Friday 27 January 2012

Năm Thìn nói chuyện Rồng

Năm mới dương lịch nầy là năm 2012, nhưng  âm lịch không gọi bằng con số như năm dương lịch, mà gọi bằng tên, năm mới nầy âm lịch gọi tên là năm Thìn, chính xác hơn là năm Nhâm Thìn, để phân biệt với những năm Thìn khác. Kèm theo tên gọi năm Thìn là một con vật dùng làm biểu tượng của năm là Con Rồng, xem vậy thì điều nầy có vẻ đúng  với câu nói: “Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp nhau!”, ở đây năm dương lịch là con số 2012, còn năm âm lịch là Con Rồng!.

Rồng là con vật không có thật, Rồng chỉ là con vật tưởng tượng của con người, nhưng là con vật được mô tả có những ưu điểm nổi bật nhất trong muôn loài, nó có thể bay lên trời, có thể lặn xuống biển, có thể hút nước từ biển đưa lên trời để làm mưa, có thể gây giông gió, bão tố..... Nghiã là Rồng có tài thần thông biến hoá, có sức khỏe vô địch...., Rồng còn được coi là con vật linh thiêng, người đời kính nể, tôn sùng! Chính là vì điểm nầy, mà người Việt Nam đã lấy Rồng làm Vật Tổ, và đã cho rằng ông Tổ của nòi giống Việt Nam là Rồng, qua sự tích huyền sử Quốc Tổ Việt Nam là ông Thần tên Lạc Long Quân!

Chọn lựa một con vật linh thiêng, huyền bí, tài giỏi thần thông quãng đại... làm Vật Tổ là chuyện thường của nhiều dân tộc trên thế giới, như dân tộc Nhật Bổn tôn Mặt Trời làm vật Tổ, nhân cách hoá Mặt Trời thành vị Thần ‘Thái Dương Thần Nữ” để có niềm tự hào dân tộc, cái đó không có gì lạ, ai cũng biết chuyện nầy là giả, nhưng không ai phản đối chuyện nầy, vì ai cũng biết đó là huyền sử! 

Nhưng có người đã đi xa hơn bằng cách kể lể lê thê về sự tích, nguồn gốc của ông Thần Quốc Tổ Lạc Long Quân, để rồi cuối cùng đã biến ông Thần Lạc Long Quân thành ra đứa cháu của ông Vua Thần Nông Viêm Đế nào đó ở bên Tàu! Cái nầy chúng ta phải cần nên xét lại, chúng ta không nên chấp nhận chuyện bịa đặt nầy thành chuyện lịch sử, nguồn gốc dân tộc Việt Nam, như một số sách sử Việt đã ghi! những chuyện bịa đặt nầy rất tai hại cần phải cải chính càng sớm càng tốt, không thể để cho con cháu chúng ta hiểu lầm!

Khi nói về Quốc Mẫu Âu Cơ, chúng ta đã biết tự chế để có thể dừng lại ở điểm Bà Âu Cơ vốn là một vị Tiên ở trên trời, tượng trưng bằng con chim Linh Phượng, lãnh nhiệm vụ của Trời, bằng cách hoá thân thành một người đàn bà để sinh ra nòi giống Việt Nam. Còn Quốc Tổ Lạc long Quân thì cũng vậy, Ngài là một vị Thần ở Biển Đông, Ngài cũng nhận nhiệm vụ của Trời sai phái đến nước Việt Nam, và Ngài đã hoá thân thành một người đàn ông, đã cưới Bà Âu Cơ để sinh con đẻ cái, gây dựng nòi giống Việt Nam.

Câu chuyện huyền thoại về Tổ Tiên Dân Tộc Việt Nam, chỉ có thể kể như vậy mà thôi, không thể kể thêm về nguồn gốc của hai vị Thần Tiên Quốc Tổ và Quốc Mẫu Việt Nam, cả hai con người Lạc Long Quân và Âu Cơ đều do các vị Thần dưới Biển và Tiên trên Trời hoá thân thành người, cho nên không thể kể thêm về nguồn gốc của hai con người nầy, không thể nào có chuyện ông Lạc Long Quân là con của ai, là cháu của ai, không thể có những đó!

Theo quan niệm của người Việt Nam thì Rồng là một trong 4 con vật linh thiêng nhất, bộ 4 “Tứ Linh ” gồm có: Long, Phụng, Lân, Qui”, trong đó con Rồng được xếp hạng đầu tứ linh, vì tài trí, vì sức mạnh của Rồng, và thường được sánh với  ông Thần, còn Phụng được xếp thứ hạng kế vì vẻ dáng đẹp đẽ, xinh xắn,  tính chất cao nhã của Phụng, thường được ví với Bà Tiên. Cho nên người Việt Nam mới ghép cho Ông Thần Rồng kết hôn với Bà Tiên Phụng để sinh ra dân tộc Việt Nam! Và để rồi tự nhận mình là dân tộc Rồng Tiên! Dân tộc có nguồn gốc ngon lành nhất, tài ba nhất, xinh đẹp nhất trên thế giới!

Mặc dù Rồng là Tổ Tiên chung của cả dân tộc Việt Nam, nghiã là trên nguyen tắc thì người Việt Nam nào cũng là con cháu của Rồng Tiên cả, nhưng mà thực tế thì chỉ có ông Vua mới được xưng là Rồng, còn thần dân thì không ai được xưng là Rồng! Bất cứ ai ngoài ông Vua mà dám cả gan xưng Rồng, vẽ hình Rồng, mặc áo Rồng... là đều bị khép tội “khi Quân, phạm Thượng”, là bị xử tội chém đầu! Cũng vì vậy mà khi nghe những từ ngữ nào có chữ Rồng trong đó thì đều là những thứ thuộc về nhà Vua, như: thân Rồng, mình Rồng, nhà Rồng, ghế Rồng, xe Rồng, thuyền Rồng, ngôi Rồng...., hay những từ ngữ Hán Việt như là: Long Thể, Long Nhan, Long Bào, Long Kỷ, Long Đình...”

Người Việt Nam chẳng những luôn tự hào về nguồn gốc Rồng Tiên của mình mà còn tự hào về những nơi danh lam thắng cảnh mang tên Rồng, như thắng cảnh Vịnh Hạ Long, tương truyền là dấu tích tự ngàn xưa của một con Rồng Mẹ từ trên Trời, đã dẫn bầy Rồng Con xuống biển tắm, và rồi vì qúa yêu mến đất nước Việt Nam, cho nên bầy Rồng Con đã ở lại Việt Nam cho đến bây giờ, rồi theo thời gian, mỗi con Rồng con năm xưa đã biến thành một hòn đảo, và vì bầy Rồng Con nầy đông đảo qúa cho nên bây giờ Việt Nam mới có hàng ngàn hòn đảo bao quanh Vịnh Hạ Long! Ôi qủa thật là trí tưởng tượng của người Việt Nam thật qúa là dồi dào, thật qúa là phong phú! thật qúa là tuyệt vời!

Còn tên Thăng Long thì lại theo một truyền thuyết khác, tương truyền là sau khi Vua Lý Thái Tổ lên ngôi, Ngài muốn dời đô từ đất Hoa Lư của Vua Đinh Tiên Hoàng, vốn là một nơi nhỏ bé, hoang sơ đến một nơi thuận lợi hơn là Thành Đại La, khi gần đến nơi kinh đô mới thì nhà Vua trông thấy một con Rồng từ thành Đại La bay lên, cho nên nhà vua mới đổi tên thành nầy lại là Thành Thăng Long, có nghiã là Thành có Rồng Bay lên. Sự thực không chắc có chuyện nầy, nhưng truyền thuyết Rồng Bay Lên ở kinh mới sẽ có tác dụng dập tắt những lời dị nghị chuyện dời đô của nhà Vua, và sẽ củng cố được niềm tin vào vương quyền của ông vua mới là Lý Thái Tổ.

Than2h Thăng Long là Kinh Đô của 3 Triều Đại lớn của Việt Nam là Lý, Trần, Lê, kéo dài trên 800 năm, cho đến đời nhà Nguyễn, thì Kinh Đô của Việt Nam mới đổi lại là Kinh Thành Huế, ở Miền Trung Việt Nam. Bà Huyện Thanh Quan, là một nữ sĩ thời Nguyễn Sơ, khi có dịp đi qua Thành Thăng Long, kinh đô của bao thời vua oanh liệt Phá Tống, Bình Chiêm, đánh Nguyên, đã có những cảm xúc được thể hiện trong bài thơ rất nổi tiếng của  bà là bài thơ: 

“Thăng Long Thành Hoài Cổ”

“Tạo Hoá gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương?
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài, bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường!”
( Bà Huyện Thanh Quan)

Không phải chỉ Việt Nam, Trung Hoa mới có con Rồng, các nước Tây Phương cũng có con Rồng, nhưng mà hai con Rồng Đông Tây có nhiều điểm rất khác nhau, con Rồng Việt Nam có thân hình rất dài như con rắn khổng lồ, nhưng rắn thì không có chân mà Rồng thì có chân, Rắn thì đầu nhỏ nhưng Rồng thì đầu rất to, khi nói đến hình ảnh Rồng thì điểm đặc biệt nhất chính là Đầu Rồng.

Đầu rắn thì không hề có sừng nhưng Đầu Rồng thì nhất định phải có Sừng, Rồng càng lớn thì Sừng càng to, Rồng càng khỏe thì Sừng càng lớn! Con Rắn dù là loại Rắn gì cũng không có chân, nhưng Rồng thì nhất định phải có chân, mỗi con Rồng có 4 chân, và chân Rồng phải có móng vuốt bén nhọn, móng vuốt càng bén nhọn càng chứng tỏ sức mạnh của Rồng!

Sự khác biệt lớn nhất của Rồng Phương Đông và Rồng phương Tây là Rồng Tây Phương thì có đôi cánh để bay, nhưng mà Rồng Phương Đông thì không bao giờ có cánh, nhưng nó vẫn có khả năng bay lượn dễ dàng trên không trung. Khả năng bay lượn của Rồng Đông Phương không nhờ đôi cánh như các loài chim, mà nhờ vào linh khí của một viên ngọc ở giữa trán Rồng, viên ngọc huyền bí, linh thiêng nầy có tên gọi là Long Châu, có nghiã là viên ngọc của Rồng, con Rồng nào không có Linh Châu thì không thể bay lượn được!

Chẳng những Long Châu có khả năng giúp Rồng bay lượn được, mà Long Châu còn giúp Rồng có những năng lực phi phàm, có khả năng chữa trị bệnh tật, mang lại những điều may mắn, những sự tốt lành...,  cho nên người ta thường hay trưng bày những  tranh, tượng, hình vẽ 2 con Rồng tranh nhau một trái Long Châu, ý nghiã là để tượng trưng, thể hiện những điều tốt đẹp, những chuyện tốt lành như là: sức mạnh, quyền lực, may mắn...

Ngoài sự khác biệt về hình dáng, Rồng Đông Phương và Rồng Tây Phương còn có sự khác biệt lớn lao, và quan trọng là sự khác biệt về tính chất! Trong khi Rồng Việt tượng trưng cho cái đẹp, cái tốt, cái hay, cái thiện..., thì Rồng Tây tượng trưng cho những cái ngược lại như: cái xấu, cái ác, cái tà, cái gian...., cho nên khi tiếp xúc với người Tây Phương, khi nói đến tuổi con Rồng, hay năm con Rồng, thì chúng ta cần phải giải thích cho họ hiểu sự khác biệt lớn lao, quan trọng giữa hai nền văn hoá khác biệt Đông Tây, không để họ hiểu lầm cái tốt của chúng ta thành ra là cái xấu!

Trở lại với câu chuyện năm mới 2012 nầy là năm Nhâm Thìn, được biểu tượng bằng hình ảnh Con Rồng, theo quan niệm Á Đông là con vật linh thiêng, có nhiều quyền phép, có nhiều tài năng, có nhiều may mắn...,  cho nên những ai có tuổi con Rồng thì cứ việc tin rằng số mình là tốt đẹp, là may mắn, là nhiều tài ba..., cho nên mọi việc, mọi điều: đường đời, sự nghiệp, công danh... tất cả đều sẽ được hanh thông, tất cả đều sẽ được thuận lợi, tất cả đều sẽ được tốt lành ..., những ai không có tuổi con Rồng, nhưng gặp năm con Rồng thì cũng cứ tin là mình sẽ được mọi điều may mắn, mọi chuyện tốt đẹp, mọi việc thành công!

THÁI NAM TRÂN

No comments:

Post a Comment