Saturday, 19 November 2011

Luc Mach Than Kiem


LỤC MẠCH THẦN KIẾM

  • Bài của Thái Nam Trân

Lục Mạch Thần Kiếm hay Thiên Long Bát Bộ là một trong số 13 truyện kiếm hiệp nổi tiếng của nhà văn kiếm hiệp Trung Hoa nổi tiếng Kim Dung, đây là một bộ truyện trường thiên tiểu thuyết, rất nhiều đoạn, nhiều hồi, nhiều nhân vật, nhiều sự việc khác nhau, xuyên qua nhiều thời kỳ, nhiều điạ phương khác nhau, bên trong lẫn bên ngoài đất nước Trung Hoa, nhưng chủ yếu là nói về một số nhân vật Hoàng gia của nước Đại Lý, một vương triều nhỏ bé ngày nay thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc, nhân vật chánh là Đoàn Dự, con trai duy nhất của Nhữ Nam Vương Đoàn Chính Thuần, thái tử của nước Đại Lý.

Đại Lý là một vương quốc rất trọng võ công, các vị vua Đại Lý đều có võ công cao cường, Phật Giáo là quốc giáo, các vị vua già thường thoái vị vào tu trong tu viện của Hoàng Gia là Thiên Long Tự, các vị Thiền Sư của Thiên Long Tự đều là những bậc chân tu, đồng thời cũng là những vị võ công đệ nhất. Tóm lại là phàm vương thất hoàng triều Đại Lý đều phải giỏi võ công để bảo vệ giang sơn Đại Lý, đương kim Hoàng Đế Đoàn Chính Minh rất giỏi võ công, Hoàng Đệ Nhữ Nam Vương Đoàn Chính Thuần cũng là một vị võ công đệ nhất, nhưng Hoàng Thái Tử Đại Lý là Đoàn Dự thì lại rất ghét võ nghệ, chỉ thích thơ văn, không thích học võ, vì không muốn học võ cho nên Thái Tử Đoàn Dự đã bỏ cung điện Đại Lý chạy trốn.

Đoàn Dự không muốn học võ công, chạy trốn khỏi triều đình Đại Lý, nhưng chàng trai thích văn chương thi phú nầy lại không thể từ bỏ được những bản tánh hiệp nghiã của một người kiếm sĩ anh hùng, thế nên chàng ta vẫn bị lôi cuốn vào những chuyện tranh chấp giang hồ, võ lâm. Vì bí kiếp võ công Lục Mạch Thần Kiếm của dòng họ Đoàn nước Đại Lý, Đoàn Dự bị nhà sư Cưu Ma Trí của nước Thổ Phồn bắt đi, trên đường lưu lạc Đoàn Dự đã bị tiếng sét ái tình với nàng Vương Ngọc Yến; nhưng Vương Ngọc Yến lại chỉ một lòng tình si với biểu huynh của nàng là Mộ Dung Phục, còn Mộ Dung Phục thì lại coi nhẹ tình yêu nam nữ, coi nhẹ tình yêu của vương Ngọc Yến, chỉ coi nặng công danh sự nghiệp, mãi mê theo đuổi giấc mộng phục quốc, làm vua.

Vương Ngọc Yến là một cô gái nhan sắc tuyệt trần, thông minh tuyệt đỉnh, chỉ vì quá yêu Mộ Dung Phục, mà nàng đã học hết võ công trong thiên hạ, để mong có thể giúp đỡ người nàng yêu đối địch với kẻ thù, có thể nói là môn võ công nào, của ai, môn phái gì, Vương Ngọc Yến đều rành rẽ cả. Nhưng mà, nàng chỉ rành về lý thuyết mà thôi, chớ còn một chiêu thức võ công thực sự nàng cũng không thể xử dụng được, nàng không có phần thực hành, không có nội lực, không có võ công thực sự. Đoàn Dự yêu Vương Ngọc Yến là một mối tình si một chiều và hoàn toàn vô vọng, bởi vì trong lòng Vương Ngọc Yến chỉ có một hình bóng duy nhất là biểu huynh Mộ Dung Phục của nàng mà thôi, không có bất cứ một hình bóng nam nhân nào khác.

Mẹ của Vương Ngọc Yến, Vương Phu Nhân lại là một trở ngại không thể vượt qua cho tình yêu của Đoàn Dự, bởi vì Vương Phu Nhân hận nhất là những người đàn ông mang họ Đoàn, chẳng những bà không hề muốn gả con gái của bà cho Đoàn Dự, mà bà còn muốn giết chết Đoàn Dự, chỉ vì Đoàn Dự mang họ Đoàn!. Dù biết là Vương Ngọc Yến không hề ngó ngàng gì đến tấm tình si của mình, mẹ của Vương Ngọc Yến thì rất hận những nam nhân họ Đoàn, nhưng Đoàn Dự vẫn một mực tình si với Vương Ngọc Yến, dù không biết một chút võ công nào nhưng Đoàn Dự vẫn tình nguyện luôn theo bên mình Vương ngọc Yến để bảo vệ cho nàng, bất chấp mọi trở ngại, bất chấp mọi hiểm nguy, bất chấp mọi thiệt thòi…

Và rồi trong những lúc nguy cấp nhất, khi cần cứu mạng cho người mình yêu, Đoàn Dự bỗng xử dụng được tâm kiếm “Lục Mạch Thần Kiếm”, là môn kiếm pháp trấn quốc của dòng họ Đoàn nước Đại Lý, chỉ bằng những ngón tay chỉ chỏ loạn xạ, nhưng kết qủa là Đoàn Dự đã giết được bao nhiêu kẻ thù để bảo vệ tính mạng cho Vương Ngọc Yến. Không phải một lần, mà rất nhiều lần, bất chấp hiểm nguy, bất cần tính mạng của mình, Đoàn Dự đã liều mình và luôn luôn liều mình bảo vệ cho Vương Ngọc Yến, khác hẵn với Mộ Dung Phục chỉ luôn luôn lợi dụng tình yêu của Vương Ngọc Yến, sẵn sàng bán đứng nàng cho những quyền lợi riêng tư, cho giấc mộng Đế Vương của mình.

Sau bao nhiêu gian truân thử thách, sau bao nhiêu tao ngộ, hiểm nguy, cuối cùng Vương Ngọc Yến bắt buộc cũng phải giác ngộ, cũng phải nhận ra cái tư cách bỉ ổi, bất nhân của Mộ Dung Phục và nhận ra cái tình yêu trong sáng tuyệt vời, tha thiết và chân thành của Đoàn Dự, tư cách thanh cao và tao nhã, tài nghệ và võ công, tấm lòng và can đảm của Đoàn Dự,…, nghiã là kết cuộc thì Vương Ngọc Yến đã bị tài năng, tư cách, tình yêu, nghiã cử, tấm lòng… của Đoàn Dự chinh phục. Nhưng mà, đúng lúc Vương Ngọc Yến chấp nhận tình yêu của Đoàn Dự thì cũng lại là lúc hai người biết được câu chuyện bí mật của Vương Phu Nhân, bà là người tình của Đoàn Chính Thuần, biết được thân thế của Vương ngọc Yến, nàng là con gái riêng của Đoàn Chính Thuần, nghiã là em gái của Đoàn Dự! nghiã là Vương Ngọc Yến không thể thành hôn với Đoàn Dự!.

Đoàn Chính Thuần không phải chỉ có một người tình bí mật bên ngoài Hoàng Cung, mà Đoàn Chính Thuần có rất nhiều mối tình lẻ bên ngoài cung cấm và nhiều cô con gái với những người tình bên ngoài nầy mà Vương Ngọc Yến chỉ là một trong nhiều cô con gái khác của Đoàn Chính Thuần. Những người yêu của Đoàn Chính Thuần đều là những người đàn bà xinh đẹp tuyệt trần, nhưng mỗi người mỗi vẻ khác nhau, tánh tình cũng hoàn toàn khác biệt, chỉ có một cái giống nhau là người nào cũng cực kỳ ghen tuông, cũng muốn là người tình duy nhất của Đoàn Chính Thuần, cũng đều tuyệt đối không chấp nhận chia xẻ tình yêu của mình với bất cứ người đàn bà nào khác.

Nhưng mà Đoàn Chính Thuần thì lại là một mẫu nam nhân lý tưởng của qúa nhiều mỹ nhân: một hoàng tử vương triều, cao qúi, giàu sang, danh vọng, uy quyền, tài trí, võ công, văn chương, thi phú, phong nhã, hào hoa, đa tình…cho nên đi tới đâu, Đoàn Chính Thuần cũng có người yêu. Người yêu của Đoàn Chính Thuần thuộc nhiều hạng người khác nhau, có người rất hiền thục, đoan trang, dịu dàng, nhưng cũng có những người hung dữ, ngang tàng, gần như người nào cũng có võ công cao cường, và một tình yêu tha thiết với Đoàn Chính Thuần, và người nào cũng rất đổi ghen tuông, nhưng mỗi người ghen tuông một cách khác nhau, không có người nào ghen tuông giống người nào, nhưng người ghen tuông ghê gớm nhất, tàn bạo nhất có lẽ là nhân vật Mã Phu Nhân, vợ của Phó Bang Chủ Cái Bang Mã Đại Nguyên. Vì ghen và hận Đoàn Chính Thuần bỏ rơi mà bà âm thầm dụng mưu để Bang Chủ Cái Bang Kiều Phong nghĩ lầm Đoàn Chính Thuần là kẻ tử thù giết chết cha mẹ Kiều Phong, để Kiều Phong phải quyết tâm đấu võ giết chết Đoàn Chính Thuần. A Châu là người yêu của Kiều Phong nhưng cũng là con gái riêng của Đoàn Chính Thuần, để giữ vẹn hai đường tình hiếu cho nên đã giả dạng Đoạn Chính Thuần thi đấu võ công với Kiều Phong mà kết cuộc là bị Kiều Phong một chưởng đã đánh chết A Châu.

Không mượn tay Kiều Phong giết chết được Đoàn Chính Thuần thì chính Mã Phu Nhân đã bày mưu sắp kế để giết chết Đoàn Chính Thuần, vì bất ngờ, Đoàn Chính Thuần bị Mã Phu Nhân hạ độc thủ, bỏ thuốc mê trong rượu, trói lại để tùng xẻo, hành hình! Đoàn Chính Thuần có tội phụ rẩy tình yêu của Mã Phu Nhân cho nên nàng ghen tuông mà trả thù thì dù là hành động độc ác chúng ta cũng còn có thể hiểu được, nhưng mà Kiều Phong cũng bị Mã Phu Nhân thù hận quyết tâm trả thù chỉ vì Kiều Phong không thèm ngưỡng mộ cái nhan sắc hoa khôi của nàng thì Mã Phu Nhân thực sự là một nhân vật có tánh vị kỷ hạng nhất trên đời. Tánh vị kỷ của Mã Phu Nhân đã có từ khi bà còn là một đứa bé con, chỉ vì ghen đứa bé hàng xóm có cái áo đẹp mà mình không có mà cô bé nhà ta đã dám đêm khuya lẽn vào nhà người hàng xóm, lén ăn cắp cái áo mới của người ta, lấy kéo cắt tan tành cho hả giận!.

Vương Phi Thư Bạch Phụng, mẹ của Thái Tử Đoàn Dự thì lại ghen tuông một cách khác, bà là một bậc vương phi, mẫu nghi thiên hạ, nhan sắc tuyệt trần, tư cách mẫu mực, võ công hơn người, nhưng cũng không thoát khỏi thói nhi nữ thường tình, ghen tuông với ông chồng hào hoa phong nhã, cho nên đã bỏ cả cung điện, bỏ cả ngôi vị Vương Phi, vào chùa gõ mõ tụng kinh, tu hành…, nhưng bà cũng vẫn không quên chuyện ghen tuông, và nhất là không dẹp bỏ được lòng hận tức, muốn trả đũa, trả thù chuyện ngoại tình của ông chồng. Kết qủa là Vương Phi Thư Bạch Phụng trong một đêm tối trăng mờ đã tự động dâng hiến tấm thân xinh đẹp ngọc ngà của một vị vương phi cho một gã hành khất xấu xí, tàn tật bên ngoài cửa chùa,…, hậu qủa là bà đã mang thai Đoàn Dự với người hành khất tàn tật vô danh chớ không phải là với người chồng Hoàng Gia Đoàn Chính Thuần.

Người hành khất xấu xí, tật nguyền đó lại là cựu Thái Tử Đoàn Diên Khánh, người đã bị tàn tật vì một cơn binh biến tranh đoạt vương quyền hoàng gia Đại Lý nhiều năm trước đây, cuộc binh biến đã làm thay đổi triều đình nước Đại Lý, cho nên sau cùng thì Thái Tử Đoàn Diên Khánh phải lưu lạc giang hồ, trở thành một kẻ đứng đầu tứ ác, có ngoại hiệu là Ác Quán Mãn Doanh, ngày đêm không ngừng tìm cách trả thù rửa hận gia đình Đoàn Chính Thuần, và tìm cách khôi phục ngôi vị Hoàng Đế nước Đại Lý.

Sau trăm phương ngàn kế, độc ác, tàn bạo, bất nhân, không từ một thủ đoạn nào cả, Thái Tử Đoàn Diên Khánh đã bắt được Nhữ Nam Vương Đoàn Chính Thuần và Hoàng Thái Tử Đoàn Dự, nhưng khi khám phá được sự thật Đoàn Dự là con trai ruột của mình thì ông đã bỏ đi, không còn muốn tranh giành ngôi vị Hoàng Đế nước Đại Lý, ngôi vị chắc chắn không thích hợp với ông, một kẻ đã tàn phế tật nguyền, nhưng chắc chắn nó sẽ về tay Đoàn Dự đứa con trai ruột thịt của mình. Để tạ tội với bao nhiêu người hồng nhan tri kỷ đã vì mình mà bị thảm tử, Nhữ Nam Vương Đoàn Chính Thuần đã tự tử chết, Hoàng Đế Đoàn Chính Minh cũng quyết định từ ngôi, vào chùa Thiên Long Tự sống đời khổ hạnh tu hành. Đoàn Dự là người kế vị duy nhất của Hoàng Gia Đại Lý, nên đã lên ngôi Hoàng Đế nước Đại Lý, và vì không phải là con ruột của Đoàn Chính Thuần, nghiã là không phải anh ruột của Vương Ngọc Yến, cho nên Hoàng Đế nước Đại Lý Đoàn Dự có thể cưới Vương Ngọc Yến làm Đoàn Vương Phi.

Ngoài nhân vật chánh là Đoàn Dự xuất hiện từ đầu truyện đến cuối truyện, buổi đầu tuy không chịu học võ công, nhưng số mạng đã đưa đẩy khiến sau cùng chàng cũng trở thành một nhân vật võ công siêu đẳng với môn võ bí truyền của Hoàng gia Đại Lý là Lục Mạch Thần Kiếm, Đoàn Dự còn có hai người anh kết nghiã là Kiều Phong và Hư Trúc. Đây là hai nhân vật rất đặc biệt và rất đặc sắc trong câu chuyện trường thiên tiểu thueý6t kiếm hiệp Lục Mạch Thần Kiếm hay Thiên Long Bát Bộ, cả hai nhân vật nầy võ công, tư cách đều đặc biệt, hơn người, mà câu chuyện cuộc đời, gốc gác, tình yêu, vân vân, của họ, tất cả đều rất là đặc biệt, rất lôi cuốn, rất hấp dẫn, rất ly kỳ...

Kiều Phong là một đứa trẻ mồ côi thân thế thật bí ẩn, được Bang Chủ Cái Bang nuôi nấng, khi lớn lên là một thiên tài võ học và một tư cách rất anh hùng, quang minh lỗi lạc, chính nhân quân tử, cho nên được kế nghiệp cha nuôi làm Bang Chủ Cái Bang. Nhưng những âm mưu tranh giành chức vụ Bang Chủ Cái Bang của các vị Trưởng Lão, và những âm mưu qủi quái, tham vọng, tình thù, vân vân, của Mã Phu Nhân, vợ của Phó Bang Chủ Mã Đại Nguyên, đã làm lộ danh phận của Kiều Phong là một người ngoại tộc thuộc giống Khiết Đan là kẻ thù của người Trung Nguyên, khiến Kiều Phong bị cách chức Bang Chủ và bị quần hùng đuổi đánh, phải rời khỏi Trung Nguyên, ra ngoài đại mạc.

Kiều Phong trở về với bộ tộc Khiết Đan của mình, lấy lại tên họ thật của mình là Tiêu Phong, trở thành nghiã đệ của Hoàng Đế Khiết Đan, rồi được phong tặng tước vị lớn Nam Viện Đại Vương. Hoàng Đế Khiết Đan muốn sai Tiêu Phong mang binh xâm lấn Trung Nguyên, nhưng Tiêu Phong không muốn làm nên trận chiến tranh binh lửa nầy, cuối cùng chàng vừa muốn thực hiện ý muốn hoà bình không gây chiến với Trung Nguyên, vừa muốn vẹn toàn tình nghiã huynh đệ với Hoàng Đế Khiết Đan mà Tiêu Phong phải chấp nhận một cái chết thảm, tự tử giữa trận tiền, trước mặt quần hùng thiên hạ.

Tiêu Phong tự tử chết khiến cho A Tử vì tình yêu Tiêu Phong mà cũng tự tử chết theo, thiệt là một mối tình si tha thiết, bi thảm, đắng cay…A Tử là cô em gái ruột của A Châu, nghiã là cả hai cô gái A Châu, A Tử cùng là con gái ruột của Đoàn Chính Thuần và Nguyễn Tinh Trúc, hai người con gái nầy nhan sắc như nhau, hình dáng giống y nhau, nhưng tánh tình thì lại rất trái ngược nhau như nước với lửa. A Châu là một cô gái xinh đẹp, dịu hiền, đoan trang, hiền thục, nết na, tế nhị, dịu dàng, …., nàng là người yêu, và là người vợ chưa cưới của Tiêu Phong, nhưng số mạng oan trái đã bày ra một câu chuyện hiểu lầm nghiêm trọng, để rồi chính Tiêu Phong đã ra tay giết chết người yêu, người tình A Châu của mình.

A Tử là cô em gái ruột của A Châu, nhưng mà tánh tình của cô thì lại hoàn toàn khác biệt với cô chị, nếu như A Châu hiền hậu bao nhiêu, thì A Tử lại hung dữ bấy nhiêu, cô rất ác độc và rất tàn bạo đối với tất cả mọi người, có lẽ vì ngay từ thuở nhỏ cô đã được nuôi dạy trong một môn phái tà đạo, phi nhân tánh. Dù tánh tình có hung dữ, độc ác tới đâu, A Tử cũng vẫn có một tình yêu vô cùng tha thiết, chân thành, keo sơn gắn bó với Tiêu Phong, bất kể hoàn cảnh nào, bất kể tình huống nào, và đặc biệt là nàng không chấp nhận bất cứ một tình yêu nào khác, của bất cứ ai khác, đó là cái chất người nhất của một con người, cho dù đó là một con người độc ác, một con người bất nhân...

Trong khi A Tử nhất quyết đeo đuổi một tình yêu vô vọng đối với Tiêu Phong thì lại có một nhân vật khác cũng luôn luôn  đeo đuổi một tình yêu vô vọng đối với A Tử, người đó là Du Thản Chi. Có thể nói Du Thản Chi là một mẫu tình yêu mù quáng, điên cuồng, rồ dại hạng nhất trong thiên hạ, có thể nói tự cổ chí kim không có một tình yêu nào điên cuồng rồ dại hơn là tình yêu của Du Thản Chi đối với A Tử. Tình yêu của A Tử với Tiêu Phong đã là cuồng si, đã là rồ dại, đã là chung tình, nhưng tình yêu của Du Thản Chi với A Tử mới thực sự là rồ dại, cuồng si, không có một thứ tình si rồ dại nào có thể so sánh bằng.

Du Thản Chi sẵn sàng làm bất cứ điều gì A Tử muốn, chấp nhận bất cứ sự thiệt thòi nào, bất cứ sự hy sinh nào, sẵn sàng móc mắt cho A Tử, sẵn sàng trao ra tánh mạng cho A Tử. Nhưng thủy chung A Tử vẫn không hề mảy may đáp trả tình si của Du Thản Chi, nàng sẵn sàng trả lại cặp mắt cho Du Thản Chi chớ cũng không chịu làm vợ Du Thản Chi, nàng sẵn sàng chết theo Tiêu Phong chớ không chịu sống xa người nàng yêu, nàng tuyệt đối không chấp nhận bất cứ một tình yêu nào, của bất cứ ai khác hơn là Tỉ Phu Tiêu Phong yêu qúi của nàng.

Hư Trúc, một người nghiã huynh khác của Đoàn Dự cũng là một nhân vật vô cùng đặc biệt, Hư Trúc là một đứa trẻ mồ côi cha mẹ, từ nhỏ đã sống trong chùa Thiếu Lâm, từ nhỏ chỉ biết câu kinh, tiếng kệ, chỉ biết nhà chùa, Phật pháp, môn qui,… , nhưng một chuyến đi xa, một chuyến rời chùa Thiếu Lâm, đã làm thay đổi tất cả số phận, cuộc đời của tiểu hoà thượng Hư Trúc. Những hạnh ngộ của cuộc đời đã làm cho nhà sư Hư Trúc ngã mặn, ăn thịt, uống rượu, kết bạn với võ lâm tà giáo, học võ công của Thiên Sơn Đồng Mỗ, trở thành giáo chủ của môn phái Thiên Sơn, môn phái chúng đệ tử phần lớn là những cô gái thanh xuân xinh đẹp. Không những thế Hư Trúc còn ăn ngủ nhiều lần với một người con gái không quen biết, trong một hang động hàn băng, nghiã là nhà sư còn phạm cả sắc giới là giới luật ngăn cấm hàng đầu của nhà Phật, cho nên, với bao nhiêu điều vi phạm giới cấm Phật môn, ngã mặn, sắc dục, sát nhân, vân vân, Hư Trúc đã bị đem ra xét xử trước mặt võ lâm, quần hùng.

Cuộc xét xử tội trạng Hư Trúc trước mặt võ lâm quần hùng làm lộ ra thân thế của Hư Trúc, thật ra Hư Trúc không phải là một đứa trẻ mồ côi, Hư Trúc chính là đứa con trai của Đại Sư Phương Trượng của chùa Thiếu Lâm và người đàn bà độc ác nhất thiên hạ là Diệp Nhị Nương. Sự tiết lộ thân phận Hư Trúc đã dẫn đến cái chết của Đại Sư Phương Trượng Thiếu Lâm và Diệp Nhị Nương, còn nhà sư Hư Trúc thì bị đuổi khỏi chùa Thiếu Lâm, hoàn tục và trở thành Giáo Chủ Thiên Sơn Giáo. Còn cô gái bí mật đã từng cùng Hư Trúc chung sống trong hầm băng hàn lại là cô công chúa của nước Thổ Phồn; sau những ngày tháng chung sống với Hư Trúc trong hầm băng, công chúa tương tư người tình nên xin vua cha cho tuyển cung Phò Mã. Rất nhiều chàng trai từ trong lẫn ngoài nước cùng đến dự cuộc tuyển cung Phò Mã, và sau cùng thì Công Chúa đã tìm ra người tình bí mật trong hầm băng bằng một cuộc tuyển cung vô cùng hấp dẫn và kỳ lạ.

Bất cứ chàng trai trẻ nào, không phân biệt quốc gia, dân tộc, không phân biệt sang hèn, nghèo giàu, đều được dự cuộc kén rễ của Công Chúa, phần lớn người tham dự là các vị Hoàng Tử của các quốc gia lân bang, trong số có cả Đoàn Dự, có cả Tiêu Phong, có cả Mộ Dung Phục, và dù không hề cố ý, nhưng nhà sư Hư Trúc cũng đã vào tham dự cuộc thi. Mọi người đều phải lần lượt trả lời 3 câu hỏi của Công Chúa đưa ra, phải trả lời được câu hỏi thứ nhất rồi mới được nghe câu hỏi thứ hai; câu hỏi thứ nhất là: người anh yêu nhan sắc ra sao? Câu trả lời mô tả nhan sắc giai nhân tuyệt vời nào cũng bị đánh rớt, chỉ có câu trả lời ngớ ngẩn của nhà sư Hư Trúc: “tôi không biết mặt mũi người tôi yêu như thế nào”, là được chấm đậu. Câu trả lời ngớ ngẩn thứ hai của nhà sư Hư Trúc: “nơi tôi yêu thích nhất để gặp gỡ người tôi yêu là một hầm băng lạnh lẽo và đen tối” đã giúp Hư Trúc cưới được công chúa, được làm Phò Mã, bởi vì Công Chúa chính là người con gái bí mật trong hầm băng lạnh lẽo và đen tối đó.

Bộ truyện nầy có rất nhiều nhân vật, rất nhiều sự kiện, rất nhiều tình tiết, tuy có nhân danh, tuy có địa danh, tuy có điạ lý, tuy có lịch sử, vân vân, nhưng tất cả chỉ là những sản phẩm tưởng tượng của một nhà văn viết truyện tiểu thuyết kiếm hiệp. Nhưng mà, cái tài tình, cái thích thú, cái hay, cái đẹp, cái hấp dẫn, vân vân, của những tác phẩm kiếm hiệp Kim Dung, chính là qua tất cả những cái giả của truyện, truyện nầy hay truyện khác, người nầy hay người khác, vân vân, chúng ta có thể thấy những cái thật hiện ra, hiện thực, hiện thể, hiện hình, gần gũi, quen thuộc bên mình, bên ta, lúc nầy,lúc khác, nơi nầy, nơi khác, vân vân.

Xem phim, đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung, qua những cái giả chúng ta vẫn thấy được những những cái thực của cuộc đời, cuộc sống, xã hội, nhân sinh, tâm tính, con người quanh ta, để rồi từ đó chúng ta có được những bài học, những kinh nghiệm, những hiểu biết, những học hỏi, những tư duy, những điều lợi ích, vân vân. Lục Mạch Thần Kiếm có qúa nhiều chuyện tình yêu, rất nhiều mẫu tình yêu khác nhau, gần như hạng loại tình yêu nào cũng có, cho nên chúng ta có thể học hỏi ở tình yêu nầy hay tình yêu khác, có những tình yêu mang đến hạnh phúc, nhưng cũng có tình yêu mang đến khổ đau, cái gì có thể mang đến tình yêu, cái gì có thể hủy hoại tình yêu, cái gì là chung tình, cái gì là lừa dối, cái gì là phản bội, cái gì là cay đắng, cái gì là ngọt ngào, cái gì là dâng hiến, cái gì là ghen tuông, cái gì là yêu thương, cái gì là thù hận, vân vân; tất cả đều có đủ trong bộ truyện Lục Mạch Thần Kiếm hay Thiên Long Bát Bộ.

Đặc tính nổi trội của sách sừ, truyện tích Trung Hoa là tính tượng trưng và tính thậm xưng, danh từ bình dân là tính nói dóc, nói qúa sự thật, có một nói thành 10, thành 100, thậm chí thành 1000, cho nên chúng ta không nên qúa lệ thuộc vào từng chi tiết, từng tình tiết của câu chuyện, sự việc, nhân vật, vân vân, mà chúng ta chỉ nên nhìn ngắm, thưởng thức, hiểu biết, học hỏi những ý nghiã, những điều tượng trưng của nó mà thôi. Trong cái tượng trưng và tương đối đó, chúng ta sẽ nhận được nhiều bài học thực tế của tình yêu nhân gian, tình yêu muôn đời vẫn có thực và vẫn tồn tại, tình yêu không luận kể con người đẹp xấu, hay dở, thiện ác, giàu nghèo, vân vân.

Tình yêu có thể mang lại hạnh phúc cho con người, nhưng mà tình yêu cũng có thể mang lại khổ đau cho con người, tình yêu có thể mang lại hạnh phúc cho bất cứ ai, tình yêu cũng có thể mang lại khổ đau cho bất cứ người nào. Nhưng dù hạnh phúc, hay là khổ đau, chúng ta, con người, ai cũng cần có tình yêu, tình yêu vừa là một phần thưởng của Thượng Thiên, nhưng tình yêu cũng là một nhiệm vụ của Thượng Thiên, một phần thưởng của Thượng Thiên thì chúng ta có thể chối từ, nhưng một nhiệm vụ của Thượng Thiên thì chúng ta, bất cứ ai, bất cứ người nào, cũng không thể từ chối, không thể trốn chạy, không thể làm ngơ. Không có bất cứ ai có thể từ chối tình yêu khi Thượng Thiên mang đến như một mệnh lệnh, một sứ mạng, một nhiệm vụ, vân vân; cho nên là con người thì chúng ta phải đón nhận tình yêu, dù đó là thứ tình yêu hạnh phúc, hay đó là thứ tình yêu khổ đau.

Tôi tin rằng Thượng Đế không cố tình mang đến những thứ tình yêu đau khổ cho con người, tôi tin rằng Thượng Đế luôn luôn mong muốn con người luôn luôn có những tình yêu hạnh phúc, như cái tâm lý chung của những bậc làm cha mẹ đối với con cái của mình. Nhưng, cũng như sự bất lực của nhiều bậc làm cha mẹ đối với con cái của mình, Thượng Đế đôi khi cũng bất lực đối với những tâm lý và hành động của con người, những con cái của Thượng Đế. Con người không thực sự làm chủ được trái tim của mình, có khi trái tim chúng ta rung động trước những đối tượng không thích hợp, nhưng mà chúng ta không chỉ có con tim, chúng ta còn có khối óc, còn có lý trí, chúng ta không chỉ có những sự mù quáng, mà chúng ta còn có những sự minh triết, giác ngộ.

Tu hay không tu không phải là ăn chay hay là ăn mặn, không phải là xuất gia hay không xuất gia, không phải là vào chùa hay không vào chùa, mà là minh triết hay không minh triết, là giác ngộ hay không giác ngộ, trong tư tưởng và trong hành động của mình, trong đời sống và trong cả tình yêu, tình cảm của mình. Câu nói “tu là cõi phúc, tình là dây oan” sẽ rõ ràng và đầy đủ ý nghiã hơn khi ta nói rõ hơn rằng: hạnh phúc hay khổ đau trong tình yêu tùy theo mức độ minh triết, giác ngộ của con người, không minh triết giác ngộ sự việc, đạo đời thì yêu hay không yêu chúng ta cũng vẫn là đau khổ, vẫn là khổ đau; minh triết giác ngộ sự việc, đạo đời, thì yêu hay không yêu, chúng ta vẫn có thể có hạnh phúc, có bình an.

Thái Nam Trân











No comments:

Post a Comment