Thursday 1 December 2011

Minh triết Tử Sinh


 MINH TRIẾT TỬ SINH

  • Bài của Thái Tấn Truyền

Sinh Tử là định luật của Tạo Hóa, đối với vạn vật muôn loài, bất cứ loài vật nào, động vật hay thực vật, hễ là sinh vật là tất có tử vong; không có một loài vật nào, không có giống vật nào, có thể tránh khỏi định luật sinh tử của Tạo Hóa. Con người cũng là một sinh vật, cho dù con người có thông minh, có tài trí, có tiềm năng, có khả năng, vân vân, cho dù con người có tâm linh đi nữa thì con người, bất kể con người nào, bất kể là ai, cũng đều bị chi phối, tác động bởi định luật sinh tử của Tạo Hóa.

Sinh vật có tuổi thọ nhiều nhất là những loài cây cổ thụ, nhưng số tuổi thọ của những cây cổ thụ thường cũng chỉ có mấy trăm năm, có thể bảy tám trăm năm, có thể cả ngàn năm, nhưng cây cổ thụ nào rồi cũng chết, cũng mục rả, cũng tan biến theo năm tháng, thời gian, không có một cây cổ thụ nào có thể sống hòai, có thể tồn tại mãi mãi. Có những loài sinh vật, tương truyền có tuổi thọ mấy trăm năm, những con cá dưới lòng biển, những con rùa trong lòng hồ, thọ mấy trăm năm, nhưng rồi thì cũng không có con cá nào, con rùa nào sống mãi, con cá nào, con rùa nào rồi cũng chết, không có bất cứ con vật nào có thể sống mãi, có thể trường thọ, trường tồn với năm tháng, với thời gian.

Có những truyền thuyết về những nhân vật tiền sử, tổ tiên con người, những tên tuổi như là ông Bành Tổ, sống thọ cả ngàn năm, sự thực chỉ là những truyền thuyết, những giả thuyết, những câu chuyện thêu dệt, hoang đường, tưởng tượng, vân vân, không có thật, không phải là sự thật. Mà ngay đến cả những nhân vật truyền thuyết hoang đường thêu dệt, tưởng tượng, vân vân, ngay đến cả nhân vật “ông Bàng Tổ”, người ta cũng không dám thêu dệt chuyện trường sinh bất tử, cho nên khi nói đến đời sống con người, chúng ta phải thấy cái ngắn ngủi của kiếp sống nhân sinh, của thời gian tuổi thọ con người.

Tuổi thọ của con người, nói chung chỉ có trên dưới, trong ngoài con số 100 năm, những người sống trên 100 năm thật là hiếm ít, và thường là những con người già yếu, bệnh hoạn, ốm đau, vân vân, con số không đáng kể, đời sống không vui vẻ, không hạnh phúc, không an lạc, đời sống không nên mưu cầu, không nên mong muốn, không nên kiếm tìm. Mà ngay cả cái giới hạn 100 năm ngắn ngủi của đời người, như câu thơ Kiều của Thi Hào Nguyễn Du: “trăm năm trong cõi người ta”, chúng ta lại có rất ít thời gian để sống thực sự, sống ích lợi, sống hạnh phúc, vui vẻ, an lạc, an nhàn, vân vân.

Trong những năm tháng đầu đời, trong thân xác nhỏ bé, yếu đuối của một đứa trẻ thơ, chúng ta phải sống nương nhờ vào tình thương, sự nuôi nấng, dạy dỗ, chăm sóc của người khác, của cha mẹ, anh chị em, ông bà nội ngoại, cậu mợ, cô dì, chú bác, vân vân. Từ lúc biết đi đứng nói cười, năm bảy tuổi tới năm 20 tuổi, 25 tuổi, hay có khi hơn nữa, chúng ta phải tiêu phí biết bao công sức, thì giờ trong những chuyện học hỏi, học hành, chữ nghiã, văn chương, kiến thức, kỷ năng, nghề nghiệp, vân vân.

Những năm tháng con người có đầy đủ năng lực, thể xác, tinh thần, trí não, nghề nghiệp, chuyên môn, vân vân, để sống thực sự, tối đa không quá phân nửa con số 100 năm của đời người, nghiã là không quá 50 năm, là con số quá nhỏ, thời gian quá ngắn, quá ít, quá hạn chế, đó là những nhận định thực tế, khách quan, không phải là những nhận định bi quan về con người, về cuộc đời, cuộc sống, nhân sinh, vân vân. Chúng ta rất cần những nhận định thực tế nầy, để có thể nhìn thấy những gì mình có thể làm, những gì mình nên làm, những gì mình cần làm, những gì mình phải làm, vân vân, trong cuộc sống nhân sinh, đời người.
Một thực tế khác là không chỉ có những giới hạn thời gian, mà chúng ta còn có nhiều thứ giới hạn khác, trong đời sống ngắn ngủi của con người, nhân sinh: những giới hạn không gian, địa lý, phong thổ, đất đai, khí hậu, thời tiết, những giới hạn quốc gia, dân tộc, màu da, văn hoá, xã hội, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, vân vân. Với bao nhiêu giới hạn của thân xác vật chất, đời sống con người, chúng ta thực sự sống không được bao nhiêu lâu, chúng ta sống không nhiều cho những gì có thể được coi là cần thiết, hữu dụng, hữu ích, vân vân.

Vậy mà, phần đông chúng ta đều không ý thức chút gì về những khỏanh khắc thời gian ngắn ngủi của đời sống một con người, thông thường chúng ta chỉ sống với những tâm thái thụ động, với những tâm thức bị động, chúng ta cứ sống, cứ ăn, cứ uống, cứ đi, cứ đứng, cứ ngủ, cứ nghĩ, cứ làm việc, vân vân, một cách bình nhiên, một cách tự nhiên, một cách thản nhiên, mà không ý thức gì về vai trò của mình, về vị trí, thời gian, về mục đích, mục tiêu, về lợi ích, giá trị vân vân, của con người trong cuộc sống nhân sinh.

Thường thì chỉ cho tới khi đã già yếu, khi đã lớn tuổi, khi đã mòn mõi, khi đã bịnh hoạn, khi đã ốm đau, vân vân, thường thì là khi đã không còn bao nhiêu hơi sức, khi đã gần đất xa trời, vân vân, thì mới có người, mà cũng chỉ có một số rất ít người, chịu nhìn lại cuộc đời mình, quá khứ mình, thân phận của mình, công việc mình, tư tưởng mình, hành động của mình, công quả của mình, nhân qủa của mình, nghiệp qủa của mình, vân vân. Nhiều người có thể bình an, nhiều người có thể yên vui, nhiều người có thể bình thản trong đời sống tuổi già, nhưng nhiều người thì lo lắng, nhiều người bất an, nhiều người ưu tư, nhiều người phiền muộn, vân vân, nhiều người đau khổ vì tuổi già, nhiều người luyến tiếc cuộc sống, nhiều người lo sợ tương lai, nhiều người thắc mắc về cái chết, nhiều người lo nghĩ về đời sống bên kia cửa tử, vân vân.

Mỗi sinh vật được Tạo Hoá sinh ra ở trần gian, bất kể sinh vật nào, lớn nhỏ, lành dữ, vân vân, đều có một vai trò, một nhiệm vụ nào đó của Thượng Thiên giao phó, không có bằng chứng, nhưng có những luận lý, những nhận xét, những nhận thức về sự hiện hữu, về vai trò, sứ mạng của vạn vật, muôn lòai: cây cỏ, bông hoa, ong bướm, chim muông, vân vân. Con người cũng vậy, con người được Thượng Đế sinh ra ở chốn trần gian, cũng như muôn loài, con người không thể không có nhiệm vụ, không thể không có lợi ích, không thể không có công ích, không thể không có hữu dụng gì ở thế giới, ở trần gian...

Thượng Đế tất không làm như vậy, Thượng Đế không thể làm những việc không công, vô vị, những việc không bổ ích, vân vân, Thượng Đế không thể sinh tạo ra lòai sinh vật thượng đẳng là con người, mà không có mục đích, ý định, dụng tâm gì. Bất cứ một vật thể nào do Thượng Đế sinh ra, dù nhỏ bé tới đâu, dù xấu xí thế nào, dù là một bông hoa, dù là một cọng cỏ, một lá cây, một cành cây, dù là một hột cát, một hạt bụi, vân vân, tất cả mọi vật, mọi thứ, to lớn hay nhỏ bé, đẹp đẽ hay thô sơ, tất cả đều có những công dụng, những lợi ích của nó, hoặc là có những ngụ ý riêng của Thượng Đế, mà con người  thường không hiểu biết rõ, không thấu đáo hết.

Con người là một giống loài tạo vật siêu đẳng của Thượng Đế đã sinh ra, siêu đẳng so với muôn loài vạn vật, dĩ nhiên cũng chỉ là siêu đẳng một cách tương đối, bởi vì về chi tiết thì có những khả năng con người không bằng những khả năng con vật, thính giác con người không bằng thính giác của nhiều con vật, thị giác con người cũng thua thị giác của nhiều con vật, vân vân. Cho nên, theo những nguyên lý, nguyên tắc tự nhiên của Tạo Hóa, Thiên Nhiên, càng được nhiều ưu tiên ưu đãi cũa Thượng Đế, con người càng phải có nhiều nhiệm vụ hơn các loài vật, càng siêu đẳng thì nhiệm vụ càng nhiều hơn, trách nhiệm càng to lớn hơn, càng nặng nề hơn, càng khó khăn hơn.

Ngay trong thế giới con người cũng vậy, những người thông minh hơn, tài trí hơn, năng lực hơn người khác, thì theo những nguyên lý thiên nhiên, tự nhiên, công bằng, lẽ phải, vân vân, của Tạo Hoá, họ phải có nhiều trách nhiệm hơn, nhiều nhiệm vụ hơn, nhiều công việc hơn, nhiều khó khăn hơn, nhiều thử thách hơn. Với ý niệm công dụng, lợi ích, bổn phận, trách nhiệm, vân vân, của Thượng Thiên giao phó nơi chốn trần gian, khi Ngài sinh tạo ra con người, chúng ta sẽ không phải lo lắng, không nên buồn phiền, không phải ưu tư, không cần bối rối, không nên lo sợ, vân vân, mà chúng ta sẽ có thể an nhiên, có thể bình nhiên, tự tại trong đời sống của mình, chúng ta có thể tìm thấy niềm vui, hạnh phúc của cuộc sống, và cao hơn, chúng ta có thể tìm thấy ý nghiã, mục đích của đời sống con người.

Những đứa trẻ thơ, yếu đuối ngây thơ, cần người chăm sóc, cần người thương yêu, nhưng chỉ cần như vậy, giản dị và tự nhiên như vậy, không cần phải làm gì khác hơn, chỉ cần vậy thôi thì những đứa trẻ con, ngây thơ và trong trắng, cũng đã làm xong một cách hoàn hảo và xuất sắc nhiệm vụ của Thượng Thiên giao phó: nhiệm vụ của những tiểu thiên thần, nhiệm vụ và cả công lao mang lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình, cha mẹ, anh chị em, ông bà nội ngoại, vân vân.

Có một ý tưởng rất tuyệt vời về vai trò của những đứa bé thơ: không phải chỉ có những bậc làm cha mẹ là những người có những công ơn trọng đại đối với những đứa trẻ thơ, mà mặt khác, ngược lại, chính chúng, những đứa trẻ thơ cũng là những món quà vô giá của Thưọng Thiên ban cho những người làm cha mẹ, mặt khác trẻ thơ là những báu vật, những qùa tặng qúi nhất trong tất cả những thứ qùa tặng Thượng Đế đã ban tặng cho con người, không có bất cứ một thứ tiềntài, của cải, vật chất nào có thể so sánh.

Cũng có thể nói một cách khác: những đứa trẻ thơ cũng là những ân nhân trân qúi của những bậc làm cha mẹ, điều rất ít người suy nghĩ tới; bởi vì, rất thường khi, chính những đứa trẻ thơ nầy đã mang lại hạnh phúc cho bản thân của người mẹ, của người cha, cho gia đình gồm có vợ chồng con cái, cho đời sống vợ chồng của những bậc làm cha mẹ, ông bà: những tình thương, những hy vọng, những mơ ước, những niềm vui, những an ủi, những thân ái, những nụ cười, vân vân. Cho nên, chẳng những chúng ta phải cám ơn Thượng Thiên, mà chúng ta còn phải cám ơn những thiên thần nhỏ bé của Ngài đã sai phái tới với chúng ta, những đứa trẻ thơ, những con trẻ, những con cháu nhỏ bé, ngây thơ của chúng ta.

Thượng Đế rất tinh vi khi ban cho những bậc làm cha mẹ niềm vui khi sinh tạo con cái, tình thương yêu con cái, lòng ham muốn chăm lo mọi điều cho con cái của mình; bởi vì chính những điều nầy đã làm cho những bậc làm cha mẹ thực hiện được, thường rất xuất sắc, những công việc thường khi rất vất vả, nhiều lúc rất khó khăn của Thượng Thiên giao phó: nhiệm vụ thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ, vân vân, có khi còn là những mất mát, những hy sinh, có khi là những mất mát lớn lao, có khi là những hy sinh to lớn.

Cũng có người bất mãn hay đau khổ vì những mất mát, những hy sinh, những chịu đựng, những khổ đau, vân vân, vì con cái của mình, chỉ có sự minh triết, giác ngộ về một vai trò khó khăn của Thượng Thiên giao phó mới giúp chúng ta thoát khỏi những tâm trạng ưu tư, buồn phiền, đau khổ nầy, mới giúp cho chúng ta có được những niềm vui, hạnh phúc lớn lao, thực sự khi ta cưu mang, chăm sóc, thương yêu con cái, trẻ thơ.

Nói rõ hơn về câu nói trên đây, những đứa con xinh đẹp, những đứa bé ngoan ngoãn, thông minh, vân vân, mà chúng ta hết lòng thương mến, hết dạ thương yêu, hết sức chìu chuộng, chăm sóc, vân vân, trên biểu kiến là con cái của riêng chúng ta, nhưng chính thật thì chúng nó đều không phải là con cái của chúng ta, mà chúng nó, tất cả mọi đứa bé con, chúng nó chính thật là con cái của Thượng Thiên, mà chúng ta, con người, chồng hay vợ, cha hay mẹ, tất cả đều là những công cụ, những phương tiện của Thượng Thiên đã xử dụng để sanh tạo, thương yêu, chăm sóc, dưỡng nuôi, vân vân, những con cái thực sự của Ngài.

Những quan điểm, nhận định nầy sẽ dẫn tới nhiều hệ luận quan trọng về những quyền hạn của cha mẹ đối với con cái, những quyền hạn rất tương đối, trong những hoàn cảnh, điều kiện, môi trường, trường hợp khác nhau, hoàn toàn khác biệt với những quan niệm văn hoá cổ xưa của Á Đông, Trung Hoa, Việt Nam, những quan điểm phiếm diện một chiều về công ơn của cha mẹ đối với con cái, mà không có chiều ngược lại là con cái cũng là những người ơn của những bậc làm cha mẹ: những kẻ mang lại niềm vui, hạnh phúc, hy vọng, tình thương, tình cảm, tiếng cười, vân vân.

Sinh tạo ra một thể xác con người đã là chuyện thực sự vô cùng khó, nếu không có bàn tay vô hình, bí ẩn, huyền nhiệm của Thượng Đế thì tuyệt đối con người không thể tạo ra được hài nhi, không có Thượng Đế thì con người không thể tạo ra trẻ con, dù chỉ là một đứa trẻ con thật nhỏ bé duy nhất ở trên đời. Nhưng không cần con người, không cần bất cứ con người nào hết, Thượng Đế vẫn có thể tạo ra hài nhi, bao nhiêu hài nhi Thượng Đế cũng tạo ra được, những hài nhi quá khứ, hiện tại, tương lai, tất cả đều do Thượng Đế sinh ra và quyết định sinh ra, hình dáng, mặt mũi, tóc tai như thế nào đều do Thượng Đế quyết định.

Nhưng điều nầy, việc sinh tạo ra một cơ thể sinh vật con người vật chất nầy, tuy rất khó khăn, vẫn còn chưa quan trọng, khó khăn bằng việc sinh tạo ra linh hồn của con người, linh hồn là lọai thể chất vô hình không thấy được, linh diệu, kỳ bí, vân vân, nhưng linh hồn thì không thể thiếu cho bất cứ đứa bé thơ nào, bất cứ con người nào, không có linh hồn sẽ không có sự sống, mà linh hồn là cái tuyệt đối con người không thể làm ra được, cái thuộc về Thượng Thiên, phần không thuộc về con người.

Đây mới là vấn đề, lãnh vực con người hoàn toàn bất lực, tuyệt đối bất khả, con người hoàn toàn không có khả năng để tạo ra linh hồn, bất cứ một linh hồn nào, bất cứ một thứ dạng thể, thức, lọai linh hồn nào, linh hồn lớn hay linh hồn nhỏ, linh hồn cao hay linh hồn thấp, linh hồn tốt hay linh hồn xấu, vân vân. Con người, nói chung, còn hoàn toàn non nớt, ấu trỉ, mù mờ trên tất cả những lãnh vực tâm linh siêu hình, những lãnh vực năng lượng siêu hình, những năng lực siêu hình, vân vân.

Chỉ có Thượng Đế và duy nhất Thượng Đế mới có những năng lực, những quyền năng, khả năng tạo ra linh hồn, linh hồn vạn vật và linh hồn con người, sinh tạo, chỉ huy, điều khiển, phân bố, xử dụng, vân vân. Đây là phần “vật chất tối” hay “năng lượng đen” nói theo khoa học, là những vật thể con người không thể thấy được, không thể nhìn được, không thể sờ mó, nắm bắt được, là “năng lượng tâm linh”, hay “lực lượng tâm linh” nói theo ngôn ngữ tâm linh, hay khoa học tâm linh. Linh hồn vô hình, siêu hình, nhưng hiện hữu và luôn luôn hiện hữu mọi chốn, mọi nơi, mọi vật, mọi thể, nhất là thể xác con người, nhất là thể xác con người còn sống, không có sự sống nào mà không có linh hồn, một thể xác dù có thể đi đứng được, nhưng nếu không có linh hồn thì cũng chỉ là một thể xác bịnh họan, một người bịnh tâm thần, không phải là một con người bình thường.

Nói đến “vật chất tối” hay “năng lượng đen” cũng chỉ là mới nói đến một phần những bản thể, tính chất của linh hồn, chưa phải là toàn bộ những bản thể, tính chất của linh hồn, nghiã là có nhiều bản thể linh hồn, nhiều tính chất linh hồn khác nhau, linh hồn con vật khác, linh hồn con người khác, linh hồn con vật nầy khác linh hồn con vật kia, linh hồn con người nầy khác linh hồn con người kia, nhiểu tính chất khác nhau, nhiều đẳng cấp, nhiều trình độ tâm linh của linh hồn khác nhau. Đó là chưa nói đến những phần tri thức, những tiềm thức, tiềm năng, tiềm lực, vân vân của linh hồn, mà tất cả những cái nầy thì con người vật chất, con người bằng xương thịt của chúng ta hoàn toàn không có khả năng tạo ra, không hiểu biết nhiều, không ý thức rõ, tất cả đều là do và của Thượng Đế sinh tạo ra.

Mỗi linh hồn đều là một thành phần của Thượng Đế, một năng lượng của Thựong Đế, một ánh sáng của Thượng Đế, một tâm linh của Thượng Đế, vân vân, cho nên chúng ta có thể nói là thực ra thì không có bất cứ một đứa bé con nào, một đứa trẻ thơ nào là con cái thực của chúng ta. Lý do là bởi vì như đã trình bày ở trên, là chúng ta, con người thì không có bất cứ ai, bất cứ người nào có khả năng tạo ra những cơ quan, bộ phật thân thể vật chất của hài nhi, chúng ta không có khả năng tạo ra thân thể hài nhi, và tuyệt đối không có bất kỳ ai có khả năng tạo ra linh hồn đứa trẻ.

Thể xác và linh hồn của bất cứ một hài nhi nào cũng đều là của và do Thượng Đế sinh tạo ra, mà con người chỉ là những phương tiện, những vật thể trung gian, cho nên tất cả chúng nó, tất cả con cái, trẻ thơ, ở bất cứ nơi đâu, chủng tộc, màu da, ngôn ngữ nào, tất cả đều là con cái của Thượng Đế. Thượng Đế đã sinh ra con người, không ai rõ biết bằng những phương cách nào, và rồi Thượng đế lại xử dụng con người làm phương tiện để sanh ra những giống lòai nhân lọai, nhân giống và phát triển, học hỏi và tiến hóa, vân vân.

Có những cuộc hôn nhân, tình yêu vui vẻ, hạnh phúc, ấm êm, vân vân, đó là những phần thưởng của Thượng Thiên cho những sứ mạng trần gian của con người; nhưng tất nhiên là cũng không thiếu những cuộc hôn nhân, tình yêu gia đình đổ vở, đau buồn, vân vân, đó là những bất trắc, bất hạnh, bất thường, rủi ro, vân vân, của những cuộc hành trình nhân gian trong những sứ mạng gian nan, khó khăn của Thượng Thiên giao phó. Sứ mạng nào cũng có những khó khăn, hành trình nào cũng có những may rủi, công việc nào cũng có thành bại, Thượng Đế luôn luôn yêu thương và luôn luôn giúp đỡ con người, luôn luôn muốn con người thành công, thắng lợi, vui vẻ, vân vân, nhưng thành bại, nên hư, tốt xấu, vân vân, cũng còn tùy thuộc vào những tư tưởng, thái độ, hành động, vân vân, của con người

Ý thức và giác ngộ trách nhiệm, bổn phận trần gian Thượng Thiên giao phó, chúng ta sẽ có đủ năng lực và tâm lý để vượt qua những trở ngại, những bất trắc, khó khăn, thử thách, vân vân, tất có trong cuộc sống nhân sinh, chúng ta sẽ vượt qua được những sự khổ đau thường hằng của con người, chúng ta sẽ có được hạnh phúc, niềm vui thường trực, thường hằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thuận lợi hay không thuận lợi, thành công hay không thành công, khỏe mạnh hay ốm đau, vân vân, của cuộc sống con người, nhân sinh.

Con người sợ hãi khổ đau, luôn luôn mưu cầu hạnh phúc, nhưng rất ít người có được hạnh phúc, rất nhiều người khổ đau và tiếp tục khổ đau; Con người trốn tránh khổ đau, mưu cầu hạnh phúc, bằng rất nhiều cách, ở nhiều nơi, bằng nhiều phương cách, nhiều phương tiện, nhưng quá khứ, hiện tại và tương lai, bây giờ và mãi mãi cũng đều có thể thất bại, bởi nhiều lý do, bởi nhiều nguyên nhân. Không ai có thể cứu vớt con người ra khỏi những khổ đau thường trực, thường hằng của cuộc sống nhân sinh, bởi vì khổ đau là một thực thể của nhân sinh, một thực thể hiển nhiên và tất yếu, mà khi đã là thực thể thì chúng ta không thể trốn tránh, không thể loại trừ, không thể vất bỏ. Chúng ta chỉ có thể vượt qua những bất hạnh, vượt qua những khổ đau, vượt qua những bất trắc, vượt qua những trở ngại, vân vân, mà không thể trốn tránh, hễ là con người thì không thể loại bỏ những khổ đau, những điều phiền muộn, những nỗi ưu tư….

Chúng ta nói vượt qua, có nghiã là những chướng ngại vẫn còn đó, những khổ đau vẫn còn đó, những bất hạnh, những đổ vở, những thất bại, những muộn phiền, ưu tư, vân vân, vẫn còn đó và luôn luôn còn đó, trước mặt, sau lưng, quá khứ, hiện tại, tương lai, vân vân, nhân sinh, đời sống con người, cuộc sống nhân gian, không bao giờ thiếu vắng những trở ngại, khó khăn, đau khổ, muộn phiền, vân vân. Trên con đường đời chúng ta đi, bất cứ là con đường đời nào, của bất cứ ai, công hầu khanh tướng, hay dân dã, nghèo hèn, vân vân, không bao giờ vắng bóng khổ đau, hết khổ đau nầy sẽ đến khổ đau khác, hết khổ đau lớn thì đến khổ đau nhỏ, hết khổ đau nhiều đến khổ đau ít….

Nhưng mà, nó, chính nó, chính những nỗi khổ đau, những điều bất trắc, những trở ngại khó khăn, vân vân, tất cả đều phải không làm gục ngã chúng ta, đều phải không ngăn cản được con đường chúng ta đi, đều phải không ngăn cấm được việc chúng ta hoàn thành những nhiệm vụ thiêng liêng của mình, nhiệm vụ con người trần gian của Thượng Thiên giao phó. Vượt qua những nỗi khổ đau để mưu cầu hạnh phúc, đó là lý thuyết, là nguyên tắc, cái nầy tương đối dễ trên lý thuyết, không khó trên nguyên tắc, nhưng thực tế, thực hành, đạt được kết quả, đạt được thành tích mới là điều khó khăn và vô cùng khó khăn.

Nó đòi hỏi và chúng ta phải thoã mãn nhiều điều kiện căn bản về: thể xác, tinh thần, tâm lý, tâm linh…, chúng ta thất bại trong việc vượt qua những khổ đau nhân thế, là vì chúng ta đã thiếu mất nhiều điều kiện căn bản nầy, chúng ta mãi mãi khổ đau cũng chỉ vì chúng ta không bao giờ chịu đáp ứng những điều kiện căn bản nầy, những điều kiện về tinh thần, tình cảm, tâm lý, tâm linh….

Con người đau khổ trong đời sống, đau khổ vì đời sống, vì sự sống, nhưng đồng thời con người lại lo sợ về cái chết, sự chấm dứt đời sống, chấm hết sự sống, tách khỏi đời sống; có nghiã là con người đồng thời cũng đau khổ vì cái chết, cái chết của mình, và cả cái chết của những người thân thương, ruột thịt của mình, của vợ mình, của chồng mình, của con cái mình, của cha mẹ mình, của ông bà mình, của anh em mình, của thân nhân, của bằng hữu, vân vân. Con người không thể tránh khỏi khổ đau, và cũng không thể nào tránh khỏi tử vong, nhưng khổ đau thì chúng ta có thể vượt qua, mà cái chết thì chúng ta không thể vượt qua, cái chết là tất yếu, là đoạn cuối của một kiếp nhân sinh, chúng ta, bất kể là ai, bất kể người nào: giàu có, sang hèn, bần cùng hay danh vọng, khỏe mạnh hay ốm đau, vân vân, tất cả đều rồi sẽ phải đi đến đoạn cuối con đưòng nhân sinh nầy: chết.

Cái chết thì không thể trốn tránh, không thể loại trừ, cái chết là cái tất yếu, tất nhiên của một đời người, một kiếp nhân sinh, tất yếu tất nhiên như bao nhiêu hiện tượng thiên nhiên ta thấy hằng ngày, hằng giờ, mọi chốn, mọi nơi, bình minh thì Mặt Trời sẽ mọc, sẽ lên, và hoàng hôn thì Mặt Trời sẽ xuống, sẽ lặn, sẽ mất trong đêm tối, Mặt Trời không thể nào đứng lại hay dừng lại. Ngày ở nơi nầy có thể dài hơn ở nơi kia một chút, ngày của mùa nầy có thể dài hơn ngày của mùa kia một chút, nhưng mà đêm thì tất yếu là thế nào nó cũng đến, dù là nơi nào, dù là mùa nào. Vấn đề là chúng ta có thể làm những gì khi còn ánh sáng Mặt Trời, vấn đề là chúng ta sẽ phải làm gì khi đến buổi hoàng hôn, và chúng ta sẽ phải làm gì trong khoảng thời gian, không gian của đêm tối, khi không có ánh sáng Mặt Trời.

Khi đã biết được rõ ràng những điều nầy, những lẽ thường hằng của sinh tử, những bổn phận và trách nhiệm của mỗi con người trong những thời gian khác nhau, ở những không gian khác nhau, vân vân, thì chúng ta sẽ không phải lo lắng gì khi chúng ta sống, và không phải sợ hải gì khi chúng ta chết. Sống, chúng ta có nhiều việc để làm, sống bao lâu và sống ở đâu là tùy theo nhiệm vụ của chúng ta, nhiệm vụ của mỗi người mỗi khác biệt nhau về chi tiết, nhưng giống nhau ở điểm, tất cả đều là nhiệm vụ tâm linh, huyền bí, siêu hình của Thượng Thiên giao phó.

Chết là một giai đoạn sống khác của linh hồn, cho nên chúng ta cũng có bao nhiêu công việc để làm, không phải chết là hết, tuyệt đối không phải là như vậy, bởi vì chúng ta chỉ có chết phần thân xác vật chất hữu hình, nhưng phần linh hồn tâm linh siêu hình của con người thì không bao giờ chết. Sau cái chết của thân xác thì chúng ta vẫn còn một đời sống tâm linh, đời sống của những năng lượng vật chất tối, thứ năng lượng đa phần của vũ trụ không gian mà con người không nhìn thấy được, và đây lại là một đời sống lâu dài và bất diệt, bởi vì vũ trụ là trường tồn, vũ trụ ngày một lớn thêm lên, ngày một rộng thêm ra, mà không có sự tận cùng của vũ trụ, có sự chấm dứt của một hành tinh hay nhiều hành tinh, có sự chấm dứt của một định tinh hay nhiều định tinh, có sự chấm dứt hay tan rả của một vì sao, hay nhiều vì sao trong vũ trụ, nhưng mà tuyệt không có sự chấm dứt của vũ trụ.

Chết chỉ có nghiã là chấm dứt một giai đoạn của đời sống bằng thể xác vật chất, theo những định luật sinh tồn, sinh diệt của thiên nhiên, chấm dứt một giai đoạn học hỏi và tiến hoá của linh hồn trong thân xác của một con người trần gian. Từ những học hỏi, những hiểu biết, những kinh nghiệm trong đời sống của một thân xác trần gian, linh hồn sẽ được Thượng Đế gửi đến một thân xác khác, một thân thể khác, một thân phận khác, một địa vị khác, một tài năng khác, một khả năng khác, một vai trò khác, một trách nhiệm khác, vân vân, trong thế giới nầy hay trong thế giới khác của vũ trụ, của Thượng Thiên. Để linh hồn của chúng ta, linh hồn của con người, cũng là những ánh sáng tâm linh của Thượng Đế, sau một kiếp người, hay nhiều kiếp con người, lại tiếp tục con đường học hỏi tiến hoá không có đoạn cuối của Thượng Thiên: con đường đi tìm kiếm và đi xây dựng những cái tốt, những cái đẹp, những cái hay:“Chân -Thiện - Mỹ”.

Mặc dù linh hồn con ngưòi cũng là một điểm tâm linh, ánh sáng của Thượng Đế, trên nguyên tắc phải có những ưu điểm, những tiềm năng khả năng của Thượng Đế, linh hồn luôn có những sứ mạng lớn lao và quan trọng, dẫn dắt, điều khiển thân xác con người, nhưng trên đường hành trình nhân gian, học hỏi, tiến hoá, trưởng thành, vân vân, linh hồn cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách, cám dỗ, ý nghiã tương tự như hình ảnh và tình tiết của câu chuyện Thầy Trò Tam Tạng thỉnh kinh của Trung Hoa trong truyện Tây Du Ký.

Linh hồn nào không học hỏi, không tiến hoá, không minh triết, không giác ngộ…, linh hồn nào chịu những chi phối của những cám dỗ yêu thương, ân oán, hận thù, danh lợi, quyền tước, địa vị, quyền lực, quyền thế, vân vân của trần gian, thì kết qủa là những linh hồn nầy sẽ phải đau khổ trong trạng thái những linh hồn lang thang, không siêu thoát, không trở về với ánh sáng của Thượng Thiên, không trở về với Đấng Tạo Hoá. Một cách nôm na và thi vị, chúng ta có thể nói là cuộc vạn lý hành trình thỉnh kinh của Đường Tăng Tam Tạng vẫn chưa hoàn thành, thời gian không thể nói là bao nhiêu lâu, không gian không thể nói là phải qua những xứ sở nào, hành trình gặp gỡ những ai, trở ngại khó khăn gì phải khắc phục, phải trải qua, vân vân.

Có người ý thức được sự đau khổ của những linh hồn lang thang sau khi thân xác chết, bản thân, hay thân nhân họ muốn cứu giúp họ thoát ra khỏi những trạng thái đau khổ lang thang nầy, người ta thường làm rất nhiều việc sau khi thân xác của người thân chết, rất nhiều hình thức lễ nghi, cúng tế, vân vân, cho linh hồn của người nầy được siêu thoát, nhưng trên thực tế thì rất ít người làm được những công việc tâm linh siêu hình tối cao nầy, rất ít con người trần gian có đủ năng lực tâm linh để cứu giúp cho linh hồn con người được siêu thoát sau khi thân xác họ chết đi.

Rất nhiều hình thức cầu an, cầu siêu cho linh hồn người chết, nhưng rất ít người có đủ những năng lực tâm linh để thực hiện công việc nầy, bởi vì quan trọng không phải là ai đó có thể cầu an, cầu siêu cho mình, mà chính là bản thân mình mới là người có khả năng nhất có thể giúp đỡ cho linh hồn mình được siêu thoát, nếu linh hồn mình không minh triết giác ngộ, để mình tự siêu thoát, thì không ai có thể giúp mình siêu thoát được cả.

Tương tự trường hợp của bịnh nhân và người Thầy Thuốc, chính bịnh nhân mới thực sự là người có khả năng nhất để chữa trị bịnh cho mình chớ không phải là Bác Sĩ hay là thuốc men, Bác Sĩ hay thuốc men gì cũng đều là những phương tiện chữa trị cho bịnh nhân mà thôi, phần chữa trị thực sự nằm ở những khả năng sinh tồn nội tại của thể xác và tinh thần của người bệnh, sức đề kháng bệnh tật, vi trùng của bệnh nhân, năng lực sống của bệnh nhân, và còn có một yếu tố vô hình nữa, đó là sứ mạng tâm linh của linh hồn bệnh nhân, yếu tố sinh tử bí mật trong tay Thượng Đế, không phải trong tay con người, một khi Thượng Đế quyết định cứu giúp thì hiện tượng kỳ lạ nào cũng có thể xảy ra, bịnh trạng nào cũng có thể khỏi.

Muốn cho linh hồn mình được siêu thóat, siêu an khi thân xác chết, thì chính mình phải có những công việc chuẩn bị đầy đủ và thích nghi khi thân xác mình còn sống, nếu cả một đời sống năm bảy mươi năm, có khi 90 năm, 100 năm chúng ta đều không có chút chuẩn bị nào cho đời sống kiếp sau thì tất cả sẽ trở thành quá muộn màng khi thân xác chúng ta chết. Không thể thực hiện được chuyện siêu thoát cho linh hồn mình vào những giờ phút cuối cùng của cuộc sống nhân sinh, những giờ phút sau cùng của thân xác phàm trần, bản thân mình không làm được, và cũng không có một ai làm được điều nầy cho mình.

Cái nhân qủa thực sự sẽ xảy ra vào cái giờ phút tử vong của thân xác phàm trần nầy, cái giờ phút thân xác phàm trần không còn cử động được nữa, không còn hoạt động gì được nữa, không còn quyền uy gì nữa, không còn quyền hạn, quyền hành gì nữa, không còn quyền lực gì nữa, tất cả những cái gì của trần gian đều không còn, chỉ còn lại cái linh hồn vô thể xác phải trở về phục thị Thượng Thiên, hay lang thang trong kiếp số những cô hồn lãng tử.

Khi đã biết rõ sống và chết là như thế nào, là ra sao, vân vân, thì chúng ta không cần phải sợ hãi, cũng không cần phải lo lắng, cũng không cần phải buồn phiền; trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ trường hợp nào, trong bất cứ thời gian nào, trong bất cứ không gian nào, chúng ta cũng có thể có được những tâm thái, những trạng thái an lạc, an bình, vui vẻ, bình yên, lạc quan, lạc đạo, vân vân. Không minh triết giác ngộ tử sinh, dù là sống hay là chết, chúng ta đều sẽ phải sống một cuộc đời đầy bắc trắc, bất tường, đầy những ân oán, những ưu tư, những phiền muộn, đầy những đau khổ, những đau buồn, vân vân.

Khi minh triết thể xác, giác ngộ linh hồn thì chúng ta sẽ có một đời sống tốt đẹp và hữu ích, cho cá nhân mình, cho gia đình mình, cho thân nhân ruột thịt của mình, cho cha con, chồng vợ của mình, cho những anh chị em của mình, cho những ông bà nội ngoại của mình, cho những bạn bè của mình, cho những bằng hữu của mình, vân vân. Và rộng hơn, chúng ta sẽ sống tốt hơn, sống đẹp hơn, sống hữu ích hơn… cho cộng đồng, xã hội, con người, dân tộc, quốc gia,… và hơn hết là sự hoàn thành những nhiệm vụ, những vai trò học hỏi, tiến hoá ….của một thân xác con người, do Thượng Thiên giao phó, ở nơi chốn trần gian.

Sống như thế nào thì rồi thể xác nào cũng phải chết đi, nhưng mà thân xác chết đi, thịt xương tan rả thì vẫn chưa có nghiã là mọi chuyện đã chấm dứt, mà trái lại, mọi chuyện hầu như là vẫn còn y nguyên, ngay cả thể xác vật chất. Thể xác dù thiêu đốt thành tro bụi cũng không phải là biến mất mà chỉ là biến đổi, chỉ có thể xác chết nhưng không có nguyên tử nào của thể xác chết cả, nguyên tử là bất diệt, là bất tử, là trường sinh, cho nên chuyện tái kiếp đầu thai của con người, bằng cả hai nghiã vật chất và tâm linh đều không phải chỉ là chuyện của tín ngưỡng, của tôn giáo, của quan niệm, vân vân, mà là chuyện của khoa học, của tri thức, của văn minh, vân vân.

Chúng ta chỉ chết đi cái thân xác nầy, nhưng chúng ta sẽ lại tái hiện, bằng vật chất hẵn hoi qua những nguyên tử bất diệt, trong không phải một, mà nhiều thân xác con người khác; quan trọng là cái thân xác mới đó thế nào, tốt đẹp hay không tốt đẹp, tiến hoá hay không tiến hoá; cái quan trọng hơn nữa, là linh hồn chúng ta ra sao, là linh hồn chúng ta thế nào, là siêu thoát hay là không siêu thoát, là thăng hoa hay là không thăng hoa.

Chỉ có một đời sống thể xác nhân gian tốt đẹp, những công qủa công đức cao dầy của một đời sống hay nhiều đời sống, nhiều kiếp con người, thì chúng ta mới mong có được một đời sống linh hồn, đời sống tâm linh tốt đẹp; những ai mong muốn linh hồn mình siêu thoát khi thân xác chết đi, thì phải biết chăm lo cho linh hồn mình ngay khi thân xác mình còn sống. Không chăm lo cho linh hồn mình ngay khi thân xác mình còn sống thì không thể chăm lo được linh hồn mình khi thân xác mình chết, cho nên, muốn biết đời sống linh hồn mình trong tương lai thế nào thì cứ hãy nhìn vào đời sống thân xác của mình hiện tại ra sao, mối tương quan linh hồn thể xác là mối tương quan nhân qủa.

Điều bi thảm của con người, của thế giới nhân sinh, trần gian nầy là rất ít có ai biết chăm lo cho linh hồn của mình khi thân xác mình còn sống, tức là khi mình còn phương tiện và còn năng lực của thân xác để chăm lo cho linh hồn của mình. Điều bi thảm của con người là bao giờ người ta cũng đợi tới phút lâm chung, cho tới khi đã xuôi tay nhắm mắt rồi, khi thân xác đã không còn chút năng lực nào nữa, rồi mới lo chuyện siêu thoát cho linh hồn, mà như vậy thì thật là đáng tiếc, thì tất cả hầu như đã là những việc quá muộn màng, những việc vô ích, những việc không mong có kết qủa.

Tóm lại, tử sinh là chuyện thường tình, là luật định của nhân gian, con người, cho nên chúng ta không cần phải lo lắng đến cái chết, mà phải cần lo cái sống, sống vui vẻ, sống hạnh phúc, sống bình an, vân vân, là những điều may mắn, tốt đẹp cho một đời kiếp con người, một đời sống đáng sống, mẫu mực, đáng ca ngợi, đáng noi theo… là một đời sống: thanh cao, trong sạch, đạo đức, hữu ích, học hỏi, tiến bộ, tiến hóa, văn minh...

THÁI TẤN TRUYỀN

No comments:

Post a Comment