Nguồn: Michael Beckley và Hal Brands, "How Primed for War Is China?," Foreign Policy, 04/02/2024. Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Rủi ro
xung đột đang ở mức báo động đỏ.
Khả năng Trung
Quốc phát động chiến tranh là bao nhiêu?
Đây có thể là
câu hỏi quan trọng nhất trong các vấn đề quốc tế ngày nay. Nếu Trung Quốc sử
dụng lực lượng quân sự chống lại Đài Loan hoặc một mục tiêu khác ở Tây Thái
Bình Dương, kết quả có thể là chiến tranh với Mỹ – một cuộc chiến giữa hai gã
khổng lồ sở hữu vũ khí hạt nhân đang tranh giành quyền bá chủ khu vực, và rộng
hơn là bá quyền thế giới. Nếu Trung Quốc tấn công trong bối cảnh chiến tranh
đang nổ ra ở Ukraine và Trung Đông, thế giới sẽ bị huỷ diệt bởi các cuộc xung
đột đan xen trên khắp các khu vực trọng điểm của lục địa Á-Âu, một cuộc xung
đột toàn cầu chưa từng có kể từ Thế chiến II.
Chúng ta nên lo
lắng đến mức nào?
Gần đây đã xuất
hiện những động thái ngoại giao cấp cao giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng các
dấu hiệu cảnh báo chắc chắn vẫn còn đó. Dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình, Bắc Kinh đang tích lũy các tàu, máy bay và tên lửa như một phần trong kế
hoạch xây dựng quân sự lớn nhất của bất kỳ quốc gia nào trong hàng chục năm
qua. Bất chấp một số nỗ lực nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài eo hẹp,
Trung Quốc vẫn đang dự trữ nhiên liệu, thực phẩm, và cố gắng giảm thiểu khả
năng nền kinh tế của mình bị tổn thương trước các biện pháp trừng phạt – những
bước đi có thể được thực hiện nếu xung đột đến gần. Tập nói rằng Trung Quốc
phải chuẩn bị cho "các tình huống xấu nhất và cực đoan nhất" và sẵn
sàng chống chọi với "gió lớn, biển động, và thậm chí cả bão tố hiểm
nguy." Nguyên nhân đến từ việc Bắc Kinh ngày càng trở nên cưỡng ép (và đôi
khi bạo lực) trong cách đối xử với các nước láng giềng, gồm Philippines, Nhật
Bản và Ấn Độ – đồng thời thường xuyên tìm cách phô trương khả năng tấn công,
phong tỏa, và xâm lược Đài Loan.
Nhiều quan chức
Mỹ tin rằng nguy cơ chiến tranh đang gia tăng. Giám đốc CIA William Burns nhận
định Tập đang tìm kiếm khả năng xâm lược Đài Loan vào năm 2027. Và trong lúc
nền kinh tế Trung Quốc chật vật, một số nhà quan sát – kể cả nhiều nhà
phân tích tình báo Mỹ – đang tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy một Trung Quốc
đang đạt đỉnh có thể trở nên hung hăng, nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi các
vấn đề nội bộ hoặc củng cố thành quả trước khi quá muộn.
Các nhà phân
tích khác lại cho rằng nguy cơ Trung Quốc gây hấn đã bị thổi phồng quá mức. Một
số học giả tin rằng mối nguy có thể được kiểm soát với điều kiện Washington
không khiêu khích Bắc Kinh – đây là sự lặp lại của một lập luận lâu đời hơn,
rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi hiện trạng vốn đã có lợi cho họ. Những người
khác chỉ ra rằng Trung Quốc đã không phát động chiến tranh kể từ khi xâm lược
Việt Nam vào năm 1979. Và cũng có những người gạt bỏ triển vọng rằng Trung Quốc
có thể gây chiến để ứng phó với nền kinh tế đang chậm lại và các vấn đề trong
nước khác, tuyên bố rằng nước này không có lịch sử chiến tranh đánh lạc hướng.
Điều liên kết những lập luận này với nhau là niềm tin vào tính liên tục trong
cách ứng xử của Trung Quốc: ý tưởng rằng một quốc gia chưa phát động một cuộc
chiến thảm khốc nào trong hơn bốn thập niên qua sẽ khó có thể làm vậy trong
thời hiện đại.
Chúng tôi tin
rằng niềm tin này đã bị đặt sai chỗ một cách nguy hiểm. Hành vi của một quốc
gia được định hình sâu sắc bởi hoàn cảnh của quốc gia đó, không kém gì truyền
thống chiến lược của nước đó, và hoàn cảnh của Trung Quốc đang thay đổi một
cách đáng kể. Các nhà khoa học chính trị và các sử gia đã xác định một loạt yếu
tố khiến các cường quốc ít nhiều có xu hướng gây chiến. Khi xem xét bốn yếu tố
này, có thể thấy rõ rằng những thứ từng tạo điều kiện cho sự trỗi dậy hòa bình
giờ đây có thể khuyến khích sự suy tàn một cách bạo lực.
Thứ nhất, các
tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp khác của Trung Quốc đang trở nên ít có khả
năng thỏa hiệp hoặc giải quyết hòa bình hơn trước đây, khiến chính sách đối
ngoại trở thành một trò chơi có tổng bằng không. Thứ hai, cán cân quân sự ở
châu Á đang thay đổi theo hướng có thể khiến Bắc Kinh lạc quan đến mức nguy
hiểm về kết quả của chiến tranh. Thứ ba, dù triển vọng quân sự ngắn hạn của
Trung Quốc đã được cải thiện, triển vọng kinh tế và chiến lược dài hạn của nước
này lại trở nên u ám hơn – đây chính là kết hợp thường khiến các cường quốc
theo chủ nghĩa xét lại trở nên bạo lực hơn trong quá khứ. Thứ tư, Tập đã biến
Trung Quốc thành một chế độ độc tài cá nhân, một kiểu chế độ rất dễ vướng vào
những tính toán sai lầm tai hại và những cuộc chiến phải trả giá đắt.
Điều này không
có nghĩa là Trung Quốc sẽ xâm lược Đài Loan trong một tuần, tháng, hoặc năm cụ
thể. Không thể dự đoán chính xác khi nào xung đột có thể xảy ra bởi nguyên nhân
thường là một cuộc khủng hoảng không lường trước được. Ngày nay, chúng ta đều
biết rằng châu Âu đang trên đà xảy ra chiến tranh vào năm 1914. Tuy nhiên, Thế
chiến I có thể đã không xảy ra vào thời điểm đó nếu tài xế chở Đại Công tước Áo
Franz Ferdinand không rẽ nhầm đường, dẫn đến một trong những bước ngoặt bi thảm
nhất của lịch sử. Chiến tranh giống động đất hơn: Chúng ta không thể biết chính
xác khi nào chúng sẽ xảy ra, nhưng chúng ta có thể nhận ra các yếu tố dẫn đến
mức độ rủi ro cao hơn hoặc thấp hơn. Và giờ đây, các chỉ số rủi ro của Trung
Quốc đang nhấp nháy màu đỏ.
Thoạt nhìn, khả
năng xảy ra chiến tranh Mỹ-Trung có vẻ xa vời.
Bắc Kinh đã
không tham gia một cuộc chiến lớn nào trong 44 năm qua, và quân đội của họ cũng
không giết hại một lượng lớn người nước ngoài kể từ năm 1988, khi các tàu khu
trục nhỏ của Trung Quốc bắn chết 64 thủy thủ Việt Nam trong một cuộc giao tranh
trên quần đảo Trường Sa. Cho đến nay, cái gọi là hòa bình châu Á – việc không
có chiến tranh giữa các quốc gia ở Đông Á kể từ năm 1979 – vẫn dựa trên nền hòa
bình của Trung Quốc.
Nhưng không có
chiến tranh không có nghĩa là không có xâm lược: Bắc Kinh đã sử dụng các khả
năng quân sự và bán quân sự để mở rộng quyền kiểm soát của mình ở Biển Đông và
Biển Hoa Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng nhiều lần xung đột đẫm
máu với Ấn Độ. Tuy nhiên, thực tế là Bắc Kinh đã tránh tham gia các cuộc chiến
lớn – trong khi Mỹ đã tham gia một vài cuộc chiến trong số đó – đã cho phép các
quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng đất nước của họ đang đi theo một con đường
hòa bình độc nhất để trở thành cường quốc toàn cầu. Và tuyên bố đó cũng buộc
những người lo ngại về chiến tranh phải giải thích tại sao Trung Quốc, quốc gia
đã tăng trưởng kỷ lục nhờ hai thế hệ hòa bình, lại quyết định đột ngột thay đổi
hướng đi?
Đây không phải
là lần đầu tiên một cường quốc tưởng chừng đang trỗi dậy hòa bình lại bất ngờ
thay đổi. Trước năm 1914, Đức không hề tham gia một cuộc chiến lớn nào suốt hơn
40 năm. Vào thập niên 1920, đối với nhiều nhà quan sát nước ngoài, Nhật Bản là
một bên liên quan có trách nhiệm, sẵn sàng ký các hiệp ước cam kết hạn chế hải
quân, chia sẻ quyền lực ở châu Á và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Đầu những năm 2000, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cân nhắc việc gia nhập
NATO và đưa Nga đến gần hơn với phương Tây. Việc mỗi nước trong nhóm này bất
chấp tất cả để phát động các cuộc chiến tranh chinh phục man rợ đã nhấn mạnh
một sự thật cơ bản: Mọi thứ đều thay đổi. Cùng một nước vẫn có thể hành xử khác
nhau, thậm chí khác xa, tùy thuộc vào hoàn cảnh.
Một tình huống
như vậy thường xảy ra do tranh chấp lãnh thổ.
Phần lớn các
cuộc chiến đều xoay quanh việc ai sở hữu dải đất nào trên Trái Đất; khoảng 85%
các cuộc xung đột quốc tế diễn ra kể từ năm 1945 đều xoay quanh các yêu sách
lãnh thổ. Lãnh thổ rất khó phân chia vì chúng thường có ý nghĩa mang tính biểu
tượng hoặc chiến lược. Ngay cả khi các quốc gia đồng ý cùng phân chia một khu
vực nào đó, thì cuối cùng họ vẫn sẽ đối đầu để giành lấy những phần có giá trị
nhất, chẳng hạn như thành phố, mỏ dầu, thánh địa, hải cảng, hoặc điểm cao chiến
lược. Ngoài ra, việc bảo vệ lãnh thổ đòi hỏi sự hiện diện vật lý dưới hình thức
hàng rào, binh lính, hoặc dân định cư. Vì vậy, khi các quốc gia tuyên bố chủ
quyền trên cùng một lãnh thổ, họ chắc chắn tiếp xúc thường xuyên và theo cách
không thân thiện. Tranh chấp lãnh thổ đặc biệt có khả năng leo thang nếu một
bên lo ngại yêu sách của mình đang biến mất nhanh chóng. Nỗi sợ rằng lãnh thổ
lịch sử đang bị tước đoạt hoặc đất nước bị kẻ thù chia cắt có thể kích động
hành vi xâm lược, điều mà một quốc gia có biên giới an toàn sẽ không lựa chọn.
Nguyên nhân thứ
hai dẫn đến chiến tranh là sự thay đổi cán cân quân sự. Các cuộc chiến diễn ra
vì nhiều vấn đề khác nhau nhưng tất cả đều có chung một nguyên nhân cơ bản: sự
lạc quan sai lầm. Chúng xảy ra khi cả hai bên tin rằng họ có thể sử dụng vũ lực
để đạt được mục tiêu – nói cách khác, khi cả hai bên tin rằng mình có thể giành
chiến thắng. Chiến tranh rất hiếm khi có kẻ toàn thắng – nghĩa là ít nhất một
bên – và thường là cả hai – đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi đánh giá thấp sức
mạnh của đối thủ. Nói tóm lại, một cán cân quân sự mang tính cạnh tranh hoặc mơ
hồ sẽ dẫn đến chiến tranh; do đó, bất cứ điều gì khiến cho cán cân đó trở nên
cạnh tranh hơn hoặc mơ hồ hơn, chẳng hạn như việc áp dụng công nghệ mới hoặc sự
tăng cường quân sự quy mô lớn của bên yếu hơn, đều làm tăng nguy cơ chiến
tranh.
Thứ ba, các
cường quốc trở nên hiếu chiến khi họ lo sợ sự suy tàn trong tương lai. Cạnh
tranh địa chính trị rất khốc liệt và không khoan nhượng, vì vậy các quốc gia sẽ
cố gắng bảo vệ sự giàu có và quyền lực tương đối của mình. Ngay cả những quốc
gia hùng mạnh nhất cũng có thể rơi vào vòng xoáy bất ổn bạo lực khi phải đối
mặt với trì trệ kinh tế, bao vây chiến lược, hoặc các xu hướng kéo dài khác vốn
đe dọa vị thế quốc tế của họ và khiến họ dễ bị kẻ thù tấn công. Được vũ trang
mạnh mẽ nhưng ngày càng trở nên lo lắng, một cường quốc đang trên bờ vực suy
tàn sẽ vội vã, thậm chí tuyệt vọng, tìm cách chống lại các xu hướng bất lợi
bằng mọi giá. Đối với đế quốc Đức, đế quốc Nhật, và nước Nga của Putin, điều đó
có nghĩa là chiến tranh.
Cuối cùng, cách
hành xử của một quốc gia được định hình bởi chế độ của quốc gia đó. Các chế độ
độc tài cá nhân có nguy cơ phát động chiến tranh cao gấp đôi so với các chế độ
dân chủ hoặc chế độ chuyên chế trong đó quyền lực được nắm giữ trong tay nhiều
người. Các nhà độc tài khởi xướng nhiều cuộc chiến hơn vì họ ít phải gánh chịu
cái giá phải trả của xung đột: Trong 100 năm qua, chỉ có 30% nhà độc tài thua
trận bị hạ bệ khỏi quyền lực, trong khi gần 100% các nhà lãnh đạo dưới các chế
độ khác khi thua trận đều bị bỏ phiếu truất quyền hoặc bị lật đổ. Các nhà độc
tài lựa chọn con đường cực đoan vì xung quanh họ là những kẻ nịnh bợ, những kẻ
sẽ dốc hết sức để đáp ứng yêu cầu của "lãnh đạo kính yêu." Các nhà
độc tài cũng nuôi dưỡng những đối thủ nước ngoài, cả có thật lẫn tưởng tượng,
bởi chủ nghĩa dân tộc dựa trên huyết thống và lãnh thổ (blood-and-soil
nationalism) giúp họ biện minh cho sự cai trị hà khắc trong nước. Vì vậy, trong
khi các nhà lãnh đạo của các chính phủ bị kiểm soát (một cách dân chủ) thường
cai trị một cách khiêm tốn và chìm vào quên lãng, thì các nhà độc tài – bao gồm
Adolf Hitler của Đức, Benito Mussolini của Ý, Joseph Stalin của Liên Xô, Mao
Trạch Đông của Trung Quốc, Saddam Hussein của Iraq, Vladimir Putin của Nga –
lại thường xuyên đi vào các sách lịch sử.
Bốn yếu tố này
– biên giới bất ổn, cán cân quân sự mang tính cạnh tranh, những kỳ vọng tiêu
cực, và chế độ độc tài cá nhân – giúp giải thích việc sử dụng vũ lực của Trung
Quốc trong lịch sử, và chúng cũng có những ảnh hưởng đáng lo ngại ngày nay.
Cộng hòa Nhân
dân Trung Hoa ra đời trong chiến tranh.
Sau một
thế kỷ chịu đựng ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc nước ngoài, Trung Quốc trở
thành chiến trường chính của Thế chiến II ở châu Á sau khi Nhật Bản xâm lược
vào năm 1937. Ít nhất 14 triệu người Trung Quốc đã thiệt mạng. Sau đó, từ năm
1945 đến năm 1949, Nội chiến Trung Quốc lên đến đỉnh điểm đẫm máu, khiến thêm
ít nhất 2 triệu người thiệt mạng khi phe Cộng sản lên nắm quyền.
Được rèn giũa
giữa những xung đột này, Trung Quốc nổi lên như một quốc gia siêu hiếu chiến.
Trong nhiều thập niên, họ là một trong những quốc gia có nhiều xung đột nhất
thế giới, trải qua 5 cuộc chiến và trở thành kẻ thù chính của cả hai siêu cường
Chiến tranh Lạnh. Kỷ lục bạo lực này không có gì đáng ngạc nhiên bởi Trung Quốc
đã bộc lộ cả bốn yếu tố có nguy cơ dẫn đến chiến tranh.
Đầu tiên, Trung
Quốc được lãnh đạo bởi Mao Trạch Đông, biểu tượng đỉnh cao của chế độ độc nhân
trị. Ông thường xuyên thanh trừng các đồng nghiệp của mình và đơn phương ra
quyết định giữa đêm, khi vẫn còn nửa tỉnh nửa mơ, dựa trên những lý do khó hiểu
và hay thay đổi. Ông cũng có thái độ coi thường mạng sống con người thật đáng
kinh ngạc. Khoảng 45 triệu người đã bị bỏ đói, đánh đập, hoặc bị bắn chết trong
Đại Nhảy vọt, kế hoạch đầy thiếu sót của Mao nhằm biến Trung Quốc thành siêu
cường ngay khi ông còn tại vị. Phần nào để tập hợp cả nước ủng hộ kế hoạch tai
hại này, Mao đã gây ra một cuộc khủng hoảng quốc tế vào năm 1958 bằng cách pháo
kích vào các hòn đảo do chính phủ Quốc Dân Đảng nắm giữ ở Đài Loan.
Mao là một bạo
chúa, nhưng ngay cả một nhà lãnh đạo ít tàn nhẫn hơn cũng sẽ chật vật tìm cách
gìn giữ hòa bình cho một quốc gia đã tan vỡ đến vậy. Sau khi giành chiến thắng
trong cuộc nội chiến, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phải tái
lập sử kiểm soát của chính quyền trung ương ở từng làng và nỗ lực tiêu diệt sự
phản kháng của các dân tộc thiểu số, lãnh chúa, và những người có cảm tình với
Quốc Dân Đảng. Tệ hơn nữa, sự sụp đổ của các đế chế Nhật Bản và châu Âu khiến
Trung Quốc bị bao vây một phần bởi các quốc gia mới có thái độ thù địch, bất
ổn, hoặc cả hai. Phần lớn biên giới Trung Quốc đều vướng vào tranh chấp ở một
mức độ nào đó. Tính đến những năm 1960, biên giới Xô-Trung chính là nơi được
quân sự hóa nhiều nhất trên thế giới. Còn Đài Loan trở thành căn cứ của chính
phủ Trung Hoa Dân Quốc đối địch, được Mỹ hậu thuẫn, với các kế hoạch công khai
nhằm tái chiếm đại lục. Về phần mình, Ấn Độ đã tiếp đón chính phủ Tây Tạng lưu
vong và tuyên bố chủ quyền với nhiều vùng lãnh thổ của Trung Quốc. Trong khi
đó, khu trung tâm của Trung Quốc bị chèn ép giữa hai điểm nóng Chiến tranh Lạnh
là Đông Dương và Bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc
thường xuyên cho rằng họ có nguy cơ bị chia cắt, một tổn thương lịch sử vốn đã
trở nên trầm trọng hơn do những thảm họa kinh tế và biến động chính trị mà Mao
gây ra. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn có một chiến lược khả thi để chống lại từng
nước láng giềng trên đất liền, vì dân số khổng lồ của Trung Quốc cho phép nước
này nuốt chửng đối thủ thông qua cái mà Bắc Kinh gọi là "chiến tranh nhân
dân," một sự kết hợp giữa các cuộc tấn công bằng biển người và các cuộc
tấn công du kích. Tóm lại, đây là một sự kết hợp dễ phát nổ: một chế độ độc tài
tàn bạo có nhiều tranh chấp lãnh thổ và được trang bị nguồn nhân lực dường như
vô tận.
Do đó, Trung
Quốc đi từ xung đột này sang xung đột khác, trở nên bạo lực khi nước này cảm
thấy đặc biệt dễ bị tổn thương hoặc lo sợ vị thế của mình sắp bị suy giảm. Năm
1950, Trung Quốc tấn công lực lượng Mỹ trên đường tiến sâu vào lãnh thổ Triều
Tiên, chấp nhận nguy cơ bị trả đũa hạt nhân. Cuối thập niên đó, Trung Quốc gần
như đã phát động thêm hai cuộc chiến bổ sung bằng cách pháo kích các đơn vị đồn
trú của Quốc Dân Đảng trên các đảo ngoài khơi ở Eo biển Đài Loan. Năm 1962, Bắc
Kinh tấn công lực lượng Ấn Độ sau khi người Ấn xây dựng các tiền đồn trên lãnh
thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở dãy Himalaya. Trong Chiến tranh Việt
Nam, Trung Quốc đã gửi hàng nghìn quân sang để chống Mỹ. Năm 1969, Bắc Kinh một
lần nữa mạo hiểm với chiến tranh hạt nhân khi phục kích lực lượng Moscow dọc
theo Sông Ussuri, sau khi Liên Xô tăng cường quân sự đáng kể ở đó. Mười năm
sau, Trung Quốc tấn công Việt Nam sau khi Việt Nam tiếp đón lực lượng Liên Xô và
đưa quân vào Campuchia, một trong những đối tác thân thiết duy nhất của Bắc
Kinh.
Sau đó, tiếng
súng của Trung Quốc đã gần như im bặt. Đúng là có những trường hợp ngoại lệ,
đáng chú ý nhất là vào năm 1995 và 1996, khi Trung Quốc phóng tên lửa gần Đài
Loan. Nhưng nhìn chung, Bắc Kinh đã bớt gai góc và hung hăng hơn trong giai
đoạn 1980 đến giữa những năm 2000, khi hoàn cảnh của nước này thay đổi đáng kể.
Đầu tiên, chế
độ đã ôn hoà hơn. Năm 1976, Mao qua đời và được thay thế bởi Đặng Tiểu Bình,
người từng bị Mao thanh trừng và hiểu rõ sự nguy hiểm của chế độ độc nhân trị.
Dưới sự chỉ đạo của Đặng, giới hạn nhiệm kỳ cho các lãnh đạo cấp cao đã được
thiết lập. Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Ban chấp hành Trung ương
ĐCSTQ bắt đầu nhóm họp thường xuyên. Một bộ máy hành chính chuyên nghiệp bắt
đầu thành hình. Những thể chế này còn lâu mới hoàn hảo, nhưng chúng đã tạo ra
những biện pháp kiểm soát quyền lực mà dưới thời Mao hoàn toàn không có.
Thứ hai, vị thế
địa chính trị của Trung Quốc được cải thiện và các mối đe dọa đối với sự toàn
vẹn lãnh thổ của nước này cũng giảm bớt. Sau khi Mỹ mở cửa với Trung Quốc vào
những năm 1970, chính phủ đối địch ở Đài Loan đã mất phần lớn sự công nhận về
mặt ngoại giao và liên minh quân sự với Mỹ. Để dồn ép Liên Xô, Mỹ đã thành lập
một "bán liên minh" với Trung Quốc và chuyển giao công nghệ tiên tiến
cho các công ty của nước này. Đài Loan, Liên Xô, Ấn Độ, và Việt Nam không còn
có thể xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc mà không kích động phản ứng từ Mỹ. Và khi
Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, các mối đe dọa lớn đối với biên giới đất liền của
Trung Quốc gần như biến mất hoàn toàn. Nếu không có sự hỗ trợ của Nga, Ấn Độ,
Việt Nam, và các quốc gia mới thành lập ở Trung Á sẽ không thể tranh giành biên
giới với Trung Quốc. Thay vào đó, họ chuyển sang bình thường hóa quan hệ với
Bắc Kinh.
Thứ ba, quan
điểm của Trung Quốc về tương lai dần trở nên tươi sáng hơn. Sau khi xích lại
gần Mỹ và các nền dân chủ khác, Trung Quốc đã dễ dàng tiếp cận nền kinh tế toàn
cầu và có được một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Từ
cuối những năm 1970 đến đầu những năm 2000, nền kinh tế nước này tăng trưởng
với tốc độ chóng mặt. Hết nước này đến nước khác đều hết lòng ủng hộ Bắc Kinh
để tiếp cận thị trường đang bùng nổ của họ. Anh trao trả Hong Kong, còn Bồ Đào
Nha từ bỏ Ma Cao. Mỹ nhanh chóng đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế
giới. Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển bùng nổ và các quốc gia hùng mạnh
nhất thế giới đều chào đón sự trỗi dậy của nước này, Bắc Kinh chẳng có lý do gì
để đảo lộn hiện trạng dường như đang trở nên tốt đẹp hơn từng ngày.
Cuối cùng,
Trung Quốc ít có cơ hội chinh phạt. Dù ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao của họ
đã tăng vọt, Trung Quốc rõ ràng vẫn không đủ khả năng quân sự để chiếm giữ các
lãnh thổ vẫn đang tranh chấp, phần lớn trong số đó nằm trên biển. Trước những
năm 2000, với lực lượng không quân và hải quân yếu, một cuộc xâm lược của Trung
Quốc nhắm vào Đài Loan sẽ giống như việc "hàng triệu người cùng nhảy xuống
nước," trong khi một cuộc đụng độ hải quân với các lực lượng tiên tiến của
Nhật Bản sẽ kết thúc chỉ sau vài giờ. Quan trọng nhất, Mỹ có thể sẽ đè bẹp sự
hung hăng của Trung Quốc ở vùng biển châu Á. Sau khi chứng kiến lực lượng Mỹ
tiêu diệt quân đội Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh, các nhà lãnh đạo Trung
Quốc đã quyết định đi theo châm ngôn nổi tiếng của Đặng – "ẩn mình chờ
thời."
(Còn tiếp một phần)
No comments:
Post a Comment