Chúng ta cũng có thể tới coi những hình ảnh quân binh tướng sĩ nhà Tần nầy ở nhà triễn lãm của Thành Phố Melbourne, hiện đang có cuộc cuộc triễn lãm về Vạn Lý Trường Thành, một công trình kiến trúc quân sự có tính cách một đại kỳ quan thế giới, để chúng ta có thể so sánh với công trình xây dựng quá sức nhỏ bé, qúa sức thô sơ của thành Cổ Loa, mà tầm vóc thì không bằng được một cái vọng gác nho nhỏ của Vạn Lý Trường Thành của nhà Tần.
Cổ Loa Thành của Thục Phán, như chúng ta đã biết rất rõ qua những di tích ngày nay vừa mới được khám phá, khai quật ở Hà Nội, thực tế chỉ là một cái thành trì quá nhỏ bé, qúa thô sơ, như vậy thì làm sao Thục Phán có thể ngăn chặn nổi một chiến trận hung hậu của binh Tần, làm sao có thể tranh phong với một đại địch hùng binh tinh nhuệ của Tướng Quân Tiên Phong Triệu Trọng Thuỷ, và Đại Tướng Quân Triệu Đà.
Kết qủa dĩ nhiên là Thục Phán phải thua, và dĩ nhiên là Thục Phán không có đường nào chạy trốn, nếu cố thủ trong một thành trì nhỏ xíu, thì khi thành bị phá, tất nhiên là tánh mạng không thể còn, Thục Phán An Dương Vương tất nhiên là phải chết, vợ con gì cũng phải chết theo thôi, không thể tránh khỏi. Còn nói chuyện chạy, thì phải tính chuyện chạy từ trước, chớ còn lo cố thủ trong cái thành nhỏ xíu, chờ cho tới khi thành đã mất rồi, thì còn chạy đường nào, làm sao chạy cho kịp; không thể chạy và không thể chạy kịp, không thể nào chạy thoát; chắc chắn là những viên đại tướng quân dày dạn kinh nghiệm chiến trường như Triệu Trọng Thủy, Triệu Đà, tất không chừa đường chạy cho Thục Phán An Dương Vương.
Theo những nguyên tắc căn bản của quân sự, một vị đại tướng quân một khi đã hoạch định kế hoạch công thành, thì tất nhiên là đã phải tiên liệu tất cả mọi con đường tiến thoái của kẻ địch, không dễ gì để cho kẻ địch dễ dàng trốn chạy. Vua Quang Trung khi trù tính kế hoạch đánh quân Thanh thì Vua đã tiên liệu trước đường rút lui của giặc, cho nên Ngài đã sai hai đạo quân, thủy bộ hai đường, mỗi đạo dưói quyền chỉ huy của một Đại Đô Đốc để đánh quân giặc trên đường tháo chạy khỏi thành Thăng Long, những trận đánh Ngọc Hồi, Hà Hồi cũng vậy, Quang Trung đã tiên liệu tất cả mọi việc, Ngài đã không để cho một tên quân địch nào có thể chạy trốn để về báo tin cho đại quân của họ đang đóng ở Thăng Long.
Trong truyện Tam Quốc Chí cũng vậy, Quân Sư Khổng Minh khi bày trận Xích Bích để đánh Tào Tháo, ông đã tiên liệu, không phải một mà là tất cả mọi con đường Tào Tháo sẽ phải rút chạy khi thua trận, Khổng Minh đã cắt đặt quân binh để chận bắt Tào Tháo; Quan Công tình nguyện chận bắt Tào Tháo ở ngã Huê Dung Đạo, qủa nhiên là Tào Tháo đã chạy qua đây, qủa nhiên Quan Công đã thừa sức lực để bắt sống hay giết chết Tào Tháo ở Huê Dung Đạo, nhưng mà chỉ vì Quan Công muốn trả ơn tình cũ của Tào Tháo đối với mình ngày xưa, cho nên Quan Công đã tha Tào, cho nên Tào Tháo mới có thể thoát thân.
Đã bảo rằng Thục Phán trốn chạy, trong khi giặc đang đuổi riết bên mình, vậy mà câu chuyện nào cũng kể là nhà vua An Dương Vương, không biết lúc đó đã gìa đến cỡ nào rồi, một mình một ngựa sợ là ông chạy còn không nổi nữa, mà còn chở theo cô con gái của mình trên lưng ngựa, thì chuyện nầy thực quá là tiểu thuyết kiếm hiệp, qủa thực là thứ văn chương lãng mạn của những phim chưỡng, phim truyện diễm tình dã sử của Trung Hoa, chớ đâu còn là lịch sử xác thực.
Mỵ Châu là con gái của một tộc trưởng miền sơn cước là Thục Phán, tất nhiên là cô cũng phải có tài cưỡi ngựa, cho nên nếu có chạy trốn thì cô cũng phải tự mình cởi lấy một con ngựa, thì cũng không bao giờ có chuyện Thục Phán phải đèo cô công chúa Mỵ Châu trên lưng ngựa cho nó vướng bận, chạy một mình còn chạy không xong, nói gì đến chuyện đèo thêm cô con gái. Vậy mà, không hiểu tại sao sách sử Việt Nam nào cũng viết đoạn chuyện đầy kịch tính nầy, không thấy tác giả nào có cái can đảm dám lược bỏ những đoạn truyện phi lý nầy cả, cũng không hiểu tại sao ở thời đại văn minh, khoa học nầy mà nhiều người còn có thể tin những chuyện giả tưởng, viễn vông, hàm hồ, đầy kịch tính nầy, tin không bàn cải, tin không thắc mắc gì cả; mà nếu như có ai dám không tin, có ai dám thắc mắc, thì họ sẽ lên án, họ đề hình, họ chưởi bới, vân vân, thiệt là qúa đáng.
Lại còn cái màn kịch Công Chúa Mỵ Châu ngồi trên mình ngựa của cha, lo chạy giặc trối chết, mà còn mặc cái áo làm bằng lông ngỗng trắng tinh cho giặc nó dễ nhận, lại còn khơi khơi bứt lông ngỗng thả xuống đường để cho Trọng Thủy đuổi theo, khiến cho ông vua cha Thục Phán chạy bở hơi tai mà cũng vẫn bị cái thằng rễ gián điệp ác ôn Trọng Thủy, nó cứ đuổi theo hoài. Thiệt là chuyện xạo hết chỗ nói, mà cũng dóc cũng hết chỗ nói, xạo hết chỗ chê, mà dóc cũng hết chỗ chê, vậy mà không hiểu tại sao, đã mấy ngàn năm đã trôi qua, mà người ta vẫn cứ còn tin đó là chuyện thật, còn cứ kể hoài, cứ hào hứng kể, sôi nổi kể mà không thấy những chỗ sai, không thấy ai có những thắc mắc, những nghi ngờ gì cả, thiệt không thể tưởng tượng nổi là người Việt Nam mình sao lại có thể dễ tin đến như vậy, sao lại có thể dễ dàng bị gạt tới như vậy.
Đó là còn chưa kể những ngày thường ở nhà, cũng không biết là nàng công chúa Mỵ Châu của chúng ta có cái áo lông ngỗng để mà mặc hay không nữa; bởi vì cô công chúa Mỵ Châu của chúng ta là một cô gái gốc miền sơn cước Bắc Việt. Hãy coi lại coi có cô gái sơn cước Bắc Việt nào của chúng ta mặc áo lông ngỗng hay không, mấy ngàn năm rồi cũng không có ai ở Việt nam mặc áo long ngỗng cả, không có bao giờ, và không bao giờ có; cũng không biết là họ có mặc áo hay không nữa, mấy cô gái miền Thượng vốn thích để ngực trần hơn là mặc áo, xưa đã vậy mà bây giờ cũng vậy.
Lại còn phải xem coi là trận chiến Trọng Thủy tấn công Thục Phán vào mùa nào, tháng nào, Việt Nam là xứ nóng gần như quanh năm, mà chúng ta bắt cô công chúa Mỵ Châu phải mặc áo lông ngỗng, nếu là mùa hè thì sẽ thiệt là tội nghiệp cho nàng, nội cái nóng thôi cũng đủ làm cho nàng phải chết, chớ không cần phải bị ông vua cha ác ôn hàm hồ chém đầu.
Chúng ta không có những tư liệu nào, cũng không có tài liệu nào thực sự rõ ràng, chính xác về những y phục của người Âu Việt thuở xa xưa, thời vua Hùng Vương, Thục Phán, mấy ngàn năm trước, nhưng phần chắc là y phục của họ phải là còn đơn sơ lắm, phải là giản dị lắm, ngay cả y phục của một cô công chúa cũng thế thôi, vì thực chất Mỵ Châu cũng chỉ là một cô con gái của một vị Tù Trưởng, một vị Tộc Trưởng sắc tộc, chớ không phải là một công chúa, công nương thực sự như ý nghiã của danh xưng, danh từ nầy, không như hình ảnh mấy nàng công chúa lộng lẫy trong những cung đình Trung Hoa.
Mỵ Châu, tiếng là công chúa, nhưng chúng ta không nên có những ảo tưởng về nhan sắc, y phục của công chúa Mỵ Châu, đất nước chúng ta vào thời đại Thục Phán hãy còn chậm tiến lắm, hãy còn nghèo nàn lắm lắm, phải cần nên thực tế những điều nầy, không nên ảo tưởng; người Việt Nam nào cũng có lòng ái quốc qúa lớn, có lòng tự ái dân tộc qúa cao, nhưng không thể vì những cái tự ái nầy, mà không chịu nhìn vào những sự thật của lịch sử.
Không có gì xấu hổ khi phải nhìn nhận những sự thực của lịch sử cả, cái ấu trĩ, nghèo nàn qúa khứ của một dân tộc không phải là những gì đáng xấu hổ, cái hiện tại của dân tộc đất nước đó mới là những cái quan trọng; cái tương lai của dân tộc, đất nước đó mới là những cái thực sự quan trọng, mới là những cái cần phải quan tâm xây dựng, những cái cần phải kiến thiết, mở mang, vân vân. Một lịch sử qúa khứ dù có huy hoàng thế nào, cũng không quan trọng bằng cái hiện tại có văn minh hay không, có tiến bộ hay không, có tiến hoá hay không; có biết bao nhiêu dân tộc quốc gia có những quá khứ, lịch sử huy hoàng, nhưng hiện tại đã bị diệt vong, hay hiện tại chỉ là những quốc gia dân tộc chậm tiến, nghèo nàn, đói rách, không tiến bộ, không văn minh, thì cũng không có gì là đáng kể cả. Rồi cái chuyện cô nàng Mỵ Châu ngồi ôm eo ếch của ông Vua Thục Phán An Dương chạy mờ khói trên bờ biển để cho nàng Mỵ Châu thỉnh thoảng gỡ một chiếc lông ngỗng thả xuống đường làm dấu cho Trọng Thủy rượt theo, thì mới thiệt sự là khôi hài, khôi hài và kịch tính qúa sức.
Mỗi cái lông ngỗng của cô nàng Mỵ Châu thả xuống sẽ bay đi một nơi, anh chàng Trọng Thủy chắc chắn là phải rượt bở hơi tai mới mong lượm được một cái lông ngỗng, chừng coi lại thì Mỵ Châu đã chạy mất tiêu rồi, kiếm được một cái lông ngỗng thứ hai cũng thiệt là không dễ, mà cũng không biết cái lông ngỗng nào mới là cái lông ngỗng của Mỵ Châu làm dấu để mà rượt theo. Không kiếm được cái lông ngỗng, thì chắc hẵn là cái anh chàng Trọng Thủy phải khóc đến mù trời, cái tên Trọng Thủy đã có ý nghiã là nhiều nước lắm, cho nên tôi cũng rất ngờ rằng Trọng Thủy cũng chỉ là một cái tên giả mà thôi, không phải là tên thật của người con trai quan Thái Thú Triệu Đà, tên của một vị Đại Tướng Quân.
Nói vậy chớ còn sách nào cũng nói là Thục Phán chạy ngờ ngờ trên bãi biển, tôi không biết là bờ biển nào, chắc là bãi biển Đồ Sơn, nghe nói là bãi biển nầy đẹp lắm, nếu như Thục Phán không chịu chạy về địa bàn rừng núi của mình cho dễ ẩn thân, mà lại khơi khơi chạy ra bãi biển, thì chắc là ông phải chạy ra bãi biển Đồ Sơn mà thôi, chắc là để cho tiện việc quay phim! Bãi biển trống trơn, không một bóng cây để mà ẩn trốn, xa cả cây số kẻ địch cũng nhìn thấy liền, hai cha con Thục Phán Mỵ Châu, lại cưỡi chung có một con ngựa, không hiểu sao khôngcó một tên quân cận vệ nào bên mình nhà vua cả, chắc chắn là phải chạy rất ư là ì ạch chậm rì, thì cần gì chuyện Mỵ Châu phải thả lông ngỗng, với không thả lông ngỗng cho Trọng Thủy mất công đi tìm!. Trọng Thủy nếu muốn chạy theo Mỵ Châu, thì hắn chạy theo dễ như chơi, không cần phải có chiếc lông ngỗng nào chỉ đường cả, chỉ sợ là Trọng Thủy không thèm chạy theo, không thèm tìm kiếm Mỵ Châu làm gì.
Nếu như có cuộc hôn nhân Trọng Thủy - Mỵ Châu, mà chúng ta đã nói là cuộc hôn nhân chính trị, tình báo, gián điệp, ngoại giao, thì làm sao chúng ta có thể chắc là Trọng Thủy yêu nàng Mỵ Châu, và hãy nên nhớ Mỵ Châu chỉ là một cô gái sơn cước, một sơn nữ Phà Ca của qúa khứ, chưa được như là một sơn nữ Phà Ca do cô đào hát nổi danh Thanh Nga thủ diễn trên sân khấu cải lương Thanh Minh Thanh Nga ngày nào; nhan sắc Mỵ Châu rất khó so sánh với bao nhiêu mỹ nhân tuyệt sắc của những dân tộc miền xuôi mà Trọng Thủy thừa sức có được trong địa vị Thái Tử Đại Tướng Quân, với đầy đủ uy danh và quyền lực của mình.
Cho nên, chúng ta có thể nói là hoàn toàn không có gì chắc chắn là Trọng Thủy đi tìm Mỵ Châu, càng không có gì chắc rằng Trọng Thủy đã tự tử chết trong một chiếc giếng vì thương nhớ Mỵ Châu, đây lại là một màn tiểu thuyết, đầy kịch tính khác của câu chuyện Trọng Thủy- Mỵ Châu. Trong lịch sử thế giới chúng ta chỉ thấy có anh chàng Romeo của nàng Juliette là đã tự tử vì người yêu mình chết mà thôi, chớ không thấy có ai khác, chớ nếu ai có vợ chết cũng chạy đi tự tử thì mỗi ngày thế giới sẽ có nhiều người tự tử lắm.
Nếu Trọng Thuỷ thực sự thương Mỵ Châu, thì khi về Triệu, Trọng Thủy chỉ cần dẫn Mỵ Châu theo, rồi muốn đánh Thục Phán, chàng ta sẽ đi một mình, cái đó là dĩ nhiên, không có ai đánh giặc mà đem cô vợ đi theo bên mình. Ngoại trừ có một người duy nhất là anh chàng Từ Hải của nàng Thúy Kiều, mà cũng bởi vì đem Thúy Kiều theo cho nên Từ Hải mới phải thua trận, mới phải chết đứng giữa trận tiền vì nghe lời xúi dại của Thúy Kiều, không gặp Thúy Kiều hay không đem Thúy Kiều theo ra trận thì Từ Hải sẽ không xui tới như vậy.
Nếu Trọng Thủy mà chạy theo kịp Thục Phán với Mỵ Châu thì hắn ta sẽ phải làm thế nào, không lẽ hắn lại kêu ông già vợ về trao lại ngôi Vua, cái nầy không thể được, cái nầy không thể có, Triệu Đà đã nhất quyết chiếm lấy Âu Lạc để mở mang bờ cõi, để mở rộng biên cương, để xây dựng nghiệp Đế, cho nên không khi nào Triệu Đà chịu tha mạng cho Thục Phán, mà Trọng Thủy giết Thục Phán theo lịnh của cha, cái nầy là tất nhiên thôi, quân lịnh như núi, quân pháp bất vị thân, Trọng Thủy không thể nào cải lời Triệu Đà được. Mà khi Trọng Thủy đã giết Thục Phán rồi rồi, thì làm sao Trọng Thủy còn có thể chung sống với Mỵ Châu được nữa, cho nên cách tốt nhất là Trọng Thủy cứ làm bộ đuổi theo mấy cái lông ngỗng ở trong những lùm cây, bụi cỏ nào đó, rồi ngầm để quân binh của mình đuổi giết Thục Phán, Mỵ Châu là xong chuyện, khỏe re.
Đã có qúa nhiều tình tiết phi lý, khôi hài như vậy trong những truyện kể về Công Chúa Mỵ Châu, vậy mà người ta vẫn còn cho là chưa đủ, cho nên người ta còn bày thêm chuyện Thục Phán chạy tới bờ biển thì Thần Kim Qui hiện thân lên nói với nhà Vua là: “giặc ở ngay sau lưng nhà Vua đó”, lời Thần Kim Qui ám chỉ giặc đây là công chúa Mỵ Châu, con gái của Thực Phán, cho nên Thục Phán mới rút gươm ra xử tử Mỵ Châu.
Cái Ông Thần Rùa Kim Qui nầy mới thiệt là bá láp, thiệt là vô tích sự, chuyên làm những chuyện bậy bạ, chuyện tào lao, chuyện trật lất không hà; nếu ông là Thần Thánh thật, thì tại sao ông không hiện thân ra sớm sớm một chút để mà cảnh tỉnh Thục Phán, để khuyên can Thục Phán không được gả con gái cho Trọng Thủy, không khuyên Thục Phán đừng làm sui gia với Triệu Đà, sao ông không báo trước cho Thục Phán biết những âm mưu thôn tính Âu Lạc của cha con Triệu Đà, ông không làm gì cả mà chỉ biết chờ cho cha con thục Phán lâm nguy, đại họa rồi mới hiện thân ra để mà đỗ tội cho người khác.
Chuyện nào cũng kể Thần Kim Qui là một ông Thần tài giỏi, thần thông quảng đại, pháp thuật cao cường, vân vân, nhưng thực tế thì rõ ràng là không phải vậy, Thần Kim Qui không khuyên can Thục Phán đừng gã Mỵ Châu cho Trọng Thũy, cũng không khuyên Thục Phán cảnh giác Trọng Thủy làm bộ ở rễ là để làm gián điệp, để âm mưu lấy cắp nõ thần, vân vân, cái tình tiết nầy thiệt là dễ hiểu, dễ thấy, vậy mà không hiểu sao suốt mấy ngàn năm lịch sử không thấy ai nói tới, hình như là ai cũng coi bộ nể mấy ông Thần, không ai dám đụng tới mấy ổng, cho dù là đụng tới một ông Thần hoàn toàn giả hiệu là ông Thần Rùa kim Qui.
Cái lợi hại của nõ thần là do cái quyền phép thần thông của Thần Kim Qui trên chiếc nõ nầy, chính xác là trên chiếc móng Rùa làm cái lẫy nỏ, chớ không phải là cái nõ, vậy thì, ngay cả việc Trọng Thủy có lấy cắp cái nõ thần đi nữa, thì cũng không nhằm nhò gì, chiếc nõ Thần có mất thì Thần cũng không cần phải mất công đi lấy về, cứ để cho kẻ địch nó lầm tưởng là chiếc nõ có quyền phép, muốn chiếc nõ thần không còn công dụng gì thì Thần chỉ cần lấy lại cái quyền phép của nõ thần là xong; một khi mà Trọng Thủy không có quyền phép của Thần Kim Qui thì cái nõ thần đánh cắp của Trọng Thủy cũng là thứ vô dụng, là đồ bỏ đi mà thôi.
Hoặc là vẫn còn có cách thức khác là Thần Kim Qui nếu muốn giúp Thục Phán thì chỉ cần lấy lại cái nõ thần của Trọng Thủy đem về cho Thục Phán là xong rồi, người thường thì còn khó, chớ đã là Thần Tiên rồi thì dĩ nhiên là chuyện dễ như chơi thôi, có như vậy thì mới là Thần Tiên chớ; hoặc là Thần xù phép chiếc nõ thần của Trọng Thủy, xong thổi phép cho chiếc nõ của Thục Phán là được rồi, chuyện nầy dễ ợt đối với một bậc Thần Tiên.
Tóm lại là mọi tội lỗi đều là tội lỗi của Thục Phán, và của Thần Kim Qui, chớ không phải là tội lỗi của Mỵ Châu, Mỵ Châu chỉ là một người đàn bà chân yếu tay mềm, theo đạo đức xưa, xuất gía tòng phu, lấy chồng theo chồng, nàng đâu có tội tình gì mà Thần Kim Qui hiện lên bảo nàng là giặc, để cho Thục Phán chém chết nàng, cái vai trò công tố viện của ông Thần Kim Qui nầy thiệt là tắc trách, thiệt là sai lầm, thiệt là bá láp….
Mà cái ông Vua Thục An Dương Vương cũng thật là một ông vua hồ đồ hết nói nổi, ai đời chỉ mới nghe có một câu hô “giặc ở sau lưng” của Thần Kim Qui là đã vội rút gươm giết chết con gái ruột của mình. Muốn xử tội ai, thì phải có đầy đủ chứng cớ, nhất là xử tội chết cho người ta, lại là xử tội chết đứa con gái của mình, lại là đứa con gái duy nhất của mình, thì nhất định là phải cân nhắc, phải xét suy thật cẩn thận gấp trăm lần, gấp vạn lần bình thường, không thể gấp gáp, không thể vội vàng, không thể hồ đồ như Thục Phán được.
Không suy xét, không cân nhắc, không bằng cớ, không nghe biện hộ, không nghe giải thích gì cả, mà đã vội chém chết con gái mình, thì Thục Phán An Dương Vương qủa thật là một ông vua qúa là nông nổi, quá đổi hồ đồ, qúa bất nhân, mà như vậy thì chuyện ông thua trận, hay chuyện ông mất nước chỉ là chuyện dĩ nhiên thôi, chuyện tất nhiên thôi, một ông vua ngu dốt, nông nổi, hồ đồ, bất nhân… thì làm sao mà giữ nước. Nghiêm chỉnh mà nói thì không hề có chuyện nõ thần, khôngcó chuyện Mỵ Châu trao nõ thần cho Trọng Thủy, hay chuyện Trọng Thủy lấy cắp nõ thần nhờ tay của Mỵ Châu gì cả, lý do đơn giản là vì không có nõ thần thì còn nói chuyện ai đánh cắp Nõ Thần làm gì nữa.
Cũng không có chuyện áo lông ngỗng, hay áo lông gà gì cả, cũng không có chuyện máu Mỵ Châu hóa thành ngọc trai, chúng ta ai cũng biết chuyện ngọc trai kết thành, phải qua những công đoạn, quá trình, điều kiện thời gian, không gian như thế nào, chớ không phải dễ dàng, không thể có chuyện một giọt máu của người nào đó có thể hoá thành ngọc trai, không bao giờ. Trong thiên nhiên, con trai phải ngậm sỏi trong thân thể trong thời gian bao nhiêu năm mới thành ngọc trai được, làm gì có chuyện máu của Mỵ Châu hoá thành ngọc trai, chuyện nầy thiệt là bậy bạ, chuyện tưởng tượng .
Không hề có chuyện Trọng Thủy nhảy xuống giếng tự tử, vì thương nhớ vợ gì cả, cho dù là cho tới ngày nay, sau hơn hai ngàn năm lịch sử, người ta vẫn còn nhất định cho rằng một vũng nước nhỏ xíu ở gần Hà Nội là chiếc giếng mà Trọng Thủy ngày xưa đã nhảy xuống đây tự tử chết. Người đời còn thêu dệt thêm chuyện ngọc trai mà đem rửa bằng giếng nước Trọng Thủy thì nó sẽ trong sáng hơn, chuyện nầy thì kiểm chứng dễ ợt, tại sao người ta không làm thữ để biết thiệt giả trắng đen, thử cái là biết liền, vậy mà không thấy ai chịu thử, nhưng cứ thấy những người tin nghe. Thiên hạ nghĩ thiệt cũng rất là lạ kỳ, không sao hiểu nổi, những cái gì thiệt thì họ không tin, còn những cái gì mà giả thì họ cứ nhất định tin, chém chết họ cũng tin, cái mới là kỳ.
Cũng không ai dám chắc là đã có một cuộc tình duyên Trọng Thủy Mỵ Châu trong thời đại của Thục Phán An Dương Vương hay không, không có bằng chứng nào cả ngoài những truyền thuyết hoang đường, vậy mà thiên hạ cũng cứ xúm nhau bàn luận phê bình đủ thứ. Cho dù có một cuộc hôn nhân của hai nhà Thục Triệu đi nữa, thì chuyện Thục thua cũng không hề vì lý do tình báo quân sự của Trọng Thủy, không hề vì chuyện phản bội quân sự, quốc phòng, tình báo của Mỵ Châu.
Thục Phán thua Triệu Đà là bởi vì, như đã phân tích ở phần trên, sự chênh lệch lực lưọng quân sự đôi bên quá rõ ràng, Triệu Đà mạnh hơn, giỏi hơn Thục Phán gấp nhiều lần, cho nên triệu Đà hoàn toàn không cần đến những giải pháp hôn nhân, tình báo gì cả mới có thể chiến thắng An Dương Vương. Còn giả như có một hôn nhân ngoại giao giữa Thục -Triệu, thì đây hoàn toàn là quyết định của Thục Phán và Triều đình Âu Lạc vì thế yếu của đất nước Âu lạc trước sức mạnh của Nam Việt.
Cho nên, nếu vì cuộc hôn nhân nầy mà dẫn đến sự thất trận của nhà Thục, thì đó hoàn toàn là trách nhiệm của nhà vua và triều đình Âu Lạc, không phải là trách nhiệm của Mỵ Châu, thân phận của một người đàn bà con gái thời xưa, hoàn toàn không có vai trò gì trong những quyết định của cha mẹ, và nàng cũng hoàn toàn không biết gì về chuyện quân sự quốc phòng của nước Thục, để mà tiếp tay cho chồng trong cuộc chiến tranh Thục Triệu, nghiã là Mỵ Châu hoàn toàn không có tội tình gì cả trong việc mất nước của Thục Phán, Âu Lạc.
Nghiã là, chúng ta đã xây dựng một cái án oan cho một người con gái ngây thơ vô tội là nàng công chúa Mỵ Châu, một nàng công chúa Mỵ Châu thật, hay một nàng Công Chúa Mỵ Châu giả, thảy đều vô tội; nếu như không có một nàng công chúa Mỵ Châu thật trên đời, thì dĩ nhiên là không có một tội lỗi Mỵ Châu nào cả, mà cho dù có thật một nàng công chúa Mỵ Châu, thì như chúng ta đã phân tích trên đây, bằng tất cả mọi đường, mọi lẽ, nàng đều vô tội. Nếu nàng là một tội nhân trước toà, thì Toà bắt buộc phải tuyên bố là nàng vô tội, bởi vì không ai có đủ bằng chứng để buộc tội cho nàng, bởi vì những bằng chứng người đời đã trưng ra trong suốt hai ngàn năm qua đều là những bằng chứng giả, những bằng chứng vô hiệu, mơ hồ, không đủ yếu tố để buộc tội.
Cũng như câu chuyện của nàng Nguyễn Thị Lộ năm xưa, người ta đã thêu dệt thành những câu chuyện liêu trai giả tưởng, hoang đường, người ta bảo rằng Nguyễn Thị Lộ vốn là một con rắn mẹ, đang nuôi một đàn rắn con ở núi Côn Sơn, nơi Nguyễn Trãi về trí sĩ mở trường dạy học. Đám thư sinh, học trò của Nguyễn Trãi dọn dẹp vườn trại đã vô tình giết chết đám rắn con, mối hận mất con nầy đã làm cho rắn mẹ hiện thành cô gái bán chiếu Nguyễn Thị Lộ để trả thù, hảm hại gia đình đại nhân Nguyễn Trãi phải bị tru di tam tộc.
Chúng ta đã minh oan cho Nguyễn Thị Lộ đã ngàn năm, Nguyễn Thị lộ chỉ là một nữ sĩ, một nữ học sĩ đạo đức và tài hoa, nhưng bà lại là một nạn nhân của những âm mưu chính trị phế lập ngôi vị của Lê Triều, nàng không không phải là một con rắn nào cả, nàng không có mối thù nào với Nguyễn Trãi cả, nàng chỉ có những tình cảm yêu, thương, kính, trọng Nguyễn Trãi mà thôi. Vậy thì, cũng phải là đã đến lúc chúng ta nên minh triết, giác ngộ; chúng ta nên minh thức, văn minh, chúng ta nên công bằng, công lý, vân vân, trả lại cái trong trắng, vô tội cho nàng công chúa Mỵ Châu, nàng không có tội tình gì cả, nàng không có tội với ai cả, Mỵ Châu không có đánh cắp nõ Thần vì không hề có chuyẹn Nõ Thần, Mỵ Châu không hề chỉ đường cho Trọng Thủy truy binh bức tử Thục An Dương Vương trên đường chạy trốn, bởi vì cả đời, nàng không hề có chiếc áo lông ngỗng nào cả.
Phần tôi, tôi cho là nàng Mỵ Châu vô tội, tôi thấy là không có lý do nào để buộc tội nàng, không có chứng cớ nào để buộc tội nàng, những chứng cớ người ta đã từng đưa ra để buộc tội cho nàng đều là những chứng cớ giả tạo, giả thuyết, hoang đường, vân vân. Mỵ Châu vô tôi và là một nạn nhân của thời thế, của con người, quyền lực, chiến tranh, tham vọng, tham lam, hận thù, vân vân, và nhất là nạn nhân của những điều mê muội, mê lầm, thành kiến, ngu ngơ, cố chấp, vân vân, như bao nhêu nạn nhân khác, không riêng là nạn nhân của dân tộc nầy, dân tộc khác, mà còn là nạn nhân của toàn nhân loại, không phải của một thời đại, một vương triều, mà của muôn năm, muôn đời, muôn thuở, muôn nơi…
Câu chuyện Mỵ Châu, dù là câu chuyện nào, của bất cứ sách vở nào còn để lại, cũng đều có quá nhiều những điều sơ hở, vô lý, sai lầm, hàm hồ, võ đoán, vân vân; trong số những tình tiết mơ hồ, phi lý, sơ hở, vân vân đó, tôi thấy chỉ có cái tình tiết Mỵ Châu bị Thục Vương giết chết, máu nàng chảy xuống biển, những con trai ăn phải thì những máu nầy biến thành ngọc trai là tình tiết tuy cũng là thất thiệt, giả trá, nông nổi, hàm hồ, vân vân, nhưng tôi thấy đây là tình tiết đẹp nhất, nhiều ý nghiã nhất của câu chuyện Mỵ Châu.
Một con trai muốn hình thành một viên ngọc trai trân châu trong lòng mình, thì nó phải ngậm một viên sỏi trong thân thể, con trai không có khả năng để tiêu hóa viên sỏi nầy, nếu không thể tống xuất viên sỏi ra khỏi thân thể, thì nó chỉ còn có một cách duy nhất là phải bao bọc viên sỏi nầy lại, để viên sỏi không làm đau đớn, tổn thương thân thể của nó. Con trai phải tiết ngọc để bao lại viên sỏi, đó là một qúa trình gian khổ và lâu dài, thường là phải cần đến một thời gian từ 5 đến 6, 7 năm viên ngọc mới đủ lớn, và mới đủ đẹp để cho người ta xử dụng làm những món trang sức giá trị cho người phụ nữ, viên ngọc càng tròn, càng to, càng bóng láng thì càng có giá trị, nhưng đồng thời cũng đồng nghiã với những quá trình gian khổ, thời gian lâu dài để tạo ngọc của ngọc trai.
Nhật Bổn, Trung Hoa, Đại Hàn, là những quốc gia có những kỹ nghệ nuôi cấy ngọc trai qui mô, lớn lao, rất nổi tiếng trên thế giới; Nhật Bổn, Đại Hàn nuôi cấy ngọc trai bằng những viên sỏi giống thiên nhiên, nuôi cấy ngọc trai ngoài biển; riêng Trung Quốc có kỹ nghệ nuôi cấy ngọc trai từ những nông trại nước ngọt rất lớn trên những sông hồ nổi tiếng của Trung Hoa, Thái Hồ ở Nam Kinh có những trại nuôi ngọc trai rất lớn, kỹ nghệ sản xuất ngọc trai ở đây là một nguồn lợi kinh tế rất lớn của Trung Hoa. Người Trung Hoa nuôi cấy ngọc trai không bằng sỏi cát, mà bằng chính da thịt của những con trai khác, được cắt lát mỏng nhỏ ra rồi cấy vào da thịt những con trai, nuôi trong thời gian khoảng 5 tới 6 năm như những con trai thiên nhiên, tùy môi trường sống và thức ăn, mà ngọc trai có những màu sắc khác nhau.
Thông thường ngọc trai có màu trắng, có những ngọc trai màu hồng, màu càng đậm thì ngọc trai càng có giá trị, màu nâu giá trị hơn màu trắng, màu hồng, màu đen có giá trị nhất, lý do là vì màu đen rất hiếm; một con trai có thể có 20 viên ngọc trai trắng, 5, 7 viên ngọc trai hồng, một vài viên ngọc trai nâu, thỉnh thoàng chúng ta mới có một viên ngọc trai đen. Dù cho viên ngọc trai có màu sắc gì, đen, nâu, vàng, đỏ, vân vân, khi ta cà viên ngọc trân châu trên mặt kiếng, thì chúng ta cũng chỉ được một lớp phấn trân châu màu trắng, chớ không có màu gì khác cả; nếu chúng ta thấy phấn có màu sắc gì khác hơn màu trắng, thì đó là trân châu giả, không phải trân châu thật; mặt kiếng cũng không được để lại vết trầy nào khi ta bôi lớp phấn trân châu đi, nếu mặt kiếng bị trầy thì đó cũng là trân châu giả.
Công dụng của trân châu rất là nhiều, làm đồ trang sức cho người phụ nữ chỉ là chuyện nhỏ, giá trị y học của trân châu mới là đáng qúi, mới là đáng kể; bột trân châu dùng để uống trị nhiều chứng bịnh nội tạng như bao tử, đường ruột. Trân châu dùng bên ngoài, như một loại kem dưỡng da, trị bịnh ngoài da rất tuyệt vời; thế nên ngay cả việc phụ nữ dùng ngọc trân châu để làm nữ trang, vòng đeo cổ, vòng đeo tay trên người cũng có những ích lợi y học nhất định; tác dụng y học của các loại ngọc trai trân châu biển tốt hơn các loại ngọc trai trân châu sông, nhờ có chất iode trong các loại ngọc trai trân châu biển, có thể vì vậy mà các loại ngọc trai trân châu biển đắt hơn là các loại ngọc trai trân châu sông.
Trân châu là như vậy, ngọc trai là như vậy, sự hình thành ngọc trai là như vậy, giá trị trân châu như vậy; ngọc trai phải ngậm những đau thương, đau xót của mình, và phải ngày đêm âm thầm nhả ngọc để hàn gắn những đau thương, đau xót của mình, để làm nên những viên ngọc trân châu xinh đẹp cho đời mà không ai biết cái đẹp của trân châu hàm chứa bên trong những điều đau khổ của ngọc trai, viêntrân châu càng lớn thì sự đau khổ của ngọc trai càng nhiều, càng lâu. Cho nên, tôi mới nói rằng, chỉ có cái tình tiết máu huyết của nàng Mỵ Châu đã hoá thành ngọc trai, là tình tiết phi lý, hoang đường, nhưng là tình tiết tôi có thể chấp nhận, tôi có thể thưởng thức, tôi thấy những giá trị và ý nghiã của câu chuyện Mỵ Châu.
Một con ngọc trai chỉ cần ngậm nỗi khổ đau trong vòng 6- 10 năm là đủ để làm nên một viên ngọc giá trị, Mỵ Châu đã ngậm nỗi oan khiên của nàng trên nhiều ngàn năm qua, hẵn là cũng phải có những giá trị cho người đời, chỉ là việc người đời có biết đến những giá trị nầy hay không mà thôi. Đó là giá trị tương đối của những nhận định, những phê phán, phê bình của người đời; cho dù là những phê phán của một đa số, của nhiều người đi nữa, thì cũng vẫn chưa chắc là đã đúng, chưa chắc là đã có giá trị; cho dù là những phê phán phê bình đã từng được ghi chép vào tronng sách sử mấy ngàn năm, cũng vẫn có thể là sai sót, sai lầm.
Bi kịch của chúng ta, của con người, là chúng ta vẫn cứ đi từ sai lầm nầy, đến những sai lầm khác, nhưng vẫn còn có một bi kịch lớn hơn nữa là, luôn chúng ta không chịu nhận những sai lầm của mình, thường thường chúng ta vẫn cứ tự cho mình là đúng, thường cho người là sai.
Tóm lại, câu chuyện Mỵ Châu nào, của sách vở nào, của ai kể, xem ra cũng chỉ là những câu chuyện dã sử, truyền kỳ, truyền thuyết, vân vân, tuyệt đối không phải là những câu chuyện thật, không phải là những câu chuyện lịch sử. Cho nên chúng ta có thể kể một câu chuyện Mỵ Châu khác, theo những ý kiến, những quan điểm riêng của chúng ta, mà không phải sợ người đời kết án, buộc tội là chúng ta vo tròn bóp méo lịch sử.
Chúng ta rất cần có một câu chuyện Mỵ Châu, dù là dã sử, truyền kỳ, truyền thuyết, vân vân, dù là hoang đường như những câu chuyện ma quái “liêu tai chí dị” của Trung Hoa đi nữa, quan trọng là câu chuyện phải có nghiã lý, phải có ý nghiã, phải có tình lý, hơn là những câu chuyện Mỵ Châu chúng ta đã từng biết, đã từng nghe.
Chúng ta có thể kể một câu chuyện Mỵ Châu khác: Tình sử Mỵ Châu
“Thục Phán, Tù Trưởng bộ lạc Âu Việt, lãnh chúa những bộ tộc săn bắn Thượng Du, có tài ba võ nghệ, có tài cung tên như là Hậu Nghệ, bách phát bách trúng, nhưng Thục Phán đã thất bại trong cuộc cầu hôn Mỵ Nương, con gái cưng duy nhất của Hùng Vương 18, Vua của bộ tộc Lạc Việt, nước Văn Lang ở châu thổ sông Hồng. Hùng Vương đã gả Mỵ Nương cho Sơn Tinh mà không gả Mỵ Nương cho Thục Phán, vì Hùng Vương đã khinh dễ sắc tộc của Thục Phán, một sắc tộc cao nguyên.
Mang mối hận tình và mối nhục bị khinh rẽ nguồn gốc, sắc tộc, Thục Phán quyết tâm trả thù; trở về rừng núi cao nguyên, Thục Phán không ngừng ngày đêm luyện rèn võ nghệ, cung đao; Thục Phán chiêu mộ và trọng dụng nhân tài, hào kiệt bốn phương Kinh Thượng tìm đến qui phục, giúp sức; Thục Phán ẩn nhẫn cũng cố thế lực, đào tạo quân binh, luyện rèn thế trận, vân vân, trong suốt 20 năm trời. Khi đã đầy đủ lực lượng, sức mạnh quân sự, mưu lược, nhân tài, vân vân, Thục Phán ra lịnh chư tướng điều nghiên trận địa, lực lượng Hùng Vương, rồi mang toàn bộ binh tướng Âu Việt tấn công Văn Lang.
Hùng Vương 18, hoàn toàn bất ngờ trước cuộc xâm lược, tấn công quân sự vũ bão của Thục Phán, bản thân Hùng Vương không có võ nghệ, mà quân binh của Hùng Vương thì gần như là không có gì cả, yếu kém, thô sơ, triều đình Văn Lang tuy cũng có văn quan, võ tướng, nhưng mà thực tế Hùng Vương không có một lực lượng quân sự nào đáng kể, khả dĩ có thể đối địch với cuộc tấn công quân sự của Thục Phán.
Kết qủa trận chiến là Hùng Vương nhanh chóng thua trận, Thục Phán dễ dàng chiến thắng Văn Lang, Thục Phán chiếm Văn Lang xong thì sáp nhập cả hai phần đất Kinh Thượng của Âu Việt và Lạc Việt thành một quốc gia duy nhất, đặt tên mới là nước Âu Lạc. Thục Phán lên ngôi Vua lấy hiệu là An Dương Vương, rồi cho xây dựng một kinh thành để làm kinh đô, thành xây theo hình trôn ốc để dễ bề tiến thoái, công thủ đều thuận tiện, cho nên lấy tên thành là “Cổ Loa Thành”, đó là kinh đô của nước Âu Lạc, nay còn di tích ở gần Hà Nội.
Yên định Văn Lang xong, nhưng mà Bắc Phương đang là một mối họa to lớn đang chực chờ ngày đêm, đất nước Trung Hoa sau mấy trăm năm chinh chiến phân quyền của thất quốc: Tần, Tề, Yên, Triệu, Sở, Tấn, Hàn; kết qủa là Tần quân đại thắng, Tần Thủy Hoàng chinh phục, gồm thâu lục quốc, thống nhất Trung Hoa. Đại Tướng quân của Tần Thủy Hoàng là Triệu Đà được phong làm Thái Thú quận Nam Việt để khống chế Nam phương, dòm ngó nước Âu Lạc; Thục Phán đã có thể chiến thắng Văn lang qúa dễ dàng, nhưng với quân binh thiện chiến, hùng hậu gấp ngàn lần hơn, thì Thục Phán không thể nào đương cự nổi, chỉ cần một trận tấn công của Triệu Đà thì Âu Lạc tất phải mất.
Kế sách phòng thủ duy nhất có thể thi hành chỉ có thể là kế sách ngoại giao, không thể đương cự Triệu Đà bằng sức mạnh quân sự, những nhà chính trị Âu Lạc đã hiến kế ngoại giao bằng hôn nhân; Thục An Dương Vương có cô công chúa Mỵ Châu xinh đẹp, có thể kết hôn cùng con trai cả của Thái Thú Triệu Đà là Đại Tướng Quân Triệu Trọng Thủy.
Những nhà ngoại giao chính trị của Âu Lạc đã thành công, cuộc hôn nhân Trọng Thủy- Mỵ Châu đã thành tựu tốt đẹp, vui vẻ; nhưng Triệu Đà đã không vì câu chuyện kết hôn của con trai mình, mà có thể không nghĩ đến những chuyện đại cuộc quốc gia, không thể từ bỏ ý định chiếm cứ đất Âu Lạc để mở rộng biên cương của Nam Việt, cũng cố thế lực để tự mình lập quốc thay vì chỉ làm một quan Thái Thú của Tần Thủy Hoàng.
Sau khi đất nước Trung Hoa biến động, Tần Thủy Hoàng chết, nhiều cuộc tranh chấp ngôi vị Hoàng Đế đã xảy ra trong cung đình nhà Tần, tân vương Tần Nhị Thế là một con người tài nghệ kém cõi, đạo đức không có, quyền thần lộng hành, hoạn quan chuyên quyền, thế quyền Tần Đế sắp suy vong, cho nên đây chính là thời cơ thuận lợi để Triệu Đà thực hiện giấc mộng xưng vương của mình.
Muốn xưng vương lập quốc lên ngôi Thiên tử, trước nhứt, Triệu Đà cần phải mở rộng biên cương bờ cõi, không thể mở về phương Bắc vốn là lãnh thổ của nhà Tần, dù sao Triệu Đà cũng chưa thể công khai chống lại Tần Đế, chỉ có mãnh đất lân bang phương Nam Âu Việt là thuận tiện nhất, có thể chiếm lĩnh lấy, và mở rộng biên cương Nam Việt.
Thế nên, chỉ cần một trận chiến ngắn ngủi là Triệu Đà với Đại Tướng Tiên Phong Triệu Trọng Thủy đã chiếm được Cổ Loa Thành, và đất nước Âu Lạc của An Dương Vương. Khi quân Triệu đến thì Cổ Loa Thành vở tan ngay, biết Triệu Trọng Thủy, chồng mình là Đại Tướng Tiên Phong của giặc, công chúa Mỵ Châu vô cùng đau khổ, xuất giá tòng phu, nàng đã không thể theo cha trốn chạy khỏi kinh thành Cổ Loa, nhưng nàng cũng không thể ở lại để gặp gỡ người chồng đã trở thành kẻ đại địch của đất nước, gia đình, Mỵ Châu chỉ còn có một con đường duy nhất, con đường tự tay rút kiếm chém đầu mình, phân chia thân xác, thể hiện tấm lòng đôi nơi.
Trọng Thủy đã chiếm được kinh thành Cổ Loa, đã chiếm được đất nước Âu Lạc, đã hoàn thành sứ mạng Tiên Phong của mình, đã hoàn thành nhiệm vụ quân sự của Phụ Vương Triệu Đà giao phó, nhưng chàng cũng đã đau khổ vô cùng trước cái chết thảm thương, oan nghiệt, bi thiết của vợ mình, công chúa Mỵ Châu.
Đời người luôn luôn là bi kịch, xưa nay tình nghiã khó vẹn toàn, Trọng Thủy không thể nào không hoàn thành nhiệm vụ của mình, không thể nào không đánh chiếm Cổ Loa, không thể nào không đuổi giết Thục Phán; còn Mỵ Châu thì cũng không thể nào không tự tử chết, Mỵ Châu không thể theo cha, mà cũng không thể theo chồng, nàng không có đường đi, nàng chỉ có cái chết, nàng chỉ có cái khổ đau.
Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, chúng ta cũng thấy, có những người chết chóc, cũng có những người khổ đau, bên thua bại thì dĩ nhiên là có những con người đau khổ, mà bên chiến thắng chũng có những con người khổ đau; nhưng mà, người vừa phải chết một cách rất bi thương, chết dưới đao gươm của chính cha mình, vừa phải vô cùng khổ đau, trong cuộc chiến tranh nầy, cuộc chiến tranh Triệu Thục mấy ngàn năm xưa nầy, người đó chính là công chúa Mỵ Châu.
Mỵ Châu đã là một nạn nhân đau khổ của cả hai thế lực bạn thù, nạn nhân của những người thân thiết nhất của nàng là Cha nàng, và Chồng nàng, nhưng nỗi đau lớn nhất là nỗi oan tình mấy ngàn năm không người thấu hiểu của nàng công chúa Mỵ Châu, nỗi oan tình lớn hơn, sâu hơn, đậm hơn, dài hơn, khổ ải hơn, bi thương hơn nỗi oan tình của Quan Âm Thị Kính rất nhiều, còn điều bi thảm nữa là Thị Kính đã vì một nỗi oan tình nhỏ bé riêng tư mà đã thành Đức Phật Bà Quan Âm, còn riêng nàng công chúa Mỵ Châu, thì nàng còn mãi mãi ôm chịu nỗi hàm oan.
Để tạm kết thúc cho một bài viết minh oan cho nàng công chúa Mỵ Châu nầy, tôi xin chân thành, và chân thực, cầu chúc và cầu nguyện cho vong linh của nàng, công chúa Mỵ Châu, người muôn năm cũ, mấy ngàn năm xưa, từ nay không còn u uất, từ nay không còn oán hận, từ nay không còn u buồn, từ nay không còn bi thương, …., vì những oan tình, oan khuất, oan khiên, oan nghiệt, …, mà nàng đã phải cam chịu mấy ngàn năm qua.
Tôi cũng xin chân thực, chân thành cầu nguyện vong linh nàng công chúa Mỵ Châu được siêu linh, siêu thoát, được về nơi cõi vĩnh hằng, nơi chốn Thiên Đàng, nơi chốn bình an của các Đấng Thiêng Liêng Cao Cả, những Đấng Minh Triết Giác Ngộ, nơi chốn không có những sự thị phi, những điều mê muội, những việc mê lầm, nơi chốn thiêng liêng không có những đau khổ, những bi ai, những khổ lụy, những tranh chấp, hận thù, những thành kiến, nghi kỵ, những đố kỵ, nghi ngờ…, của thân kiếp con người, thân kiếp của những bi kịch, những ân oán, những thành kiến...
Tháng 5/ 2007
No comments:
Post a Comment