Sunday 1 January 2012

Bài Học Ngàn Vàng

Có một câu chuyện xưa, rất xưa, chuyện kể rằng: Có một cụ già, đầu tóc bạc phơ, áo quần bạc thếch, không biết ở đâu, cũng không biết từ đâu đến, nhân ngày chợ đông, cầm cây gậy trúc đi ra chợ, nghêu ngao rao bán một bài học với cái giá là : “một ngàn lượng vàng!”. Nhiều người chế nhạo, chê cười là ông lão điên rồ, không ai tin ông lão già bần khổ nầy lại có một bài học qúi giá như vậy! Cho dù bài học của ông lão có qúi giá thực, thì cũng không ai có đủ tiền mua, mà dù có người giàu có, tài phú, triệu phú, gia sản, điền sản có tới mấy ngàn lượng vàng, thì người đó cũng không dám bỏ ra một ngàn lượng vàng để mua bài học của ông lão bần hàn!

Nhưng cuối cùng, sau nhiều buổi chợ rao bán “Bài học ngàn vàng”, kết qủa rồi cũng có người mua! Người mua dĩ nhiên phải là một người giàu có vô cùng, nhưng không phải là một người khùng điên, mà là nhà Vua Đột Quyết, nhà Vua thì không thiếu gì tiền, một ngàn lượng vàng, hay bao nhiêu ngàn lượng vàng thì nhà Vua cũng có, nhà Vua không tiếc tiền, nhưng nhà Vua bằng lòng mua “bài học ngàn vàng” của ông lão hàn vi nầy, là vì tính “Tò Mò”, chớ không phải mlà nhà vua tin tưởng hay là nhà vua trân qúi, nhà Vua thắc mắc không biết cái giá trị của bài học nầy như thế nào mà ông lão hàn vi dám rao bán nó với cái giá qúa cao như vậy!

Sau khi nhận đủ một ngàn lượng vàng của nhà vua Đột Quyết, ông lão hàn vi nhẹ nhàng trao một túi gấm rất nhỏ, rất nhẹ, và bảo nhà vua Đột Quyết rằng; “Đây là bài học qúi giá, đáng ngàn vàng, bài học nầy rất qúi, rất đáng giá, nhưng mà nhà Vua nên nhớ rằng giá trị của nó là ở phần thực hành, nếu nhà vua không thực hành, hay là thực hành không đúng, thì sẽ không thấy được giá trị của nó”.

Vì bài học qúi, giá ngàn vàng, cho nên nhà vua mang bài học trong túi gấm của ông lão trao cho, về thẳng hoàng cung, rồi một mình mang túi gấm đựng bài học ngàn vàng vào trong mật thất, để một mình nhà Vua học bài học ngàn vàng, không muốn chia xẻ bài học nầy cho một ai. Nhưng rồi nhà vua đã vô cùng ngạc nhiên, và sau đó là vô cùng tức giận, khi nhà Vua thấy trong túi gấm chỉ có một mẫu giấy nhỏ, với một câu viết duy nhất là : “Phàm làm bất cứ việc gì, trước đó hãy xem xét kỹ những hậu qủa của nó rồi hãy làm”.

Nhà Vua vô cùng tức giận, vì cho rằng mình, một ông Vua quyền uy tột đỉnh, muôn người run sợ, phục tùng, nhưng đã bị một lão già nghèo khổ, nhà quê, ở nơi xó chợ đầu đường lường gạt. Nhà vua cho rằng đây chỉ là một câu nói  tầm thường, một lời khuyên con trẻ thì có thể được, chớ còn với cương vị của một nhà Vua, thì ông đâu cần một lời khuyên như vậy, vậy mà cái lão già nhà quê chết tiệt nầy lại còn dám cả gan xấc láo, dối gạt, lừa đảo..., để lấy của nhà vua tới một ngàn lượng vàng!

Với uy quyền tuyệt đối của một ông Vua, muốn làm gì thì làm, ông đâu cần phải nghe lời khuyên vớ vẩn của một ông lão nhà quê bần hàn như vậy, cho nên nhà Vua đã ra lịnh cho quan Đề Đốc Thanh Phong, phải tìm đủ mọi cách thức, huy động hết quân binh, để bắt cho bằng được cái lão già nhà quê bán “Bài Học Ngàn vàng” cho nhà Vua về trị tội. Sau nhiều ngày nổ lực gắng sức tìm kiếm lão già lường gạt mà không kết qủa, Quan Đề Đốc Thanh Phong trở về triều chịu tội, nhà Vua tức giận truyền trảm thủ Quan Đề Đốc Thanh Phong!

Tướng Thạnh Bảo là con trai của Đề Đốc Thanh Phong, nghe tin cha vô cớ bị nhà vua giết hại, nên mang quân về triều hỏi tội nhà Vua. Vua Đột Quyết thua chạy khỏi kinh thành, nhưng Thạnh Bảo cũng không chiếm được ngôi Vua, vì nhiều vị tướng lãnh khác đã chống lại Thạnh Bảo, khôi phục lại ngôi báu cho Vua Đột Quyết. Thạnh Bảo bị bắt và bị khép tội tử hình, trước khi hành quyết Thạnh Bảo, Vua Đột Quyết hỏi Thạnh Bảo có điều chi ân hận hay không?

Thạnh Bảo nói là: Có, điều ông ân hận nhất là ông đã không chịu học “bài học ngàn vàng”. Nhà vua hỏi Thạnh Bảo: Đó là bài học gì, ở đâu?- Thạnh bảo đáp: Khi Thần tiến chiếm được cung điện, thần đã vào tới mật thất của nhà vua, Thần đã tìm được trong chiếc túi gấm ở mật thất một bài học ngàn vàng, bài học có nội dung là :“Phàm làm việc gì, hãy nghĩ tới hậu qủa của nó trước rồi hãy làm”, nếu Thần học được bài học nầy sớm hơn, và thực hành đúng tinh thần bài học ngàn vàng nầy,  thì Thần đã không phạm tôi khi quân, Thần đã không làm loạn để phải mang án tử hình, liên lụy cả gia tộc, hủy hoại hết tương lai!

Nghe xong lời nói của Tướng Thạnh Bảo, nhà Vua Đột Quyết chợt tỉnh ngộ, nhà vua truyền cởi trói và tha tội cho tướng quân Thạnh Bảo, nhà Vua nói: “Thực ra thì người có lỗi chính là ta, ta đã bỏ ra một ngàn lượng vàng để mua được một bài học qúi giá, nhưng ta đã không biết giá trị của bài học qúi giá nầy, mà chính là ta đã làm sai, ta đã hành động mà không hề suy nghĩ, ta đã không xem xét hậu qủa của những việc ta làm, chính ta đã giết hại cha ngươi vô cớ, cho nên ngươi mới phải kéo quân về triều báo thù, mới gây ra bao nhiêu thảm cảnh, tang thương cho đất nước, chuyện nầy chính ta mới là người có lỗi, chính ta mới đáng phải bị trừng trị!

Nghe xong câu chuyện, rất có thể nhiều người trong chúng ta cũng có cái tâm trạng giống như tâm trạng của nhà vua Đột Quyết khi mới vừa nhận được “bài học Ngàn vàng”, nghiã là có thể chúng ta cũng có thái độ xem thường bài học ngàn vàng nầy, có thể chúng ta không động tâm, không suy nghĩ, dù chỉ là một giây! Và chúng ta sẽ vẫn tiếp tục những việc làm trong đời sống hàng ngày của mình một cách thật bình thản, không hề để ý mảy mai đến những tai họa chúng ta vẫn thường gây ra, mà nguyên nhân chỉ vì chúng ta đã không hề học hỏi “Bài học Ngàn vàng” nầy. 

Trong đời sống thường ngày, chúng ta vẫn thường hành động, hành xử, mà không nghĩ hề đến hậu qủa những việc chúng ta làm, nếu làm đúng chúng ta sẽ được kết qủa tốt, nếu làm sai chúng ta sẽ có kết qủa xấu, nói triết lý, văn hoa là mọi tư tưởng, hành động của chúng ta đều nằm trong những “định luật nhân quả, tuần hoàn”, nghiã là nhân qủa luôn luôn có những mối dây liên kết, gieo nhân nào gặt qủa nấy. 

Câu chuyện "Bài học ngàn vàng" kể trên đây chỉ là chuyện giả, người giả, việc giả, nơi chốn giả, thời gian giả, tình tiết giả..., nhưng bài học lại là bài học thật, thật ở muôn nơi, thật muôn đời, bài học thật cho bất cứ ai, hữu ích cho tất cả mọi người, và đặc biệt là bài học rất qúi nầy hôm nay lại cho không cho tất cả, không ai cần phải mua, nghiã là không ai bị gạt tiền, mà vẫn có được, chỉ cần học và cần áp dụng, cần thực hành.

Tóm lại, nếu chúng ta hiểu thấu đáo, và áp dụng triệt để, nghiêm chỉnh, đúng đắn bài học ngàn vàng: “Phàm làm việc gì trước nhứt phải nghĩ tới những hậu qủa của nó” thì chúng ta sẽ tránh được rất nhiều điều sai lầm, thiệt hại, thất bại..., chúng ta sẽ có được rất nhiều cơ hội, cơ may thành tựu, thành công....

NGUYÊN TRINH


No comments:

Post a Comment