp. Lúc ấy, Trung cộng còn nghèo, nhân công thường ngủ lây lất ở công trường, chỉ cấp chỉ huy là có nhà ở, tuy nhiên có bếp Tàu phục vụ cho tất cả mọi người.

Sau Cameoun tôi lại đến Mali, một nước giáp ranh với sa mạc Sahara, có thành phố miền sa mạc được thế giới biết tên là Tombouctou. Khí hậu nóng bức nhưng khô ráo nên dễ chịu đựng, hơn nữa, nhà cửa, văn phòng, xe hơi, chợ siêu thị đều có máy lạnh thì có gì phải than phiền.

Mali là xứ hồi giáo nhưng phóng khoáng, không quá khích, phụ nữ không choàng khăn phủ đầu che tóc như nhiều nước Á-rap. Ở thủ đô Bamako có một nhà thờ công giáo lớn có một Hồng Y người bản xứ. Khadafi ở Lybie rất ưu ái Mali, xây biếu họ một khu hành chánh thật lớn dành cho tất cả các bộ trong chính phủ. Người Mali có dáng người miền sa mạc (Sahel), gầy, cao, khác với người Cameroun có bề ngang.  Mali là một nước có nhiều mỏ vàng. Lần duy nhất tôi bị sốt rét hành dữ dội là khi đến mỏ vàng để nghiên cứu dẫn đến điện cao thế. Bí quyết tránh sốt rét của gia đình tôi là quanh nhà đều có lưới, máy lạnh chạy 24/24. Hơn nữa ban đêm tránh lại gần người bản xứ vì con muỗi anophèle sẽ truyền mầm bệnh từ họ qua mình. Hầu hết người Mali đều có mầm bệnh sốt rét vì họ hay về làng quê nhiều muỗi. Tuy khí hậu khắc nghiệt, nhờ dẫn thủy nhập điền, Mali cũng tự túc được về nông nghiệp. Xoài ở Mali có thể nói là thơm ngon nhất thế giới, hơn VN, Thái Lan và Nam Mỹ. Vì là xứ Hồi giáo không có bán thịt heo nhưng có nơi nuôi heo để bán cho người không Hồi giáo. Tôi phải đến trại heo ở một làng quê, chỉ định con heo mình muốn mua, thường là 20-30 kg. Ngồi đợi khoảng một giờ đồng hồ thì chủ nhà giao cho con heo đã được làm thịt, sạch sẽ đem về bỏ vào freezer ăn dần.

Mỗi năm vào thời kỳ Ramadan kéo dài một tháng, người Hồi giáo chỉ ăn một bữa cơm vào lúc tối khi mặt trời lặn, do đó năng suất của nhân viên giảm sút mạnh. Cuối Ramada là ngày tiệc ăn uống phủ phê. Nhân dịp nầy, anh đồng nghiệp của tôi năm nào cũng mua sẵn một con cừu nhỏ để làm thịt chia sẻ cho bà con.

Tai Bamako, gia đình tôi thường qua lại thù tạc với gia đình anh Đoàn minh Quang, cựu Tổng Giám Đốc nông nghiệp ở Saigon hiện làm Trưởng Văn phòng thường trực của Ngân hàng thế giới  ở Mali. Có rất nhiều người VN ở Pháp lâu đời được các công ty Pháp gởi qua làm việc nhưng họ sặc mùi thân cộng nên tôi ít giao thiệp. Đó là dư âm của giới truyền thông phản chiến trên toàn thế giới cộng với tuyên truyền của cộng sản. Vui mừng nhất là tôi gặp lại anh Trần hữu Chí, một người bạn thời trung học. Trước kia anh làm việc ở Phòng thí nghiệm hóa học Trường kỹ sư Phú thọ nhưng khi tị nạn qua Pháp anh lại đổi nghề. Một công ty Pháp gởi anh qua Bamako nghiên cứu thiết lập hệ thống đèn đường và thắp sáng những nơi công cộng.

Một người tôi biết tiếng mà không quen, tình cờ gặp gỡ trong một siêu thị là ông Nguyễn anh Tuấn, cựu Tổng Giám Đốc Kế hoạch, Thứ trưởng bộ Tài Chánh VNCH. Ông Tuấn là một trong số ít oi người Việt tại Pháp tốt nghiệp trường ENA (Ecole nationale d'Administration) nơi đào tạo giới tinh hoa chính trị của Pháp với nhiều người làm Tổng thống: Giscard d'Estaing, Jacques Chirac, François Hollande, Emmanuel Macron, v.v... Nhìn danh thiếp, tôi thấy ông Tuấn ghi có bằng Ph.D. (tiến sĩ) được một công ty ở Mỹ gởi qua ngắn hạn làm việc với bộ Tài Chánh.

Tại Bamako có ba quán cơm VN. Họ làm ăn rất khá giả. Món chả giò cuốn thịt bò rất được người bản xứ ưa chuộng. Một số ít bà VN ở đây có chồng đi lính trong quân đội Pháp đóng ở VN và theo chồng về xứ. Tại Bamako, một người lai VN làm chủ bút một tờ báo lớn. Một bà khác có con làm đại tá chỉ huy trưởng cảnh sát ở một tỉnh lớn. Riêng chỉ huy trưởng cảnh sát Bamako là một người Pháp có vợ VN. Gia đình anh thường qua lại thù tạc với gia đình tôi. Một bà chủ quán VN có 4 người con nét người Phi châu nhưng nước da thật nhạt, tiêu chuẩn đẹp, nên có chồng khá giả. Anh con trai lại có vợ Pháp làm trong Tòa Đại sứ Pháp.

Côte d'Ivoire là nước làng giềng của Mali. Tôi không lưu trú nơi đó nhưng được nghe kể một câu chuyện thú vị về người tị nạn VN. Tổng thống Côte d'Ivoire Houphouet Boigny là một người Công giáo thật mộ đạo. Ông cho xây nơi sinh trưởng của ông một nhà thờ thật to đẹp với những vật liệu đắt tiền nhập cảng và thiết trí phong cảnh trên một miếng đất rộng lớn để thu hút du khách. Hưởng ứng phong trào cứu trợ thuyền nhân, dù nước nghèo, ông Tổng thống thu nhận 100 thuyền nhân tị nạn VN. Rào cản ngôn ngữ, thể lực yếu ớt so với người bản xứ thì làm sao để sinh tồn. Thế rồi, đàn ông tung ra làm thợ chụp hình, phụ nữ ngồi bán chả giò ở lề đường. Chỉ một thời gian ngắn, nhiều tiệm cơm VN xuất hiện ở thủ đô Abidjan và họ đã làm giàu nhanh chóng. Sau 10, 20 năm họ có đủ tài sản để di dân qua Pháp, Mỹ và Canada. Một đồng nghiệp trẻ của tôi ở Mali nói: «Tôi có một người bạn ở Abidjan. Hắn yêu một cô gái VN và muốn tiến đến hôn nhân nhưng bất thành vì cô gái cho biết nếu xảy ra điều ấy thì mẹ nàng sẽ tự tử. Nó không hiểu tại sao!».

Rời Mali tôi được chuyển đến làm việc tại Sénégal. Sénégal là một nước có truyền thống dân chủ, không bị quân đội chi phối, quyền lực được chuyển giao êm đẹp. Tổng thống đầu tiên, Leopold Senghor là một nhà trí thức, một nhà thơ nổi tiếng. Ông chuyển giao quyền lực cho Abou Diouf để về hưu tại quê vợ ở Bretagne, Pháp. Hết nhiệm kỳ Tổng thống, Abou Diouf trở thành Tổng thơ ký Francophonie. Tại thủ đô Dakar có hàng ngàn người Pháp và một trường trung học dành cho người Pháp và ngoại giao đoàn có cả ngàn học sinh. Sénégal thu hút nhiều du khách Âu châu và Nhật vì khí hậu mát mẻ quanh năm lại có một bãi biển dài và đẹp và có đủ tiện nghi về ăn uống và nhà ở. Có lúc Nhật Bản đề nghị viện trợ cho Sénégal vài trăm triệu đô la để cho phép họ xây dựng làng người già cho người Nhật nhưng bị từ chối. Tại Dakar vẫn còn di tích nhà tù, nơi giam giữ các nô lệ da đen trước khi chở qua Mỹ Châu. Thuở ấy chính các tù trưởng bán dân của họ đi làm nô lệ.

Tôi thuê một căn nhà nhìn ra bờ biển để hưởng gió biển lồng lộng quanh năm. Buổi chiều đi làm về lại ghé những nơi ghe đánh cá trở về để mua hải sản tươi ngon. Một ki lô bào ngư tươi giá chỉ 50 cents. Tài nguyên hải sản thật nhiều nhưng người Sénégal chỉ biết làm cá phơi khô, không biết làm nước mắm. Có một lúc Liên Hiệp Quốc viện trợ cho Sénégal chuyên viên VN để dạy họ làm nước mắm tại một làng ven biển để thử nghiệm. Không biết sau đó việc làm nước mắm ở Sénégal có tiếp tục phát triển không? Nhà tôi được một bà VN ở Dakar dạy làm nước mắm. Rất đơn giản. Chỉ có cá và muối bỏ vào một cái "khạp" to rồi để phơi nắng trên sân thượng. Sau hai năm, khi trở về Canada, nhà tôi tiếc rẻ các hũ nước mắm nên bỏ hết vào container chở về Canada ăn được mấy năm. Một anh bạn từng làm chủ hãng nước mắm ở Phan Thiết sau khi được thưởng thức nước mắm nguyên chất của nhà tôi, đề nghị một đổi mười với nước mắm đắt tiền bán ở Canada.

Vừa mới đến Sénégal vài ngày, vợ chồng tôi cùng đi chợ bản xứ để quan sát. Bỗng sau lưng chúng tôi nghe tiếng "một hai, một hai..." theo nhịp quân hành. Nhìn lại phía sau thì thấy một ông lão nhe răng cười, ông đã từng ở trong quân đội Pháp đóng ở VN. Sau khi làm quen, ông giới thiệu cho tôi một người đầu bếp thật giỏi nấu thức ăn Pháp nhưng lại biết làm cả nước mắm tỏi, ớt, chanh, đường, ăn với cá chiên. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau, tôi nhận thấy đồ ăn ở freezer biến đi một cách bất thường. Anh bếp là một tay trộm cừ khôi. Đành chia tay với anh bếp giỏi.

Guinée là một xứ lân cận Mali. Tôi đến nơi ấy công tác nhiều lần nhưng không ở lâu. Guinée được gọi là hồ chứa nước của Phi Châu vì là nơi phát nguyên của nhiều con sông lớn đi qua nhiều nước như các sông Niger, Sénégal, Gambie. Có quá nhiều tiềm năng thủy điện nhưng không có tiền đầu tư khai thác nên phải bị nạn thiếu điện triền miên. Guinée có trữ lượng bauxite bằng 1/3 trữ lượng trên thế giới. Trung cộng đã bắt đầu khai thác bauxite tại đây từ lâu trong chính sách ve vãn Phi Châu để giành quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Tại Guinée, tôi gặp một người da đen có mẹ VN làm Giám đốc tài chánh cho Điện lực Guinée. Anh mời tôi ăn nhiều bữa cơm ở một quán Tàu khá sang. Anh là người rất hiếu đạo, thường gởi tiền cho mẹ còn ở VN cùng mấy anh em cùng mẹ khác cha. Anh du học ở Liên xô và có vợ người Nga. Theo lời khuyên của tôi, gia đình anh xin di dân qua Canada và làm việc tại Ottawa.

Tại Bénin, tôi chỉ ở 3 tháng cùng với Pierre, một V.P. của Hydro-Québec để làm kế hoạch phát triển hệ thống điện cao thế lấy từ nhà máy thủy điện Akossombo thuộc Volta River Authority của nước Ghana. Anh bạn Pierre của tôi nhờ bộ mặt da trắng được phụ trách liên lạc các bộ giúp tôi lấy các tài liệu cần thiết. Pierre cho tôi biết có một cố vấn của Tổng thống có mẹ VN, anh rất tò mò về VN nhưng chưa bao giờ đến. Tuy chỉ có 3 tháng nhưng Pierre để lại cho tôi một kỷ niệm khó quên. Chúng tôi thường đến ăn tại quán "Con gà quay" chỉ bán gà, cá nướng lửa than thật ngon. Bỗng một ngày kia xuất hiện một người bồi bàn đặc biệt, một thiếu nữ thật đẹp khoảng 18 tuổi dáng ngây thơ như một nữ sinh. Đẹp thật dù là da đen. Pierre nói với tôi: "Moa cam đoan với toa rằng moa sẽ chinh phục cô ta trong vòng 2 tuần lễ"– Thử coi! Rồi một ngày kia Pierre nói với tôi: "C'est fait" (xong rồi)". Tôi hỏi: Cái gì là c'est fait. – Đứa con gái, moa sẽ giới thiệu với toa. Pierre hẹn tôi đến ăn tối ở một quán ăn Pháp thật sang, không có món nào dưới 20 đô la. Tôi đến trước chờ đợi. Pierre xuất hiện với cô gái nữ sinh bồi bàn, với bộ quần áo mới, môi thoa son. Pierre gọi món ăn cho cô. Chưa kịp ăn, cô gái tò mò nhìn thực đơn với giá các món ăn. Bỗng nhiên mặt cô xúc động dường như muốn khóc, rồi thình lình bỏ chạy đi khỏi quán ăn. Pierre ngồi lặng thinh. Có lẽ cô tủi thân thấy số tiền Pierre mua thân xác của cô quá nhỏ so với bữa ăn nầy.

Nhiều năm sau, khi hết hạn công tác ở Phi Châu, tôi trở về trung ương phụ trách một số dự án. Một ngày kia, Pierre đến văn phòng gặp tôi dẫn theo một thiếu nữ người Cameroun 22 tuổi, thật đẹp. Anh nói: "Kiệt, toa có chỗ nào gởi moa đi Phi Châu. Hiện moa ăn tiền thất nghiệp, không nhà ở. Năn nỉ lắm bà vợ cũ của moa mới cho phép moa ở sous-sol trong căn nhà trước kia là của moa. Bà hiện sống với người bạn tình mới." Thật đáng thương cho Pierre!

Tôi chỉ đến nước Rwanda một lần trước khi xảy ra thảm trạng người Tutsi bị người Hutu tàn sát. Thủ đô Kigali có tiếng là thành phố có ngàn ngọn đồi, khí hậu mát mẻ có trồng nhiều cây khuynh diệp dọc hai bên đường. Tôi đại diện công ty Hydro-Québec để dự thầu quốc tế cùng với đại diện các công ty điện lực của Pháp, Bỉ, Đức, Ý, Tây Ban Nha, trong khuôn khổ tư nhân hóa ngành điện lực ở Rwanda. Tuy nhiên, nghiệp đoàn công nhân phản đối, đợi chúng tôi tập hợp đầy đủ thì phong tỏa phòng họp suốt một ngày không cho tiếp xúc với TGĐ Điện lực. Nhân dịp nầy, chúng tôi đã cùng nhau có cuộc trao đổi thú vị về văn chương, hội họa và âm nhạc. Sau cùng, một đại tá người Pháp mang quân hàm nước Bỉ đến giải thoát cho chúng tôi về. Nước Rwanda nguyên là thuộc địa của Bỉ có hai giống dân: dân du mục Tutsi 10% và dân canh nông Hutu 90%. Người Tutsi được người Bỉ ưu đãi huấn luyện thành nhiều sĩ quan ưu tú trong quân đội. Khi độc lập, chính quyền thuộc về phe đa số Hutu thân Pháp làm người Tutsi bất mãn nổi loạn. Và có lẽ họ đã âm mưu giết Tông thống người Hutu khi ông vừa ở ngoại quốc về tại sân bay. Thảm trạng giết hàng trăm ngàn người Tutsi xảy ra từ đó. Tuy nhiên, quân nổi loạn người Tutsi nhanh chóng đánh bại chính quyền Hutu và thiết lập một thể chế mới do người Tutsi lãnh đạo mấy mươi năm nay.

Khi trở về trung ương, tôi được gởi đi công tác ngắn hạn ở Pérou (Nam Mỹ) và Ukraine ở Châu Âu. Tôi đến Pérou cùng với một chuyên viên tài chánh của Ngân hàng thế giới trong dự án tư nhân hóa ngành sản xuất điện của chính quyền Pérou. Nước nầy có một vị Tổng thống gốc Nhật, Alberto Fujimori. Ông thành công trong việc dẹp tan 25.000 phiến quân cộng sản, Les sentiers lumineux, nhưng sau khi thay đổi chính quyền, ông bị lãnh án tù 20 năm vì vi phạm nhân quyền. Ông vừa được thả ra trước thời hạn vì già yếu, bệnh hoạn. Kỷ niệm mà tôi còn giữ lại trong chuyến đi Perou là nỗi sợ hãi khi anh tài xế lái chiếc Land Rover lên xuống dốc đường đèo nhỏ hẹp với tốc độ cao, dọc theo đường có vô số cây thánh giá ghi dấu những tai nạn đã xảy ra. Tôi không ngớt la: lentamente, reducir la velocidad.

Tôi đến Ukraine khi nước nầy vừa tách  khỏi Liên bang Sô viết và từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Xóa dần nền kinh tế quốc doanh, Ukraine gọi thầu quốc tế tư nhân hóa việc khai thác điện lực ở 10 thành phố lớn. Ukraine khi xưa được nói đến nhiều khi có sự rò rỉ phóng xạ lò nguyên tử của nhà máy điện Tchernobyl. Thủ đô Kiev có những con đường rộng thênh thang, phải chui xuống hầm mới băng qua đường. Metro xuống rất sâu trong lòng đất. Lác đác có vài tiệm Mc Donald. Đồng đô la rất được quý. Tôi được công ty Hydro-Québec giao nhiệm vụ đến Ukraine nghiên cứu khả thi việc đầu tư vào dự án tư nhân hóa ngành điện bao gồm ba khía cạnh kỹ thuật, thương mại, tài chánh. Về kỹ thuật, không có gì đáng nói vì Ukraine là một xứ Âu châu văn minh, có nhiều nhà máy điện nguyên tử. Tuy nhiên, về thương mại, Ukraine chưa thoát khỏi tàn tích của chủ nghĩa cộng sản. Giá điện thấp do chánh phủ tài trợ, dân không trả tiền điện. Tiền bán điện chỉ thu được 60%, phần còn lại là nợ khó đòi. Tình trạng nầy kéo theo một nền tài chánh bệ rạc, thua lỗ. Khía cạnh mấu chốt là làm sao một công ty tư nhân có thể cải tạo cái thói quen xấu còn tồn tại của XHCH trong khi chánh phủ bất lực. Sau cùng, hầu như không có công ty ngoại quốc nào chịu đầu tư.

Chuyến đi Ukraine của tôi thật thú vị. Công ty thuê cho tôi một người thông dịch là một tướng lãnh hồi hưu Canada gốc Ukraine. Nhờ vị tướng nầy và quyền lực quyết định khả thi đầu tư, tôi đi đâu cũng được nể trọng cộng thêm những ánh mắt ngạc nhiên.

Những ngày lưu lạc đã cho tôi những kinh nghiệm quí giá về con người và xã hội, làm thay đổi nhân sinh quan của tôi. Tôi không còn bỡ ngỡ khi nhìn người da đen như những ngày đầu đặt chân lên đất phi Châu. Tôi chỉ nhìn thấy đó là những người có máu đỏ, nước mắt trong, nụ cười rạng rỡ, có đủ tình cảm hỉ, nộ, ái, ố của con người mà Thượng đế ban cho, có người hiền lành chất phác ở thôn quê, có kẻ xảo trá, lém lỉnh nơi thành thị. Tôi rất đồng ý với tư tưởng của Jean Jacques Rousseau: «L'homme est naturellement bon, c'est la société qui l'a corrompue».  Bản tánh tự nhiên của con người là tốt, chính xã hội đã làm hư nó. Mạnh tử cũng đã nói: «Nhơn chi sơ, tánh bổn thiện». Nhìn về quê hương VN, khó ai phủ nhận người Việt đã thay đổi nhiều sau mấy mươi năm sống trong xã hội cộng sản. Đó là do sự tương tác giữa con người và xã hội cũng như giữa con người và thiên nhiên.

Trần Anh Kiệt

No comments:

Post a Comment