Monday 12 March 2012

Có Người Ngoài Hành Tinh

Khi de Winne mới ở tuổi thiếu niên, giới thiên văn đã phát hiện nhiều điều thú vị về thiên hà, hố đen và siêu tân tinh. Chính những phát hiện đó thu hút sự chú ý của ông và khiến ông trở nên đam mê thiên văn học. Năm 1981, khi de Winne đang là sinh viên đại học, tàu con thoi Columbia của Mỹ thực hiện chuyến bay có người đầu tiên vào vũ trụ. Đó là năm de Winne đề ra mục tiêu cho bản thân phải trở thành phi hành gia. Ông viết thư tới Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ để nêu nguyện vọng, song họ trả lời rằng ông còn quá trẻ và nên tập trung vào việc học.

“Sự sống có thể tồn tại ngoài địa cầu hay không?” là câu hỏi rất cơ bản mà de Winne quan tâm nhất. Dù giới khoa học chưa tìm ra bằng chứng cụ thể, cựu phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vẫn tin trái đất không phải là nơi duy nhất có sự sống trong vũ trụ.

“Cách đây khoảng 5-600 năm mọi người từng tin rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ và mọi ngôi sao, hành tinh xoay quanh trái đất. Nhưng ngày nay chúng ta đều biết điều đó không đúng và trái đất chỉ là một phần tử cực kỳ nhỏ trong không gian bao la. Vũ trụ bao gồm hàng tỷ thiên hà và mỗi thiên hà lại có hàng tỷ ngôi sao. Giờ đây cứ mỗi ngày chúng ta phát hiện từ 3 tới 5 hành tinh mới. Tôi là người có tư tưởng cởi mở. Vì thế tôi tin loài người không hề đơn độc trong vũ trụ”, ông giải thích.

Cựu phi hành gia 50 tuổi nói nghề du hành vũ trụ có nhiều điều vô cùng thú vị. Được bay vào không gian và sống trong trạng thái bay lơ lửng là điều mà vô số người mơ ước. Từ trên vũ trụ, de Winne có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của trái đất, đồng thời cảm nhận được sự mênh mông của vũ trụ.

Nhưng điều thú vị nhất đối với ông là được làm việc với những con người tới từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Chẳng hạn, trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) ông thường xuyên làm việc cùng các phi hành gia tới từ nhiều quốc gia như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Đức, Canada. Mỗi ngày hàng nghìn người dưới mặt đất phối hợp với nhau để hỗ trợ các phi hành gia trong vũ trụ.

“Mỗi phi hành gia chỉ là một thành viên trong một tập thể lớn. Chúng tôi cùng làm việc vì tương lai của loài người”, ông bình luận.

Bay lên vũ trụ là điều mà nhiều người mơ ước, song nó cũng là thách thức lớn nhất của mọi phi hành gia. Họ sẽ phải xa gia đình trong một khoảng thời gian khá dài (thường là 6 tháng). Trong những ngày đầu trên không gian, phi hành gia cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Mọi hoạt động trong môi trường không trọng lượng diễn ra chậm hơn nhiều so với khi chúng được thực hiện trên trái đất. Trên ISS, nhà du hành không được tắm trong 6 tháng.
Môi trường không trọng lượng khiến cơ bắp của con người rất dễ teo. Vì thế các phi hành gia phải tập thể thao thường xuyên để duy trì sức khỏe và cơ bắp. Những môn thể thao mà de Winne và các nhà du hành khác thường tập là chạy trên băng chuyền, nâng tạ. Nước trên ISS và phi thuyền được tái chế liên tục để trở thành nước tinh khiết.

“Chúng tôi thường nói đùa rằng cốc cà phê mà một phi hành gia uống hôm nay được pha bằng nước của cốc cà phê mà người đó uống hôm qua và những hôm trước nữa”, de Winne nói.

Thám hiểm không gian là công việc nguy hiểm. Vì thế các phi hành gia luôn phải sẵn sàng đối phó những tình huống xấu nhất. De Winne nói xử lý các biến cố bất ngờ chiếm tới 70% hoạt động của phi hành gia trong quá trình tập luyện trước mỗi chuyến bay. Trong buổi tập đầu tiên, mọi việc sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch để phi hành gia hiểu chuyến bay bình thường sẽ diễn ra thế nào.

Nhưng từ buổi tập thứ hai cho đến buổi tập cuối, mọi loại biến cố liên tục phát sinh để nhà du hành học cách đối phó. Chỉ riêng đối với quá trình tàu vũ trụ trở lại trái đất, de Winne luôn phải tập hạ cánh tối thiểu 200 lần trước mỗi chuyến bay. Quá trình tập luyện đối phó biến cố được lặp lại rất nhiều lần để các phi hành gia không rơi vào trạng thái hoảng hốt nếu tình huống khẩn cấp xảy ra.

“Đương nhiên, chúng tôi vẫn ý thức được rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong mọi chuyến thám hiểm, chẳng hạn như vụ nổ của tàu con thoi Columbia vào năm 2003. Mọi chuyến bay đều có thể trở thành thảm họa với xác suất 1/80. Con số đó cho thấy thám hiểm vũ trụ là hoạt động nguy hiểm”, de Winne phát biểu.
Quãng đời làm phi hành gia giúp de Winne rút ra nhiều bài học lớn trong cuộc sống đời thường - như tuân thủ kỷ luật, tự kiểm soát bản thân và sống vì mọi người.


No comments:

Post a Comment