Monday, 2 January 2012

Già ơi....Chào Bạn!


Ông Bạn tôi, một Nhà Giáo, cũng là một Nhạc Sĩ, khi mới có đứa cháu nội đầu lòng, đã nâng niu lo lắng cho đứa cháu một cách kỳ lạ, hở tí chút là phone tôi, hỏi han đủ thứ, từ cái ách xì của cháu, đến chuyện “bón ỉa không ra”, cái gì cũng làm cho ông ta lo lắng khác thường!

Thấy tôi chưa biết làm ông nội! Ông Bạn tôi cười giả lả: “Anh không biết đó thôi, cái cảm xúc với cháu nội, khác hẵn với cảm xúc khi có đứa con đầu lòng!”. Rồi ông giải thích thêm, khi có con, ta có sự an ủi là sẽ nuôi nấng con nên người, sẽ sống lâu dài bên con! Còn khi có cháu, ta như có chút ngậm ngùi! Cái tình thương cháu nội, do vậy mà nó đằm thắm hơn! Nó da diết hơn!

Anh là một người nghệ sĩ, một người nhạy cảm, cho nên, tôi tin cảm xúc của anh, nhưng một người quen khác của tôi, anh Ba Hớt Tóc, anh mới có đứa cháu Ngoại đầu tiên, anh cũng bấn xúc xích như thế! Anh Ba không có cái điềm đạm của người Cha, anh cũng không có cái thờ ơ, ỷ lại của người Mẹ, mà anh cũng không hề suy nghĩ, phân tích cảm xúc như anh Bạn Nhạc Sĩ của tôi! Nhưng cứ trông cái vẻ lăng xăng, lo lắng cho cháu Ngoại khi anh bế cháu đến tôi khám bệnh, hỏi han tôi đủ thứ, ngay từ khi cháu bé mới chào đời, thì cũng đủ thấy có cái gì đó rất lạ trong dòng sống của con người!

Có những bà Ngoại, lo cho cả chục đứa con, rồi khi con cái đã có gia đình rồi, lại tiếp tục lo cho các cháu Nội Ngoại! Lo giành các cháu mà nuôi, mà nựng, mà hú hí! Làm cho cặp vợ chồng trẻ ỷ lại vào Mẹ, giao cháu cho Bà! Thế là Bà phải luôn luôn bận rộn! tối tăm mặt mũi! Nhưng mà Bà lại khoái lắm! Vừa kêu là số khổ! Nhưng lại thấy rất hạnh phúc!

Ở tuổi chớm già, người Phụ Nữ thường có một cảm xúc bâng khuâng buồn, khi con cái đã lớn, đã không còn cần tới sự chăm sóc của Mẹ! Cái “cảm xúc tổ trống” khi đàn chim con đã bay xa! Đã đi tìm tổ mới! Nhiều người, trong hoàn cảnh nầy, cảm thấy mình hiu quạnh, buồn bã, cô đơn, vô vị...! Còn “người chồng hườm hườm” kia thì cũng có vẻ xa dần người vợ, hoặc lao vào công việc, hoặc bù khú bạn bè! Một phần cũng là để né tránh những phút giây gần gũi vợ! Mặc cho những nhà Tình Dục Học khản tiếng kêu gào “Rán lên!”.

Một chuyên gia Tình Dục Học nổi tiếng, có lần, trong một buổi nói chuyện về “Tình Dục” đã được một thính giả hỏi là: “Có phải là chuyên gia Tình Dục thì là số dách không?”, ông chuyên gia tình dục chỉ có thể cười và chỉ có thể nói: “Có những nhà văn tả thì rất hay, rất hấp dẫn, rất chi tiết... về một trận đánh xáp lá cà, nhưng không nhất thiết là ông ta có tham gia vào trận đánh! Mà cho có tham gia thì...”.

Thực tế nghiên cứu cho thấy từ 60 tuổi -70 tuổi rồi, thì “Năng Suất” giỏi lắm chỉ còn ½ ! Rồi người chồng về hưu! Một biến cố! Cho dù có chuẩn bị đi chăng nữa, thì đây cũng là một cú sốc! Nặng nhẹ tùy người! Có người hụt hẫng do thu nhập thấp! Do sức khỏe kém! Tiếng nói hết trọng lượng! Bạn bè xa dần! Sinh ra chua chát, đắng cay! Cũng có người năng nổ vùng lên, bỏ nhà ra đi! Có người “Tiếu Ngạo Giang Hồ!”, sống bạt mạng theo sở thích như vừa thoát nợ! Như vừa mới đứt dây neo!

Người vợ nhìn chồng lúc nầy cũng thấy ngán ngẫm! Trước “oai phong lẫm liệt”, nay thì “ngựa hồng mõi vó!”, trước ngày ngày tràn ngập niềm vui, nay thui thủi trong nhà suốt ngày! Sáng trưa chiều tối vợ chồng đều gặp mặt nhau! Gặp nhau hoài có thể sinh nhàm chán! Gần nhau nhiều càng dễ thấy những khuyết điểm của nhau!. Nếu không có nghề nghiệp gì để ổn định đời sống khi về già, lúc về hưu, thì người đàn ông sẽ dễ cảm thấy hụt hẫng, không biết phải làm gì với những thời gian hoàn toàn nhàn rỗi, dễ bị trầm uất, bất an! Nếu lại bị người vợ chê bai, chỉ trích, bắt lỗi thì càng thêm khủng hoảng, đau buồn, khổ sở!

Thế nhưng, cũng có những gia đình vợ chồng già lại sống rất hạnh phúc! Nếu họ có những mối quan tâm chung, có những cách giải trí giống nhau, thì về hưu có thể là thời gian rất tốt cho hạnh phúc, họ sẽ có nhiều thời gian cho nhau hơn! Còn gì vui sướng bằng khi vợ chồng cùng nghe chung một bản nhạc mà hai người cùng thích! Cùng xem chung một chuyện phim mà hai người cùng say mê!

Đa số những cặp vợ chồng hạnh phúc ở tuổi chớm già, thì họ cũng sẽ hạnh phúc ở tuổi về già, vì họ sẽ có thêm nhiều thì giờ dành cho nhau, nhất là những người thuộc giới trí thức, những người văn, nghệ sĩ...,  bởi vì họ dễ có những niềm vui chung, có nhiều thứ để chia xẻ với nhau hơn. Khi con cái đã lớn, đã đi xa nhà cả rồi, thì hạt nhân gia đình chỉ còn lại hai vợ chồng già, khiến cho họ càng thêm gắn bó, mặc dù là cái tình của họ, giờ đây, không còn hừng hực lửa yêu đương như hồi hai kẻ thanh xuân, nhưng mà tình yêu của họ bây giờ có thể là sự ấm áp, sự êm đềm...., nếu cộng thêm hạnh phúc và thành đạt, hiếu thảo..., của con cái, thì hạnh phúc của đôi vợ chồng già càng tăng them, mỹ mãn, tốt đẹp.

Ngày nay, con cái ít quan tâm gần gũi với cha mẹ như thời xưa, lý do, có thể là do nếp sống công nghiệp, ai ai cũng bận rộn, do vậy mà không còn những bữa cơm gia đình thân mật, ấm cúng! Cha mẹ già nếu cứ giữ những quan niệm cũ, nếp sống xưa, khe khắt với con cái ..., thì kết quả sẽ chỉ là chuốc thêm những buồn phiền cho chính mình, không ích lợi gì. Con cái trưởng thành có những mối lo riêng của nó, thì giờ của nó dành cho cha mẹ rất hiếm họi, cho nên chúng ta phải đành chấp nhận sự thực nầy, không nên đòi hỏi gì ở con cái, mà phải biết tự lo cho mình, tự chăm sóc mình, tự an ủi nhau, hơn là trông đợi ở con cái!

Một cặp vợ chồng già, có thể không cần nói gì nhiều với nhau, nhưng cũng có thể hiểu được nhau, nhà văn André Maurois nói một câu thú vị về tình già: “Tình Già yên tâm hơn, vì không phải sợ người yêu của mình bị người ta cuỗm đi mất”, nghiã là tình của vợ chồng già thì tuy nồng nhưng vị không chua như giấm! Vì người ta đã bớt ghen!

Lâm Ngữ Đường, nhà văn hào nổi tiếng của Trung Hoa đã nói về Tình yêu, hôn nhân giữa người đàn ông và người đàn bà rằng: “Trong hôn nhân, đàn bà là nước, đàn ông là đất sét, nước thấm vào đất sét, mà đất sét thành hình, đất sét giữ nước, mà nước lưu động, và sinh hoạt được trong đất sét”. Bertrand Russell, năm 90 tuổi mới gặp nàng Edith, Ông là một nhà Toán Học kiêm Triết Gia, một Nhà Tranh Đấu cho Hoà Bình Nhân loại, vậy mà “nước của Bà Edith” làm sao khiến cho “đất sét của ông Russell” thành ra nhão nhẹt! Cho đến nỗi ông Bertrand Russell đã làm ra “một bài thơ tình!”- có lẽ là bài thơ tình hay nhất của một ông lão 90!

BÁC SĨ ĐỖ HỒNG NGỌC

No comments:

Post a Comment