Monday 21 November 2011

Thiện Ác


Thiện ác, chánh tà

Mỗi sự vật, sự việc, vật chất hay tinh thần, hữu hình hay vô hình, đều có thể có những tính chất khác biệt nhau, đặc biệt là những tính chất đối nghịch nhau, như lạnh nóng, đen trắng, cứng mềm, mau chậm, hay dở, tốt xấu, vân vân. Thiện Ác, Chánh Tà là những tính chất vừa khác biệt, vừa trái nghịch của những sự vật, những sự việc, và của những hành động, hành vi, tư tưởng, tánh ý, vân vân, của con người.

Về tính Thiện Ác, Nho Giáo quan niệm: tánh căn bản của con người là tánh Thiện, Mạnh Tử nói: “Nhân chi sơ, tánh bổn Thiện”, nhưng lịch sử, xã hội, đời sống, kinh nghiệm, vân vân, cho thấy là nhân tánh mỗi người mỗi khác, nhân tánh của mỗi dân tộc, chủng lòai đều khác nhau, không nhất thiết, và không chắc chắn là tánh thiện, hay tánh ác, có thể là thiện, có thể là ác, có thể là cả hai tánh thiện ác, và cả những tánh khó phân biệt thiện ác.

Chẳng những con người, nói chung có những nhân tánh khác biệt, mà tánh ý con ngừơi còn có tính chất không cố định, thường hay thay đổi, mỗi thời gian, mỗi không gian, mỗi hòan cảnh, mỗi trường hợp, mỗi tình huống, vân vân, con người có những tánh ý khác nhau, những hành vi, tư tưởng, thái độ, cảm xúc, vân vân, đều khác nhau.

Cho nên không thể có một kết luận chung là tánh con người Thiện, hay tánh con người Ác, cho dù là nhân tánh căn bản, tánh nguyên sơ cũng không chắc là Thiện hay là Ác, nghĩa là nhân tánh con người không chắc đúng như quan điểm “nhân chi sơ tánh bản thiện” của Mạnh Tử. Thực tế, không ai biết được bản tánh con người như thế nào, có điều chắc chắn là nhân tánh căn bản của con người không đơn giản là những tánh ý đơn thuần của những đứa bé con, với thể xác chưa phát triển, chưa biết đi đứng, nói năng, hành động, vân vân, mà chúng ta nhìn thấy, tánh ý của trẻ thơ còn nhiều phần ẩn dấu con người chưa biết được.

Thực tánh của một con người, cho dù là một đứa trẻ thơ, thực tế cũng không dễ dàng nhận biết, xác định, bởi vì thể xác chúng còn nhỏ bé quá, những biểu lộ của nó thường rất đơn sơ, gần như là nó không thể làm được những gì gọi là phương hại đến người khác, cho nên, chúng ta thường tưởng là tánh ý của trẻ con là hiền lành, thiện lương, nhưng nó có thực sự hiền lành, thiện lương hay không, thì phải đợi khi nào có những cơ hội, những hòan cảnh thử thách, chúng ta mới có thể biết được.

Muốn biết được thực tánh của con người, lành dữ, thiện ác, ngay gian, chánh tà, cá nhân hay tập thể, người lớn hay trẻ thơ, chúng ta phải có, phải cần, và phải hội đủ nhiều điều kiện: thời gian, không gian, hòan cảnh, tình huống, trường hợp, thử thách, vân vân. Thông thường thì phải có những hòan cảnh gian nan nhất, khó khăn nhất, thử thách nhất, nguy hiểm nhất, vân vân, người ta mới có thể biết được chân tánh lành dữ, thiện ác, ngay gian, chánh tà, vân vân, của một con người, chúng ta không thể vội vàng, hời hợt nhận xét, phê phán, kết luận tánh ý của một con người trong những hòan cảnh, điều kiện thuận tiện, may mắn, tốt lành, vân vân.

Suy xét cho kỹ thì tánh ý gọi là nguyên sơ, nguyên thủy của con người, còn có những nguồn gốc sâu xa, tinh tế, bí ẩn, không phải chỉ là những gì chứa đựng trong phần cơ thể vật chất hữu hình của con người. Bản chất gọi là tâm tính của một con người còn có những nguồn gốc tâm linh, huyền bí, siêu hình, xa xôi trên cả hai phương diện thời gian, không gian. Nghĩa là tánh ý con người còn tùy thuộc vào phần linh hồn của một đời kiếp con người, hoặc là phần linh hồn của nhiều đời kiếp con người, những lĩnh vực vô hình, bí ẩn, mông lung, mà ngày nay con người vẫn còn mơ hồ, mà chúng ta còn chưa biết, còn chưa hiểu.

Đó cũng là lý do, nguyên nhân chúng ta có thể giải thích tại sao một đứa trẻ thơ, chưa qua sự giáo dục, dạy dỗ, học hỏi nào, mà đã có những ý tưởng, tư cách, tâm hồn trong sáng, hay thanh cao, hay thiện lương, hay từ bi, bác ái, vân vân. Ngược lại, cũng có những đứa trẻ thơ, dù là con nhà lương thiện, đàng hòang, mà tâm tánh ngay từ nhỏ đã có những biểu hiện của sự độc ác, hay bất nhân, hay ích kỷ, hay tham lam, vân vân. Đó là những lý do, nguyên nhân thuộc về những lãnh vực tâm linh huyền bí siêu hình, không phải là những nguyên nhân, lý do cơ thể vật chất hữu hình.

Quan niệm “nhân chi sơ tánh bản thiện” của Mạnh Tử, xét cho kỹ, có thể là cái chúng ta vẫn thường gọi là “lương tâm con người”, là phần bản thể thiện lương, vô hình, bí ẩn, thầm kín, bên trong của mỗi con người. Nhưng lương tâm lại là một đề tài tâm linh rộng lớn, bao la, nhiêu khê, huyền bí, vân vân, vấn đề luôn luôn có những ý kiến bất đồng, những cuộc tranh luận, bàn cải liên miên không có đoạn kết.

Có thể nói lương tâm là cái “tánh bản thiện nhân chi sơ” của Mạnh Tử, cái bản tánh vô hình, sâu lắng bên trong con người, nhưng vấn đề là cái gọi là “lương tâm bản thiện” của mỗi con người lại khác nhau, không giống nhau, khác nhau nhiều thứ, khác nhau nhiều điều, nhiều tính chất, nhiều mức độ, vân vân. Có người lương tâm trong sáng, có người lương tâm lu mờ, có người lương tâm mạnh mẽ, có người lương tâm yếu đuối, có người sống chết vì lương tâm, có người bỏ mặc lương tâm. Cũng có người có thể nói là không có lương tâm, tệ hơn là có người còn có ác tâm, mà không có thiện tâm, có người lương tâm ngủ yên nhiều năm rồi mới thức tỉnh, cụ thể là có người phạm tội nhiều năm, cho tới một thời gian, thời điểm nào đó, mới biết hối lỗi, biết ăn năn, biết ân hận…

Bây giờ, chúng ta có thể nói về những tính chất, nghĩa lý, giá trị, vân vân, của thiện ác, thực tế rất tương đối, có khi rất khó phân biệt, có khi rất khó phê phán, phê bình, nhận định, nhận xét, vân vân, có khi trái ngược, có khi mơ hồ, có khi không rõ ràng, có khi chuyển biến, có khi thay đổi, vân vân.

Cùng một sự việc, một sự vật, một vấn đề, vân vân, nhưng tùy theo cá nhân, con người, thời đại, thời gian, không gian, tùy theo dân tộc, đất nước, quốc gia, xã hội, vân vân, tùy theo văn hóa, văn minh, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, vân vân, có thể mang những ý nghĩa, giá trị thiện ác, chánh tà, hay dở, tốt xấu, đúng sai , phải trái… khác nhau.

Tôn giáo thường có những quan niệm phân biệt ranh giới rõ ràng, minh bạch về Thiện Ác, lành dữ, công tội, chánh tà, vân vân, thí dụ những quan niệm Thiện Ác của Phật Giáo, thí dụ quan niệm chay mặn của Phật Tử, vân vân. Giáo lý Đạo Phật cấm sát sanh, hại vật, tôn trọng sinh mạng của tất cả muôn lòai, quan niệm đã dẫn đến những giới luật Phật giáo nghiêm ngặt, người Phật Tử thuần thành phải ăn chay, không được ăn mặn, không ăn thịt cá, quan điểm ăn mặn là tội lỗi, nghiệp báo, vân vân.

Nhưng những người khác, những người không phải là Phật Tử, những người không tiếp nhận những giáo lý Đạo Phật, thì không có những quan điểm, quan niệm: tâm linh, linh hồn, luân hồi, tái kiếp, đầu thai, vân vân, không có những quan niệm thiện ác của chay mặn, sát sanh, cũng không có những quan niệm thiện ác đối với những nghề nghiệp, công việc liên quan đến chăn nuôi gia súc, đánh bắt, buôn bán tôm cá, vân vân.

Nói cách khác thì có những việc người Phật tử cho là ác, là tội, như là việc sát sanh, việc ăn mặn, ăn thịt cá, hoặc là giết hại các lòai động vật, kể cả các lòai sâu bọ côn trùng, vân vân, đều là có tội, đều là nghiệp ác, thì những người khác, những đạo giáo khác, những tôn giáo khác cho là những việc bình thường, không phải là tội ác, tội lỗi, thậm chí có người còn giết thú vật để tế lễ, dâng cúng Thần Linh, điều người Phật Tử tuyệt đối cấm kỵ, kiêng cử.

Có người còn đi xa hơn, có người cho là ngay những thứ như là những món đồ chay, không phải là những món đồ mặn, không phải là thịt cá, không có liên hệ đến những việc sát sanh, hại vật, không sát hại một con vật lớn nhỏ nào, như cơm, canh rau cải, đậu, cà, tương, chao, vân vân, thực ra cũng đều liên hệ mật thiết với nhiều thứ hành động mà nhà Phật cho là tội ác, sát sanh.

Bởi vì muốn có những thứ gọi là đồ chay như: cơm gạo, đậu đường, rau cải, cây trái, vân vân, đặc biệt là lúa gạo, đậu nành, những thức ăn chính yếu của người ăn chay, thì người nông dân đã phải giết hại vô số những lòai động vật: các loài gậm nhấm, chuột bọ, côn trùng, cua ốc, vân vân, bởi vì, nếu không giết hại những sinh vật phá họai mùa màng nầy thì không có những thực phẩm mà người Phật Tử gọi là những đồ chay.

Cho nên truy nguyên thì thực ra không có “món đồ chay” nào mà không có chất mặn của những sinh vật ở trong đó, ngay cả những thứ phân bón cho những lòai rau, cải, đậu, cà, vân vân, người ăn chay thường dùng, có nhiều thứ là phân cá, phân tôm, phân xương, phân thịt…của các lòai thú vật bò, heo, vân vân. Như vậy thì nếu có khác nhau, chỉ là ở chỗ trực tiếp, hay là gián tiếp mà thôi, mà sự khác biệt nhỏ bé nầy thì không có gì là đáng kể, nếu là có tội thì trực tiếp hay gián tiếp thì cũng đều là có tội.

Xa hơn, hầu hết những thực phẩm gọi là ăn chay, đồ chay của người Phật Tử xử dụng hàng ngày, đều do công sức của những người ăn mặn làm nên, vận chuyển, cung cấp, phục vụ, vân vân, không có công lao sức lực của những người ăn mặn nầy thì sẽ không có những món đồ chay cho người Phật Tử dung. Như vậy, không có lẽ nào những người hưởng thụ là người ăn chay thì không có tội, thì được phước báu, ân sủng… của Trời Phật độ trì, còn những người phục vụ họ, nuôi nấng họ, lại là những người có tội lỗi, phải bị nghiệp báu, bị Trời Phật trừng phạt, cái nầy thì bất công, vô lý, mà Trời Phật thì không thể nào hành xử bất công, vô lý như vậy được.

Bây giờ hãy so sánh công tội, nghiệp quả, phước báu, thiện ác, vân vân, giữa hai người, một người là một nhà tu, cả đời chỉ biết tu hành, gỏ mõ tụng kinh, ăn chay, niệm Phật, không làm một việc gì để gọi là nghiệp quả, nghiệp báu, tội lỗi cả. Và một người là một nông dân chân chất thật thà, cả đời không biết câu kinh, tiếng mõ, Phật pháp, chỉ biết sống cuộc đời của một nông dân bình thường, cưới vợ, sanh con, chăm sóc gia đình con cái, hang ngày chăm chỉ cày cấy, sản xúât lương thực, hoa màu, lúa gạo, rau cải, vân vân.

Người nông dân nầy thì quanh năm chỉ biết ăn mặn, không có ăn chay, không biết cái gì là đồ chay, thịt cá gì cũng ăn, nhà nghèo, con cái lại đông, tài chánh eo hẹp, thiếu thốn, cho nên có gì ăn nấy, miễn là no bụng, ấm lòng, để nuôi sống bản thân, phục vụ gia đình, xã hội, vân vân, thì người nông dân nầy là thiện hay là ác, là công hay là tội, khi chết sẽ bị Thượng Đế xét xử như thế nào, lên Thiên Đàng hay xuống địa ngục?

Một vài thí dụ về chính trị, thí dụ quan niệm Trung thần của Đạo Nho, theo đạo lý của Nho Giáo, người dân bắt buộc phải trung thành tuyệt đối với nhà Vua, phải coi Vua là Thiên Tử, Vua là con của ông Trời, cho nên Vua có tòan quyền, tòan trị, tự ý sinh sát, vân vân. Người dân thì chỉ biết tuân lịnh, tuân hành ý muốn của Vua, những ai không tùng phục, không tuân hành ý muốn của Vua theo quan niệm “Quân xử Thần tử, Thần bất tử bất trung”.

Câu nầy có nghĩa là Vua biểu mình chết thì mình phải chết, không chết là bất trung, là có tội, bất kể, bất cần điều phán quyết của Vua là đúng hay sai, nhiều nhân vật danh tiếng Trung Hoa đã chết vì cái quan niệm trung quân Nho Giáo cực đoan, mù quáng nầy. Nhưng mà những ai không theo Nho Giáo thì không không chấp nhận những quan niệm trung thần, trung quân nầy, không chấp nhận những quyền hạn tuyệt đối của Vua, không chấp nhận những sự thiệt thòi của người dân.

Thời đại văn minh, dân chủ, tự do ngày nay đã cho ta những quan niệm chính trị hòan tòan mới, những quan điểm rất khác biệt về những nghĩa vụ, quyền hạn của Vua và của dân. Thí dụ như Vua Anh Quốc ngày nay, Nữ Hòang Elizabeth II, và nhiiều vị Vua khác trên thế giới, chỉ còn giữ những vai trò tượng trưng, đại điện quốc gia, có tính cách lễ nghi, không còn có những quyền hạn tuyệt đối theo quan niệm Nho Giáo Trung Hoa.

Không chỉ có quan niệm trung quân, mà tất cả những quan niệm đạo đức của Nho giáo cũng cần được xét lại với những nhãn quan xã hội, văn hóa, đạo đức, văn minh mới. Nho giáo xây dựng những khuôn khổ, nguyên tắc đạo đức chặt chẽ, nền nếp “trung hiếu, tiết nghĩa” hàng ngàn năm trên những đất nước Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bổn, vân vân, nhưng những quan niệm đạo đức bền vững hàng ngàn năm của những nho gia nổi tiếng như Khổng Tử, Mạnh Tử ngày nay cũng đã lung lay rất nhiều, nhiều thứ đã bị bài bác, chối từ, phủ nhận, vân vân.

Bây giờ mà nói những nguyên tắc đạo đức Khổng Mạnh của người phụ nữ như “tam tùng, tứ đức” thì quả thật là đã quá lỗi thời, không còn thích hợp nữa, bây giờ thế giới văn minh đã chính thức công nhận những quyền tự do, bình đẳng của người phụ nữ, không chấp nhận những sự đối xử bất công theo quan niệm đạo đức Khổng, Mạnh, Nho giáo.

Thí dụ như việc thủ tiết thờ chồng của người đàn bà Trung Hoa, theo quan niệm Khổng Mạnh thời xưa thì khi chồng chết, dù có con hay không, người đàn bà cũng phải ở vậy, không được tái giá, không được lấy chồng khác, thì mới được coi là người vợ tốt, người vợ hiền, gương mẫu, chung thủy, trinh tiết, vân vân, mới được xã hội qúi trọng.

Trên đây chỉ là những thí dụ nho nhỏ về vài sự việc của tôn giáo, chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội, vân vân, mà chúng ta có thể thấy rõ sự tương đối của những quan điểm thiện ác, hay dở, tốt xấu, chánh tà, vân vân, thực tế, quanh ta, lúc nào, ở đâu, cũng có muôn ngàn sự việc, sự kiện xã hội, kinh tế, văn hóa, văn minh, văn học, nghệ thuật, tín ngưỡng, vân vân, mang những tính chất tương đối của những quan niệm thiện ác, chánh tà, ngay gian...Có những cái đối với người nầy là Thiện, nhưng đối với người khác là Ác, đối với thời đại nầy là đúng, nhưng với thời khác thì sai, ở nơi nầy thì hay nhưng ở nơi khác thì dở, vân vân, cho nên chúng ta phải nên luôn thận trọng khi nhận định, phê phán một con người, sự vật, sự việc nào đó là đúng sai, phải trái, thiện ác, ngay gian, vân vân.

Nhưng cũng không phải vì những tính chất tương đối của những sự vật, sự việc, con người, vân vân, mà chúng ta không dám nhận định, nhận xét, phê phán, phê bình, vân vân, chúng ta chỉ phải thận trọng, nhưng không thể tránh né chuyện suy xét, nhận định, phán đóan sự việc, vấn đề, thận trọng chỉ có nghĩa là phải suy xét kỹ càng, đầy đủ, sâu sắc, sâu xa, vân vân, không nên nông nổi, hồ đồ, nhất là không thể mê muội, mù quáng, nhất là không thể nông nổi, cực đoan, bảo thủ, quá khích, cuồng tín, vân vân.

Thông thường, nhiều người hay nông nổi, mơ hồ, quán tính, thành kiến, bảo thủ, cực đoan, quá khích, vân vân, trong những nhận thức, nhận định, nhận xét, phê phán sự vật, sự việc, con người, vân vân, rất ít người chịu suy xét sâu xa, rõ ràng, đầy đủ những thứ gọi là thiện ác, ngay gian, chánh tà, vân vân. Phần đông tư tưởng, quan niệm con người chịu ảnh hưởng của những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, xã hội, văn hóa, văn minh, vân vân, nhưng ít người nhận ra những ảnh hưởng, tác động, chi phối nầy.

Nhiều người cứ tưởng đó là những nhận thức, nhận định, quan điểm, quan niệm của cá nhân mình, sự thực thì chỉ cần được sống trong những hòan cảnh, xã hội, môi trường, sinh họat, văn hóa, xã hội, văn minh, tôn giáo, tín ngưỡng, vân vân, khác thì chúng ta sẽ thay đổi rất nhiều thứ, thay đổi rất nhiều điều, chúng ta sẽ thay đổi những nhận thức, nhận định, phê phán, tư tưởng, tư duy, suy nghĩ, hành động, vân vân, có khi còn thay đổi rất triệt để.

Thí dụ như những quan điểm, quan niệm Thiện Ác trong những việc sát sanh, phóng sanh, dưỡng sanh, vân vân, nếu chúng ta sống trong xã hội, môi trường, đất nước Á châu, Phật giáo thì chúng ta suy nghĩ, hành động khác, nhưng nếu chúng ta sống trong đất nước, xã hội, thời đại văn minh Âu Mỹ, thì chúng ta sẽ suy nghĩ khác, hành động khác. Thí dụ như là ở xã hội, đất nước Úc, vấn đề bảo vệ, hay sát sanh các lòai sinh vật, không phải là vấn đề quan niệm, hay đạo đức, tín ngưỡng con người, mà là vấn đề của luật pháp quốc gia, có những qui định của luật pháp mà mọi người đều phải tuân hành, mọi vi phạm đều bị luật pháp xét xử.

Luật pháp của mỗi quốc gia, mỗi thời đại, thời kỳ, có những qui định, luật lệ riêng, có những giống vật được giết, có những giống vật không được giết, giết thế nào, trường hợp nào, cách thức nào, vân vân. Thí dụ như tôm cá thì trên nguyên tắc luật pháp ở đây, con người được quyền đánh bắt, nhưng phải đánh bắt như thế nào, mùa nào, điểm nào, số lượng bao nhiêu, phương cách đánh bắt thế nào, vân vân, thì đều có những qui định, luật lệ. Thí dụ có nơi không được đánh bắt tôm cá, có mùa không được đánh bắt, có những lòai tôm cá không được đánh bắt, vân vân, thí dụ có những vùng sông không được đánh bắt tôm cá, có những vùng biển không được đánh bắt tôm cua, có những mùa tôm cá sanh nở không được đánh bắt, có những kích cỡ, số lượng tôm cá không được đánh bắt, vân vân.

Nghĩa là luật pháp ở đây cho phép con người đánh bắt tôm cá để làm lương thực, nhưng đồng thời luật pháp cũng có những qui định để bảo vệ sự tồn tại của tôm cá, thậm chí chính phủ còn có những cơ sở nhân cấy, chăn nuôi tôm cá con để gây giống, rồi thả ra biển cả, sông ngòi, những việc làm nầy không phải vì những quan niệm thiện ác, nhân quả, mà chỉ vì những chánh sách, quan niệm bảo tồn sinh vật, thiên nhiên. Luật pháp cũng qui định những điều khỏan liên quan đến những yếu tố, tính chất thiện ác của con người đối với lòai vật, ngay cả với những lòai vật được con người nuôi để ăn thịt, luật pháp cũng có những qui định rõ ràng, ngay cả với những con gà, con vịt cũng có những qui định về những cách thức giết thịt chúng ra sao, những sự vi phạm về những cách giết thịt chúng, sẽ bị luật pháp xét xử, chế tài.

Đặc biệt là có những lòai vật hoang dã cũng được luật pháp bảo vệ, ngăn cấm giết hại, ngay cả những con chim cũng được luật pháp bảo vệ, nếu vô cớ giết hại những con chim hoang dã cũng sẽ bị luật pháp xét xử. Có những điều qui định của luật pháp rất đáng lưu ý như là những con cua con ốc trong đồng ruộng, thì chúng ta có thể được phép giết, trừ để bảo vệ lúa thóc, mùa màng, nhưng những con cua ốc sống ở bờ biển hoang vắng, thì chúng ta lại không được bắt, giết, sát hại, mà chúng ta phải để nó tự làm những lương thực thiên nhiên cho những lòai vật hoang dã.

Nhưng cũng có những trường hợp thật đặc biệt, là có những con vật do chính chúng ta nuôi, nhưng có khi chính phủ lại bắt chúng ta phải tự mình giết bỏ chúng, thí dụ như trường hợp những lần nước Úc bị nạn hạn hán nghiêm trọng, hàng trăm ngàn con trừu không có nước uống, không có cỏ ăn, chính phủ đã phải ra lịnh cho người ta giết chúng hàng lọat, không để chúng sống lây lất trong tình trạng bị đói khát nhiều ngày.

Mặc dù đây là chuyện sát sanh, nhưng thiết nghĩ đây là trường hợp sát sanh, nhưng không phải là phạm tội, mà còn là nhân đạo, nghĩa là không nhất thiết sát sanh là tội lỗi, tội ác như quan niệm chung chung, thông thường của con người. Thí dụ một con chó rất dễ thương, khôn ngoan, trung thành, vân vân, chúng ta đã nuôi nấng, gần gũi, thân thiết hơn 10 năm, nhưng rồi tới lúc nó già yếu, bịnh họan, ốm đau, mù lòa, vân vân, thì hành động nhân đạo, từ bi đối với nó, không phải là duy trì mạng sống của nó, mà là kết liễu mạng sống của nó, và trường hợp nầy chính phủ Úc chấp nhận với sự xét nghiệm và đồng ý của Bác Sĩ Thú Y, với những cách thức kết liễu của y khoa, một mũi thuốc nhẹ nhàng, không gây đau đớn cho con vật.

Đó là chuyện của những con vật, những chuyện nầy tương đối dễ thảo luận, dễ giải quyết, nhưng nếu là chuyện con người thì sẽ rất khó thảo luận, rất khó giải quyết, gần đây chuyện “quyền chết” của con người đã trở thành những đề tài chính trị gay gắt ở nhiều nơi trên thế giới. Thí dụ như là “quyền chết” của những người già yếu, những người bịnh họan nan y, sự sống không còn là niềm vui, hạnh phúc, mà chỉ là sự khổ ải, đau đớn, bất hạnh, vân vân, như câu nói “sống không bằng chết”.

Một thí dụ khác như là chuyện phá thai, đây lại là một vấn đề quan trọng, lớn lao, nghiêm trọng đối với luật pháp và tôn giáo, hầu hết các tôn giáo đều không chấp nhận chuyện nầy, đều cho đây là tội ác của con người. Về luật pháp, thì nhiều nước cho phép phá thai, nhiều nước không cho phép, nhưng cũng có nhiều nước lại bắt buộc phá thai, không cho sanh đẻ nhiều, có nước không cho sanh đẻ những quái thai, dị tật bẩm sinh, vân vân. Những cuộc tranh luận thiện ác về chuyện phá thai sẽ không bao giờ chấm dứt, sẽ luôn luôn có những ý kiến, quan điềm dị đồng, khác biệt nhau.

Bản án tử hình cũng là một vấn đề còn nhiều tranh cải, có quốc gia áp dụng, có qúôc gia không, có qúôc gia ở địa phương nầy áp dụng, địa phương khác không áp dụng, tiểu bang nầy áp dụng, tiểu bang khác không áp dụng, tất cả tùy thuộc tư tưởng, quan niệm, phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, vân vân, của người dân. Thí dụ như bản án tử hình chính phủ Tân Gia Ba đã cương quyết thực hiện đối với tội phạm buôn bạch phiến người Úc gốc Việt Nguyễn Tường Vân, mặc dù luật pháp Úc không có án tử hình, chính phủ Úc hết sức can thiệp, nhưng chính phủ Tân Gia Ba vẫn cương quyết thi hành bản án. Lý do là vì chính phủ Tân Gia Ba quan niệm án tử hình dành cho người phạm tội buôn bạch phiến là ích lợi và cần thiết cho đất nước, quốc gia, xã hội, chớ không phải là tội ác, nghĩa là chính phủ Tân Gia Ba cho rằng giết một người mà cứu nhiều người là thiện chớ không phải là ác.

Thực tế, không phải chỉ có những chuyện như là chuyện phá thai, chuyện sát sanh, chuyện tu hành, mà trên đời nầy còn có muôn ngàn sự việc, sự kiện, vấn nạn, vấn đề, vân vân, mà ý kiến, tư tưởng, quan niệm, của con ngừơi khác biệt nhau, có khi trái nghịch nhau, có khi xung đột nhau. Nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu đã từng xảy ra cho nhân lọai là vì những sự khác biệt tư tưởng, quan niệm, quan điểm của con người, những xung đột bất ổn đã, đang và sẽ xảy ra cho nhân lọai, thế giới cũng là vì những nguyên nhân khác biệt quan điểm, quan niệm thiện ác, chánh tà, ngay gian, phải trái, đúng sai, vân vân.

Nhận thức, nhận định, nhận xét, đánh giá, phê bình, vân vân, những chuyện đúng sai, phải trái, thiện ác, chánh tà, ngay gian, vân vân, đòi hỏi những quá trình học hỏi, kinh nghiệm, hiểu biết, ý thức, tu tập lâu bền, kiên nhẫn, khó khăn. Không những phải có những trình độ tri thức, kiến thức, mà còn phải có những trình độ đạo đức, tâm linh, tổng quát là phải đạt được sự minh triết, giác ngộ, minh triết thể xác, giác ngộ linh hồn, những điều thực tế rất ít người có thể tu học được, rất ít người có thể thực hiện, thực hành được.

Tóm lại, tuy là Thiện Ác khó phân, chánh tà khó rõ, ngay gian khó biết, vân vân, nhưng mà phàm làm một con người, dù chỉ là một người bình thường, thì cũng nhất định là phải biết phân biệt thiệc ác, ngay gian, chánh tà. Hơn nữa còn phải dám chọn lựa, dám tranh đấu, dám bảo vệ, vân vân, cho những cái tốt đẹp, những việc thiện lương, trong sáng, những điều đạo đức thanh cao, càng gian nan, càng thử thách, càng khó khăn, thì giá trị của một con người sẽ càng lớn, đạo đức của một con người sẽ càng cao, càng đáng được qúi trọng, kính mến.

Thái Tấn Truyền

No comments:

Post a Comment