Saturday 19 November 2011

Tieu Ngao Giang Ho


 “TIẾU NGẠO GIANG HỒ”

  • Bài của Thái Nam Trân

Trung Hoa là một đất nước có nhiều huyền thoại, đủ loại huyền thoại, nhất là những huyền thoại về pháp thuật, võ công, quyền phép, v v,… một đất nước có nhiều câu chuyện sử tích hạng nhất trên thế giới, những chính sử và cả những chuyện dã sử, huyền sử, những chuyện thần thoại, hoang đường, vân vân, tức là những chuyện chỉ có một phần là lịch sử, một phần là sự thật, còn đa phần đều là những câu chuyện thêm bớt, tưởng tượng, thêu dệt, đặt ra…. Có rất nhiều nguyên nhân để người Trung Hoa ưa thích những câu chuyện thần thoại, huyền hoặc, hoang đường, những chuyện ma quái liêu trai, những chuyện dã sử, giả truyền, vân vân, ….nhưng dù vì bất cứ nguyên nhân gì, dù vì bất cứ vì lý do gì, thì tất cả những dữ kiện, những yếu tố, những truyện tích, những truyền kỳ, những dã sử, vân vân, của người Trung Hoa, đã kết hợp lại thành ra những nét sắc rất đặc thù, rất đặc biệt, rất phong phú, rất hấp dẫn,v v, của văn học, văn hoá Trung Hoa: Tiểu thuyết kiếm hiệp.

Kim Dung, có thể được coi là một nhà văn viết tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng nhất của Trung Hoa, mặc dù sự nghiệp tiểu thuyết kiếm hiệp của ông chỉ vỏn vẹn có 13 tác phẩm; hiện nay Kim Dung vẫn còn sống và vẫn còn tráng kiện, vẫn còn minh mẫn, nhưng ông đã tự động gát bút không sáng tác thêm một tiểu thuyết kiếm hiệp nào khác từ nhiều chục năm qua. Tất cả 13 tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung đều được nổi tiếng, mỗi tác phẩm của Kim Dung được người đọc yêu thích một cách riêng, hầu hết đều được tái bản nhiều lần, đều được dịch thuật ra nhiều thứ tiếng, và gần đây, hầu hết những tác phẩm nầy đều đã được xây dựng thành những phim truyện kiếm hiệp, và đều đã đạt được những sự thành công lớn về sự ái mộ của khán giả khắp nơi.

“Tiếu Ngạo Giang Hồ” là một trong 13 tác phẩm trường thiên, võ hiệp tiểu thuyết kỳ tình của tác giả Kim Dung, “Tiếu Ngạo Giang Hồ” là tên một khúc nhạc tấu hoạ cầm tiêu của hai nhân vật lớn trong giang hồ, người đánh đàn là Lưu Chánh Phong, Chưởng môn nhân môn phái Hành Sơn của Ngũ Nhạc Kiếm phái, thuộc phe chánh đạo, người thổi tiêu là Khúc Dương, một Đại Trưởng Lão của Nhật Nguyệt Thần Giáo, một Giáo phái đứng đầu nhóm tà giáo. Mối giao tình của hai nhân vật chánh tà Lưu Chánh Phong và Khúc Dương, biểu tượng của sự hợp tác chánh tà nầy là bản hợp soạn nhạc tấu khúc cầm tiêu phổ “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, khởi đầu cho bao nhiêu chuyện tranh chấp, đấu tranh, sống chết, xương rơi, máu đổ …giữa hai phe Hắc Bạch giang hồ.

Tôi thấy rất thích thú khi lần đầu tiên được đọc bộ truyện kiếm hiệp “Tiếu ngạo giang hồ” của tác giả Kim Dung, truyện được đăng tải từng kỳ một trên nhật báo hằng ngày ở Miền Nam trước 1975, từ khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, cách đây hơn 40 năm. Tôi thấy rất hấp dẫn khi lần đầu tiên được xem bộ truyện kiếm hiêp “Tiếu ngạo giang hồ” được các tài tử Hồng Kông diễn tả trong những phim truyện video từ hơn 20 năm trước đây ở hải ngoại, mặc dù là những băng hình video thời bấy giờ kỹ thuật còn non kém, nhất là phần lồng tiếng nói chuyển âm tiếng Việt thì thiệt là ngô nghê, anh hùng hiệp sĩ gì mà toàn là nói chuyện ngọng nghịu, nhiều khi nghe mà không hiểu họ nói gì, hoặc là nghe mà không chịu nổi thứ tiếng Việt lơ lớ của những phim truyện chưởng Hồng Kông!

Hôm nay, được xem một phiên bản khác của phim truyện “Tiếu ngạo Giang hồ” bằng băng điã DVD, hình ảnh xem được rõ ràng hơn, âm thanh, xảo thuật, kỹ thuật…tất cả đều tân tiến hơn, nhất là phần chuyển âm lồng tiếng Việt thì có thể nói đã là rất chuyên nghiệp, rất chuyên môn, rất linh động…, cho nên, mặc dù đây đã là một câu chuyện đã qúa xưa cũ, thể truyện cũng đã qúa cổ xưa, đã gần như lỗi thời, lạc hậu, đã hoàn toàn xa rời xã hội, con người hiện thực, văn minh, khoa học, máy móc, vân vân, hiện nay, nhưng tôi vẫn thấy phim truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ rất hấp dẫn, rất thích thú khi thưởng thức.

Cả 3 lần thưởng thức “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, tôi đều có những tâm trạng thích thú, tâm thái bị hấp dẫn, bị lôi cuốn, nhưng vì mỗi lần thưởng thức lại có khoảng thời gian cách biệt nhau đến gần khoảng 20 năm, cho nên cũng có những khác biệt về tư tưởng, nhận thức, tình cảm, vân vân. Có những sự việc, những con người, những cử chỉ, những ngôn từ, những hành động của người nầy, người kia trước đây tôi đã không chú ý, không nhận xét, không cảm nhận, không cảm thức, không cảm thông, không đồng thuận, không đồng tình, không đồng ý, không đồng cảm, vân vân,… thì bây giờ tôi lại có thể nhận thức khác, có thể suy nghĩ khác, có thể  phê phán khác, kết luận khác, thái độ khác, vân vân.

Đây là một dấu hiệu tốt về phần cá nhân, những dấu hiệu của những kinh nghiệm và những trưởng thành trong cuộc sống, những dấu hiệu của những sự học hỏi, những sự tiến bộ, những biến hoá, những chuyển hoá, những tiến hoá của những nhận thức, những kiến thức, những tri thức…của một đời người. Đây là một dấu hiệu của những dấu ấn thời gian trong đời người, dấu ấn của những năm tháng sống, từng trải, kinh qua, kinh lịch, vân vân, đã bào mòn dần những nông nổi, những khích động, những cảm nghĩ, vân vân… của cá nhân, …nhường chỗ cho những hiểu biết, những kinh nghiệm của cuộc sống, của con người, xã hội, phong tục, tập quán, luân lý, đạo đức, tín ngưỡng, văn hoá, vân vân,… thường hằng quanh ta.

“Tiếu ngạo giang hồ” thủy chung, chỉ là một cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp, giả tưởng Trung Hoa, của một nhà văn Trung Hoa, một cuốn truyện trên căn bản chỉ là để cho độc giả đọc chơi, cho người đời có thể nghe chơi, có thể xem chơi, vân vân,… cho một tầng lớp con người nào đó, cho một hạng mục độc giả nào đó, cho một phân loại khán giả nào đó, với một tâm trạng nào đó, một tâm cảm nào đó, một tâm tình nào đó, một tâm tư nào đó, trong một thời đại nào đó, trong một không gian nào đó, vân vân, ….Không có ai đòi hỏi người đọc truyện, người xem kịch, người coi phim những gì nhiều hơn là những giây phút thưởng lãm, giải khuây, tìm vui, giải trí, vân vân.

Không có ai, kể cả tác giả, đòi hỏi người đọc, người xem những suy tư, những tìm hiểu, những tìm tòi, những ý nghiã, những lợi ích, những học hỏi gì, trong những câu chuyện kỳ tình tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa, ngay cả tác giả cũng không đòi hỏi người đọc, người xem những gì nhiều hơn là những giây phút giải trí, giải khuây, mua vui…. Nhưng với tôi thì những câu chuyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, trong đó có bộ truyện tiểu thuyết kiếm hiệp Tiếu Ngạo Giang Hồ, lại có một số giá trị khác hơn là giá trị giải trí, mua vui, nó còn có những hữu ích và những thú vị khác cho tôi, và như vậy thì cũng có thể là nó cũng còn có những hữu ích, những hữu dụng, những hiểu biết, những học hỏi, những thú vị… cho những người khác.

“Đố ai nằm ngủ không mơ”, bởi vì mơ là một nhu cầu và là một lợi ích to lớn của Thượng Thiên đã ban cho con người, để con người giải toả những ẩn ức, những ước mơ, những mong muốn, vân vân, mà đời sống thường hằng con người không có được. Nhưng những giấc mơ thường mang tính thụ động, có khi vẫn không giải toả được hết những ẩn ức của con người, mà những câu chuyện có thể rất hoang đường, huyễn hặc, giả tưởng, vân vân, của những văn nhân, thi sĩ, có khi lại là những phương tiện rất tốt cho chúng ta giải toả được những nỗi ẩn ức tâm lý, tâm linh, vân vân. Đó có thể là những lợi ích, đó có thể là những lý do để cho những câu chuyện giả tưởng, hoang đường, huyền hoặc, liêu trai, vân vân, của Trung Hoa từ bao nhiêu ngàn năm qua vẫn còn có thể tồn tại, vẫn còn có thể được được lưu truyền, vẫn còn có thể được người đời thưởng thức, say mê…

Tính chất của tiểu thuyết là “giả”, là không phải người thật, không phải chuyện thật, không phải việc thật…, tiểu thuyết kiếm hiệp lại càng là những chuyện không hề có thật, mặc dù những truyện kiếm hiệp của Kim Dung thường lấy bối cảnh của những truyện sử, những nhân vật, những điển tích Trung Hoa…; có rất nhiều tên tuổi lịch sử thật, có rất nhiều sự kiện lịch sử thật, có rất nhiều điạ danh lịch sử thật, vân vân, trong những truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung. Nhưng, “Tiếu ngạo giang hồ” thì không có tên tuổi, sự kiện lịch sử thật nào cả, như nhiều truyện khác của Kim Dung, như: Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ, Vi Tiểu Bảo, Thư Kiếm Ân Cừu, vân vân. Tất cả nhân vật, sự vật, sự kiện…của Tiếu Ngạo Giang Hồ, tất cả đều là những sự kiện hư cấu, những sáng tạo thuần túy, ngoại trừ những cái tên môn phái võ công rất quen thuộc như: Thiếu Lâm, Võ Đang, Thanh Thành, Thái Sơn, Hoa Sơn, Tung Sơn, Hằng Sơn, v v, ….

Nhưng cái tài tình của Kim Dung, hay cái thành công của Tiếu Ngạo Giang Hồ, của Lục Mạch Thần Kiếm, của Cô Gái Đồ Long, của Anh Hùng Xạ Điêu, của Lộc Đỉnh Ký, vân vân, là sau cùng thì chính những vật hoàn toàn hư cấu của những tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung lại có thể trở thành những nhân vật hữu danh, nhiều nhân vật còn có thể nói là nổi danh hơn cả những nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa. Rất nhiều nhân vật lịch sử Trung Hoa cổ xưa, dù cho là có thật nhưng lại không có mấy ai biết đến tên tuổi, không ai biết người có võ công giỏi nhất Trung Hoa là ai, nhưng rất nhiều người biết đến tên tuổi của những nhân vật kiếm hiệp của Kim Dung, như Quách Tĩnh, Hoàng Dung, như Dương Hoá - Tiểu Long Nữ, như Trương vô Kỵ- Triệu Minh – Chu Chỉ Nhược, như Tạ Tốn, Trương Tam Phong, vân vân.

Nhân vật chánh của “Tiếu Ngạo Giang Hồ” là Lệnh - Hồ Xung, đại đệ tử của môn phái võ lâm Hoa Sơn, một trong ngũ nhạc kiếm phái Trung Hoa, ngũ nhạc kiếm phái gồm có 5 môn phái võ dùng kiếm là: Tung Sơn, Hoa Sơn, Hằng Sơn, Hành Sơn và Thái Sơn. Lệnh Hồ Xung là một đứa trẻ mồ côi được vợ chồng chưởng môn nhân Hoa Sơn là Nhạc Bất Quần và Ninh Trung Tắc nuôi dưỡng từ nhỏ, Nhạc Bất Quần có ngoại hiệu là Quân Tử Kiếm, có võ công giỏi, có nội lực cao thâm với môn nội công nổi tiếng là Tử Hà Thần Công, có diện mạo khôi ngô, có tính tình điềm đạm, thâm trầm,… rất được nhiều người đồng đạo võ lâm kính trọng, vị nễ. Vợ chồng Nhạc Chưởng Môn chỉ có một cô con gái duy nhất là Nhạc Linh San, nên rất thương yêu và rất nuông chìu, cho học võ công từ nhỏ, là cô tiểu sư muội thân yêu nhất của vị Đại Sư Huynh Lệnh Hồ Xung, hai người có thể nói là đôi kim đồng ngọc nữ, thanh mai trúc mã, xứng đôi vừa lứa, mà cha mẹ cũng từng có ý sẽ kết hợp cho hai trẻ thành vợ chồng sau nầy.

Nếu như mọi chuyện đều êm đềm, nếu như mọi việc đều bình lặng, nếu như thiên hạ được thái bình, yên ổn,…, thì đôi trai tài gái sắc Lệnh Hồ Xung, Nhạc Linh San sẽ kết duyên thành chồng vợ, rồi cũng giống như cảnh vợ chồng Nhạc Bất Quần- Ninh Trung Tắc, nối nghiệp mẹ cha làm đôi vợ chồng chưởng môn nhân môn phái Hoa Sơn, ngày ngày nhàn hạ học võ múa kiếm, dạy dỗ môn đệ...Nhưng dĩ nhiên là dòng đời của gần như bất cứ ai trên đời nầy đều không có êm xuôi trôi chảy mãi, mà sóng gió thì bao giờ cũng có thể xảy ra, mà phong ba thì bao giờ cũng có thể xảy đến, bất kỳ lúc nào, không lường đoán trước được, cho bất kỳ ai, trong đời người…Một nhân vật mới đã xuất hiện giữa Nhạc Linh San và Lệnh Hồ Xung, đó là nhân vật Lâm Bình Chi, con trai của Trấn Viễn Phiêu Cục Lâm Chấn Nam. Trẻ tuổi, đẹp trai, ca hay, hát giỏi ….. , dần dần Lâm Bình Chi đã chiếm được tình yêu trai gái đầu đời thực sự của cô gái ngây thơ Nhạc Linh San; và Lâm Bình Chi đã thực sự trở thành con rễ của Nhạc Bất Quần chớ không phải là Lệnh Hồ Xung; tệ hơn nữa, là vì một số chuyện liên liếp hiểu lầm nghiêm trọng, lại không thể giải thích, Lệnh Hồ Xung đã bị sư phụ Nhạc Bất Quần phát thiệp lệnh anh hùng trục xuất khỏi sư môn!.

Mang nỗi thất tình sâu đậm vì cô tiểu sư muội Nhạc Linh San đã yêu và đã gả cho Lâm Bình Chi, và nhiều nỗi oan tình không thể nào giải toả được, tội nghi can là kẻ ăn cắp bí kíp tử Hà Thần Công của Sư Phụ Nhạc Bất Quần, nghi can thủ phạm án mạng của Lục Sư Đệ, Lục Đại Hữu, lại bị nội thương trầm trọng không phương cứu chữa, bị khai trừ sư môn, trở thành kẻ công địch của võ lâm đồng đạo, vân vân. Tất cả những nỗi đau thương bất hạnh đó đã làm gục ngã chàng trai khí phách ngang tàng là Lệnh Hồ Xung; trong men rượu, và trong tuyệt vọng, Lệnh Hồ Xung không còn muốn sống, và chỉ còn muốn đi tìm cái chết cho xong cuộc đời.

Lệnh Hồ Xung đã không chết, vì đã có sự xuất hiện của một nhân vật nữ rất xinh đẹp và hấp dẫn, đó là Thánh Cô của Ma Giáo, tên là Nhậm Doanh Doanh, một ma nữ khét tiếng giết người như ngóe, ai nghe danh cũng sợ, người ma giáo nào cũng nghe lịnh phục tùng, triệt để và tuyệt đối phục tùng. Những gặp gỡ bất ngờ, những cuộc tương hội, tao phùng kỳ lạ, vân vân, cuối cùng đã làm nên tình yêu giữa Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh; tình yêu của một hiệp sĩ, danh môn chánh phái, giàu lòng nghiã hiệp, luôn luôn sẵn sàng hy sinh tất cả, tự ái, danh dự, và cả mạng sống của mình, chỉ để giúp đỡ kẻ khác, bất kể kẻ đó là ai, thân hay sơ bạn hay thù, tốt hay xấu, vân vân, và một đại ái nữ của đại ma đầu tà giáo, Giáo Chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo Nhậm Ngã Hành. Cuộc tình duyên của Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh, hai kẻ hoàn toàn đối nghịch chánh tà, không cùng chung chiến tuyến, chắc chắn sẽ mang lại những trận chiến kinh hồn võ lâm.

Doanh Doanh chấp nhận tự nguyện để Thiếu Lâm Phương Trượng giam cầm 10 năm để được Phương Trượng Thiếu Lâm truyền thụ nội công “dịch cân kinh” của Thiếu Lâm cứu mạng Lệnh Hồ Xung. Đây là một hành động chứng tỏ tình yêu sâu sắc và chân thành của Doanh Doanh đối với Lệnh Hồ Xung, ngoài Lệnh Hồ Xung ra thì không có bất cứ một ai trên đời có thể làm cho vị Thánh Cô ngang tàng và quyền uy nầy chịu qui phục và hy sinh đến như vậy. Tình yêu chân thành và tha thiết của Doanh Doanh, cuối cùng đã sưởi ấm lại trái tim tan nát của lãng tử Lệnh Hồ Xung, đã khiến cho Lệnh Hồ Xung phải lãnh đạo quần hùng tiến đánh Thiếu Lâm Tự để giải cứu cho Doanh Doanh.

Không phải chỉ riêng có Doanh Doanh mới có tình yêu tha thiết với Lệnh Hồ Xung, mà hãy còn một người con gái khác, cũng xinh đẹp tuyệt trần và cũng vô cùng tha thiết, ngày đêm yêu thương, tưởng nhớ Lệnh Hồ Xung, người đó là Tiểu Ni Cô Nghi Lâm của phái Hằng Sơn. Nghi Lâm là một Tiểu Ni Cô vô cùng đặc biệt của phái Hằng Sơn, từ nhỏ Nghi Lâm đã được Định Dật Sư Thái nuôi dưỡng trong Ni Am Hằng Sơn, sáng chiều chỉ biết tụng kinh gõ mõ, niệm Phật. Nhưng lớp áo Ni Cô nâu sòng mà cô đã mặc từ nhỏ không rời đã không ngăn giữ được trái tim cô khỏi rung động trước chàng trai nghiã hiệp nhân ái Lệnh Hồ Xung, từ sau khi cô được Lệnh Hồ Xung liều mình đấu võ với dâm tặc Điền Bá Quang để giải cứu. Cả hai cô nàng tuyệt tuyệt sắc giai nhân, Doanh Doanh và Nghi Lâm đều đem lòng nhung nhớ, yêu thương Lệnh Hồ Xung, nhưng Nhạc Linh San, cô tiểu sư muội thân yêu chung sống cùng Lệnh Hồ Xung từ nhỏ, bao nhiêu kỹ niệm, bao nhiêu thân tình…, sau cùng đã hướng hết tâm tình con gái của mình cho một chàng trai xa lạ là Lâm Bình Chi!

Dĩ nhiên là Lệnh Hồ Xung phải chúc phúc cho cô tiểu sư muội Nhạc Linh San lấy chồng, dĩ nhiên là Lệnh Xung không thể cưới tiều sư cô Nghi Lâm dù có bị cha mẹ Nghi Lâm bắt buộc như thế nào đi nữa, nhưng còn nữ đại ma đầu Nhậm Doanh Doanh, thì Lệnh Hồ Xung sẽ phải xử sự như thế nào? Lệnh Hồ Xung không thể làm con rễ của Giáo Chủ tà giáo Nhậm Ngã Hành, một kẻ vô cùng tàn bạo, độc ác, nhưng Lệnh Hồ Xung cũng không thể từ chối mối tình thâm của một người thiếu nữ đã vì chàng mà đã dám hy sinh tất cả,dám từ bỏ tất cả điạ vị, uy quyền… Thánh Cô Thần Giáo, đã chọn lựa Lệnh Hồ Xung, đã từ bỏ tông giáo, đã từ bỏ giang hồ, đã dám cùng chàng chịu hết mọi nỗi gian nguy của cuộc đời…

Cái khó của một người anh hùng là làm sao để sống một đời sống của một con người xứng đáng con người nhân linh hơn hết muôn loài vạn vật, sống mà không thẹn với trời đất cỏ cây, 30 năm cũng chết mà 100 năm cũng chết, chết sớm một chút và chết trễ một chút, đối với một người anh hùng, thì không có gì là khác biệt, cho nên người anh hùng thì không sợ chết. Anh hùng hào kiệt thì nhất định là phải gan dạ, phải can đảm hơn người, nhưng mà có những kẻ rất là gan dạ, có những kẻ không hề biết sợ chết là gì, có những kẻ không màng đến mạng sống của mình, thì cũng chưa chắc họ đã là những kẻ anh hùng. Gan dạ, can đảm gì đi nữa thì cũng chỉ mới là một đức tính cần có, phải có của người anh hùng nhưng vẫn chưa phải là anh hùng, những kẻ gan dạ thì cũng chưa phải là anh hùng, mà những kẻ dám chết, hay là lúc nào cũng sẵn sàng liều mạng, liều chết, vân vân. Những kẻ hắc đạo, tà giáo còn thừa can đảm hơn những con người chánh đạo, chánh giáo rất nhiều, nhưng mà họ không phải là anh hùng, một anh hùng phải có những đức tính nhân nghiã, đạo đức...

Nói về anh hùng, người xưa vốn có câu nói  nổi danh thiên cổ “chớ đem thành bại luận anh hùng”, chẳng những không xem chuyện thành bại của họ, mà chúng ta cũng không đem chuyện sống chết của họ để bàn luận chuyện anh hùng. Muốn nói chuyện anh hùng thì chúng ta còn phải coi, còn phải xem xét nhiều việc, nhiều điều, nhiều chuyện lắm; nói gan dạ thì còn phải coi là gan dạ vì cái gì; nói là dám chết thì còn phải coi là dám chết vì cái gì, vì lẽ gì, vì điều gì, vân vân…, thì chúng ta mới có thể nói chuyện anh hùng hay không anh hùng được, chúng ta mới có thể nói chuyện hào kiệt hay không hào kiệt được. Lệnh Hồ Xung thì chưa thể được coi là một anh hùng, hào kiệt gì cả, bởi vì hai chữ anh hùng hào kiệt phải có những tầm vóc rất lớn, những hoài bão rất lớn, những sự nghiệp rất lớn, như những mẫu chuyện bàn luận anh hùng giữa Tào Tháo và Lưu Bị trong truyện Tam Quốc Chí rất nổi tiếng của Trung Hoa.

Lệnh Hồ Xung thì không phải là một anh hùng, cũng không phải là một hào kiệt, chàng chưa có đủ cái tầm vóc của một anh hùng hào kiệt trong thiên hạ, cả 13 truyện kiếm hiệp của Kim Dung đều không có một nhân vật nào có được tầm vóc xứng danh là hào kiệt, anh hùng. Kể cả nhân vật Trần Cận Nam, Tổng Đà Chủ Thiên Địa Hội trong Thư Kiếm Ân Cừu Lục, hay trong Lộc Đỉnh Ký, cũng chưa đủ xứng danh anh hùng, hào kiệt, kể cả nhân vật võ nghệ, tài năng tư cách đều trác tuyệt là Tiêu Phong trong Lục Mạch Thần Kiếm cũng còn chưa xứng hai chữ hào kiệt, anh hừng. Trong truyện nầy thì Lệnh Hồ Xung, tuy chưa thể gọi là anh hùng hào kiệt gì cả, nhưng mà Lệnh Hồ Xung cũng đã có được những bản sắc của một người anh hùng so với bao nhiêu nhân vật giang hồ khác. Một cách tương đối chính xác, có thể nói Lệnh Hồ Xung là một chàng trai niên thiếu giàu lòng nghiã hiệp, một tiểu hiệp sĩ giang hồ trong một thời đại xa xưa, trong một thời kỳ hỗn loạn, không có vương pháp, không có luật pháp, chỉ có sức mạnh của đao kiếm, của bạo lực thống trị!.

Lệnh Hồ Xung đã vì những tánh chất hiệp sĩ của mình mà bị lôi cuốn vào những phong ba của dòng đời, càng lúc càng xa và càng lúc càng không thể trở lại với môn phái Hoa Sơn, dù khi mọi nỗi oan tình đã được giải toả. Lệnh Hồ Xung đã không thể trở về với với sư phụ, sư mẫu, những người thân yêu duy nhất trên đời, mà chàng đã hết lòng kính mến, hết dạ tôn thờ, đã từng phải mang ơn nuôi dưỡng, dạy dỗ võ công từ tấm bé. Bởi vì sư mẫu chàng, Ninh Trung Tắc Nữ Hiệp, đã phải tự tử chết rồi, bởi vì sư phụ chàng đã không còn là một Quân Tử Kiếm năm xưa, mà đã là một con người khác hẵn hoàn toàn, một kẻ hiện nguyên hình tà ác, bất nghiã, bất nhân, một kẻ vì lòng tham danh lợi, uy quyền,…, đã làm nên nhiều tội ác không thể dung thứ, một kẻ bại hoại của võ lâm, cần phải bị võ lâm tiêu diệt, khai trừ.

Lệnh Hồ Xung đã không thể trở về với cô tiểu sư muội ngây thơ Nhạc Linh San đầy ắp những kỹ niệm thời thơ ấu, chàng không còn luyến tiếc chuyện tình yêu với cô Tiểu sư muội xinh đẹp năm xưa, bởi vì chàng đã có Doanh Doanh xinh đẹp bên mình, nhưng chàng vẫn còn đó, nỗi đau lòng vì cái chết bi thương của Nhạc Linh San, cô đã bị Lâm Bình Chi giết chết. Lệnh Hồ Xung cũng không thể trở về tìm kiếm người sư đệ chân thành Lục Đại Hữu, người đã bị nhị đệ Lao Đức Nặc, một tên gián điệp nằm vùng của phái Tung Sơn giết chết để đoạt bí kíp Tử Hà Thần Công. Lệnh Hồ Xung đã không thể trở về với nguyên vẹn những anh em sư đệ đồng môn vui vẻ, thân thiết ngày xưa trên đỉnh núi Hoa Sơn, bởi vì Nhạc Bất Quần đã muốn thực hiện giấc mộng “bá chủ võ lâm, nhất thống thiên hạ”.

Để có thể thực hiện giấc mộng bá chủ võ lâm, Nhạc Bất Quần phải tìm đủ mọi cách thức, mọi âm mưu, mọi quỉ kế, bất kể thủ đoạn bất nhân, đê hèn nào… để đoạt được môn võ công thượng thừa là “Tịch Tà Kiếm Pháp” của gia tộc Lâm Chấn Nam, đã bất chấp mọi thủ đoạn, đã ném đá giấu tay, đã âm thầm tiêu diệt Phước Oai Tiêu Cục, đã bức bách Lâm Bình Chi tới bước đường cùng phải đầu phục làm môn hạ phái Hoa Sơn, đã hy sinh cả hạnh phúc của con gái cưng duy nhất của mình là Nhạc Linh San bằng cách cố tình tách rời Nhạc Linh San ra khỏi Lệnh Hồ Xung, tạo mọi cơ hội cho Nhạc Linh San gần gũi Lâm Bình Chi, đã vu oan giá hoạ cho Lệnh Hồ Xung những tội ác mà Nhạc Bất Quần biết rất rõ Lệnh Hồ Xung không có phạm phải, vân vân và vân vân. Nhạc Bất Quần đã tuần tự nhi tiến, đã đánh cắp được bí kíp võ công của gia tộc Lâm Bình Chi, và đã luyện thành môn kiếm thuật siêu đẳng là Tịch Tà Kiếm Pháp, đã giết chết mọi đối thủ, bạn cũng như thù, kể cả Định Dật Sư Thái của môn phái Hằng Sơn, chỉ vì bà nầy đã phản đối kế hoạch hợp nhất ngũ nhạc kiếm phái, tức là chống lại ý định thôn tính ngũ nhạc kiếm phái của Nhạc Bất Quần!

Nhưng Tịch Tà Kiếm Pháp, như tên gọi của nó, là một môn kiếm pháp tà đạo, người luyện nó trước hết phải tự hoạn để trở thành một người đàn ông không còn bộ phận sinh dục đàn ông, hình thù thay đổi, và đặc biệt là tánh tình thay đổi, trở thành một kẻ tâm tánh bất bình thường, tà đạo, độc ác, bất nhân, tham lam danh vọng, quyền uy vô độ. Nhạc Bất Quần, sau khi đã luyện xong Tịch Tà Kiếm Pháp đã không còn là một Quân Tử Kiếm, mà đã trở thành một tên đại ma đầu, độc ác, bất nhân, sẵn sàng giết hết những ai không chịu quy phục, tung hô hắn là minh chủ võ lâm. Dĩ nhiên là cũng có một số kẻ tham sống sợ chết đã thần phục hắn, đã tung hô hắn, nhưng mà võ lâm cũng còn có những người gan dạ, những người nghiã khí, những người anh hùng, vân vân, trong số đó có Lệnh Hồ Xung.

Mặc dù là hoàn toàn không muốn đương đấu với Nhạc Bất Quần, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất kỳ tình huống nào, vì những mối liên hệ sư môn cũ, vì bản chất không tranh cường hiếu thắng của Lệnh Hồ Xung, nhưng cuối cùng thì trận ác đấu không thể nào tránh khỏi được cũng đã xảy ra giữa Lệnh Hồ Xung và Nhạc Bất Quần. Dĩ nhiên đây là một trận đấu trời long đất lở giữa hai kẻ võ công cao nhất trong thiên hạ, Nhạc Bất Quần có Tử Hà Thần Công và Tịch Tà Kiếm Pháp, còn Lệnh Hồ Xung thì có Hấp Tinh Đại Pháp và Độc Cô Cửu Kiếm, kiếm pháp đánh khắp thiên hạ vô địch thủ của Độc Cô Cầu Bại. Kết quả trận đấu sanh tử, Lệnh Hồ Xung đã thắng, còn Nhạc Bất Quần thì đã bị đám đệ tử Hằng Sơn phóng kiếm báo thù cho sư phụ của họ là Định Dật Sư Thái.

Mặc dù chiến thắng kẻ thù gian ác nhất đội lốt chính nhân quân tử, đội lốt một lãnh tụ của danh nhân chính phái là Nhạc Bất Quần, nhưng Lệnh Hồ Xung đã không màng đến bất cứ một chức vị nào, không màng một danh xưng, danh phận nào hết; ngay cả chức vị Chưởng Môn phái Hằng Sơn mà chàng đã phải tạm thời tiếp nhận sau khi Định Dật Sư Thái chết, chàng cũng trao lại cho Nghi Lâm, ngũ nhạc kiếm phái từ nay lại trở về nguyên vẹn ngũ nhạc kiếm phái, Nhật Nguyệt Thần Giáo giải tán. Một chàng lãng tử giang hồ tên họ Lệnh Hồ Xung, không chức tước, không địa vị, không quyền thế, không danh phận, không công danh,…., từ nay cùng với Doanh Doanh hiền nội, không còn là Thánh Cô ngày nào, tiếu ngạo giang hồ, khi vào rừng trúc, mái tranh êm đềm, khi lên đỉnh núi non cao, sương khói lênh đênh, sáng chiều hợp tấu khúc nhạc cầm tiêu “Tiếu Ngạo Giang Hồ”….

Cuốn truyện đã xếp lại, cuốn phim đã xem xong, vấn đề là chúng ta còn lại những dư âm gì, những dư vị gì, những dư vang gì?..., tôi quả thật rất ghê ghét những dư vị của những trận đấu đá kinh hồn, nhất là dư vị ghê khiếp máu xương của những cuốn phim truyện kiếm hiệp đầy xảo thuật hiện nay, những dư vị nhạt hơn rất nhiều khi tôi đọc sách. Rất tiếc là người ta đã khai thác quá nhiều những cảnh đánh đấm nhau trong những phim truyện kiếm hiệp, người ta khai thác những sở thích bạo lực, đấu đá của con người, một sự khai thác thiếu đạo đức, thiếu lương tâm! Tôi thích coi những phim truyện kiếm hiệp có ít màn đánh đấm nhất, càng ít càng tốt, với tôi thì phim càng có ít màn đấu võ thì càng hay, vì tôi quan niệm người hiệp sĩ chân chính nhất phải là một người không có rút kiếm bao giờ, thậm chí phải là một người không bao giờ cầm lên thanh kiếm. Làm sao để có thể đánh ngã hết mọi kiếm sĩ trong một lúc mà không cần cầm thanh kiếm nào trong tay thì mới thực sự là một kiếm sĩ cao cường, tôi rất trông chờ nhưng vẫn chưa thấy người hiệp sĩ chân chính nầy xuất hiện, dù là trong những phim truyện kiếm hiệp của Kim Dung.

Chúng ta chỉ còn có thể tìm kiếm những bóng dáng của những người hiệp sĩ chân chính đâu đó, ở nơi nầy, nơi kia, trong nhân vật nầy, nhân vật khác…chúng ta tìm kiếm bóng dáng của những anh hùng hiệp sĩ nầy là để nuôi dưỡng những nhân cách, những lương tri, những lương tâm, những hiệp nghiã, những hiệp khí, vân vân, …trong lòng mình, đó là cái lợi lớn nhất khi ta đọc truyện kiếm hiệp, khi ta xem phim kiếm hiệp. Trong “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, nhân vật hiệp nghiã nhất dĩ nhiên là nhân vật Lệnh Hồ Xung, nhân vật chánh, nhân vật được nhiều người trong truyện thích, mà nhiều người chỉ là khán giả, chỉ là độc giả cũng yêu thích chàng trai nầy. Vấn đề là lý do tại sao Lệnh Hồ Xung được nhiều người yêu mến, nguyên nhân tại sao chúng ta yêu mến Lệnh Hồ Xung, chúng ta yêu mến chàng ta cái gì, vân vân.

Người đầu tiên yêu mến tiểu tử Lệnh Hồ Xung là tên Đại Đạo Hái Hoa, Ác tặc Điền Bá Quang; vì giải cứu cho Ni Cô Nghi Lâm bị Điền Bá Quang truy bắt mà Lệnh Hồ Xung đã ra tay quyết đấu với Điền Bá Quang, tuy võ công không bằng Điền Bá Quang nhưng mà Lệnh Hồ Xung không bao giờ chịu ngưng trận đấu khi chưa cứu được tiểu ni cô Nghi Lâm. Cái anh hùng của Lệnh Hồ Xung là chỗ nầy, cái Điền Bá Quang bội phục Lệnh Hồ Xung cũng là ở chỗ nầy, chúng ta nói câu “không đem thành bại luận anh hùng” của người xưa cũng là nói cái thành bại anh hùng nầy.

Lệnh Hồ Xung là một đại đệ tử của danh môn chính phái nhưng lại thắng Điền Bá Quang trong một trò chơi đấu cá mánh mung, lường gạt; còn Điền Bá Quang, một tên dâm tặc bá đạo, không hề coi vương đạo, luật pháp là gì, nhưng lại có thể chấp nhận thua Lệnh Hồ Xung dù cho biết là mình đã bị Lệnh Hồ Xung lừa gạt. Như vậy thì thực sự Điền Bá Quang có phải là một con người thật sự xấu xa, người bị võ lâm chính phái căm ghét, thù hận, Nhạc Bất Quần đã kết tội Lệnh Hồ Xung là đã dám kết giao với ác tặc Điền Bá Quang, phạm vào giới cấm, bang qui: không được kết giao với người tà giáo. Đến hồi kết cuộc, so sánh cuộc đời, cử chỉ, hành vi của hai nhân vật chánh tà, một Quân Tử Kiếm Nhạc Bất Quần và một Ác Tặc Điền Bá Quang thì tôi nhận thấy là Điền Bá Quang có rất nhiều ưu điểm, một con người trọng tín nghiã, khí khái, anh hùng, biết trọng bạn bè bằng hữu anh em, không bao giờ hiếp đáp người cô thế, dù có đánh bại kẻ địch thì vẫn muốn cho kẻ địch tâmphục khẩu phục chớ không chịu dùng âm mưu trí trá hại người, đại đạo hái hoa nhưng chỉ hái những bông hoa thuận tình chớ không bao giờ chịu cưỡng hiếp người không thuẫn tình, đây là một mẫu người bá đạo nhưng mà là anh hùng!. Không phải Điền Bá Quang chấp nhận thua võ công Lệnh Hồ Xung mà là chấp nhận thua cái dũng khí và hiệp nghiã của Lệnh Hồ Xung, một người dám chết để bảo vệ cho một kẻ bị hiếp đáp là Nghi Lâm Tiểu Ni Cô không quen biết, và chính là cái thái độ nhận thua nầy mới là cái bản sắc anh hùng. Trong khi đó thì ngược lại, Nhạc Bất Quần mặc dù mang danh Quân Tử Kiếm, điạ vị Chưởng Môn Nhân Hoa Sơn, nhưng tâm điạ, hành vi, thái độ… đều thua xa nhân vật ác bá Điền Bá Quang.

Có nhiều người không ưa và chê trách nhiều về nhân vật nữ Nhạc Linh San, có thể có nhiều lý do khác nhau, có thể là vì người ta đã yêu mến nhân vật Lệnh Hồ Xung quá mà đâm ra giận lây tới cô gái đã phụ tình Lệnh Hồ Xung, cô gái đã làm cho Lệnh Hồ Xung phải đau khổ, đau buồn, như tâm trạng của Lục Sư Đệ Lục Đại Hữu khi thấy Nhạc Linh San thân mật với Lâm Bình Chi, không ngó ngàng gì đến Lệnh Hồ Xung. Ngoài chuyện phụ tình và còn có thể nói là phản bội Lệnh Hồ Xung, Nhạc Linh San còn có nhiều cái lỗi khác đối với Lệnh Hồ Xung, cô ta đã nhiều lần nghi oan, nghĩ xấu về hành động, tư cách của Lệnh Hồ Xung, đây là những điều làm cho Lệnh Hồ Xung đau lòng hơn cả chuyện Nhạc Linh San yêu Lâm Bình Chi. Nhưng cái đáng chê trách nhất của Nhạc Linh San, theo tôi là cái bất cận nhân tình của cô đối với vị Đại Sư Huynh Lệnh Hồ Xung của cô, khi Lệnh Hồ Xung bị thương tích trầm trọng, trong khi gần như tất cả mọi người đều lo lắng quan tâm, chỉ có cô là người gần như duy nhất không muốn dòm ngó đến Lệnh Hồ Xung!

Nhạc Linh San có quyền yêu Lâm Bình Chi, hay yêu đương bất kỳ một chàng trai nào khác, con tim có những lý lẽ riêng của nó, không ai có thể ép buộc được tình yêu, kể cả những bậc làm cha mẹ. Nhạc Linh San có quyền phụ tình Lệnh Hồ Xung, cái nầy không ai bắt lỗi nàng, không ai có thể ép buộc nàng phải đáp trả tình yêu của Lệnh Hồ Xung, tôi cũng không hề trách nàng về điểm nầy; nhưng quên hết những năm tháng sống chung, thanh mai trúc mã, không tin tưởng nhân cách Lệnh Hồ Xung để có thể nhiều lần nghi oan, nhiều lúc nhục mạ Lệnh Hồ Xung, thì quá thật là Nhạc Linh San rất đáng chê trách. Về phương diện nầy thì Nhạc Linh San không hề bằng một ác tặc Điền Bá Quang, chỉ cần một lần gặp gỡ, mà lại là lần gặp gỡ trong tranh đấu gươm đau một mất một còn, vậy mà Điền Bá Quang lại đã có thể trọn đời tin tưởng con người, tin tưởng tư cách Lệnh Hồ Xung, vậy mà Nhạc Linh San thì lại không hề tin tưởng tình yêu, không hề tin tưởng tư cách của người Đại Sư Huynh trọn đời tử tế, thương yêu nàng!.

Về phương diện nầy thì Nhạc Linh San cũng không thể nào so sánh được với Tiểu Sư Cô Nghi Lâm, chỉ cần một lần gặp gỡ thì cũng đã đủ để cả một đời Nghi Lâm yêu mến và tin tưởng Lệnh Hồ Xung, bất kể tình huống gì, bất kể hoàn cảnh gì, Nghi Lâm cũng nhất định tin tưởng con người Lệnh Hồ Sư Huynh của nàng, đây là điểm tuyệt vời nhất của Ni Cô Nghi Lâm đối với Lệnh Hồ Xung, điểm đáng yêu nhất, đáng qúi nhất của nhân vật Tiểu Ni Cô Nghi Lâm. Dĩ nhiên là Nhạc Linh San cũng không thể nào so sánh được với Thánh Cô Nhậm Doanh Doanh, mặc dù là kẻ thù gần như không đội trời chung, nhưng Doanh Doanh tuyệt đối tin tưởng tư cách của Lệnh Hồ Xung, và chính điều nầy cuối cùng Doanh Doanh đã chinh phục hoàn toàn tình yêu của Lệnh Hồ Xung. Điểm nầy chúng ta thấy có phần tương đồng với tình yêu của Triệu Minh đối với Trương Vô Kỵ trong Cô Gái Đồ Long, cũng là thứ tình yêu giữa hai kẻ hoàn toàn đối nghịch nhau, nếu như không có tấm lòng kính trọng tư cách tuyệt đối của người tình thì Triệu Minh không thể có tình yêu của Trương Vô Kỵ. Người nam nhân thì cần nhất là lòng tin tưởng tư cách của người phụ nữ đối với mình, hơn tất cả mọi cái, hơn tất cả mọi thứ, kể cả tình yêu hay nhan sắc, thà người đàn bà không yêu mình,cái nầy cũng không sao, nhưng người đàn ông hận nhất chính là sự người đàn bà không tôn trọng tư cách nam nhân của mình, phẩm hạnh đạo đức của mình.

Tôi yêu hầu hết những nhân vật chánh của những tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung là vì những điểm nầy, điểm nhân cách của nhân vật, từ nhân vật Trương Vô Kỵ của Cô Gái Đồ Long, đến nhân vật Địch Vân của Liên Thành Quyết, nhân vật Quách Tĩnh của Anh Hùng Xạ Điêu, nhân vật Bang Chủ Kiều Phong của Thiên Long Bát Bộ, đến nhân vật lệnh Hồ Xung của Tiếu Ngạo Giang Hồ nầy. Có một nhận xét là hầu hết những nhân vật chính của những tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung đều có xuất thân là những đứa trẻ mồ côi không có cha mẹ nuôi lớn, đều có một quá khứ cô đơn, đau buồn, đều có những thời gian niên thiếu bất hạnh, phong ba, …nhưng mà cũng không vì vậy mà nó không có tư cách, không có đạo đức, trái lại đó lại là những con người chân chánh, anh hùng, những chính nhân, quân tử mà càng hoạn nạn càng được trui rèn, càng gian nan càng trở nên sắt thép, can cường.

Một nhận xét khác cũng khá thú vị là những chàng trai thành thật, chơn thuần nầy lại có những mối tình khắng khít keo sơn với những cô gái có nhiều cá tính, chớ không phải là những cô gái ngây thơ, hiền lành! Trong Cô Gái Đồ Long, nhân vật anh hùng Trương Thúy Sơn, một chính nhân quân tử đã kết hôn với Ân Tố Tố, cô con gái đầy cá tính của Bạch Mao Ưng Vương Ân Thiên Chính, rồi con trai của Trương Thúy Sơn là Trương Vô Kỵ lại kết hôn với Quận Chúa Mông Cổ Triệu Minh. Trong tuyện Anh Hùng Xạ Điêu, trâu nước Quách Tĩnh đã kết hôn với Bang Chuá Cái Bang Hoàng Dung, con gái của Đông Tà Hoàng Dược Sư, còn trong truyện nầy thì tới phiên Lệnh Hồ Xung gắn bó với Thánh Cô Nhậm Doanh Doanh, con gái của Giáo Chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo Nhậm Ngã Hành.

Tình yêu có thể làm thay đổi con người, có thể biến một người xấu thành ra tốt, và dĩ nhiên là có thể ngược lại, tình yêu có thể biến một người tốt thành ra xấu; trong nhiều tác phẩm, Kim Dung đã dùng tình yêu để biến cải tâm trạng, tánh tình của những người đàn bà xấu trở thành những nhân vật tốt, cám ơn Kim Dung vì quan điểm nghệ thuật nầy, tôi rất ghét những tác phẩm văn chương diễn tả hay biến đổi những người phụ nữ, đàn bà trở thành những kẻ xấu xa. Tôi tin tưởng rằng Thượng Đế sinh ra đàn bà là để làm những con người tốt trên cõi trần gian nầy, bất kể lầm lỗi nào của họ cũng có thể tha thứ và có thể sữa đổi, ngay cả nhân vật Nhạc Linh San trong truyện nầy cũng không phải là một người xấu, nàng có quyền yêu Lâm Bình Chi, và nàng thật tuyệt vời khi dâng hiến hết con tim, cuộc đời, thân thế cho người nàng yêu, chỉ trách Lâm Bình Chi chỉ có lòng thù hận mà không có tình yêu trong lòng, cho nên cuối cùng thì Nhạc Linh San đã phải trả một cái giá quá đắt cho tình yêu của nàng, cái chết trong tay Lâm Bình Chi!.

Nhân vật Nhạc Phu Nhân, nữ hiệp Ninh Trung Tắc, mẹ của Nhạc Linh San là một mẫu người đàn bà rất tuyệt vời, bà có đầy đủ tất cả yếu tố cần thiết của một vị phu nhân, rất tiếc Nhạc Bất Quần đã không biết qúi trọng tất cả những cái hạnh phúc mà ông đã có, để chỉ chạy theo những ảo ảnh của tên tuổi, điạ vị, tiếng tăm giang hồ, vân vân. Và để cuối cùng thì phải bị mất hết tất cả; cái chết của Nhạc Phu Nhân là một trong những cái chết đầy xúc động và bi thảm của câu chuyện Tiếu Ngạo Giang Hồ, nhưng chuyện tự tử của Nhạc Phu Nhân là một lựa chọn duy nhất, sự sống của Phu Nhân đã hoàn toàn mất hết ý nghiã đối với bà, đứa con gái cưng yêu duy nhất đã bị giết, người chồng mà bà từng hãnh diện là một Quân Tử Kiếm đã biến thành một tên đại ma đầu của võ lâm, nghiã là đã không còn là chồng của bà nữa, và như vậy thì những ngày tháng còn lại của bà trên đời chỉ là những ngày tháng của đau khổ và tủi nhục mà thôi.

Trong những truyện khác của Kim Dung, chúng ta thấy Nhân vật Thủy Linh trong Liên Thành Quyết đã thay đổi tánh tình khi yêu Địch Vân, nhân vật Ân Tố Tố trong Cô Gái Đồ Long đã thay đổi tánh tình khi yêu Trương Thúy Sơn, nhân vật Triệu Minh đã thay đổi tánh tình khi yêu Trương Vô Kỵ, và trong Tiếu Ngạo Giang Hồ nầy thì nhân vật Thánh Cô Nhậm Doanh Doanh đã thay đổi tánh tình hoàn toàn, trở nên thuần thục ngoan hiền khi yêu Lệnh Hồ Xung. Nhưng ngược lại, nhân vật Chu Chỉ Nhược trong Cô Gái Đồ Long đã từ một cô gái thơ ngây, hiền thục đã trở nên một cô gái độc ác, hung dữ, thủ đoạn, gian manh, vân vân, tất cả chỉ vì mối hận tình yêu đối với Trương Vô Kỵ, nhân vật Mã Phu Nhân trong Lục Mạch Thần Kiếm cũng là một mẫu người đàn bà trở nên độc ác, gian manh, bất cận nhân tình khi đánh mất tình yêu, cám ơn Kim Dung đã không đưa ra quá nhiều nhân vật nữ ma đầu như vậy.

Không chỉ có những mối hận tình yêu, mà gần như là bất cứ mối hận, oán, oan, thù… nào cũng có thể làm cho người ta phải biến đổi cả tâm tánh, biến đổi cả con người, và sau cùng thì có thể phải đánh mất tất cả, không chỉ có đánh mất tình yêu mà người ta còn có thể đánh mất nhiều thứ khác, những thứ lẽ ra thì mình không phải đánh mất như: tư cách, thân phận, tiền tài, điạ vị, công danh, sự nghiệp, đạo đức, vân vân. Lâm Bình Chi là một thí dụ điển hình của lòng thù hận, của ý muốn báo thù sâu sắc đến bất cần sự việc, bất cận nhân tình, bất cần hậu qủa! Tình cảnh của Lâm Bình Chi có thể đáng thương, nhưng lòng thù hận của Lâm Bình Chi quá sâu nặng cho nên cuối cùng Lâm Bình Chi cũng đã mất hết tất cả, mà không hề được bất cứ cái gì. Nhân vật Du Thản Chi trong truyện Thiên Long Bát Bộ cũng là một con người mang lòng thù hận sâu xa bất cận nhân tình và cũng có cái kết cuộc bi thảm như nhân vật Lâm Bình Chi. Nhân vật Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, nghiã phụ của Trương Vô Kỵ cũng là một mẫu người mang nặng lòng thù hận, mang nặng ý định trả thù nên cũng đã gây nên bao nhiêu điều tội nghiệt.

Lòng tham lam cũng là một tai hoạ của con người, chính là lòng tham lam vô độ: tiếng tăm, danh vọng, quyền uy minh chủ võ lâm đã dẫn dắt nhân vật Quân Tử Kiếm Nhạc Bất Quần đến cảnh cửa nát nhà tan, vợ con chết hết, thân tàn ma dại, mà không có được bất cứ một điều lợi nào cả. Những nhân vật tham lam khác như Minh Chủ Tả Lãnh Thiền, như Chưởng Môn Nhân Thanh Thành phái Dư Thương Hải, như Giáo Chủ Tà Giáo Đông Phương Bất Bại, như Giáo Chủ Nhậm Ngã Hành, vân vân, tất cả đều phải trả một cái giá rất đắc cho lòng tham lam vô độ của mình. Nếu như tất cả những nhân vật nầy đều dừng lại ở những gì mình có thì họ đã không phải bị hại, không phải sau cùng phải mất hết tất cả, và điều quan trọng hơn hết là họ đã không phải nhúng tay vào bao nhiêu tội ác, giết hại bao nhiêu mạng người, gây ra bao nhiêu đau thương, nhân quả…. Đó là những cái khuyết điểm, những thất bại của những nhân vật giả tưởng trong sách truyện, không phải là những nhân vật thật, nhưng quan trọng là từ những khuyết điểm và thất bại của những nhân vật giả tưởng nầy, chúng ta có thể rút ra được những kinh nghiệm gì, những bài học gì cho những hạnh phúc, những khổ đau, những thành bại của cá nhân mình.

Đọc một cuốn sách, chúng ta không nhất thiết phải cần biết đến tên tuổi tác giả, tác phẩm, không cần lưu tâm cuốn sách dầy mỏng ra sao, mắc rẻ thế nào, xem một cuốn phim, không nhất thiết phải là chọn lựa một đề tựa gì, một đề tài gì, dài ngắn ra sao, hấp dẫn hay không hấp dẫn.  Điều quan trọng, theo tôi có lẽ là những cái nầy, những bài học tâm lý, tâm tình, những bài học tư tưởng, đạo đức, những bài học kinh nghiệm đường Đạo, đường Đời, vân vân. Và nếu như may mắn có được thêm một chút nữa, chúng ta có được những bài học triết học và những bài học tâm linh từ những câu chuyện, từ những sự việc, từ những sự vật, từ những con người trong sách vở, phim truyện, …, kể cả những tiểu thuyết kiếm hiệp giả tưởng, những phim truyện kiếm hiệp tưởng tượng như phim truyện “Tiếu Ngạo Giang Hồ” nầy, từ những nhân vật tốt tới những nhân vật xấu, từ những việc thành tới những việc bại, vân vân,…, thì đó sẽ là những phần thưởng, những lợi ích thực sự của chúng ta, không phải chỉ là những thứ giải trí, vui cười, giải khuây...

Tâm Linh là những bài học luôn luôn ích lợi và cần thiết cho tất cả mọi người, chúng ta có thể tìm thấy những bài học tâm linh bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu, kể cả trong những sách truyện, những phim ảnh, những kịch nghệ, vân vân, cả những sách truyện gần như chỉ có tính cách giải trí như những tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, như truyện tiểu thuyết kiếm hiệp Tiếu Ngạo Giang Hồ nầy. Nếu biết học hỏi, thì dù chỉ là xem một phim truyện kiếm hiệp gồm có những màn đấu đá võ nghệ như Tiếu Ngạo Giang Hồ, chúng ta cũng có được muôn ngàn bài học, đạo đức, tâm linh, vân vân, để chúng ta có thể học hỏi, chúng ta có thể thực hiện, thực hành những điều lợi ích cho mình, cho người; từ những môn kiếm pháp võ công xưa cũ, giả tưởng, chúng ta có thể học hỏi được những môn kiếm pháp võ công mới, cụ thể và thiết thực: Tâm Linh Kiếp Pháp.

Không có một bất kỳ một thứ gươm đao sắt thép nào, dù qúi báu tới đâu mà có thể giết được hết tất cả những kẻ thù của chúng ta, nhất là những kẻ thù giấu mặt, vô hình: ân oán, hận thù, sân si, mê muội, ganh ghét, tị hiềm, vô minh, vân vân. Chỉ có môn “Tâm Linh Kiếp Pháp” tức là những bài học tâm linh mới thực sự là những thứ kiếm pháp có những uy lực lớn nhất đối với con người. Đó là những bài học có nhiều năng lực nhất để dẫn dắt chúng ta ra khỏi những mê lộ của ân oán hận thù,… mức độ nầy hay mức độ khác,… tính cách nầy hay tính cách khác, …mà hệ lụy của nó là những khổ đau, những phiền muộn hằng ngày, hằng giờ …của tất cả chúng ta. Chỉ có những bài học triết học và tâm linh, mới có khả năng dẫn dắt chúng ta tìm về ánh sáng của minh triết giác ngộ, chỉ có thứ kiếm pháp tâm linh vô hình là giác ngộ, minh triết mới có thể giúp chúng ta giải thoát những vòng khổ ải nhân gian, những vòng khổ ải của tục lụy thế nhân: ân oán, hận thù, vân vân, …chỉ có những tâm pháp của tâm linh mới là những phương tiện hữu hiệu nhất để chúng ta tìm thấy những điều ước mơ thường nhật, thường hằng nhân sinh: chân lý, hạnh phúc, bình an…

  • Thái Nam Trân

No comments:

Post a Comment