Monday, 6 February 2012

Truyện Cổ Tích Dân Gian Hồi Giáo


Có một nhân vậu phiêu lưu tên là Mullah Nasrudin, trên đường về nhà, anh lạc bước đến khu Chợ của một Thị Trấn nhỏ, đang cơn đói khát, anh chợt nhìn thấy một người đứng bán những qủa gì đỏ tươi, chín mọng. Thấy ngon mắt qúa, anh dốc túi mua một giỏ lớn, rồi tìm chỗ ngồi ăn. Vừa cắn một miếng to, miệng anh đã cháy bỏng như nuốt phải than hồng! Mắt mũi ràn rụa! mặt đỏ lửng! Nhưng anh vẫn cứ ăn tiếp!

Một người đi qua thấy anh khốn khổ quá nên dừng chân hỏi cớ sự. Nasrudin há hốc mồm ra thở, và nói cứ tưởng trái cây nầy là ngon, nên đã trót mua cả giỏ. Người kia bảo ớt đấy, đừng ăn nữa! Nhưng Nasrudin trả lời là đã mất tiền mua thì không thể bỏ được! Anh ta lý giải rằng không phải là mình đang ăn ớt mà là mình đang ăn tiền, vì nếu bây giờ không ăn thì chẳng lẽ là anh bỏ mất tiền hay sao?!

Lời bình: Nghe xong câu chuyện Cổ tích dân gian Hồi Giáo nầy, nhiều người sẽ bật cười, nhiều người sẽ chê rằng Nasrudin quả thật là một anh chàng ngu dốt, khù khờ! Sao mà anh ta ngu đến thế! Không biết trái gì sao lại dám mua?! Tưởng là ngon lắm nhưng vừa ăn vào đã thấy cay, lẽ ra thì phải ngưng lại ngay, nhưng sao anh ta lại cứ ăn tiếp?! Biết là đã mua phải trái ớt rồi sao lại không chịu bỏ đi?!...Quả thật là cái anh chàng Nasrudin nầy có quá nhiều cái ngu, quá nhiều cái dại, quá nhiều cái khờ, quá nhiều cái ngoan cố....! Nhưng mà thực ra, cũng có quá nhiều người trong chúng ta cũng không hơn gì cái anh chàng Nasrudin ngu khờ nầy, chỉ là mình đã không nhận biết là mình cũng ngu khờ như vậy mà thôi!

Thực tế, chúng ta cũng hoặc bỏ ra tiền bạc, hoặc bỏ ra công sức, hoặc bỏ ra thì giờ... để mua sắm một hay những cái gì đó, cho dù sau đó có nhận ra những cái chúng ta mua tậu nầy không có giá trị, không có lợi ích, thậm chí còn có hại, như trong câu chuyện của anh chàng Nasrudin nầy, anh ta muốn mua một thứ trái cây ngon để ăn, cho dù biết là đã mua lầm thứ trái ớt không ăn được, nhưng mà anh ta vẫn không chịu vất bỏ đi, đã vậy mà anh ta lại còn cứ cố ăn cho bằng hết số ớt mà anh ta đã lỡ mua! 

Trong câu chuyện của anh chàng Nasrudin đáng thương nầy, chỉ cần thay đổi sự vật tượng trưng ở đây là trái ớt cay của Nasrudin, bằng những thứ khác nhưng cũng có cùng chung một tính chất là thứ đó hoặc là không đáp ứng nhu cầu, hoặc là bất lợi, hoặc là có hại..., thì chúng ta sẽ thấy mình cũng đã từng là nạn nhân của bao nhiêu lần chúng ta đã phải tốn kém tiền bạc mà chúng ta còn phải ăn những trái ớt cay, nhưng lại cứ nhất định là không chịu nhả ra! 

Thí dụ, có người đã phải bỏ ra bao nhiêu công sức, tiền của, thời gian... để cưới một người vợ, một người chồng, nhưng sau đó dù có khám phá ra bao nhiêu điều bất hợp, bất mãn, bất bình.. kể cả bao nhiêu đau khổ, tức giận, thiệt thòi... từ người người vợ hay người chồng, nhưng thực tế thì phần đông chúng ta vẫn phải gắn bó, có khi suốt cả cuộc đời với người chồng hay người vợ đã luôn luôn làm ta đau khổ!

Kết luận: Khi người ta đã đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc... vào một việc gì- một mối quan hệ, một nghề nghiệp, một quyết định, một chọn lựa..., để rồi khi nhận ra rằng sự việc diễn biến không như mong đợi, nguời ta vẫn thường chấp nê, vẫn cố theo đuổi, thay vì thừa nhận rằng mình đã sai lầm! Quyết định hay là hành động thay đổi những cái sai lầm nầy còn khó khăn hơn nữa, rất khó khăn, không mấy người làm được! 

Nhiều người luôn than thở “Đời là bể khổ”, nhưng đó không phải là bản chất của cuộc đời, nhiều người không biết là có nhiều cái khổ do chính mình tạo ra! Không có ông Trời nào bắt mình phải khổ! Mình tạo ra cái khổ, không ý thức cái khổ và không từ bỏ cái khổ thì mình ráng chịu mà thôi, chớ không nên trách Trời, trách Đất, cũng không thể cầu xin Trời Phật cứu giúp hết khổ, hết đau, không có Trời Phật nào cứu giúp được mình, khi mình tự gánh khổ vào thân, khi mình tự gây ra cái khổ, khi mình không chịu từ bỏ cái khổ...!

No comments:

Post a Comment