Friday 3 February 2012

Không chỉ có 1 con đường


Một Tăng Đồ hỏi Thiền Sư Baling Haojian:
-          Nghiã lý của Sư Tổ và ý nghiã của Giáo Lý có gì giống nhau, có gì khác nhau?
-          Khi Vịt lạnh chúng lội xuống nước, khi Gà lạnh chúng đậu trên cây!

Lời bình: Lạnh vẫn là lạnh, nhưng phương thức tránh lạnh thì lại khác nhau! Cùng một mục tiêu, nhưng mỗi loài lại có cách riêng của chúng. Để đạt mục tiêu không chỉ có một cách thức duy nhất, một con đường duy nhất! Không phải ai cũng cùng đi một con đường! Không nhất thiết như vậy, mỗi người có thể lựa chọn con đường riêng thích hợp của mình để đi! Quan trọng không phải mình đi con đường nào, mà là con đường nào mình có thể đi, và mình có thể đến mục tiêu! Có những con đường tuy là nó sẽ đến mục tiêu nhưng lại là con đường mình không thể đi! Ngược lại có con đường, tuy mình có thể đi, nhưng lại không đến được mục tiêu!

Trong câu chuyện nầy thì tuy rằng hai cách thức, hai con đường hoàn toàn khác nhau, con vịt lạnh lội xuống nước, con gà lạnh đậu trên cây, nhưng cả hai cách thức, hai con đường nầy đều đi đến mục tiêu là tránh lạnh! Vấn đề quan trọng không phải là chuyện khác nhau hay giống nhau, mà là cách thức nào thích hợp cho đối tượng! Cách thức thích hợp cho đối tượng nầy, có thể không thích hợp cho đối tượng khác, và ngược lại!

Câu chuyện nầy, hay câu chuyện khác, có thể cho ta một vài chân lý hay là một vài bài học nào đó, nhưng ngay cả chân lý thì cũng chỉ có giá trị tương đối, chân lý cũng không có giá trị tuyệt đối! Có thể có nhiều cách thức, nhiều con đường để đến được mục tiêu! Có thể có những cách thức, những con đường khác nhau, nhưng quan trọng là phải biết lựa chọn cách thức nào, con đường nào, không thể nhắm mắt đi càn mà không cần có sự lựa chọn!Nhất định phải có sự lựa chọn và còn phải cân nhắc, lựa chọn cẩn thận!

Không phải chỉ có chuyện xem xét cách thức, con đường nào thích hợp với mình, mà còn phải xem xét nhiều thứ, nhiều điều, nhiều mặt...của những cách thức, con đường mình chọn lựa! Phải xét hết các tính chất: thiện ác, ngay gian, chánh tà..., không thể bất chấp thiện ác, chánh tà, ngay gian... để đạt đến mục tiêu! Có nhiều việc không thể nói như Đặng Tiểu Bình: “mèo trắng hay mèo đen gì cũng được, miễn là nó bắt được chuột!”, bởi vì có nhiều việc mình không thể bất chấp! Phải chăng là vì câu nói nầy của Đặng Tiểu Bình, mà Trung Quốc đã bất chấp thủ đoạn để làm giàu! Bất chấp đạo lý để bành trướng lãnh thổ, để mưu chiếm bá quyền, để gây hấn lân bang...!

No comments:

Post a Comment