CÔ GÁI ĐỒ LONG
- Bài của Thái Nam Trân
Có thể nói “Cô gái Đồ Long” là bộ truyện kiếm hiệp nổi tiếng nhất trong tổng số 13 bộ truyện kiếm hiệp đều nổi tiếng của nhà văn Kim Dung, tựa đề nguyên bản của tác phẩm nầy là “Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao”, nhưng khi chuyển ngữ thành bản tiếng Việt thì do những lý do chính trị thời bấy giờ, cuốn truyện đã được đổi tên là “Cô gái Đồ Long”. Mặc dù tên “Cô Gái Đồ Long” không đúng nguyên bản và không đúng nội dung của truyện, nhưng Cô Gái Đồ Long lại rất nhanh chóng thu phục được cảm tình người đọc, thậm chí hiện nay, dù truyện đã lấy lại tên nguyên bản là “Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao”, nhiều người vẫn thích, vẫn quen cái tên truyện “Cô Gái Đồ Long” hơn, một cái tên gọi nhiều gợi cảm hơn, nhiều kích thích hơn, không có vẻ cứng ngắc, khô khan, sắt máu… như tên “Ỷ Thiên Kiếm và Đồ Long Đao”.
Như đã trình bày trên đây, tựa đề nguyên bản của truyện là “Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao”, là tên của một thanh kiếm có tên là Ỷ Thiên kiếm, và tên của một thanh đao có tên là Đồ Long đao, tương truyền ai làm chủ được cả hai món binh khí nầy thì sẽ trở thành vô địch thiên hạ, võ công đệ nhất, cho nên anh hùng thiên hạ, võ lâm hắc bạch, đều hết lòng tìm kiếm để tranh giành cho bằng được, bằng bất cứ giá nào. Truyện kiếm hiệp thì dĩ nhiên là phải có những chuyện tranh chấp, đánh đấm, tranh giành, thi thố võ công, vân vân, nhưng tất cả những cái đó chỉ là những cái khung sườn, bộ măt bên ngoài của truyện kiếm hiệp, chỉ là hình thức chứ chưa phải là nội dung; chất liệu của truyện mới là quan trọng, và chất liệu quan trọng nhất dĩ nhiên phải là chất liệu “tình yêu”, phải có những câu chuyện tình ái, phải có những trắc trở nhân duyên, phải có những mối ân oán, phải có những câu chuyện tình thù, vân vân.
Dĩ nhiên là không phải chỉ có một câu chuyện tình yêu duy nhất, mà phải có rất nhiều chuyện tình yêu đan xen nhau trong một câu chuyện dài nhiều cảnh, nhiều hồi, trường thiên, kỳ tình tiểu thuyết, nhưng câu chuyện tình yêu có thể coi là chủ yếu nhất của bộ truyện “Cô Gái Đồ Long” là câu chuyện tình của vai nam Trương Vô Kỵ và vai nữ Triệu Minh. Trương Vô Kỵ dĩ nhiên là phải có một thân thế thật đặc biệt, và cũng giống như phần đông những nhân vật chánh của truyện kiếm hiệp Kim Dung, nhân vật Trương Vô Kỵ mồ côi cả cha lẫn mẹ ngay từ khi mới lên 10 tuổi, cha của Trương vô Kỵ là Ngũ hiệp Trương Thúy Sơn của môn phái Võ Đang, đệ tử ưng ý nhất của Võ Đang Chưởng Môn Trương Tam Phong. Trương Thúy Sơn là một chính nhân quân tử, một chàng trai trẻ chánh khí ngất trời, một nhân vật văn võ toàn tài, tuấn tú, đẹp trai, thông minh hoạt bát, tư cách nghiã hiệp hơn người, một mẫu nam nhân lý tưởng của bao cô gái đương thời, trong số đó có một người con gái tên là Ân Tố Tố.
Mẹ của Trương Vô Kỵ tên là Ân Tố Tố, dĩ nhiên cũng phải là một thiếu nữ nhan sắc tuyệt vời, thông minh xuất chúng, tài trí hơn người, nhưng Ân Tố Tố có nhiều điểm khác biệt với Trương Thúy Sơn, Ân Tố Tố là con gái của Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chánh, một môn phái tà giáo, đối nghịch với võ lâm chánh giáo. Ân Tố Tố là một người thuộc phe tà giáo, hắc đạo, nhưng mẫu người tình lý tưởng của cô lại chính là Trương Ngũ Hiệp, Trương Thúy Sơn, một chính nhân quân tử, tư cách hơn người, chớ không phải là những con người của ma giáo, hắc đạo, lục lâm…, cái bí ẩn tình yêu trong lòng một người thiếu nữ… luôn luôn là một trong những yếu tố hấp dẫn, lôi cuốn, trong những tác phẩm tiểu thuyết kiếm hiệp kỳ tình của Kim Dung.
Trương Vô Kỵ bị kẹp giữa hai đạo hắc bạch giang hồ, bên cha là Võ Đang chánh phái, bên mẹ là Ưng Vương tà phái, cộng thêm cha nuôi của Trương Vô Kỵ là Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, là một trong 4 vị Đại Hộ Pháp của Minh Giáo, kẻ thù của võ lâm trung nguyên, thủ phạm của rất nhiều vụ huyết án, giết người trong cả hai giới hắc bạch giang hồ. Thêm vào đó, Tạ Tốn lại là người đang làm chủ thanh bảo đao Đồ Long Đao mà tất cả thiên hạ ai cũng đang lo tìm kiếm tranh giành, cho nên Trương Vô Kỵ mặc dù chỉ là một đứa bé thơ mà lại đã sớm trở thành miếng mổi săn đuổi của hầu như tất cả võ lâm, tất cả các môn phái hắc bạch giang hồ. Trương Vô Kỵ bị kẻ thù truy đánh trọng thương, phải lang thang nhiều năm tháng để trị liệu thương thế, và phải luôn luôn trốn chạy kẻ thù ngày đêm truy đuổi để truy tìm tông tích của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn.
“Hoạ trung hữu phúc” là một quan điểm văn hoá phổ cập của Trung Hoa, cũng là thứ triết lý căn bản của nhà văn Kim Dung, chúng ta không chỉ thấy trong tác phẩm nầy, mà còn thấy tác giả thể hiện triết lý nầy trong nhiều tác phẩm khác, không có một nhân vật chan1h nào của những tác phẩm Kim Dung mà không gặp nhiều tai hoạ trước khi học được võ công hơn người. Nhân vật Trương Vô Kỵ có thể nói là nhờ có những tai hoạ liên tiếp xảy ra cho bản thân, mà dần dần trở thành một con người già giặn kinh nghiệm sống, lại học được nghề thuốc, và sau cùng là học được những ngón võ công cao thâm, vô địch thiên hạ. Võ công giỏi chỉ mới là một chuyện, giàu lòng nghiã hiệp mới là điều quan trọng của một người hiệp khách giang hồ, và do lòng nghiã hiệp nầy mà Trương vô Kỵ một mình đã dám ra tay đương đấu với tất cả quần hùng võ lâm để giải cứu sinh mạng cho toàn thể giáo đồ Minh Giáo đang bị nhiều môn phái võ lâm vây đánh, tiêu diệt trên đỉnh núi Quang Minh là Thánh Điạ của Minh Giáo, và nhờ công cứu giáo, Thiếu niên anh hùng Trương Vô Kỵ được toàn thể giáo đồ Minh Giáo tôn làm Giáo Chủ Minh Giáo.
Tài năng, danh tiếng, nhân nghiã, đạo đức… của Thiếu Niên Giáo Chủ Minh Giáo Trương Vô Kỵ đã gợi sự chú ý tò mò của Tiểu Quận Chuá Triệu Minh, người lãnh đạo lực lượng triều đình tiến hành âm mưu thống trị quần hùng, võ lâm, đặc biệt là công cuộc đàn áp tiêu diệt giáo phái Minh Giáo, giáo phái đang lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống Nguyên, giành độc lập cho dân tộc Trung Hoa. Nhưng ý định chiêu hàng tiểu tử Trương Vô Kỵ của Triệu Minh đã dần dần thất bại, vì một tình yêu nam nữ đã dần dần nẩy nở trong tim nàng, khiến cho càng lúc Triệu Minh càng không thể ra tay sát hại chàng. Và càng lúc Triệu Minh Quận Chúa càng không thể xa rời được tiểu tử Trương Vô Kỵ, cho dù giữa Trương Vô Kỵ và nàng có muôn vạn bức tường dị biệt ngăn cách: khác biệt gia đình, khác biệt chủng tộc, khác biệt chiến tuyến, khác biệt mục tiêu, vân vân.
Nhân vật thích hợp nhất để kết hôn với Trương Vô Kỵ không phải Triệu Minh mà là Chu Chỉ Nhược, người Chưởng môn nhân trẻ tuổi, xinh đẹp của môn phái Nga My. Giữa Trương Vô Kỵ và Chu Chỉ Nhược có những mối tương quan, đồng cảm từ khi còn bé thơ, hai đứa trẻ con cùng mồ côi không cha mẹ và đã từng quen biết nhau, cảm tình nhau từ nhỏ, lớn lên lại có mối hôn nhân đính ước của vị chưởng môn nhân khả kính Trương Tam Phong, Thái Sư Phụ của Trương vô Kỵ. Hôn nhân Trương Vô Kỵ - Chu Chỉ Nhược quả thật là một cuộc hôn nhân lý tưởng, trai tài gái sắc, cân xứng gia môn, hai vị Chưởng môn Nhân của hai đại môn phái võ lâm, cuộc hôn nhân sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho tất cả quần hùng, sẽ củng cố thêm thế lực cho phe kháng chiến khởi nghiã chống lại sự thống trị Trung Hoa của Triều Đình Mông Cổ.
Nhưng cuộc hôn nhân Trương Vô Kỵ và Chu Chỉ Nhược lại bất thành, Triệu Minh đã xuất hiện để ngăn cản cuộc hôn nhân nầy, bởi vì, dĩ nhiên nguyên nhân thực sự và sâu xa chính là vì tình yêu của Triệu Minh đối với Trương Vô Kỵ, nhưng ngoài ra thì còn có một số nguyên nhân khác, bởi vì còn có những lý do để Trương Vô Kỵ không thể thành hôn với Chu Chỉ Nhược! Bởi vì người ám toán nghiã phụ của Trương Vô Kỵ, Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, người bán đứng Tạ Tốn cho kẻ thù bất cộng đái thiên của Tạ Tốn là Thành Khôn, người âm thầm giết chết biểu muội Ân Ly của Trương Vô Kỵ, người âm thầm đánh cắp Ỷ Thiên Kiếm và Đồ Long Đao rồi giá hoạ cho Triệu Minh, vân vân, con người một mặt hai lòng, gian trá ác tâm đó lại chính là Chu Chỉ Nhược!.
Còn Triệu Minh, tuy là một kẻ thù của Trương Vô Kỵ, một lực lượng đối địch đối đầu với Trương vô Kỵ và đồng đạo võ lâm Trung Nguyên, nhưng mà Triệu Minh lại có những tư cách thanh cao và một tình yêu tha thiết chân thành đối với Trương Vô Kỵ. Vì yêu Trương Vô Kỵ, Triệu Minh đã có những hành động phản lại triều đình, đã thả hết những nhân vật võ lâm mà Triệu Minh đã bắt được, đã phải từ bỏ điạ vị Quận Chúa giàu sang uy quyền, đã chịu vào sanh ra tử với Trương Vô Kỵ, nhiều lần cứu mạng Trương Vô Kỵ, nhưng lại nhiều lần bị Trương Vô Kỵ hiểu lầm, ghét bỏ, nghi ngờ!. Trong khi Chu Chỉ Nhược bán đứng nghiã phụ của Trương Vô Kỵ thì Triệu Minh lại là người tìm cách cứu Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn đang bị Thiếu Lâm giam cầm trong điạ đạo, chờ mở đại hội Đồ Sư cho quần hùng xét xử tội trạng Tạ Tốn. Triệu Minh sẵn lòng làm hết tất cả mọi việc cho Trương Vô Kỵ, sẵn sàng hy sinh tất cả mọi thứ cho chàng, kể cả việc nàng sẵn sàng hy sinh tình yêu của mình, âm thầm bỏ trốn để Trương Vô Kỵ không phải khó xử với quần hùng võ lâm, môn phái, đồng đạo, vân vân.
Sau cùng, Giáo Chủ Minh Giáo Trương Vô Kỵ đã suy xét và đã tự mình làm một cuộc lựa chọn rất khó khăn, chàng đã từ bỏ ngôi vị Giáo Chủ Minh Giáo và Minh Chủ Võ Lâm, chàng cũng đã từ hôn với Chu Chỉ Nhược, chàng đã chọn lựa người tình Triệu Minh. Trương Vô Kỵ và Triệu Minh, tuy có khác biệt nòi giống, điạ vị, môn phái, vân vân, nhưng lại có cùng chung một nhịp đập của con tim, như một sự xếp đặt an bày sẵn của Thượng Đế, họ đã chọn lựa nhau, và sau cùng họ đã cùng nhau rửa tay gát kiếm, …, họ đã cùng chọn một cuộc đời qui ẩn, riêng tư, không vướng bận trần ai, không màng phú qúi, công danh, không còn những ân oán, tranh đua, không còn những chém giết, hận thù, vân vân,…, không có ngôi vị Giáo Chủ Minh Giáo, không có vai trò Quận Chúa Nguyên Triều, không có Ỷ Thiên Kiếm, không có Đồ Long Đao, …. , chỉ có tình yêu thiên định, chỉ có tình nghiã vợ chồng trăm năm…
Cuốn truyện đã đọc xong, cuốn phim đã xem hết, vấn đề còn lại là những dư vị, những dư âm, những tác động, những ảnh hưởng của truyện, của phim, thông thường thì những phim, những truyện, nhất là những phim truyện kiếm hiệp, nó chỉ có một vai trò rất khiêm nhường trong đời sống con người, những thứ tiêu khiển, giải trí cho qua đi những thì giờ nhàn rỗi, những cơn buồn chán, những lúc ưu phiền, vân vân… Nhưng cái giá trị của những truyện kiếm hiệp của Kim Dung, truyện nầy cũng như nhiều truyện khác của ông, là bên cạnh những tác dụng xem chơi, giải trí, giải buồn, vân vân, như nhiều truyện kịch tiểu thuyết của nhiều tác giả khác, chúng ta vẫn có thể có những cái thích thú, những cái ích lợi, những cái học hỏi, vân vân.
Có thể là tác giả không có chủ ý gì đặc biệt, khác thường như nhiều người đã nghĩ, khi ông sáng tác 13 bộ truyện kiếm hiệp nổi tiếng của ông, không ha74n Kim Dung đã dùng những nhân vật tiểu thuyết của mình để ám chỉ những nhân vật chính trị thời danh nào, cũng không hẵn là tác giả đã tạo những những sự kiện giả tưởng để mô tả những sự kiện chính trị đương thời. Nhưng, một tác phẩm của bất cứ một nhà văn nào, không nhất thiết là của nhà văn Kim Dung, không phải là tự nhiên mà nó được hay, không phải tình cờ mà nó được người xem thích thú, được người đời tán thưởng, được cái gọi là giá trị, nổi danh, vân vân. Cái làm nên giá trị của một tác phẩm, hay một con người, thật ra là còn do những yếu tố đầy bí ẩn, không mấy ai có thể hiểu biết được đầy đủ hay rõ ràng những yếu tố bí ẩn nầy. Có những yếu tố tâm linh huyền bí, có sự hiện diện của Các Đấng Thần Linh vô hình, không có sự giúp đỡ vô hình của Các Đấng Cao Cả Thiêng liêng thì không thể nào chúng ta có được những tác phẩm hay, bất cứ là tác phẩm nào: văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc, thi ca, vân vân.
Nói cách khác là cho dù tác giả không có một chủ ý gì khi sáng tác truyện, nhưng tác phẩm “Cô gái Đồ Long”, cũng như nhiều tác phẩm khác của Kim Dung, ngoài phần giải trí nó còn có những tác dụng khác, những công dụng, những lợi ích, những nghiã lý, những bài học, vân vân. Vấn đề là mỗi người sẽ chỉ có thể học hỏi được những bài học của riêng mình, hay cho riêng mình, trong những hoàn cảnh nào đó, trong những không gian nào đó, trong những thời gian nào đó…. Một trong những bài học lớn của tác phẩm nầy là những bài học lớn về “những tham vọng, những ham muốn” của con người mà hai bảo vật Ỷ Thiên Kiếm và Đồ Long Đao là những vật thể tượng trưng, mà hậu qủa là bao nhiêu diễn biến, đấu tranh, chém giết, hận thù, chết chóc, đau thương, vân vân.
Tất cả chỉ vì muốn tranh giành những bảo vật nầy, những con người xấu, ác, tà ma, họ vì bảo vật mà chém giết nhau để tranh giành là những điều chúng ta có thể coi là tất yếu, có thể coi là tất nhiên, có thể coi là đã đành…; nhưng mà, ngay cả những con ngưòi mang danh chánh nghiã, những người nổi tiếng là những hào kiệt, những anh hùng, vân vân, nhưng rốt cuộc rồi, họ cũng không tránh khỏi những chuyện tranh chấp lợi danh, cũng vì những bảo vật nầy mà rồi họ cũng xả thân chém giết lẫn nhau, và cũng không có từ nan bất cứ hành động phi nhân, phi nghiã, tội lỗi, tội ác nào!.
Tham vọng và thù hận, tuy hai mà một, tuy một mà hai, hai thứ nầy thường đi đôi với nhau và thường hay ràng buộc lẫn nhau, vấn đề là kết qủa của cả hai thứ tham vọng và thù hận đều có những kết qủa bi thảm!. Chỉ vì một thanh Đồ Long Đao mà đã có không biết bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu mối hận thù đã hình thành, bao nhiêu tội lỗi đã làm nên, bao nhiêu tình thân đã bị chặt đứt, bao nhiêu tình yêu đã tan vở ! Mà rồi ngay cả người đã chiếm được cả hai bảo vật Ỷ Thiên Kiếm và Đồ Long Đao là Chu Chỉ Nhược, thì rốt cuộc nàng cũng không được những lợi ích gì cả, để có thể chiếm được Ỷ Thiên Kiếm và Đồ Long Đao, nàng đã đánh mất tư cách, đã gian dối, đã phạm tội, đã hại người, vân vân, khiến cho sau cùng thì nàng đã đánh mất tình yêu của Trương Vô Kỵ, cái nàng mong muốn nhất, cái nàng cần có nhất, có nghiã là nàng đã đánh mất tất cả: cuộc đời, hạnh phúc, tình yêu…!
Nhân vật Chu Chỉ Nhược chỉ là một nhân vật tưởng tượng, chúng ta không hề có một cô nàng Chu Chỉ Nhược thật, nhưng mà chúng ta vẫn luôn luôn có những cái rất thật vây quanh nhân vật nầy, đó là tất cả những cái khuyết điểm của Chu Chỉ Nhược: tham, sân, si, hận, tình thù, vân vân. Chu Chỉ Nhược chỉ là một nhân vật giả tưởng, cho nên lẽ ra thì những nên hư thành bại của nàng đều không phải là những điều đáng để chúng ta phải quan tâm, nhưng mà nếu như chúng ta cũng vướng mắc những khuyết điểm của nàng thì tất cả những cái nên hư thành bại của nàng cũng sẽ chính là những cái nên hư thành bại của chính chúng ta. Phim truyện Trung Hoa thường có câu nói “muốn người ta không biết trừ phi mình đừng có làm”, câu nói nầy áp dụng rất đúng cho những hành động ném đá giấu tay của Chu Chỉ Nhược. Nếu học hỏi và áp dụng được bài học nầy, chúng ta sẽ tránh được rất nhiều khuyết điểm, sai lầm, ân hận trong đời sống con người. Muốn an vui thì chúng ta tuyệt đối không thể làm những chuyện xấu xa, những chuyện sai lầm, những điều trái nghịch đạo lý, lương tâm con người, và cao hơn chúng ta phải học hiểu những bài học tâm linh, ý thức được sự hiện diện thường trực của các vị Thần Linh bên mình của mỗi con người.
Tình yêu cũng là một đề tài chủ yếu của “Cô Gái Đồ Long”, không có những câu chuyện tình yêu thì truyện sẽ trở thành tẻ nhạt, buồn chán, vô vị…; cho nên chúng ta thấy có rất nhiều câu chuyện tình yêu được lồng trong tác phẩm Cô Gái Đồ Long, tình yêu là cái chánh yếu nhất đã làm nên những yếu tố hấp dẫn của một tiểu thuyết kiếm hiệp, chớ không phải là những màn đấu đá võ công, những chiêu thức kiếm pháp, đao pháp gì cả; không có những câu chuyện tình yêu thì truyện kiếm hiệp, bất cứ là truyện kiếm hiệp nào, cũng chỉ còn thuần túy là những cuộc đả lôi đài, đánh võ, đấu vật, nhàm chán, vô vị, hay ghê khiếp mà thôi.
Khởi đầu truyện Cô Gái Đồ Long là câu chuyện tình yêu của hai người thanh niên thiếu nữ đang xuân là Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố, những phong ba hoạn nạn trên hoang đảo đã kết hợp hai người thanh niên thiếu nữ nầy thành chồng vợ và sanh ra Trương vô Kỵ. Đây là một sự kết hợp đầy sóng gió, phong ba, vì hai người thuộc hai phái chánh tà hoàn toàn khác biệt nhau, những mâu thuẩn thân thế của hai người cuối cùng đã dẫn đến cái kết cuộc bi thảm: Trương Thúy Sơn tự tử để chuộc những lỗi lầm của vợ đã gây ra, Ân Tố Tố cũng đã tự tử chết theo chồng để tạ tội.
Tình yêu tuy chân thành nhưng mù quáng của Tống Thanh Thư đối với Chu Chỉ Nhược, đã dẫn đến bao nhiêu điều tội lỗi của chàng trai thuộc danh môn chánh phái Võ Đang, với bao nhiêu tội lỗi đã phạm phải, phản bội sư môn, phản bội đồng đạo, giết chết Thất Sư Thúc Mạc Thanh Cốc rồi đổ tội cho Trương vô Kỵ, vân vân, kết cuộc Tống Thanh Thư đã bị chính Trương Tam Phong, chưởng môn nhân Võ Đang xử tội chết. Tình yêu của Ân Lục Đình phái Võ Đang với Kỷ Hiểu Phù phái Nga My cũng là một thứ tình si, nhưng vẫn còn may là sau cùng Ân Lục Đình đã có được tình yêu của Dương Bất Hối, con gái của Kỷ Hiểu Phù và Dương Tiêu.
Mối tình của Kỷ Hiểu Phù đối với Dương Tiêu cũng là một mối tình si chung thủy không phai mà cái tên Dương Bất Hối nàng đã đặt cho con là một bằng chứng về cái tâm tình yêu đương của nàng đối với người tình Dương Tiêu, một cái tâm tình rất nhân tính. Vì tình yêu, Kỷ Hiểu Phù thà nhận lãnh cái chết từ tay sư phụ Diệt Tuyệt Sư Thái, Chưởng môn Nhân phái Nga My, chớ không chịu phản bội người tình Dương Tiêu. Tôi rất thích cái lối diễn tả tình yêu nhiều nhân tính nầy, nó có cay đắng, có bi thảm, có u sầu, vân vân,… nhưng nó có những cái thật của con người, cái thật dù là bi thảm trong tình yêu của người phụ nữ chốn nhân gian. Cái thật trong cái giả là cái giá trị đặc biệt của những truyện kiếm hiệp đầy những giả tưởng của Kim Dung, cái cần thiết và sâu sắc mà nhiều truyện kiếm hiệp giả tưởng khác không có, nhiều tác giả khác không diễn tả được, nếu không có những cái rất thật trong những cái rất giả của truyện thì truyện sẽ không có giá trị gì cả, không thể lôi cuốn hấp dẫn thực sự được, không cho ta những bài học cần thiết và lợi ích.
Một mối tình đầy nhân tính của nữ giới khác mà tôi cũng rất thích là thứ tình yêu tế nhị và đằm thắm của nhân vật Tiểu Siêu đối với Trương vô Kỵ, một tình yêu âm thầm không đòi hỏi một sự đáp trả nào hết; Tiểu Siêu trong thân phận một a hoàn xấu xí, nàng chỉ mong được làm một vài công chuyện gì đó cho Trương Công Tử của nàng, một vài chăm sóc nhỏ nhặt cũng đủ, một cơ hội gặp gỡ hay gần gũi cũng đủ làm ấm áp lòng nàng. Tôi thật chưa thấy có thứ tình yêu nào tuyệt vời hơn thứ tình yêu của Tiểu Siêu đối với Trương vô Kỵ, đây là thứ tình yêu đằm thắm, mà gần như người nam nhân nào cũng âm thầm mơ ước, kể cả những nhân vật đầy nam tính như Quách Tĩnh hay Kiều Phong. Nhân vật và tình yêu của Tiểu Siêu đối với Trương Vô Kỵ có một bóng dáng trong truyện Thiên Long Bát Bộ là hình bóng và tình yêu của nhân vật A Châu đối với Bang Chủ Kiều Phong, nhưng số mạng A Châu thì bi thảm quá và cuộc đời nàng thì ngắn ngủi quá bên cạnh Kiều Phong. Cho nên, hình ảnh và tình yêu của A Châu không thể đem so sánh được với Tiểu Siêu, tôi thấy cô gái Tiểu Siêu xinh đẹp hơn, thông minh hơn, cao qúi hơn, tế nhị hơn, dịu dàng hơn A Châu.
Tình yêu và hình bóng những nhân vật nữ Tiểu Siêu, A Châu là những hình bóng, tình yêu âm thầm trong lòng của mỗi nam nhân, cho nên chúng ta thấy trong hầu như bất cứ câu chuyện kiếm hiệp giả tưởng nào của Kim Dung cũng có bóng dáng và tình yêu lãng đãng của những nhân vật nữ đáng yêu nầy, và chính nó là những yếu tố thành công bí ẩn của những tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, những ngọn gió mát trong lòng người đọc truyện Kim Dung. Song Nhi trong Lộc Đỉnh Ký là một hình bóng khác của Tiểu Siêu, xinh đẹp, chân thật, trung thành, tận tâm đối với người tình, nhưng cũng như A Châu, nhân vật Song Nhi của Vi Tiểu Bảo không thể so sánh được với Tiểu Siêu của Trương Vô Kỵ, kết cuộc thì Song Nhi chỉ có thể là một cô vợ bé của Vi Tiểu Bảo, ngọt ngào và tốt số hơn A Châu, nhưng lại khôngthể nào so sánh được với Tiểu Siêu mà tác giả đã ưu ái trao cho cái ngôi vị cực kỳ cao qúi và trong sáng là Thánh Nữ của Minh Giáo Ba Tư.
“Kết cuộc có hậu” là một nguyên tắc vàng trong những sáng tác phẩm của Kim Dung, và của nhiều nhà văn Á Đông khác, tôi đồng ý và đồng thuận quan điểm sáng tác nghệ thuật nầy, tôi yêu những câu chuyện có những kết cuộc nhân hậu, trong sáng, cho dù thực tế cuộc đời không hẵn đúng như là chúng ta ước mơ, chưa kể thực tế thường là những chuyện đau buồn, bất như ý, nhưng nếu như chúng ta đã có quyền sáng tác, thì tại sao chúng ta lại không chọn lựa những kết cuộc trong sáng và nhân hậu. Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, kết cuộc là sự kết hợp tình yêu của đôi trai gái Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh, trong Cô Gái Đồ Long nầy thì kết cuộc là sự kết hợp của đôi trai gái Trương vô Kỵ và Triệu Minh.
Có người không đồng ý sự kết hợp chánh tà nầy, có người nối kết những sự kiện tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung với những sự kiện lịch sử Quốc Cộng, để lên án chủ trương kết hợp chánh tà nầy. Thực ra, không ai có thể nói chắc về những dụng ý của tác giả, Kim Dung chưa bao giờ nói về những dụng ý của mình, nhưng quan trọng là Kim Dung không có ca ngợi cái ác, không có chủ trương kết hợp với cái ác, mà Kim Dung đã muốn thay đổi cái ác, Doanh Doanh đã thay đổi cái ác khi kết hợp với Lệnh Hồ Xung, Triệu Minh cũng đã thay đổi vai trò Quận Chúa Mông Cổ khi kết hợp với Trương vô Kỵ. Mặt khác, Kim Dung luôn luôn nói về cái tương đối của sự vật, của con người, cái tương đối của thật giả, thiện ác, vân vân, trong chốn giang hồ qủa thật chúng ta khó phân thật giả, thiện ác, ngay gian, vân vân. Chẳng những thật là khó phân những kẻ thiện ác trong những hàng ngũ chánh tà, mà ngay cả việc phân định thiện ác trong lòng của mỗi con người cũng là những chuyện rất khó khăn, một người thiện chưa hẵn thiện, một kẻ ác chưa hẵn ác; đây là cái thông điệp rõ nhất, lớn nhất, giá trị nhất của những tiểu thuyết kiếm hiệp giả tưởng Kim Dung: thiện ác, ngay gian, chánh tà, vân vân, rất khó phân biệt được, rất khó nhận định, rất khó phê phán….
Từ cái kết cuộc nầy, nếu như sau khi đọc xong cuốn truyện, xem xong cuốn phim, dù chỉ là một phim truyện tiểu thuyết kiếm hiệp giả tưởng, những nhân vật cổ trang xưa cũ, đao kiếm tình thù, vân vân, nếu như chúng ta có thể học được những bài học triết học và đạo lý về con người, về xã hội, về phong tục, về tập quán, về tư tưởng, về tình cảm, về tâm linh, vân vân, chúng ta có thể có được những lợi ích cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, cho quốc gia, cho nhân loại, vân vân.
Kim Dung tuy là viết truyện kiếm hiệp, nhiều bộ truyện trường thiên tiều thuyết với những cảnh con người không ngừng đánh đấm, đấu tranh, chém giết lẫn nhau, nhưng kết cuộc thì bao giờ cũng là chuyện những người anh hùng hiệp nữ rửa tay gát kiếm, rút khỏi giang hồ, không còn tranh đấu, không còn hơn thua… Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, tiểu tử Lệnh Hồ Xung vào rừng dạo nhạc với Doanh Doanh, trong Lộc Đỉnh Ký thì tiểu tử Vi Tiểu Bảo từ bỏ hết mọi chức tước điạ vị để cùng với 7 vị phu nhân tìm vui ở một hoang đảo không người, trong Cô Gái Đồ Long nầy thì thiếu niên anh hùng vô địch Trương Vô Kỵ đã vất kiếm, từ chức Giáo Chủ Minh Giáo để ngày ngày kẻ chân mày cho Triệu cô nương. Kết cuộc của câu chuyện kiếm hiệp giả tưởng nào của Kim Dung, rốt cuộc cũng gần như đi vào một khuôn mẫu nhất định, nhưng tôi vẫn thích những cái khuôn mẫu nhất định, nhưng đầy những triết lý, đạo lý, nhân sinh và đầy nhân hậu, nhân ái, nhân đạo của Kim Dung.
Nếu như đây chỉ là một câu chuyện tình yêu thuần túy, hai người tuổi trẻ thanh niên yêu nhau, sau bao nhiêu trắc trở truân chuyên, kết cuộc là một cuộc kết hợp nhân duyên, tình nghiã vợ chồng thì qủa thật đây là một câu chuyện tình đẹp, câu chuyện tình Lệnh Hồ Xung - Nhậm Doanh Doanh rất đẹp, câu chuyện tình Quách Tĩnh – Hoàng Dung rất hay, câu chuyện tình Tiểu Long Nữ - Dương Hóa cũng rất đẹp, nhưng câu chuyện tình Trương vô Kỵ - Triệu Minh thì vẫn còn có những vấn đề chưa ổn thoả: bổn phận con người, nhiệm vụ quốc gia, trách nhiệm tổ quốc, vân vân. Nếu như Trương vô Kỵ không chỉ là một tiểu tử vô danh phiêu bạt giang hồ như Lệnh Hồ Xung, như Dương Hóa, thì Trương vô Kỵ có thể dễ dàng rửa tay gát kiếm đi theo ngưòi tình, nhưng vấn đề là Trương vô Kỵ không phải là một tiểu tử vô danh, Trương vô Kỵ là một lãnh tụ kháng chiến chống Nguyên cứu nước.
Nay, nếu chỉ vì một chút tình yêu nam nữ riêng tư mà Trương Vô Kỵ rời bỏ hàng ngũ kháng chiến, từ bỏ vai trò lãnh tụ khởi nghiã của mình, bỏ mặc anh em đồng đạo võ lâm, bỏ mặc đại cuộc cứu nước, thì đây là một vấn đề không ổn thoả, không hợp tình lý, không hợp đạo lý, không hợp lý tưởng thanh niên phải phụng sự tổ quốc, phải đặt quyền lợi và nghiã vụ của dân tộc quốc gia lên trên những tình cảm riêng tư, những tình yêu trai gái thường tình, vân vân. Cho nên, cái kết cuộc thơ mộng Trương Giáo Chủ từ bỏ ngôi vị Giáo Chủ Minh Giáo, để đi vẽ chân mày cho Quận Chúa Triệu Minh, có thể không phải là một cảnh trí thơ mộng thật sự, mà có thể là một hành động không thể tránh khỏi những dị nghị, những phê phán, phê bình của người đọc, của người đời.
Người đời có thể phê phán, phê bình, là vì mỗi người có một ý kiến khác nhau, một quan điểm khác nhau về tất cả mọi sự việc, kể cả về nghệ thuật, về văn nghệ, về sáng tác, vân vân; nói chung, chúng ta có hai quan niệm khác biệt về nghệ thuật, một là quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật” và một là “quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh”. Quan niệm nghệ thuật nào cũng có những cái đúng sai hay dở của nó, quan niệm nào cứng ngắt cực đoan cũng trở thành dở tệ, sai lầm. Đã gọi là nghệ thuật thì không thể thiếu những yếu tố căn bản của nghệ thuật là tự do và sáng tạo, nhưng nếu nghệ thuật mà không phục vụ cho nhân sinh thì sẽ là những thứ nghệ thuật hoang tưởng, hoặc mù loà, không lợi ích và không thể được tồn tại, sớm hay muộn gì cũng sẽ bị đào thải, hay sẽ bị quên lãng. Nhưng chúng ta cũng tuyệt đối không thể cứng ngắt trong quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh”, để có thể biến nghệ thuật thành những công cụ chánh trị, xã hội, văn hoá, tôn giáo, vân vân, mà hậu qủa sẽ rất nghiêm trọng như tình trạng đông lạnh, băng giá, hay thui chột nghệ thuật trong những chế độ chuyên chính, phong kiến, Nho giáo, Khổng Mạnh, vân vân, thời xưa, hay trong chế độ xã hội chủ nghiã, duy vật biện chứng, vân vân, thời nay.
Tóm lại là chúng ta phải có những quan điểm, những quan niệm minh triết mọi sự vật và mọi sự việc, kể cả những quan niệm về nghệ thuật, không thể nói nghệ thuật vị cái nầy hay vị cái kia, mà bắt buộc phải bao gồm cả hai yếu tố nghệ thuật và nhân sinh, hơn nữa nó còn phải cần có rất nhiều yếu tố khác nữa, nghệ thuật nào cũng phải như vậy, hội hoạ hay thi ca, thơ phú hay âm nhạc, kịch nghệ hay phim truyện, vân vân. Tất cả những tác phẩm nghệ thuật, bất kể là loại nghệ thuật nào, muốn có giá trị đều phải hàm chứa, bao gồm rất nhiều yếu tố: tư tưởng, tư duy, tình cảm, tình yêu, tâm hồn, và cả những yếu tố xưa nay rất ít người đề cập đến là yếu tố tâm linh. Không có yếu tố tâm linh thì dù là tác phẩm nghệ thuật nào đi nữa, nó cũng chỉ là những cái xác không hồn, dù trước mắt nó có được người đời thích thú, ưa chuộng, ca ngợi đi nữa, thì nó cũng không có được những giá trị sâu sắc, sâu xa, nó không có những giá trị chiều sâu, nó không thể tạo được sự rung cảm thực sự của con người, nó không thể đi vào những chốn thâm sâu trong lòng người, chốn tâm linh, nghiã là nó sẽ không có cái giá trị thực sự của một tác phẩm nghệ thuật chân chính: giá trị tâm linh.
Thái Nam Trân
No comments:
Post a Comment